HIỂU LẦM VỀ XÁ LỢI
23/01/2018
HOẰNG PHÁP GIEO CHỦNG TỬ A MI ĐÀ PHẬT
23/01/2018

Ý NGHĨA Y KINH VÀ Y GIÁO

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Đa số chúng ta vẫn chưa hiểu được ý nghĩa y Kinhy giáo mà Phật đã dạy trong Kinh. Chúng ta xưa nay, ai cũng tự cho mình là đệ tử của Phật, thuyết pháp y Kinh và tu hành y giáo. Nhưng trên thực tế, trong chúng ta có mấy ai thuyết pháp y Kinh và tu hành y giáo? Nếu chúng ta, ai nấy cũng thuyết pháp y Kinh và tu hành y giáo, thì hơn hai ngàn năm nay, tứ chúng đệ tử của Phật không bị rơi vào tình trạng tranh chấp, đố kỵ, hơn thua và đạo Phật cũng không bị người đời hiểu lầm cho là đạo tiêu cực và mê tín dị đoan.

Kính thưa quý bạn! Kinh Phật không phải để cho chúng ta ở đây học thuộc lòng, rồi đem ra nói huyền nói diệu hay là tranh chấp hơn thua với nhau từng từ ngữ, mà Kinh Phật là để cho chúng ta thật học, thật hành, thật tu, thật chứng và thật độ chúng sanh.

I. Ý nghĩa y Kinh

Y là như; Kinh là thật tánh (tức là như chân tâm Diệu tánh). Trong 49 năm thuyết pháp của Phật, quy tụ lại chỉ có một chữ Tâm. Tất cả lời Phật dạy trong ba Đại Tạng Kinh là phương tiện, là kim chỉ nam, là bản đồ giúp cho chúng ta biết phương hướng đường đi, để trở về với chân tâm Diệu tánh của ta.

Nếu chúng ta học Kinh Phật mà không thật tâm tu hành, không thật độ chúng sanh thì cho dù ta có học thuộc lòng ba Đại Tạng Kinh của Phật thì cũng chỉ luống công thôi. Không những là uổng công phí sức mà còn hại mình và hại chúng sanh nữa là khác. Tại sao? Vì Kinh Phật không thể nào dùng thế trí biện thông si mê, điên đảo của chúng ta mà giảng giải được. Nếu chúng ta giảng như vậy sẽ oan ức cho chư Phật ba đời. Ý nghĩa thuyết pháp y Kinh mà Phật dạy trong Kinh có tiêu chuẩn rõ ràng, không phải ta muốn tự nhận là được đâu. Cho dù ta có tự nhận nhưng chư Phật, chư Bồ tát và chư Long Thần Hộ pháp cũng không chấp nhận. Người có thể thuyết pháp y Kinh là những người con Phật thật học, thật tu, thật chứng và thật độ chúng sanh, thì mới có đủ đạo hạnh và trí tuệ để khai triển thánh ý của Như Lai. Còn chúng ta chưa thật học, thật tu, thật chứng và thật độ chúng sanh, thì đừng vội phỉ báng Kinh Phật, phỉ báng chư Tổ và phỉ báng huynh đệ đồng tu của mình.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã làm một tấm gương cho chúng ta xem. Ngài sanh ra trong một gia đình nghèo không có học, không biết chữ và ngày ngày chỉ biết lên rừng đốn củi để nuôi mẹ. Một hôm, Ngài vô tình nghe được một câu Kinh Kim Cang do một người khách tụng: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâmmà Ngài được giác ngộ. Sau đó, Ngài xin phép mẹ đi tu và được chứng quả. Ngài chưa hề đọc qua Kinh Phật vì Ngài không biết chữ. Nhưng khi thuyết pháp thì mỗi câu, mỗi chữ của Ngài nói ra đều trở thành Kinh Phật. Vì vậy mà ngày nay chúng ta mới có được bộ “Lục Tổ Đàn Kinh”. Tại sao Ngài chưa học qua Kinh Phật mà mỗi câu, mỗi chữ của Ngài thuyết ra đều trở thành Kinh Phật? Là vì những gì Ngài thuyết đều từ trong chân tâm Diệu tánh của Ngài tuôn chảy ra, không phải từ nơi học thuộc từ ngữ trong Kinh hay là thế trí biện thông.

 Ý nghĩa thuyết pháp là chuyển pháp luân, pháp luân là bánh xe pháp biến hóa vô lượng, nó có khả năng chuyển tà tri, tà kiến của chúng sanh thành Phật tri, Phật kiến. Tức là chuyển tâm phàm phu của chúng sanh thành tâm Phật. Muốn chuyển được tâm của chúng sanh, thì trước hết chúng ta phải chuyển tâm Phật của mình, vì chỉ có tâm thanh tịnh của ta mới có đủ trí tuệ và khả năng để chuyển pháp luân của chư Phật. Ý nghĩa y Kinh y tâm, không phải là y từ ngữ và phương tiện ở trong Kinh. Phật pháp mỗi câu, mỗi chữ đều sống động và biến hóa vô lượng, không phải là chết cứng. Chúng ta không nên chấp chặt hơn thua từng từ ngữ, khiến cho Phật giáo phải bị suy tàn.

II. Ý nghĩa y giáo

Y là như; giáo là giáo giới, giáo thủ và giáo hạnh. Giáo giới là giữ năm giới, tu thập thiện. Giáo thủ là thủ lục hòa. Giáo hạnh là tu hạnh Phổ Hiền.

  1. Năm giới: Là không sát sanh hại vật, không gian tham trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
  2. Thập thiện: Là không sát sanh, không trộm cướp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngữ, không tham dục, không sân hận và không tà kiến.
  3. Lục hòa: Là thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, giới hòa và lợi hòa.
  4. Hạnh Phổ Hiền: Là thập hạnh Bồ tát, nói cho dễ hiểu là từ bi, hy sinh và tha thứ. Tóm lại, hạnh Phổ Hiền là hạnh của chư Phật và Bồ tát.

Kính thưa quý bạn! Chúng ta hãy tự quán xét lại thân tâm, hành vi và lời nói để xem mình có tu hành được phần nào căn bản ở trên chưa? Nếu chưa, thì ta không nên phỉ báng chư Phật, chư Tổ và huynh đệ của mình.

   

HÃY NHẬN MÌNH NGU

Ngu ngu, hãy nhận mình ngu

Ngu ngu, mới biết mình tu sâu dày

Ngu ngu, trí tuệ tỏ bày

Ngu ngu giác ngộ, làm Thầy thế gian

Ngu ngu, diệt tận sân, tham

Ngu ngu, mình xuất thế gian Ta bà

Ngu ngu, tịnh tịch Niết bàn

Ngu ngu, thành Phật độ vàn chúng sanh.

 

GIÁC, MÊ

Ta phỉ báng người

Tâm ta dơ bẩn

Đọa tam ác đạo

Tội gì phỉ báng thêm dơ tâm mình.

Ta tán thán người

Tâm ta chiếu sáng

Vãng sanh Cực Lạc

Dại gì không thán để tâm sáng ngời.

Làm Phật, làm ma

Cách nhau một niệm

Tùy ta giác, mê

Chờ gì không niệm Phật A Mi Đà.