HIỂU LẦM BUÔNG XẢ HÌNH TƯỚNG
22/11/2017
VẤN ĐỀ TRANH CHẤP TRONG ĐẠO PHẬT
22/11/2017

VẤN ĐỀ ĂN CHAY VÀ ĂN MẶN

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP VÀ HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Kể từ khi Phật nhập Niết bàn cho đến nay, chúng ta tranh chấp về vấn đề ăn chay và ăn mặn không ngừng. Chúng ta tranh chấp là vì có một số bạn cho rằng: Nếu là đệ tử Phật mà xuất gia thì phải ăn chay. Còn một số bạn thì cho rằng: Đệ tử Phật mà xuất gia không cần phải ăn chay. Ngoài ra, chúng ta còn tranh chấp hơn thua với nhau, như là: “Trong Kinh không có câu nào, đoạn nào là Phật cấm đệ tử Phật không được ăn mặn?” hay “câu nào, đoạn nào trong Kinh Phật có cấm rõ ràng?”… Tóm lại, chúng ta ai nấy cũng đưa ra lý lẽ riêng của mình để chỉ trích lẫn nhau không ngừng. Nhưng chúng ta lại quên đi một điều: Phật pháp là nói lên cái chân tướng của vũ trụ, nhân sinh, đạo tâm giải thoát. Những gì xưa nay ba đời mười phương chư Phật thuyết đều là nói lên cái như thị. Như thị nghĩa là nói lên chân tướng của sự thật. Nếu là nói lên chân tướng của sự thật, thì Phật làm sao có thể tự đặt ra luật lệ để bắt buộc chúng sanh phải ăn chay hay ăn mặn một cách tuyệt đối. Nếu chư Phật bắt buộc như vậy thì đạo Phật không còn là đạo từ bi, bình đẳng, biến hóa nhiệm mầu mà đạo Phật sẽ trở thành là tôn giáo, nhất thần giáo hoặc đa thần giáo.

Phật là đấng giác ngộ có trí tuệ, thần thông viên mãn nên Ngài thấy được tận hư không khắp pháp giới, đâu đâu Ngài cũng thấy. Vì thấy được chân tướng nên Ngài hiểu rõ nghiệp ân oán vay trả của chúng sanh mọi loài. Ngài thấy chúng sanh si mê cứ ăn nuốt lẫn nhau: Ngày nay, chúng sanh này ăn chúng sanh kia; rồi mai sau, chúng sanh kia lại ăn chúng sanh nọ. Rồi cứ như vậy mà ăn qua, nuốt lại trả nợ ân oán với nhau đời đời, kiếp kiếp không cùng tận. Vì muốn cứu chúng sanh, nên chư Phật mới thị hiện đến đây chỉ dạy cho chúng ta tu hành để chuyển nghiệp. Phật dạy chúng ta phải phát tâm từ bi thương yêu tất cả muôn loài, vì trong những chúng sanh mà chúng ta đang ăn thịt hằng ngày đó, đều là thân bằng quyến thuộc của ta. Phật đã dạy cho chúng ta biết cái chân tướng của quả báo, luân hồi và sanh tử rất là rõ ràng. Vậy mà chúng ta còn ở đây tranh chấp hơn thua với nhau từng từ ngữ, từng đoạn ở trong Kinh. Chúng ta học Kinh Phật là để tìm hiểu cốt tủy của Kinh, không phải học để rồi đem ra tranh chấp hơn thua từng đoạn, từng chữ ở trong Kinh. Nếu chúng ta tu học mà cứ chấp chặt vào từ ngữ hoặc ngữ nghĩa của Kinh thì sẽ oan ức cho chư Phật ba đời. Tại sao? Vì mỗi một chữ của Phật dạy trong Kinh đều có vô lượng nghĩa và mỗi một đoạn đều có sự dung thông biến hóa không thể nghĩ bàn.

Chúng tôi viết bài này hoàn toàn không có ý tranh chấp hơn thua về vấn đề ăn chay hay ăn mặn với quý bạnVì ai tu nấy chứng ai tội nấy mang. Ở đây, chúng tôi chỉ mong huynh đệ chúng ta tìm hiểu kỹ từng lời Phật dạy ở trong Kinh, để tránh tình huynh đệ mất đi lục hòa và làm tổn hại đến Phật pháp.

Kính thưa quý bạn! Vấn đề ăn chay và ăn mặn đúng hay sai ở đây không phải dựa trên cái tâm phân biệt chấp trước của chúng ta mà có thể phán xét được. Vấn đề đúng hay sai ở đây còn phải dựa trên lương tâm, hoàn cảnh, căn cơ và thời thế của mỗi người. Tức là nói để lương tâm của mỗi người chúng ta tự phán xét. Vì câu trả lời chân thật đúng hay sai vốn ở ngay trong tâm của mỗi người. Nếu chúng ta ăn mặn đúng lương tâm, hoàn cảnh và thời thế thì sự ăn mặn của ta sẽ độ được mình và chúng sanh. Còn nếu chúng ta ăn mặn không đúng lương tâm, hoàn cảnh và thời thế thì sẽ hại mình và hại chúng sanh. Cho nên vấn đề ăn chay hay ăn mặn đều có hai mặt tốt và xấu của nó. Tùy theo chúng ta có biết đặt vấn đề ăn chay hay ăn mặn đúng nơi, đúng chỗ và đúng lương tâm của mình hay không? Còn tại sao trong Kinh Phật không đưa ra luật lệ để bắt buộc đệ tử Phật phải ăn chay hay ăn mặn một cách tuyệt đối? Là vì, nếu Phật đặt ra luật lệ tuyệt đối thì vô tình Phật sẽ hại vô số chúng sanh. Tại sao? Vì Phật nhìn thấy căn cơ, nghiệp chướng, hoàn cảnh, thời thế và thời tiết của chúng sanh ở khắp mười phương thế giới đều có sự bất đồng, thay đổi, biến hóa đa hình, đa dạng khác nhau. Đừng nói đến những thế giới khác, chỉ nói riêng Trái Đất của chúng ta đang sinh sống đây thôi thì ở mỗi nơi đều có thời tiết, môi trường sinh hoạt khác nhau. Có nơi thì thời tiết lạnh buốt, băng tuyết đóng quanh năm. Có nơi thì sa mạc khô khan, nắng cháy quanh năm. Nếu những chúng sanh đang sinh sống ở những vùng đất mà thời tiết bất bình thường này, không trồng được rau quả, ngũ cốc thì họ làm sao có thể ăn chay? Nếu ăn chay không được thì họ không thể tu pháp của Phật hay sao? Nếu như vậy thì họ làm sao có cơ hội để tu giải thoát? Làm như vậy, không phải là Phật đã hại họ rồi hay sao?

I. Vấn đề ăn chay của người xuất gia

Kính thưa quý bạn! Nếu chúng ta là những người xuất gia đang sinh sống ở những nơi không có đủ điều kiện và phương tiện để ăn chay thì ăn mặn không sao. Nhưng chúng ta phải ăn bằng cái tâm từ bi, thương xót vì không có đường lựa chọn. Rồi từ chỗ thương xót đó mà ta luôn nguyện với tâm của mình phải tu thành chánh quả để trở lại cứu vớt hết tất cả chúng sanh mà đã từng bị ta ăn thịt. Có như vậy thì sự ăn mặn của ta mới đúng đạo lý và đúng lương tâm. Còn nếu chúng ta ăn sinh mạng của chúng sanh mà kiếp này tu hành không liễu đạo, thì món nợ ân oán này e rằng phải trả nợ đời đời, kiếp kiếp cũng không xong. Ở trong nhà Phật, có câu: Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”. Cho nên ta cần phải suy nghĩ cho chín chắn trước khi dùng thân mạng của chúng sanh để bồi dưỡng cho thân của mình. Điều này trong Kinh Phật có khuyên dạy rất là rõ ràng, chẳng qua chúng ta không để ý đó thôi. Phật chỉ khuyên chớ không đặt ra luật lệ để bắt buộc chúng ta. Xin quý bạn chớ có hiểu lầm. Có một số người tranh chấp cho rằng: Lúc Phật còn tại thế, Ngài đã cho phép đệ tử xuất gia thọ dụng thức ăn mặn, nên đệ tử xuất gia ngày nay ăn mặn không sao. Cũng vì những sự việc này mà chúng ta tranh chấp không ngừng.

Kính thưa quý bạn! Thời đó, Phật và hàng đệ tử của Phật tu hành, thuyết pháp nay đây mai đó, không có nơi nhất định. Ban ngày thì quý Ngài cầm bình bát đi khất thực khắp nơi, đêm về thì ngủ ở dưới gốc cây (khất thực đồng nghĩa với ăn xin). Quý Ngài đầu đội trời, chân đạp đất, không có đạo tràng cố định như là thời nay. (Tuy thời đó, Phật cũng có đạo tràng nhưng quý Ngài chỉ tạm trú trong mùa an cư kiết hạ mà thôi).

Vì hoằng pháp độ sanh mà Phật phải đi bôn ba khắp nơi không ngừng nghỉ. Mỗi một nơi Phật đi đều có 1.250 đệ tử của Phật cùng đi theo, nên vấn đề ăn chay ở thời đó không thể thực hiện được. Thêm vào, người Ấn Độ thời đó chưa hiểu đạo Phật và ăn chay là gì, mà cho dù họ có hiểu đi chăng nữa thì họ cũng không có đủ khả năng để cúng dường. Tại sao? Bởi vì: Thứ nhất, là vì họ không có đủ tài chính và phương tiện do hàng đệ tử của Phật lúc đó quá đông; thứ hai, là vì Phật và chư Tăng lúc đó đi thuyết pháp và khất thực không nơi nhất định, không ai có thể biết trước ngày mai quý Ngài sẽ đi về đâu; thứ ba, là vì người Ấn Độ thời đó phân biệt đẳng cấp giàu nghèo, phân biệt nam nữ khắc nghiệt. Thêm vào, thời tiết ở Ấn Độ có những nơi không được bình thường, đất đai cằn cỗi, khô khan khó trồng được hoa quả, ngũ cốc, nên vấn đề ăn chay cũng rất là khó khăn.

Giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu tại sao thời đó Phật cho phép đệ tử của Phật thọ dụng thức ăn mặn?

Thứ nhất: Khi đó Phật đã thành Phật rồi, sau đó, Ngài mới đi giáo hóa và thâu nhận đệ tử. Phật cho phép đệ tử Phật thọ dụng thức ăn mặn là có nhiều lý do. Mỗi một lý do đều mang lại sự lợi ích cho chúng sanh, hoàn toàn không có hại đến chúng sanh. Lúc đó, Phật đã có đầy đủ thần thông và đạo lực để biến hoá thức ăn bất tịnh thành thức ăn thanh tịnh. Nhờ có thần lực của Phật gia hộ mà hàng đệ tử của Phật mới được bình an đi theo bên cạnh Ngài, nay đây mai đó trong suốt 49 năm.

Thứ hai: Là 1.250 vị đệ tử của Phật thời đó không phải là người thường. Trong mắt chúng ta thì thấy quý Ngài là đệ tử của Phật, nhưng trong mắt của Phật thì thấy có nhiều vị là cổ Phật và Bồ tát thị hiện tái lai. Quý Ngài cùng Phật thị hiện đến đây để đóng kịch và biểu diễn làm gương cho chúng ta xem. Vì vậy mà mỗi một vị đại đệ tử của Phật thời đó, như là: Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Ca Diếp, Ngài A Nan,… đều có những khả năng tu hành và chứng đắc thần thông khác nhau, để làm tiêu chuẩn cho sự tu hành của chúng ta. Ngoài những vị cổ Phật và cổ Bồ tát thị hiện ra, còn có nhiều vị là Thánh hiền thị hiện đến để giúp Phật hộ trì Tam bảo. Thêm vào, đa số đệ tử Phật lúc đó đều đã được chứng quả A-la-hán. Tóm lại, Phật và 1.250 vị đệ tử thời đó, đa số đều là những bậc thánh. Nếu là thánh thì những thức ăn mà quý Ngài thọ dụng đều có lợi cho chúng sanh, chớ không có hại đến chúng sanh. Tại sao? Vì ngay giây phút quý Ngài thọ dụng thức ăn, thì cũng là giây phút quý Ngài đã dùng thần lực của mình để chú nguyện cho những chúng sanh đó được siêu thoát.

Thứ ba: Là vì Phật muốn giúp chúng sanh trong thời đó trồng được thiện căn, phước đức và nhân duyên thành Phật tương lai, nên Ngài cho phép Tăng đoàn đi khất thực khắp nơi mà không phân biệt giàu nghèo hay chủng tộc. Ai cho gì thì ăn nấy, không được phân biệt dở ngon hay chay mặn. Tâm của Phật là từ bi bao la như vậy đó. Vì muốn cứu chúng sanh nên Ngài không có bắt buộc chúng sanh thời đó phải cúng dường thức ăn chay cho Tăng đoàn. Vì nếu Phật làm như vậy thì sẽ có hại đến Tăng đoàn và hại đến chúng sanh. Đồng thời, cũng làm trở ngại cho việc hoằng pháp độ tha của Phật.

Quý bạn thử nghĩ xem, ở trên đời này có ai đi ăn xin mà còn bắt buộc người ta phải cúng dường thức ăn chay hay mặn cho mình không? Mục đích của quý Ngài đi khất thực là để giúp cho chúng sanh trồng được thiện căn, phước đức và nhân duyên để làm Phật tương lai. Vì ở trên đời này có mấy ai có đủ phước đức và nhân duyên sanh nhằm thời có nhiều Phật, Bồ tát và Thánh hiền thị hiện cùng một lúc, tụ hội cùng một nơi để được cúng dường. Cũng vì thấy được sự lợi ích vô lượng của chúng sanh trong thời đó, Phật không đặt ra luật lệ bắt buộc Tăng đoàn phải ăn chay hay ăn mặn một cách tuyệt đối. Tóm lại, chúng ta không thể nào hiểu được hết lòng từ bi của Phật.

Kính thưa quý bạn! Qua những lý do ở trên cho chúng ta thấy Phật thương chúng sanh vô bờ bến. Ngài luôn dùng đủ mọi phương tiện thiện xảo để giúp cho chúng sanh có cơ hội làm Phật trong tương lai. Còn chúng ta thời nay tu hành đã khác xưa, nơi nơi đều có đạo tràng cố định và vấn đề ẩm thực, nấu nướng rất là đầy đủ và tiện nghi. Nếu chúng ta là đệ tử tại gia ăn mặn thì không ai trách. Nhưng nếu chúng ta là đệ tử xuất gia, đại diện cho Tăng đoàn của Nhất chân pháp giới, thay thế Phật để giáo hóa hàng trời, người và chúng sanh hữu tình mà chúng ta vẫn còn ăn mặn thì khó phục chúng. Quý bạn thử nghĩ xem: Hằng ngày, quý bạn thường ở trước mặt đại chúng thuyết pháp và khuyên dạy đại chúng hãy phát tâm từ bi thương yêu tất cả mọi loài, không nên sát sanh hại vật, không nên làm cho chúng sanh đau khổ,… nhưng bản thân của bạn thì vẫn còn dùng thân mạng của chúng sanh để bồi dưỡng cho thân mình, vậy bạn làm sao có thể phục chúng? Nếu chúng ta ở những nơi không có đủ phương tiện hoặc hoàn cảnh không cho phép thì chúng ta ăn mặn cũng được. Nhưng nếu chúng ta liễu đạo thì không sao, còn ngược lại không liễu đạo thì ta sẽ trả nợ hoài không dứt.

II. Vấn đề ăn chay của Phật tử tại gia

Kính thưa quý bạn! Người tu hành tại gia khác với người tu hành xuất gia. Chúng ta không nên dùng cách tu hành của người xuất gia để áp dụng vào đời sống của người tại gia, vì nếu làm như vậy sẽ tạo thêm nghiệp oán với người thân.

Nếu chúng ta không bị ràng buộc bởi cha mẹ, vợ chồng, con cháu thì tu theo hạnh xuất gia là tốt nhất. Nhưng nếu chúng ta vẫn còn bị ràng buộc bởi gia đình, thì phải biết uyển chuyển và dung thông với mọi hoàn cảnh của gia đình. Chúng ta không nên chấp chặt vào vấn đề ăn chay, để rồi sanh ra xào xáo làm buồn người thân thì không tốt. Trong vấn đề tu hành niệm Phật, nếu chúng ta ăn chay trường được thì rất tốt, vì ăn chay sẽ giúp thân tâm của ta khỏe mạnh, từ bi và bớt gây nghiệp oán với chúng sanh. Nhưng chúng ta phải biết tu hành không phải tu cho bản thân là đủ, mà còn phải tu cho tất cả người thân và mọi người xung quanh nữa thì mới đủ, mới là đệ tử Phật tu hạnh Phổ Hiền. (Hạnh Phổ Hiền là phải đặt sự lợi ích của tất cả chúng sanh lên hàng đầu).

Nếu người thân chúng ta không chịu ăn chay cũng không sao, ta không nên ép buộc vì chỉ khiến họ ghét đạo Phật mà thôi. Nên mọi chuyện chúng ta phải để tùy duyên vì mỗi người đều có cái nghiệp nặng, nhẹ khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta luôn khai thị và khuyên nhủ người thân tu hành niệm Phật. Chỉ cần họ chịu niệm Phật thì vấn đề ăn chay không còn quan trọng nữa. Tại sao? Vì niệm Phật là diệt đi cái gốc tội lỗi tham, sân, si. Một khi cái gốc tội lỗi tham, sân, si được tiêu diệt thì ngọn làm gì còn. Chỉ cần họ niệm Phật có kết quả thì tâm từ bi và trí tuệ của họ sẽ tự nhiên được khai mở. Khi chân tâm, trí tuệ được khai mở thì thân tâm và hành vi của họ theo đó mà được từ bi và thanh tịnh. Lúc đó, cho dù bạn có mướn họ ăn mặn thì họ cũng không ăn. Tại sao? Vì thân tâm của họ đã được thanh tịnh và từ bi rồi. Lúc đó, con kiến họ cũng còn muốn cứu thì nói chi đến việc ăn thịt của chúng sanh. Cho nên độ người thì phải độ từ gốc chứ không phải độ từ ngọn.

Khi chúng ta khuyên người niệm Phật, điều cấm kỵ lớn nhất là không nên khuyên họ bỏ mặn ăn chay liền. Tại sao? Vì tâm lý con người ngày nay hết 90% là thích hưởng thụ, không thích khổ cực. Nếu họ chưa hiểu gì về đạo Phật, chưa có tâm tu hành thì chúng ta chỉ tìm cách khuyên họ niệm Phật là đủ. Chúng ta không nên nói một tràng nào là Phật tử thì phải bỏ mặn ăn chay, phải đoạn luyến ái, phải đoạn hưởng thụ, chưng diện,… Nếu họ nghe chúng ta nói một tràng như vậy thì họ sẽ bỏ chạy không kịp. Như vậy, chúng ta đã vô tình hại họ mất đi cơ hội vãng sanh. Còn về vấn đề buông xả, chúng ta cũng không nên khuyên họ buông xả liền. Tại sao? Vì khi họ niệm Phật có kết quả thì tự nhiên họ sẽ buông xả mà chính bản thân của họ cũng không hay biết, đây là sự nhiệm mầu của câu A Mi Đà Phật. Tóm lại, chúng ta phải biết noi gương theo đấng Từ Phụ là dùng mọi phương tiện thiện xảo để độ chúng sanh, không nên bắt buộc. Chúng ta phải nhớ một điều đạo Phật là sống biến hóa và dung thông vô lượng, không phải là đạo chết.

III. Vấn đề tên của thức ăn chay

Kính thưa quý bạn! Chúng ta ăn chay mục đích là giữ gìn sức khỏe, nuôi dưỡng tâm từ bi và tránh tạo ân oán với chúng sanh. Không phải chúng ta ăn chay để rồi trở thành một kẻ si khờ không còn biết nhận định phải trái, trắng đen hay ngon dở. Có một số người trong chúng ta không hiểu ý nghĩa ăn chay là gì, nên vội chỉ trích những người ăn chay chỉ ăn bằng miệng không ăn bằng tâm. Chúng ta phê bình là vì họ ăn chay mà vẫn còn gọi những món ăn chay như là: Phở, bún bò Huế, bún riêu, cá kho,… như vậy là không đúng. Tóm lại, chúng ta phê bình họ đủ điều. Mới nghe qua thì những lời lẽ phê bình và chỉ trích của ta dường như có lý lẽ lắm, nhưng nếu suy nghĩ kỹ lại thì ta không hiểu ý nghĩa ăn chay và tu hành là gì cả. Tại sao? Vì mục đích ăn chay là tránh tạo nghiệp ân oán với chúng sanh, nuôi dưỡng tâm từ bi và bảo vệ sức khỏe của mình. Còn tu hành là để chuyển hóa thân tâm của mình. Còn nói về danh tên thì tất cả vạn vật ở trong vũ trụ này dù lớn như Trái Đất hay là nhỏ như hạt bụi, thì chúng đều có một danh tên riêng biệt. Nhờ có danh tên riêng biệt mà đời sống của con người mới không bị xáo trộn, đảo điên. Nếu vạn vật ở trên thế gian này không có danh tên, thì con người sẽ trở thành ngớ ngẩn, si khờ. Tại sao? Vì nếu vạn vật không có danh tên thì con người làm sao có thể đối thoại để thông hiểu lẫn nhau, không lẽ mỗi khi muốn nói điều gì thì chúng ta phải ra dấu ú ú, ớ ớ hay sao?

Kính thưa quý bạn! Ở trên, chúng ta chỉ mới đề cập đến danh tên của vạn vật thôi mà đã thấy tai hại đến thế. Nếu chúng ta bàn đến danh tên ẩm thực, nấu nướng của người đời thì còn phức tạp biết dường nào. Nếu nói về gia vị, nấu nướng, ăn uống của người đời thì là đa dạng, vì nó có cả hàng vạn món ăn được chế biến thành phẩm với nhiều phong tục và tập quán khác nhau. Nếu thức ăn không có danh tên riêng biệt thì vấn đề ăn uống của người đời làm sao có thể giải quyết được ổn thỏa? Nếu nói về thức ăn mặn thì có hàng vạn món, nhưng nói về thức ăn chay thì cũng không thua gì thức ăn mặn. Nếu thức ăn chay không có danh tên thì chúng ta làm sao biết phân biệt được món nào là món nào? Chúng tôi biết quý bạn sẽ nói rằng: Chúng ta nào có chỉ trích hay là phản đối thức ăn chay không được đặt danh tên, mà chúng ta chỉ phê bình những người ăn chay tại sao vẫn còn gọi tên những món ăn chay như những món ăn mặn, như vậy là không có đúng.

Kính thưa quý bạn! Trước khi bước vào phần kết luận đúng hay sai thì chúng ta hãy suy nghĩ một điều: Những danh tên của vạn vật muôn loài ở trên thế gian này từ đâu mà có? Chúng có danh tên riêng biệt là từ nơi con người đặt tên cho chúng. Rồi cứ như vậy mà tên của chúng được truyền hết đời này qua đời nọ và trở thành thói quen, phong tục và tập quán. Nhưng trên thực tế thì danh tên của chúng không có thật. Thậm chí, danh tên của con người cũng không có thật. Nếu quý bạn không tin thì thử tìm hết từng bộ phận trong thân của mình, để xem có chỗ nào là tên của bạn không? Thật ra, tất cả danh tên và vạn vật muôn loài ở trong vũ trụ này đều là do duyên hợp. Khi duyên tan thì tất cả đều trở về với hư không và cát bụi, thân ta cũng vậy. Thân ta còn là cát bụi thì danh tên làm gì có thật. Nếu danh tên không có thật thì làm gì có tội? Nếu không có tội thì người ăn chay gọi những danh tên như heo, bò, gà, vịt,… làm gì có tội, làm gì có hại đến việc ăn chay. Nếu không có hại đến việc ăn chay, thì làm gì có chuyện miệng ăn mà tâm không ăn? Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến danh tên của thức ăn thôi, xin quý bạn chớ hiểu lầm mà sanh ra tranh chấp từ ngữ.

Nếu quý bạn cho rằng những người ăn chay mà trong tâm vẫn còn tưởng nhớ đến thịt, heo, bò, gà, vịt,…  thì tội gì họ phải ăn chay khi tâm họ còn thực sự tưởng nhớ. Quý bạn nên biết rằng họ ăn chay là vì tình nguyện, không phải vì bị ai đó ép buộc. Nếu là tình nguyện thì làm gì có chuyện tưởng nhớ. Nếu còn tưởng nhớ thì họ ăn mặn, chớ tội gì phải ăn chay. Xin quý bạn hãy nhận định cho rõ, không nên chỉ trích người để rồi mang tội khẩu nghiệp thì không tốt.

Còn tại sao những món ăn chay được người đời gọi giống như những món ăn mặn không khác? Là vì cách nấu thức ăn mặn và thức ăn chay không có khác. Chúng chỉ khác ở chỗ thức ăn mặn thì chúng ta dùng heo, bò, gà, vịt để nấu, còn thức ăn chay thì chúng ta dùng đậu hủ để thay thế cho heo, bò, gà, vịt. Nếu cách nấu mặn và chay không có khác thì chúng ta cần gì phải đặt tên khác, mà cho dù muốn đặt tên khác cũng không được. Tại sao? Vì sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người đời. Quý bạn hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem có mấy ai trên đời này mới sanh ra mà biết ăn chay liền không? Nếu có chăng chỉ là 1%, còn 99% sanh ra đều đã biết ăn mặn. Đến khi lớn lên, tùy theo căn duyên hay là một lý do nào đó mà chúng ta mới biết ăn chay. Vì vậy, có người biết ăn chay từ nhỏ, có người tới già mới biết ăn chay. Nhưng dù già hay trẻ thì chúng ta đều đã trải qua một thời gian ăn mặn rất lâu, nên danh tên và cách nấu nướng đã trở thành thói quen, phong tục và tập quán. Nếu danh tên và cách nấu nướng đã trở thành thói quen, phong tục và tập quán, thì chúng ta cần gì phải thay đổi. Thêm vào, cho dù chúng có muốn thay đổi cũng không được, vì sẽ không ai hiểu được ta đang nói món gì.

Kính thưa quý bạn! Mục đích chúng ta tu hành và ăn chay là để chuyển đổi thân tâm và khai mở trí tuệ để thành Phật. Không phải chúng ta tu hành để rồi trở thành một kẻ si khờ, cái gì cũng mờ mờ, mịt mịt không biết. Hay là tu hành để rồi những danh tên giả tạm của thế gian mà cũng không dám sử dụng để làm phương tiện độ mình và độ tha. Ý nghĩa buông xả là dung thông với mọi hình tướng, danh tên và hoàn cảnh của tất cả mọi sự vật không còn chướng ngại. Không phải tu để rồi chấp chặt, bỏ cái này để lấy cái kia.