Ý NGHĨA GIEO CHỦNG TỬ A MI ĐÀ PHẬT
23/01/2018
Ý NGHĨA MINH TÂM KIẾN TÁNH, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT
23/01/2018

Ý NGHĨA KIM CANG DIỆU THIỀN

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

 

Ở đây, chúng tôi xin phân tích về ý nghĩa Kim cang Diệu thiền của pháp môn Tịnh độ, để quý bạn tìm hiểu thêm. Kim cang Diệu thiền nghĩa là: Mỗi một niệm A Mi Đà Phật mà ta đang tu niệm hằng ngày, đều là dùng ngay tự tánh A Mi Đà để khôi phục lại Diệu tánh A Mi Đà của mình. Đồng thời, trong mỗi niệm ta đều thâu nhiếp được Phật lực và Phật quang của mười phương chư Phật gia trì. Trong Kinh Phật nói:Bất luận chúng sanh nào ở trong mười phương thế giới, có duyên tiếp xúc được Phật quang của Phật A Mi Đà, thì đều được tiêu tan nghiệp tội, thoát khỏi luân hồi và vãng sanh thành Phật. Ý nghĩa chúng sanh có duyên ở đây, không phải là nói chúng ta có duyên gặp được Phật A Mi Đà hiện ra, hay là được Phật phóng hào quang vào thân tâm chúng ta. Nếu hào quang của chư Phật chiếu đến mà cứu được chúng ta dễ dàng như vậy, thì chư Phật và Bồ tát sẽ không cần cực nhọc thị hiện đến đây, mà quý Ngài chỉ cần ở tại Cực Lạc phóng hào quang tới đây là sẽ cứu được hết chúng ta rồi. Do đó, câu nói có duyên được tiếp xúc với Phật quang mà Phật nói ở đây gồm có hai ý nghĩa, đó là:

  1. Ý Phật muốn nói rằng: Nếu chúng ta có duyên tin được lời Phật dạy và phát tâm niệm Phật để thành Phật, thì ta sẽ thâu nhiếp được quang minh của Phật A Mi Đà và mười phương chư Phật vào thân tâm của ta.
  2. Ý Phật muốn nói rằng: Nếu chúng ta tu niệm khai mở được chân tâm, thì sẽ tiếp xúc được quang minh của tự tánh A Mi Đà. Một khi quang minh của tự tánh A Mi Đà được khôi phục, thì ta sẽ thoát khỏi luân hồi và vãng sanh thành Phật.

Kính thưa quý bạn! Tất cả pháp môn mà Phật dạy trong suốt 49 năm đều thuộc về Thiền định. Nếu không có Thiền định, thì chúng ta sẽ không khôi phục được sáu căn thanh tịnh và sẽ không thành Phật được. Tịnh độ cũng là pháp môn thuộc về Thiền định, nhưng không phải là Thiền định bình thường như các pháp môn tu khác, mà nó thuộc về Kim cang Diệu thiền của Như Lai. Vì là pháp môn Diệu thiền của Như Lai, nên những vị Đẳng giác Bồ tát ở “Hoa Tạng thế giới” như là: Ngài Đại Thế Chí, Ngài Quán Thế Âm, Ngài Phổ Hiền, Ngài Văn Thù,… cũng đều phải phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà để thành tựu Phật quả. Tại sao? Vì quý Ngài tuy đã tu tới bậc Đẳng giác Bồ tát, nhưng quý Ngài vẫn còn một phẩm thân tướng vô minh chưa thể đoạn sạch. (Đẳng giác Bồ tát tức là đại đại Bồ tát, quý Ngài chỉ thua Phật có một bậc thôi). Muốn đoạn sạch được một phẩm thân tướng vô minh cuối cùng, thì quý Ngài phải nương vào thần lực của Phật A Mi Đà và hoa sen ngàn cánh của mình để mà rửa sạch. 

Cũng như chúng ta từ súc sanh muốn chuyển lên làm người, thì ta phải nương nhờ vào tánh khí của người. Tức là ta phải nhờ vào tinh cha, huyết mẹ để rửa sạch tánh thú và thành tựu thân người cho ta. Khi chuyển lên làm Phật cũng vậy. Chúng ta phải nương vào thần lực của Phật A Mi Đà và hoa sen ngàn cánh của mình để thành tựu thân Kim Phật. Giờ tôi xin dùng cái nhà kho để làm ví dụ, thì quý bạn sẽ hiểu một phẩm thân tướng vô minh như thế nào?

Ví dụ: Chúng ta có một căn nhà dùng để làm kho chứa đồ đã nhiều năm. Hằng ngày, chúng ta thường tích trữ những thứ như gạo, nước mắm, rau cải, thịt cá,… ở trong đó. Nay ta đổi ý muốn dọn sạch căn nhà kho đó để làm nơi trú ngụ, nên ta dùng nước và thuốc để tẩy rửa đi những chất dơ bẩn, tanh hôi ở trong căn nhà. Nhưng cho dù ta có tẩy rửa như thế nào, thì hơi hám của những thứ tanh hôi đó vẫn còn tồn đọng ở trong căn nhà, không thể hết sạch 100%. Chỉ khi nào ta làm lại căn nhà khác, thì những hơi hám tanh hôi đó mới được hết sạch 100%. Hơi hám còn tồn đọng ở trong kho chứa đồ, là ví cho một phẩm thân tướng vô minh cuối cùng của ta. Tóm lại, trần sa tức là hơi hám tập khí tham, sân, si của ta vẫn còn tồn đọng vi tế ở trong tàng thức. Một phẩm trần sa cuối cùng này rất là quan trọng. Cho dù ta có tu tới bậc Đẳng giác Bồ tát, thì cũng không thể tự mình rửa sạch hết 100%. Chỉ có Phật lực và Phật quang của Phật A Mi Đà và hoa sen ngàn cánh của ta mới rửa sạch được thôi.