CHÂN TƯỚNG ĐẠO PHẬT
25/04/2018
ĐẠI NGUYỆN 18 CỦA PHẬT A MI ĐÀ
25/04/2018

TÌM KINH PHẬT Ở ĐÂU MỚI ĐÚNG

(Bài này trích ra từ cuốn sách “TỊNH ĐỘ THỰC CHỨNG” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Thời nay vàng thao lẫn lộn, khiến chúng ta không biết phân biệt đâu là chánh, tà. Còn về Kinh Phật cũng vậy, chúng ta không biết tìm ở đâu để có được những bộ Kinh hoàn hảo 100%. Vì ba Đại Tạng Kinh của Phật hiện nay cũng có những chỗ khiếm khuyết. Vì trong mấy ngàn năm qua, vận mạng của chúng sanh ở trên Trái Đất này có nhiều sự biến đổi, nên Kinh Phật cũng bị ảnh hưởng theo vận mạng của chúng sanh. Tuy Kinh Phật trong mấy ngàn năm qua đã bị thất thoát và bị biến đổi rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng được chư Phật và Bồ tát thị hiện tới đây để hội tập và tu chỉnh trở lại. Nhờ vậy mà ba Đại Tạng Kinh của Phật mới được tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tuy Kinh Phật trong mấy ngàn năm qua, luôn được chư Phật và Bồ tát gìn giữ và bảo vệ, nhưng vẫn không tránh khỏi những chỗ khiếm khuyết. Tại sao? Vì Kinh Phật trong mấy ngàn năm qua đã trải qua nhiều lần kết tập, dịch thuật và chuyển ngữ qua nhiều thứ tiếng khác nhau, nên không tránh khỏi những điều sai sót về mặt văn tự và diễn giải. Tuy ba Đại Tạng Kinh của Phật hiện nay có những chỗ khiếm khuyết nhưng chỉ khiếm khuyết về phần ngọn, còn phần gốc thì không bị khiếm khuyết. Tại sao? Vì Kinh Phật từ xưa đến nay lúc nào cũng được chư Phật, Bồ tát và chư Long thần, Hộ pháp bảo vệ, nên không có chuyện bị mất gốc được. Nếu chúng ta chịu tìm hiểu về lịch sử của Phật giáo từ xưa đến nay, thì sẽ thấy chư Phật và Bồ tát luôn đồng hành với chúng ta trong mọi thời đại. Nhờ vậy mà trong mấy ngàn năm qua, mỗi khi Phật giáo bị suy thoái, thì đều có chư Phật và Bồ tát hóa thân đến để chấn hưng lại Phật giáo. Nếu mấy ngàn năm qua, không có chư Phật và Bồ tát đồng hành và bảo hộ, thì đạo Phật làm gì mà được tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Thêm vào, tất cả pháp mà Phật dạy trong 49 năm, chỉ là nói lên cái chân tướng của vũ trụ, nhân sinh, đạo tâm giải thoát. Nếu những gì thuộc về chân lý, thì không ai có thể bóp méo hay thay đổi được. Chỉ cần chúng ta khai mở được trí tuệ, thì sẽ hiểu được hết những lời Phật dạy ở trong ba Đại Tạng Kinh. Khi hiểu được rồi thì ta sẽ không còn bị những văn tự làm chướng ngại. Nói như vậy không có nghĩa là ta không coi trọng văn tự và sự diễn giải. Dĩ nhiên là chúng ta phải coi trọng, vì nếu ta dịch sai một chữ hay nói sai một câu thì sẽ hại vô số chúng sanh. Chính vì vậy mà ông bà mình có câu: Sai một li đi một dặm”.

Cũng vì hiểu được tầm quan trọng của văn tự và sự diễn giải của Kinh, nên chư Tổ xưa nay đều phải suy nghĩ và đắn đo rất kỹ mỗi khi kết tập hay dịch thuật Kinh Phật. Vì quý Ngài biết nếu nói sai một chữ, thì sẽ hại huệ mạng của chúng sanh nhiều đời, nhiều kiếp. Nếu chúng sanh bị đọa thì quý Ngài cũng phải bị đọa theo. Vì vậy, quý Ngài không thể sơ suất trong việc thuyết giảng, hội tập và chú giải Kinh Phật. Tuy mấy ngàn năm qua, quý Sư tổ đã bảo vệ Kinh Phật còn hơn là bảo vệ thân mạng của mình, nhưng khổ một điều là ở đâu có Phật thì ở đó có ma. Nếu là ma thuyết, thì Kinh Phật cho dù có hoàn chỉnh 100% cũng trở thành khiếm khuyết. Nếu là Phật thuyết, thì cho dù Kinh Phật có bị khiếm khuyết cũng trở thành hoàn chỉnh. Cho nên vấn đề Kinh Phật được hoàn chỉnh hay khiếm khuyết, thì phải coi người thuyết giảng đó là Phật hay là ma. Nếu chúng ta hiểu được những đạo lý này, thì sẽ không còn chấp vào văn tự mỗi khi tham cứu Kinh Phật. Điều quan trọng của người tu hành là phải thấy được thể tánh của Kinh. Muốn thấy được thể tánh của Kinh, thì trước hết ta phải lo tu hành để khai mở trí tuệ. Khi trí tuệ được khai mở, thì ta sẽ hòa nhập vào được thể tánh của Kinh. Khi hòa nhập vào được thể tánh của Kinh, thì cho dù văn tự hay sự diễn giải của người xưa có bị thiếu sót, thì cũng không làm cho ta hiểu sai về thể tánh của Kinh.

Kính thưa quý bạn! Hiện tại, chúng ta đang sống trong một thế giới tương đối, không phải là thế giới tuyệt đối. Nếu là thế giới tương đối, thì tất cả những lời nói của chúng ta đều có đúng và có sai. Tại sao? Vì chúng ta là phàm phu, chưa phải là Phật. Chúng ta chỉ hơn nhau ở chỗ là có người thì nói sai nhiều, có người thì nói sai ít. Nhưng dù sai nhiều hay sai ít, thì tất cả chúng ta vẫn còn si mê, điên đảo. Nếu không si mê thì chúng ta đã làm Phật lâu rồi, không còn có mặt ở đây. Ở trên đời này chỉ có chư Phật mới nói đúng 100%.

Có một điều mà chúng ta cần phải biết, đó là: Đa số Kinh sách và băng đĩa mà chúng ta thuyết giảng từ xưa đến nay đều bị khiếm khuyết. Chúng ta chỉ khác nhau ở chỗ là có người thì giảng sai ít, có người thì giảng sai nhiều. Nhưng dù sai ít hay sai nhiều, thì tất cả chúng ta đều có những phần khiếm khuyết khác nhau. Tóm lại, đa số Tăng, Ni và Cư sĩ thuyết pháp từ xưa đến nay đều bị khiếm khuyết và tôi cũng vậy, không ngoại lệ. Tại sao? Vì chúng ta là phàm Tăng, chưa phải là Phật và chỉ có chư Phật mới thuyết giảng đúng Kinh Phật 100%. Cho dù là Đẳng giác Bồ tát thuyết pháp vẫn còn một phần khiếm khuyết. Nếu chúng ta hiểu được chân tướng này, thì sẽ không còn sanh tâm ngã mạn, sẽ không còn cho mình là biết hết tất cả và sẽ không còn phỉ báng Kinh Phật. Bây giờ tôi xin phân tích vào sự khiếm khuyết giữa đại Bồ tát Tăng, Thánh Tăng, phàm Tăng tà Tăng khác nhau ở chỗ nào, để quý bạn tìm hiểu thêm.

I. Đại Bồ tát Tăng

Khi thuyết giảng về đạo Phật, thì quý Ngài giảng được tương đối chính xác. Nhưng khi giảng về pháp môn Tịnh độ, thì quý Ngài vẫn còn những chỗ khiếm khuyết. Tại sao? Vì Pháp môn Tịnh độ chỉ có Phật mới giảng được triệt để 100%, cho dù Đẳng giác Bồ tát vẫn còn vài chỗ khiếm khuyết. Trong Kinh Phật nói: Pháp môn Tịnh độ là pháp môn cao siêu khó tin và chỉ có Phật mới hiểu được Phật”. Ý Phật muốn nói rằng: Pháp môn Tịnh độ chỉ có chư Phật mới hiểu được hết và chỉ khi nào chúng sanh thành Phật thì mới hiểu được hết. Tóm lại, đại Bồ tát Tăng vẽ cây Bồ đề vẫn còn thiếu một số lá, nên làm cho chúng sanh không thấy được cây Bồ đề hoàn hảo 100%.

II. Thánh Tăng

Khi thuyết giảng về đạo Phật, thì quý Ngài giảng tương đối được sáng tỏ. Nhưng khi giảng về pháp môn Tịnh độ, thì quý Ngài giảng vẫn còn nhiều chỗ khiếm khuyết. Nghĩa là quý Ngài vẽ cây Bồ đề mà chỉ vẽ được phần gốc, thân và cành, còn phần lá thì không trọn vẹn. Tuy quý Ngài vẽ cây Bồ đề bị thiếu phần lá, nhưng ít ra chúng sanh cũng nhận ra được đó là bóng dáng của cây Bồ đề. Vì vậy mà lỗi sai sót của Thánh Tăng không nhiều.

III. Phàm Tăng

Khi thuyết giảng về đạo Phật thì chúng ta giảng bị mất đầu, mất đuôi. Nghĩa là chúng ta vẽ cây Bồ đề mà mỗi người vẽ một góc cạnh khác nhau: Có người thì vẽ được một phần gốc mà bỏ mất phần ngọn; có người thì vẽ được một phần ngọn mà bỏ mất phần gốc, phần cành… Tóm lại, chúng ta chỉ vẽ được một vài góc cạnh của cây Bồ đề, nhưng không vẽ được trọn vẹn cây Bồ đề. Vì vậy, chúng ta càng vẽ thì càng làm cho chúng sanh bị hoang mang, không biết đâu là cây Bồ đề. Vì vậy mà lỗi sai sót của chúng ta nhiều hơn.

IV. Tà Tăng

Khi thuyết giảng về đạo Phật, thì họ chỉ giảng phần ngọn mà bỏ mất phần gốc. Nghĩa là họ vẽ cây Bồ đề mà chỉ vẽ được vài phần thân, cành và lá, còn gốc thì họ không vẽ được. Thêm vào, vì muốn mê hoặc chúng sanh, nên họ vẽ thêm rất nhiều hoa đẹp ở trên cây Bồ đề. Họ làm như vậy là để che mắt chúng sanh lầm tưởng cây Bồ đề mà họ vẽ là hoàn hảo. Rồi từ chỗ lầm tưởng đó, mà chúng sanh tin họ là minh sư và chạy theo tu hành. Nhưng trên thực tế thì họ không phải là minh sư mà là tà sư. Điều đáng thương là những vị tà sư này không biết họ là tà sư. Tại sao? Vì họ cũng đang bị Ma vương che mắt nên không hay. Nếu chúng ta lầm tưởng chạy theo họ, thì chúng ta cũng sẽ thành con cháu của Ma vương, mà chính bản thân không hay biết.

V. Tà Tăng nguy hiểm

Khi thuyết giảng về đạo Phật thì họ bóp méo sự thật. Nghĩa là họ lấy đạo của trời, người để gạt chúng sanh hiểu lầm đó là đạo Phật cứu cánh. Còn đạo Phật cứu cánh thì họ phỉ báng… Họ mặc áo cà sa, nhưng lại làm con cháu của Ma vương. Họ không muốn chúng sanh được thành Phật, nên họ thường hay phỉ báng những bộ Kinh Đại thừa như là: Kinh Địa Tạng, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Mi Đà,… Thậm chí, họ còn bài bác cõi Tây phương Cực Lạc và Phật A Mi Đà là không có. Tóm lại, họ không vẽ cây Bồ đề mà ngược lại họ còn phủ nhận không có cây Bồ đề.

Kính thưa quý bạn! Qua sự phân tích tóm gọn ở trên, quý bạn đã hiểu được phần nào giữa chánh và tà rồi. Thêm vào, quý bạn cũng đã hiểu được lý do tại sao Kinh Phật bị khiếm khuyết. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bỏ hết, không tham cứu Kinh Phật. Nếu chúng ta bỏ hết thì trên đời này sẽ không còn có Kinh, sách nào để cho ta tham cứu cả.

VI. Phần nhắc nhở

Ông bà mình có một câu nói rằng: Một con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy chúng ta ai cũng biết con sâu nó làm rầu cả nồi canh, nhưng trong thời Mạt pháp này nếu ta vì một con sâu mà bỏ luôn nồi canh thì ta sẽ bị chết đói. Tại sao? Vì thời nay là thời Mạt pháp, nên trong tất cả nồi canh của chúng ta đều phải bị có sâu. Nếu nồi canh nào có nhiều sâu độc, thì ta phải bỏ đi không nên ăn vì sẽ bị bệnh chết. Còn nồi canh nào có ít sâu, thì ta nên gấp chúng ra và cố gắng ăn hết nồi canh đó. Vì chỉ có cách này thì chúng ta mới được tồn tại ở trong thời Mạt pháp này. Khi chúng ta tìm hiểu Kinh Phật cũng như vậy đó. Chúng ta phải biết gạn lọc Kinh sách và băng đĩa nào không bị sai nhiều để mà tu học. Chúng ta không nên gặp Kinh sách nào cũng cho là đạo Phật, rồi học hay chạy theo họ để tu hành thì sẽ bị luân hồi tiếp tục.

Còn một điều quan trọng mà chúng ta cần phải biết, đó là: Nếu muốn được thành Phật thì chúng ta không nên dựa vào những thứ như là địa vị, bằng cấp, giấy khen hay là du học nước ngoài… để mà đặt niềm tin. Vì những thứ đó không có liên quan gì đến việc tu hành và thành Phật của ta. Nếu quý bạn dựa vào những người có những thứ đó, để mà tin đạo Phật và tu hành theo họ thì sẽ bị gạt đấy.

Quý bạn nên biết rằng: Pháp thế gian pháp xuất thế gian hoàn toàn khác nhau. Nếu quý bạn muốn tìm hiểu về những chuyện ở ngoài đời (pháp thế gian), thì bạn có thể nương theo những người có địa vị, bằng cấp, giấy khen… để mà học hỏi. Chỉ có thể thôi không phải là tuyệt đối, vì ngày nay bằng cấp giả và sự phán đoán si mê của con người rất là đáng sợ. Còn ở trong đạo Phật (pháp xuất thế gian) mà quý bạn dựa vào những người có những thứ đó thì hãy cẩn thận. Tại sao? Vì đa số những người có nhiều những thứ đó, là những người chuyên về Phật học nhiều hơn là học Phật. Nếu là người chuyên về Phật học thì chúng ta không nên tin tưởng. Vì đa số họ chỉ biết nói lý thuyết suông, mà không nói được chân tướng của đạo Phật. Thêm vào, những người này họ nói chuyện rất hay. Hay đến nỗi có biệt danh là thế trí biện thông. Thế trí biện thông, nghĩa là họ dùng cái trí của thế gian để biện minh đủ cách và làm cho những lời nói của họ nghe được thông. Nhưng trên thực tế thì họ phỉ báng đạo Phật nhiều hơn là hoằng dương đạo Phật. Điều đáng thương là họ thế trí biện thông lâu ngày, rồi trở thành con cháu của Ma vương mà chính họ cũng không hay biết. Vì không hay biết nên họ cho đạo trời, người là đạo Phật cứu cánh, còn đạo Phật thì họ phỉ báng cho là đạo mê tín… Tóm lại, họ là những người bỏ gốc lấy ngọn. Họ bỏ gốc lấy ngọn chưa đủ mà họ còn muốn kéo theo nhiều chúng sanh bỏ gốc lấy ngọn như họ, để chúng sanh mãi bị luân hồi không thể thoát ra. Tóm lại, họ không khác gì với những người chỉ biết nhai lại bã mía của người khác, mà bản thân của họ thì chưa hề nếm được mùi vị của mía. Vì chưa nếm được mùi vị của mía, nên họ không nói được chất ngọt của mía. Ngược lại, họ còn phủ nhận trên đời này không có mía. Thử hỏi như vậy có si mê, điên đảo không?

Kính thưa quý bạn! Tuy chúng ma đã trà trộn vào Tăng đoàn Phật giáo rất đông, nhưng cho dù chúng ma có đánh phá như thế nào thì pháp của Phật vẫn mãi được trường tồn không thay đổi. Đạo Phật là đạo của trí tuệ, không phải là đạo nói lý thuyết suông, không phải là đạo tu khẩu đầu thiền. Muốn có được trí tuệ thì chúng ta phải biết quay vào tìm lại ông Phật trong tâm mình. Muốn thấy được ông Phật trong tâm mình, thì trước hết ta phải tin Phật và tin tâm Phật của mình. Dưới đây là ba điều tối quan trọng, mà Phật đã khuyên dạy chúng ta nên tin và tu hành ở trong thời “Mạt pháp” này, đó là:

  1. Phật khuyên chúng ta phải tin Phật A Mi Đà và tin có cõi Tây phương Cực Lạc.
  2. Phật khuyên chúng ta phải tin 48 đại nguyện của Phật A Mi Đà và tin Phật A Mi Đà xây dựng cõi Cực Lạc là để tiếp dẫn chúng ta vãng sanh về đó để tu thành Phật.
  3. Phật khuyên chúng ta nên phát tâm niệm A Mi Đà Phật và phát nguyện cầu vãng sanh về Cực Lạc của Phật A Mi Đà để thành tựu Phật quả.

Nếu quý bạn muốn hiểu rõ ba điều tối quan trọng của Phật dạy ở trên, thì xin đi tìm những bộ Kinh Tịnh độ để tìm hiểu thêm. Khi tìm hiểu rõ rồi thì quý bạn mới phát được tín tâm kiên cố. Quý bạn chỉ cần tin sâu và nguyện thiết thì sẽ khai mở được trí tuệ. Khi trí tuệ được khai mở thì quý bạn sẽ thấy lại được ba kho tàng quý báu, mà chúng ta đã bỏ quên từ vô thỉ kiếp đến nay, đó là:  

  1. Ta sẽ thấy lại ông Phật trong ta (ta thành Phật);
  2. Ta sẽ thấy lại ngôi nhà bảy báu của ta (đạo tràng của ta);
  3. Ta sẽ thấy lại kho tàng trí tuệ của ta (Kinh Phật).

Tóm lại, nếu quý bạn muốn thấy được ông Phật thật, thấy được đạo tràng thật và thấy được Kinh Phật thật, thì quý bạn phải biết quay vào tâm của mình để tìm. Vì tất cả những thứ đó đều có sẵn ở trong tâm chúng ta. Xin quý bạn đừng chạy lang thang nữa, vì chúng ta vốn không còn nhiều thời gian. Thêm vào, thân người khó có nhưng dễ mất.

VII. Lược thuật hai tấm gương tu hành

Ở đây, tôi xin kể tóm gọn hai câu chuyện nói về cuộc đời của Phật Thích Ca và của ngài Huệ Năng để chứng minh cho quý bạn thấy rằng trong tâm chúng ta vốn đã có đầy đủ tất cả.

  1. Cuộc đời Phật Thích Ca: Lúc chưa đi tu, Ngài là một vị Thái tử. Ở nước Ấn Độ thời đó, Ngài được mệnh danh là đệ nhất tinh thông về giáo lý đời và đạo. Sau đó, Ngài rời bỏ hoàng cung để tìm cầu học đạo và Ngài đã tìm được hai vị đạo sĩ tu hành cao nhất ở Ấn Độ vào thời đó tên là A-la-la Uất-đầu-lam-phất. Sau khi tu học với hai vị đạo sĩ đó một thời gian, thì Ngài nhận thấy cảnh giới của hai vị Thầy đó vẫn còn khiếm khuyết, chưa được viên mãn.

Sau đó, Ngài xin phép hai vị Thầy để ra đi tìm chân lý. Ngài ra đi là vì Ngài hiểu được, con đường giải thoát mà Ngài đang đi tìm chỉ có ở trong tâm của Ngài, không phải là ở bên ngoài. Thêm vào, lúc đó Ngài cũng hiểu ra được những giáo lý mà Ngài đã học được trong quá khứ đều là hư vọng, không phải là thật. Vì hiểu được nên Ngài buông bỏ hết và quyết tâm ngồi ở dưới cây Bồ đề thiền định, để tìm lại chân tâm của Ngài. Cuối cùng qua 49 ngày thiền định, Ngài đã tìm lại được chân tâm của Ngài và thấy được bản thể của vạn vật muôn loài. Sau khi thấy được bản thể của vạn vật muôn loài, thì Ngài thốt lên rằng: Không ngờ tất cả chúng sanh đều có đồng một thể tánh chân tâm và tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật…”. Sau đó, Ngài đi truyền pháp để giúp cho chúng sanh hiểu và nhận lại Phật tánh của mình để làm Phật giống như Ngài.

  1. Cuộc đời Lục Tổ Huệ Năng: Lúc chưa đi tu, Huệ Năng là con nhà nghèo và không có học. Hằng ngày, Huệ Năng chỉ biết lên rừng đốn củi để nuôi mẹ. Một hôm, Huệ Năng vô tình nghe được một người khách tụng câu: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâmmà được giác ngộ. Sau đó, Huệ Năng xin mẹ đi tu và tìm đến Ngũ tổ Hoàng Nhẫn để xin xuất gia. Sau đó, không bao lâu Ngũ tổ truyền y bát cho Huệ Năng để làm vị Tổ đời thứ sáu của Thiền tông. Sau khi Ngũ tổ trao y bát cho Huệ Năng xong, thì Ngài khuyên Huệ Năng phải bỏ trốn, vì sẽ có nhiều người ganh tỵ mà giết hại Huệ Năng để lấy y bát. Sau đó, Huệ Năng bị nhiều người đuổi giết, nên phải chạy trốn vào rừng và ẩn núp ở trong đám thợ săn hết 16 năm. Sau đó, thời cơ cứu chúng sanh đã được chín muồi, nên Huệ Năng phải lộ diện và xuống núi mang thân xuất gia để hoằng pháp.

Sau khi Ngài Huệ Năng xuống núi để hoằng pháp, thì có rất nhiều Tăng, Ni và Phật tử khắp nơi tìm đến để nghe Ngài thuyết pháp. Trong những năm hoằng pháp của Ngài, nếu Tăng, Ni hay Phật tử nào muốn hỏi về Kinh Phật, thì Ngài đều kêu họ đọc đoạn Kinh mà họ không hiểu để cho Ngài nghe vì Ngài không biết chữ. Nhưng lần nào cũng vậy, họ vừa đọc được có vài câu thì Ngài kêu họ ngưng lại, vì Ngài đã hiểu được hết đoạn Kinh mà họ muốn hỏi và Ngài liền giải thích để cho họ hiểu. Tuy Ngài Huệ Năng lúc đó không biết chữ, nhưng những lời của Ngài thuyết ra đều được mọi người công nhận là chân lý của Phật Kinh. Vì vậy, sau khi Ngài nhập Niết bàn, chư Tăng kết tập những lời dạy tinh hoa của Ngài và làm thành một cuốn Kinh có tên là Lục Tổ Đàn Kinh. Giờ chúng ta tìm hiểu vào những câu nói sau khi đắc đạo, Ngài Huệ Năng đã nói những gì. Sau khi đắc đạo, Ngài thốt lên rằng: Nào ngờ tự tánh vốn không lay động. Nào ngờ tự tánh luôn sanh vạn pháp. Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ…”.

Kính thưa quý bạn! Qua hai câu chuyện của Phật Thích Ca và của Ngài Huệ Năng, cho chúng ta một khai thị rất lớn. Nói về Phật Thích Ca, thì ở Ấn Độ thời đó Ngài là người đệ nhất tinh thông tất cả giáo lý đạo và đời, không ai sánh bằng. Vậy mà cuối cùng, Ngài phải bỏ hết tất cả những thứ mà Ngài đã học được trước đó, để quay vào tìm lại trí tuệ sẵn có ở trong tâm Ngài. Còn Ngài Huệ Năng là người không biết một chữ và cũng chưa bao giờ học qua Kinh Phật, vậy mà khi đắc đạo, Ngài có thể giảng thông suốt hết tất cả Kinh Phật. Trong khi đó, có biết bao nhiêu vị Pháp sư và Tăng, Ni ở Trung Quốc trong thời điểm đó, cũng hiểu được giáo lý uyên thâm và cũng có nhiều chức vị cao ở trong triều đình và có chức sắc trong Phật giáo. Vậy mà những vị đó không nói ra được chân tướng của đạo Phật. Cuối cùng những vị đó phải tìm đến Ngài Huệ Năng để nghe thuyết giảng về chân tướng của đạo Phật. Điều này cho chúng ta thấy vấn đề thành Phật, không có liên quan gì đến những thứ như bằng cấp, cấp bậc, du học,… mà nó chỉ liên quan đến chân tâm của ta mà thôi.

Giờ tôi xin kể thêm cho quý bạn nghe về câu chuyện cuộc đời tu hành của tôi. Nếu bạn nào đã từng đọc qua hai cuốn sách của tôi có tên là “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi” và “Ý nghĩa Hoằng pháp và Hộ pháp”, không nhiều thì ít quý bạn cũng đã hiểu được phần nào về cuộc đời của tôi rồi. Vì vậy, ở đây tôi chỉ kể tóm lược về những điểm trọng yếu mà thôi.

Nói về đường đời, thì tôi sanh ra trong một gia đình nghèo và có đông anh chị em. Vì đất nước thay đổi nên tôi chỉ học tới lớp sáu. Sau đó, vì hoàn cảnh tôi phải lấy chồng và vượt biên qua Mỹ. Rồi sau đó, tôi ly dị và có ba mặt con. Nói về đường đạo, thì trước khi được “nhất tâm” tôi chưa có duyên đọc được Kinh Phật, mà tôi chỉ đọc được vài cuốn sách nói về đạo Phật mà thôi. Thêm vào, lúc còn nhỏ tôi đã được mẹ dẫn đến chùa để quy y Tam bảo. Nhờ vậy mà tôi biết niệm hai câu: “Nam mô A Mi Đà Phật” và “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”. Tuy biết, nhưng tôi không có niệm Phật thường xuyên, chỉ khi nào sợ ma hay gặp những chuyện nguy hiểm thì tôi mới niệm Phật.

Rồi đến năm 1980 tôi vượt biển và qua Mỹ năm 1981. Sau khi qua Mỹ được vài tháng thì hay tin mẹ tôi mất. Từ đó, tôi mới niệm Phật thường xuyên để cầu siêu cho mẹ. Lúc đó, tôi không hiểu gì về pháp môn Tịnh độ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là: Nếu tôi niệm Phật càng nhiều thì sẽ cầu siêu được cho ông bà, cha mẹ và chúng sanh. Ngoài ý nghĩ đó ra thì tôi không còn nghĩ gì khác. Rồi cứ như vậy mà tôi niệm Phật qua nhiều năm. Sau đó, tôi may mắn đọc được một bài báo nói về pháp môn Tịnh độ, từ đó tôi niệm Phật tinh tấn hơn. Tuy niệm Phật tinh tấn hơn, nhưng tôi vẫn không dám phát nguyện niệm Phật để thành Phật, vì tôi chưa đủ niềm tin đối với bản thân tôi.

Rồi đến một ngày nhân duyên hội đủ, tự nhiên có một người mang đến tặng cho tôi một cuốn sách có tên là “Niệm Phật lưu Xá lợi” của Cư sĩ Tịnh Hải. Cuốn sách này nói về pháp môn Tịnh độ và nói về những bằng chứng niệm Phật được vãng sanh. Sau khi đọc xong cuốn sách đó, thì tôi liền phát nguyện niệm Phật để thành Phật. Nhờ phát nguyện thành Phật mà sau đó vài tuần tôi chứng được nhất tâm. Sau khi được nhất tâm, tôi mới ngộ ra được một điều, đó là: Nhờ tôi phát nguyện và nhờ tôi niệm Phật nhiều năm để cầu siêu cho ông bà, cha mẹ và chúng sanh mà tôi mới được “nhất tâm”. Sau khi được nhất tâm không bao lâu thì trí tuệ của tôi được bừng sáng, tôi thấy được chân tướng của vạn pháp từ giả tới chân. Lúc đó, tôi xúc động bật khóc và thốt lên rằng: Thật không ngờ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và tất cả chúng sanh đều có thể niệm Phật để thành Phật…”.

Sau khi thấy được chân tướng, tôi quyết tâm viết sách để nói cho tất cả mọi người biết về sự nhiệm mầu của pháp môn Tịnh độ. Nhưng lúc đó tôi lại lo rằng: “Không biết những gì trong tâm mình thấy có đúng với Kinh Phật hay không? Thêm vào, mình chỉ học tới lớp sáu thì làm sao có thể viết văn…”. Tóm lại, lúc đó tôi lo lắng đủ điều. Sau đó, vì muốn được yên tâm nên tôi quyết định đi tìm vài bộ Kinh của Phật để đối chiếu với tâm của mình và tôi cũng muốn tìm hiểu thêm một số từ ngữ Phật học để tiện cho việc viết sách của tôi.

Sau đó, tôi nhớ lại trước một ngày tôi được nhất tâm, thì anh Đạo Quang có giới thiệu cho tôi biết về bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” có 29 cuộn băng của Ngài Tịnh Không mới xuất bản lần đầu. Nhưng lúc đó vì tôi không biết “Kinh Vô Lượng Thọ” là gì và thấy bộ Kinh đó quá dài nên tôi đã từ chối không thỉnh. Nhưng hôm đó, anh Đạo Quang cứ khuyên tôi nên nghe bộ Kinh đó vì rất hay. Sau đó, vì nể tình nên tôi chỉ thỉnh một cuộn băng để về nghe thử trước. Sau khi thỉnh cuộn băng đó về thì tôi liền mở lên nghe. Không ngờ qua sáng hôm sau thì tôi được nhất tâm. Sau khi được nhất tâm, vì thấy cảnh luân hồi đau khổ của chúng sanh, nên tôi đau lòng thương khóc ngày đêm. Thời gian đó, trong tâm tôi chỉ lo suy nghĩ tìm cách nào để cứu độ chúng sanh, nên tôi đã quên đi bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” mà anh Đạo Quang đã giới thiệu cho tôi trước đó. Mãi cho đến mấy tháng sau, khi tôi quyết định tìm Kinh Phật để đối chiếu với tâm của mình trước khi viết sách, thì tôi mới nhớ đến anh Đạo Quang. Sau khi nhớ lại, tôi liền đến thỉnh hết bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” 29 cuộn băng đó về. Sau khi thỉnh về tôi liền mở lên nghe. Lúc đó, tôi nghe Ngài Tịnh Không giảng tới đâu thì tôi hiểu thông tới đó. Tôi hiểu đến mức độ Ngài giảng một mà tôi hiểu tới mười. Sau khi nghe xong bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” của Ngài giảng thì tôi rất là yên tâm, vì những gì tâm tôi thấy đều đúng với chân tướng của Kinh Phật. Tuy lúc đó tôi chỉ mới nghe qua một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” của Ngài Tịnh Không thuyết giảng, nhưng trong tâm tôi đã hiểu thông được những gì mà Phật Thích Ca thuyết trong 49 năm. Sau khi đối chiếu tâm của mình với Kinh Phật xong, thì tôi yên tâm viết sách.

Kính thưa quý bạn! Qua câu chuyện của tôi và qua hai cuốn sách “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi” và “Ý nghĩa Hoằng pháp và Hộ pháp” mà tôi đã cho ra đời cách đây nhiều năm, không nhiều thì ít quý bạn cũng cảm nhận được những gì tôi viết ở trong hai cuốn sách đó đều xuất phát từ trong chân tâm của tôi tuôn chảy ra, không phải viết từ nơi học thuộc từ ngữ ở trong Kinh sách. Cuốn sách “Tịnh độ thực chứng” này cũng vậy, tôi cũng viết từ trong chân tâm tuôn chảy ra. Nếu không, thì một người Phật tử nữ mới học tới lớp sáu như tôi, làm sao có đủ trí tuệ và khả năng để viết ra cốt tủy của Kinh Phật.

Kính thưa quý bạn! Qua ba câu chuyện của Phật Thích Ca, của Ngài Huệ Năng và của tôi, quý bạn đã hiểu được tâm chúng ta vốn có đầy đủ tất cả. Vì vậy, muốn thành Phật thì chúng ta phải biết quay vào tâm của mình để tìm, không nên đi tìm ở bên ngoài. Chúng ta xưa nay si mê thật là đáng thương. Mỗi khi nghe có ai nói ở đâu có chùa to, Phật lớn,… là chúng ta đua nhau chạy đến để cầu xin… Thậm chí, có nhiều người còn bỏ nhiều tiền bạc và thời gian đi đến các nước Phật giáo ở trên thế giới để tìm chùa to, Phật lớn,… Cả đời chúng ta chỉ biết chạy ra ngoài để tìm cầu Tam bảo giả, còn Tam bảo thật sẵn có ở trong tâm, thì chúng ta không ngó ngàng chi cả. Thậm chí, chư Phật và chư Bồ tát thị hiện tới lui nhắc nhở chúng ta không ngừng, vậy mà chúng ta vẫn không chịu tin, không chịu quay về để làm Phật. Vậy thử hỏi chúng ta có si mê, điên đảo không?

THỨC TỈNH

Bạn thà tự sát chết vạn lần

Không nên phỉ báng Tịnh độ tông.

Bạn thà bị đọa vô lượng kiếp

Không nên phỉ báng Tịnh độ tông.

Phỉ báng Tịnh tông là tự đoạn

Đoạn chân tâm, trí tuệ của mình.

Phỉ báng Tịnh tông là tự đoạn

Đoạn con đường giác ngộ của mình.

Phỉ báng Tịnh tông là tự đoạn

Đoạn con đường thành Phật của mình.

Hỡi bạn! Bình tâm suy nghĩ lại

Chúng sanh là cha mẹ của ta

Chúng sanh là thân bằng quyến thuộc

Chúng sanh là chư Phật sẽ thành

Quay về thức tỉnh mau kẻo trễ

Xin đừng hại bạn, hại chúng sanh.

 

KHUYÊN NHỦ

Vì lòng từ tôi xin khuyên nhủ

Không nên khờ dại phỉ báng tôi

Phỉ báng tôi không ích lợi chi

Chỉ hại bạn tăng thêm quả báo.