Ý NGHĨA MINH TÂM KIẾN TÁNH, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT
23/01/2018
ĐỊNH, CHÁNH ĐỊNH VÀ DIỆU ĐỊNH
23/01/2018

CẢM XÚC SAU KHI ĐƯỢC NHẤT TÂM

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Ở đây, tôi xin chia sẻ những cảm xúc sau khi được nhất tâm để quý bạn tìm hiểu thêm. Vì sau khi được nhất tâm, chúng ta sẽ có những cảm xúc giống nhau không khác. Sau khi được nhất tâm, tôi vô cùng xúc động không cầm được nước mắt. Lúc đó, trong tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn, như là: Có lúc tôi cảm thấy giải thoát, có lúc tôi cảm thấy đau lòng, hối hận và xót xa. Rồi những cảm xúc vui buồn lẫn lộn đó làm cho tôi khóc mãi tới gần ba tháng mới được nguôi. Khi đọc tới đây, tôi biết quý bạn sẽ thắc mắc rằng: “Tại sao một người niệm Phật đã đạt đến nhất tâm tam muội, mà vẫn còn có nhiều cảm xúc và khóc lâu như vậy?”.

Kính thưa quý bạn! Cái khóc trước khi được nhất tâm và sau khi được nhất tâm hoàn toàn khác nhau. Tại sao? Vì cái khóc trước khi được nhất tâm là cái khóc của tham, sân, si. Còn cái khóc sau khi được nhất tâm là cái khóc từ bi và thương xót từ trong chân tâm tuôn chảy ra. Nhờ có được những dòng nước mắt từ trong chân tâm tuôn chảy ra, mà chư Phật và Bồ tát mới có đủ can đảm nhảy vào biển lửa, để cứu chúng sanh đời đời, kiếp kiếp. Bây giờ tôi xin chia sẻ từng phần cảm xúc để quý bạn tìm hiểu thêm.

  1. Cảm xúc giải thoát: Lúc đó, tôi cảm thấy hạnh phúc và giải thoát không thể tả. Cái hạnh phúc và giải thoát đó, còn hơn vạn lần so với cái hạnh phúc và giải thoát của một người bị nhốt ở trong căn nhà lửa nhiều năm, nay được giải thoát bay bổng nhẹ nhàng và dạo chơi khắp mười phương. Tóm lại, cái hạnh phúc và giải thoát đó khó có thể giải thích bằng lời, chỉ có ai chứng ngộ mới hiểu được thôi.

Trước kia, tôi thường hay thắc mắc rằng: Không hiểu tại sao chư Cổ đức chỉ ẩn tu một nơi không đi đâu hết, vậy mà quý Ngài lại nói rằng: “Thường hay du hành đi khắp mười phương và luôn sống trong niềm an lạc và giải thoát”. Sau khi được nhất tâm, tôi mới hưởng được niềm an lạc và giải thoát đó. Cái hạnh phúc và giải thoát mà tôi đang hưởng được, cho dù có ai đem cả thế giới vàng bạc châu báu, hay quyền uy hạnh phúc nhất ở trên thế gian này để đổi với tôi, thì tôi cũng không chịu. Tại sao? Vì những thứ đó chỉ là giả tạm như bọt nước. Còn cái hạnh phúc và giải thoát mà tôi đang hưởng được, mới là chân thật và vĩnh cửu.

  1. Cảm xúc đau lòng: Khi tôi càng được hạnh phúc và giải thoát bao nhiêu, thì tôi lại càng cảm thấy đau lòng và tan nát bấy nhiêu. Cái cảm xúc đau lòng đó, còn hơn vạn lần so với cái cảm xúc bị mất cha mẹ, vợ chồng hay con cháu. Tại sao? Vì khi cha mẹ, vợ chồng hay con cháu mất đi, thì ta chỉ đau lòng vì sự mất mát và thương nhớ thôi. Còn cái đau lòng sau khi được nhất tâm, là cái đau lòng khi phải chứng kiến cảnh thân bằng, quyến thuộc của mình từ vô lượng kiếp đến nay, họ đang bị đọa đày trong biển lửa luân hồi không thể thoát ra. Vì vậy mà tôi đau lòng tan nát.
  2. Cảm xúc hối hận: Khi tôi càng đau lòng tan nát bao nhiêu, thì tôi càng hối hận và sám hối tội lỗi của mình nhiều hơn bấy nhiêu. Cái cảm xúc hối hận đó, còn hơn vạn lần so với cái cảm xúc hối hận của người con bất hiếu bỏ nhà, bỏ cha mẹ ra đi. Tại sao? Vì cho dù ta có bất hiếu bỏ nhà, bỏ cha mẹ ra đi, thì cha mẹ cũng chỉ khổ vì ta có một đời thôi. Còn sự si mê, điên đảo của ta từ vô lượng kiếp đến nay, đã làm cho chư Phật và Bồ tát khổ vì ta trong vô lượng kiếp rồi. Vì vậy mà tôi hối hận và sám hối nhiều như vậy.
  3. Cảm xúc xót xa: Khi tôi càng hạnh phúc, đau lòng và hối hận bao nhiêu, thì tôi càng cảm thấy xót xa bấy nhiêu. Nỗi xót xa đó còn hơn vạn lần so với nỗi xót xa của một người mẹ đang chứng kiến cảnh các con của mình tàn sát lẫn nhau. Tại sao? Vì cho dù ta có bất hạnh chứng kiến cảnh các con của mình tàn sát lẫn nhau, thì cũng chỉ chứng kiến chúng tàn sát lẫn nhau có một đời thôi. Còn sau khi được nhất tâm, ta sẽ chứng kiến được cảnh ông bà, cha mẹ, vợ chồng và con cháu của ta từ vô lượng kiếp đến nay; họ đang hành hạ, tàn sát và ăn nuốt lẫn nhau đời đời, kiếp kiếp không cùng tận, vì vậy mà tôi tan nát cả tâm can.

Sau khi được nhất tâm, tôi thấy được chân tướng của luân hồi sanh tử. Lúc đó, tôi chỉ muốn hét cho thấu tận mười phương, để nói cho tất cả chúng sanh mọi loài biết rằng: “Chúng ta vốn là thân bằng quyến thuộc, là huynh đệ một nhà…”. Lúc đó, tôi chỉ muốn hét thật lớn để van xin tất cả chúng sanh mọi loài hãy mau thức tỉnh và phát tâm niệm Phật để được giải thoát. Lúc đó, tôi chỉ muốn đến từng người quỳ xuống lạy để xin họ phát tâm niệm Phật. Nhưng hỡi ôi! Không ai chịu nhận 100 lạy của tôi để niệm một câu A Mi Đà Phật mà ngược lại, họ còn cho tôi là một kẻ điên khùng. Vì vậy, lúc đó tôi chỉ còn biết đau lòng thương khóc ngày đêm và cầu xin mười phương chư Phật và Bồ tát gia hộ cho chúng sanh mau được thức tỉnh hồi đầu.

Sau đó, nhờ chư Phật gia hộ mà tôi mới hoàn thành được cuốn sách “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi”. Cũng nhờ hoàn thành được cuốn sách đó mà tâm của tôi mới nguôi đi được phần nào thương xót. Rồi bốn năm sau đó, tôi lại hoàn thành được thêm cuốn sách “Ý nghĩa Hoằng pháp và Hộ pháp”. Mỗi khi hoàn thành được một cuốn sách hay một băng đĩa thuyết pháp nào đó, thì tâm của tôi cảm thấy nhẹ đi phần nào.

Tóm lại, sau khi được nhất tâm chúng ta sẽ trải qua giai đoạn khóc thật nhiều. Rồi nhờ giai đoạn khóc thật nhiều đó, mà ta mới có đủ từ bi và can đảm phát ra đại nguyện để cứu độ chúng sanh đời đời, kiếp kiếp. Một khi đại nguyện từ bi của ta được phát khởi, thì cũng là lúc ta được giải thoát như như bất động. Ý nghĩa như như bất động ở đây, không phải là ta trở thành gỗ đá vô tri vô giác, mà là tâm của ta không còn bị đau khổ và phiền não của thế gian trói buộc nữa.

Lúc đó, cho dù ta có muốn đau khổ cũng không được. Tại sao? Vì sự đau khổ của ta đã chuyển thành biển nguyện độ tha rồi. Nói như vậy không có nghĩa là ta không còn biết đau, biết khóc, biết khổ hay biết sầu. Dĩ nhiên là ta vẫn còn, nhưng tất cả những cảm xúc đau khổ, buồn vui đó đều là vì chúng sanh, không còn là vì bản thân ta nữa. Tóm lại, nếu chúng sanh hạnh phúc thì ta hạnh phúc, nếu chúng sanh đau khổ thì ta đau khổ. Nhưng cái hạnh phúc và đau khổ đó, không phải là cái hạnh phúc, đau khổ của phàm phu, mà là cái hạnh phúc, đau khổ của Bồ tát. Tức là khổ mà như không khổ, không khổ mà khổ. Hạnh phúc mà như không hạnh phúc, không hạnh phúc mà hạnh phúc. Tóm lại, khó có thể giải thích được, chỉ có ai chứng ngộ mới hiểu được thôi.

  1. Chuyển biến tâm lý: Ở đây, tôi xin chia sẻ một chút về sự chuyển biến tâm lý sau khi được nhất tâm, để quý bạn tìm hiểu thêm. Sau khi được nhất tâm, tôi thấy được chân tướng giả tạm của thế gian. Trong mắt tôi khi đó, tất cả vạn pháp chỉ là cát bụi. Nếu nói trên tâm, thì lúc đó tôi không còn muốn ở đây thêm một giây một phút nào cả, mà chỉ muốn được vãng sanh càng nhanh càng tốt. Tại sao? Vì tôi đã thấy được tất cả vạn pháp chỉ là cát bụi, thì còn nuối tiếc ở lại đây để làm gì. Còn nói trên sự, thì lúc đó tôi cảm thấy như bị cực hình. Vì mỗi sáng thức dậy tôi phải lo chưng diện đi làm để kiếm tiền, phải lo đi chợ, nấu nướng, ăn uống,… Tất cả những thứ đó đều là phiền phức, làm mất thời gian tu hành và độ tha của tôi. Lúc đó, tôi chỉ muốn buông xả hết, tìm một nơi ẩn tu để thành tựu đạo nghiệp tự độ và độ tha. Nhưng nghiệp tội của tôi còn quá nặng, vẫn còn bị ràng buộc bởi gia đình, con cái,… vì vậy, thời gian đó tôi cảm thấy khổ sở vô cùng. Nhưng qua một thời gian thì tôi không còn cảm thấy đau khổ nữa. Tại sao? Vì tôi đã thấy được những việc mà tôi đang làm hằng ngày, đều là đang cúng dường cho tất cả chúng sanh. Nhờ vậy mà từ đó mỗi sáng thức dậy, tôi đều vui vẻ chưng diện, vui vẻ đi làm, đi chợ, nấu nướng, ăn uống, tập thể dục,… Vì nếu không có sức khỏe, thì tôi sẽ không duy trì được mạng sống để tu hành và cứu độ chúng sanh lâu dài. Còn nếu không có tiền, thì tôi sẽ không lưu thông được Kinh sách đi khắp mười phương. Tóm lại, sau khi được nhất tâm chúng ta sẽ trải qua hai giai đoạn chuyển biến tâm lý khác nhau, đó là:

Một: Chúng ta sẽ cảm thấy chán nản và không muốn làm gì cả, mà chỉ muốn thoát ra khỏi cái thế giới Ta bà đau khổ này càng nhanh càng tốt. Tại sao? Vì đâu có ai thấy được biển lửa mà còn muốn ở trong biển lửa để làm gì.

Hai: Chúng ta sẽ hăng hái tình nguyện làm tất cả mọi chuyện, mà trong tâm lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc và an lạc. Tại sao? Vì không có gì hạnh phúc và sung sướng cho bằng, khi biết rõ mỗi hành động của mình đang làm hằng ngày, đều đang cứu được vô lượng đời ông bà, cha mẹ và chúng sanh thoát khỏi luân hồi sanh tử.

THỨC TỈNH

Ước chi tôi tu thành chánh quả

Khai thông trí tuệ mở chân tâm

Đời đời, kiếp kiếp chuyên hoằng nguyện

Phổ độ mười phương, cứu chúng sanh.