Ý NGHĨA KIM CANG DIỆU THIỀN
23/01/2018
CẢM XÚC SAU KHI ĐƯỢC NHẤT TÂM
23/01/2018

Ý NGHĨA MINH TÂM KIẾN TÁNH, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Kính thưa quý bạn! Đa số chúng ta vẫn còn hiểu lầm về ý nghĩa “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Chúng ta xưa nay tưởng người tu hành khi được minh tâm là được kiến tánh liền, hoặc khi được kiến tánh là được thành Phật liền. Thật ra không phải vậy, mà chúng ta phải cần trải qua ba giai đoạn phá vô minh và vọng tưởng từ thô đến tế khác nhau. Ba giai đoạn đó là: Minh tâm, kiến tánh thành Phật. Cũng như ở ngoài đời, nếu ta muốn vượt qua ba lớp cửa thành, thì trước hết ta phải cần có thời gian để đột phá từng cửa. Không phải ta phá được một cửa là qua được ba cửa thành luôn đâu. Còn về vấn đề phá được nhanh hay chậm thì phải coi sự tu hành của ta. Giờ tôi xin phân tích từng phần tóm gọn để cho quý bạn dễ hiểu.

  1. Minh tâm: Khi nào ta đoạn được Kiến hoặc và Tư hoặc thì sẽ được “minh tâm” (tức là đoạn được cái thấy và cái suy nghĩ si mê, điên đảo của mình).
  2. Kiến tánh: Khi nào ta đoạn sạch được bốn ấm vô minh sắc, thọ, tưởng, hành và đi vào thức ấm thì ta sẽ được “kiến tánh” (tức thấy được Phật tánh của ta). Nhưng cho dù ta có tu được đến đây, thì chỉ mới thấy được có một phần Phật tánh, ví như Mặt Trăng khuyết mỏng. Rồi từ chỗ thấy được một phần Phật tánh đó, ta lại tu tiếp tục để phá sạch vô minh của thức ấm.
  3. Thành Phật: Khi nào ta đoạn sạch được vô minh của thức ấm và đoạn luôn một phẩm thân tướng vô minh cuối cùng thì ta mới được thành Phật.

Kính thưa quý bạn! Qua sự phân tích tóm gọn ở trên cho chúng ta thấy, muốn thành Phật thì ta phải cần trải qua ba giai đoạn, đó là:

Một: Ta phải khai mở trí tuệ để diệt vô minh và vọng tưởng “thô” (thô là dễ thấy).

Hai: Ta phải dùng đại trí tuệ để diệt vô minh và vọng tưởng “thiển” (thiển là ở giữa khó thấy và dễ thấy).

Ba: Ta phải dùng đại kim cang trí tuệ để diệt sạch vô minh và vọng tưởng “vi tế” thì mới được thành Phật (vi tế là khó thấy).

Kính thưa quý bạn! Ở trên, chúng tôi dùng hai từ đột phá diệt sạch là để cho quý bạn dễ hiểu. Trên thực tế thì chúng ta không phá mà cũng không diệt chi cả. Chúng ta chỉ cần chuyển tâm thức dơ bẩn thành tâm thức thanh tịnh, thì ta sẽ được thành Phật. Vì tâm thức dơ bẩn và tâm thức thanh tịnh của ta chỉ là một không hai. Chẳng qua khi ta si mê, thì tâm thức thanh tịnh biến thành tâm thức dơ bẩn. Khi ta giác ngộ, thì tâm thức dơ bẩn biến thành tâm thức thanh tịnh. Nếu tâm thức dơ bẩn thì dẫn ta vào lục đạo. Nếu tâm thức thanh tịnh thì ta đi làm Phật, chỉ đơn giản vậy thôi. Trên thì thấy đơn giản, nhưng trên sự thì không có đơn giản. Nếu chúng ta tu theo các pháp môn khác, thì phải cần tu đến ba đại A Tăng kỳ kiếp mới được thành Phật. Tại sao? Vì các pháp môn tu khác là tự lực, nên rất khó được thành tựu, còn Tịnh độ là pháp môn có nhị lực, nên dễ được vãng sanh về Cực Lạc ngay trong một đời.

Ở trên, chúng tôi phân tích làm ba giai đoạn là để giúp quý bạn hiểu được câu: Minh tâm kiến tánh và kiến tánh thành Phật như thế nào thôi. Còn nói về pháp môn Tịnh độ, thì chúng ta không cần phải đi từ thấp lên cao như các pháp môn tu khác. Tại sao? Vì Tịnh độ là pháp môn trực chỉ thành Phật. Chúng ta chỉ cần tin sâu và nguyện thiết, thì ngay trong mỗi niệm ta đều trực chỉ phá từng phần vô minh và trực chỉ thành Phật từng phần. Niệm tới đâu ta sẽ hưởng được sự an lạc và giải thoát tới đó, cũng giống như là ta đang uống nước vậy. Nước chạy tới đâu, nóng hay lạnh tự ta hiểu rõ tới đó, nên không có chuyện nhầm lẫn được.

BỚT VÀ THÊM

Bớt một câu thị phi

Thêm một câu niệm Phật

Trí tuệ liền khai mở

Ta vào một cửa, gọi là Minh tâm.

Bớt một niệm tham, sân

Thêm một câu niệm Phật

Chân tâm liền khai mở

Ta thông hai cửa, gọi là Kiến tánh.

Bớt một niệm chấp trước

Thêm một câu niệm Phật

Quả Phật liền hiện tiền

Ta thông ba cửa, gọi là Như Lai.