VẤN ĐỀ ĂN CHAY VÀ ĂN MẶN
22/11/2017MỔ XẺ VẤN ĐỀ PHẬT PHÁP
22/11/2017VẤN ĐỀ TRANH CHẤP TRONG ĐẠO PHẬT
(Bài này trích ra từ cuốn “Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP VÀ HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
Kính thưa quý bạn! Nói về đời thì từ cổ chí kim, nói về đạo Phật thì từ khi Phật nhập Niết bàn cho đến nay, dù về đời hay đạo, con người chúng ta vẫn tranh chấp và hãm hại lẫn nhau không ngừng. Về đời thì vấn đề tranh chấp và hãm hại là chuyện bình thường của con người. Nhưng về đạo Phật thì vấn đề tranh chấp, hơn thua là một vấn đề đáng xấu hổ và đau lòng cho hàng đệ tử Phật và đồng thời cũng làm cho thân Phật bị chảy máu. Ý nghĩa làm thân Phật bị chảy máu ở đây không phải là nói chúng ta làm thân của chư Phật bị chảy máu, mà là nói chúng ta làm thân của chúng sanh bị chảy máu. Khi thân của chúng sanh bị chảy máu thì đồng nghĩa làm cho thân Phật bị chảy máu. Tại sao? Vì tất cả chúng sanh đều đồng một thể với chư Phật, khi chúng sanh bị đau thì chư Phật cũng bị đau.
Lúc Phật Thích Ca còn tại thế, Thiên Ma Ba Tuần (Ma vương) nói với Phật rằng: “Tôi sẽ phá hết pháp của ông”. Phật đã trả lời với Ma vương rằng: “Pháp của ta là chánh pháp, nếu là chánh pháp thì nhà ngươi không có cách chi phá được pháp của ta”. Ma vương đã trả lời lại với Phật rằng: “Ta sẽ đợi đến khi ông nhập Niết bàn và đợi đến thời kỳ Mạt pháp, ta sẽ đưa con cháu của ta nhập vào hàng ngũ Tăng đoàn để làm đệ tử của ông, cũng cạo đầu mặc áo cà sa và cũng thuyết pháp để phá hết pháp của ông”. Sau khi nghe Ma vương nói xong thì Phật chỉ còn biết đau lòng mà rơi lệ và thương cho chúng sanh trong thời Mạt pháp. Tại sao Ma vương muốn phá pháp của Phật? Là vì Ma vương luôn lo sợ chánh pháp của Phật sẽ cứu hết chúng sanh thì Ma vương sẽ không còn con cháu. Vì thế giới Ta bà này nằm trong phạm vi khống chế của Ma vương. Vì vậy, Ma vương lúc nào cũng muốn chúng sanh càng si mê càng tốt để đời đời, kiếp kiếp làm con cháu của Ma vương.
Kính thưa quý bạn! Chúng ta hiện tại đang sống trong thời ma mạnh pháp mạt. Ý nghĩa ma mạnh ở đây là nói tâm ma của chúng ta ngày nay quá mạnh. Còn pháp mạt ở đây không phải là Phật pháp bị mạt mà là tâm địa và đạo đức của chúng ta ngày nay quá mạt. Vì quá mạt nên trí tuệ, Phật tánh của ta bị lu mờ không còn biết phân biệt đâu là tốt xấu, chánh tà, đâu là lương tâm đạo đức và đâu là liêm sỉ xấu xa. Vì vậy, Ma vương mới lợi dụng thời điểm này để hãm hại pháp của Phật. Hại pháp của Phật tức là hại chúng ta bị sống trong cảnh chánh tà lẫn lộn, không còn đủ trí tuệ để phân biệt ai là đệ tử Phật và ai là đệ tử ma. Ma vương cũng có phép lực và thần thông rất cao, Ma vương chỉ khác với Phật ở chỗ cái tâm mà thôi. Tâm của chư Phật thì từ bi muốn cứu hết chúng sanh thoát khỏi luân hồi và vãng sanh thành Phật. Còn Ma vương thì có tâm ác muốn chúng sanh phải bị đau khổ luân hồi không thể thoát ly. Vì vậy mà gần ba ngàn năm trước, khi Phật Thích Ca thị hiện đến thế giới Ta bà này để cứu độ chúng sanh, Ngài đã bị Ma vương hãm hại nhiều lần, nhưng lần nào Ma vương cũng bị thất bại. Vì thất bại nên Ma vương mới nói với Phật rằng: “Ta sẽ chờ đến thời kỳ Mạt pháp, lúc mà chúng sanh si mê điên đảo nhất, ta sẽ đưa con cháu của ta vào chùa để phá hết pháp của ông”. Vì vậy, trong Kinh Phật nói: “Pháp của Phật là chánh pháp, tà ma ngoại đạo không ai có thể phá được, duy chỉ có những người giả dạng làm con của Phật mới phá được pháp của Phật mà thôi”. Đó là Phật nói trên sự, còn trên lý thì pháp của Phật là bất biến.
Cũng vì thấy trước được cảnh si mê và đau khổ của chúng sanh trong thời Mạt pháp mà lúc đó Phật chỉ còn biết đau lòng và rơi lệ. Vì không có gì đau lòng bằng khi thấy cảnh chúng ma trà trộn vào Tam bảo để hại Phật pháp và hại huệ mạng của chúng sanh, khiến cho chúng sanh phải sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, không biết phân biệt đâu là chánh tà và chân giả. Không phải chỉ riêng đạo Phật mới bị Ma vương quấy phá mà tất cả các tôn giáo chánh pháp khác cũng đều bị Ma vương quấy phá. Vì vậy, thế giới ngày nay mới xảy ra đầy rẫy chiến tranh tôn giáo.
Kính thưa quý bạn! Tuy Ma vương đã đưa con cháu nhập vào hàng ngũ Tăng đoàn của Phật giáo rất đông, nhưng đồng thời chư Phật và chư Bồ tát thị hiện đến đây cứu chúng sanh cũng rất là đông. Chúng sanh càng đau khổ, càng bị chúng ma áp đảo bao nhiêu thì chư Phật và chư Bồ tát càng thị hiện đến đây đông hơn bấy nhiêu. Tuy thời nay là thời Mạt pháp nhưng đồng thời cũng là Chánh pháp, điều quan trọng là chúng ta có đủ trí tuệ để nhận diện đâu là chánh tà hay không? Ý nghĩa thời Mạt pháp ở đây là nói con người ngày nay có tâm ma quá mạnh đang bủa vây tứ phía để phá Phật, Pháp, Tăng. Ý nghĩa thời Chánh pháp ở đây là nói chư Phật và chư Bồ tát thị hiện đến đây rất đông để bảo vệ và dìu dắt chúng sanh đi đúng chánh pháp, giúp cho chúng sanh niệm Phật vãng sanh càng lúc càng đông hơn.
Nếu chúng ta biết quay vào niệm tự tánh A Mi Đà, thì ta đang sống trong thời Chánh pháp, tức là đang sống trong hào quang của chư Phật. Còn nếu ta cứ lo tham đắm chạy theo dục vọng tham, sân, si thì ta đang sống trong thời Mạt pháp, tức là đang sống trong ám khí của Ma vương. Nếu ta đi đúng đường thì sẽ được vãng sanh thành Phật. Nếu ta đi sai đường thì sẽ bị rơi vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, để chịu mọi đau khổ đời đời, kiếp kiếp không thể thoát ly.
Nếu chúng ta tranh chấp với nhau mà cứu được mình và cứu được chúng sanh thì sự tranh chấp của ta là đáng quý và đáng ca ngợi. Nhưng nếu chúng ta tranh chấp vì cái ta điên đảo, hại huynh đệ tương tàn, hại chúng sanh đau khổ và hại Phật pháp phải bị suy đồi, thì sự tranh chấp của ta cho dù trời đất, quỷ thần cũng khó dung tha.
Kính thưa quý bạn! Chúng ta không có đủ phước đức nên mới sanh nhằm thời Mạt pháp, giữa chánh tà lẫn lộn. Đáng lẽ chúng ta phải biết thương yêu, đùm bọc và hy sinh cho nhau, kẻ té người nâng mới phải chứ. Có lý nào chúng ta lại đi hơn thua và hãm hại lẫn nhau không ngừng. Nếu làm như vậy thì chúng ta đã khổ lại càng khổ thêm. Nếu là đệ tử Phật thì ta phải biết đặt sự sanh tử của mình và chúng sanh lên hàng đầu, phải biết quay vào tranh đấu với tâm ma của mình, phải biết sửa đổi hành vi và ý nghĩ tội lỗi của mình, thì đó mới là người Phật tử tu hành chân chính. Còn nếu ta không biết quay vào để sửa đổi thân tâm của mình, mà suốt ngày chỉ lo chạy đông, chạy tây để rình rập, vạch lá tìm sâu và soi mói lỗi người, rồi thêu dệt lên những chuyện lạ thường để hãm hại lẫn nhau, vậy thì ta làm sao xứng đáng làm đệ tử của Phật? Nếu là đệ tử Phật thì ta phải lo tu niệm A Mi Đà Phật ngày đêm để mau khai mở được chân tâm và trí tuệ của mình. Khi chân tâm và trí tuệ của mình được khai mở, thì ta mới có đủ trí tuệ và khả năng để triển khai Kinh Phật đúng theo chánh pháp. Còn nếu ta không lo tu niệm Phật, mà suốt ngày chỉ lo dùng thế trí biện thông si mê của mình để lý luận hơn thua hay là khoe cái ta và cái của ta, thì thật là uổng phí cả đời. Không những là không có lợi ích gì cho bản thân, mà còn làm tổn hại đến Tam bảo và hại chúng sanh.
Ở đây, chúng tôi không dám khuyên quý bạn bỏ đi tranh chấp mà chỉ xin quý bạn cho phép chúng tôi lấy tình huynh đệ để góp ý. Nếu những lời góp ý của chúng tôi có lợi thì xin quý bạn hoan hỷ “dùng tạm”, còn nếu không thì xin quý bạn thương tình mà bỏ qua cho. Trước khi bước vào phần góp ý, chúng tôi xin quý bạn cùng tìm hiểu về tâm bệnh của mình. Thật ra, tất cả chúng ta không nhiều thì ít đều mang một căn bệnh đố kỵ và phân biệt chấp trước rất nặng, vì vậy mà chúng ta mới cùng có mặt ở đây. Chúng ta đố kỵ và chấp trước đủ điều, nói thì không bao giờ hết, không bao giờ cùng tận, vì không cùng tận nên sự đố kỵ và tranh chấp của chúng ta cũng không cùng tận.
Kính thưa quý bạn! Trước khi muốn phê bình một cuốn sách, một cuộn băng hay lời nói và hành vi của người nào đó, thì ta hãy dùng cái tâm bình đẳng và vô tư của mình để mà nhận định. Tại sao? Vì có mấy ai trên đời này đọc sách về Phật pháp mà hiểu được hết ý của tác giả. Quý bạn nên biết rằng: Mỗi một tác giả khi viết sách họ đều có căn cơ, trí tuệ, giác ngộ và hạnh nguyện độ tha khác nhau. Còn về phía người đọc cũng vậy. Mỗi một người đều có trí tuệ và giác ngộ cao thấp khác nhau. Đừng nói là mỗi người, chỉ nói riêng về ta thôi, mỗi lần đọc là mỗi lần ta thâm nhập vào cảnh giới khác nhau. Càng đọc ta càng thấy sự biến hóa và cảnh giới vi diệu khác nhau, dù cũng chỉ là những dòng chữ đó. Vì vậy mà có những bộ Kinh Đại thừa của Phật, chúng ta học cả đời mà học cũng không xong và không hiểu suốt. Điều này cho thấy Phật pháp thật là vi diệu không thể nghĩ bàn. Cho nên chúng ta cần phải suy nghĩ chín chắn trước khi tự cho mình đã hiểu suốt, nhất là những Kinh sách thuộc về Đại thừa. Nếu chúng ta có đủ trí tuệ hiểu suốt được câu nào là tác giả đang nói: Trên lý, trên sự, trên tâm, trên căn cơ, trên phương tiện, trên đối đãi, trên đạo, trên đời, trên Tiểu thừa, trên Đại thừa, trên Pháp giới duyên sanh, trên Nhất chân pháp giới thì đó mới gọi là hiểu được suốt. Còn nếu chúng ta chưa hiểu được hết như vậy thì chưa gọi là hiểu suốt. Ngoài ra, chúng ta nên tự hỏi mình có hiểu được tâm của mình chưa? Có biết phân biệt niệm nào là tà, là chánh của mình chưa? Tại sao? Vì nếu mình chưa hiểu được tâm niệm của mình rõ suốt, thì làm sao có đủ trí tuệ để hiểu được tâm niệm của người khác?
Nếu sau khi tìm hiểu, biết mình có đủ trí tuệ để hiểu được tâm mình và tâm người rõ suốt, thì hãy tự hỏi tâm mình có đủ từ bi để tha thứ cho người chưa? Ý nghĩa tha thứ ở đây không phải là ta có quyền tha thứ hay trừng phạt ai, mà là ta không nên tranh chấp hơn thua với người, dù là người đó luôn đang tìm cách để hãm hại ta. Vì một người hiểu được tâm của mình và tâm của người rõ suốt thì đã có tri kiến Phật rồi. Nếu ta đã có tri kiến Phật thì đâu còn si mê, điên đảo để đi tranh chấp hơn thua với người. Tri kiến Phật tức là cái hiểu và cái thấy đúng theo chánh pháp. Nếu chúng ta thật sự có đủ trí tuệ để hiểu suốt được tâm mình và tâm người, thì hãy mở lòng từ bi đi khuyên nhủ huynh đệ của mình không nên gây thêm nghiệp tội nữa. Chúng ta có thể viết thư chỉ điểm những chỗ sai lầm hoặc khuyên nhủ họ trực tiếp, nhưng không nên soi mói lỗi lầm, vạch lá tìm sâu hay rêu rao lên án họ khắp nơi. Thật ra, những huynh đệ đồng tu của chúng ta rất tốt, họ cũng có lòng từ bi muốn cứu chúng sanh. Chẳng qua sự hiểu biết của họ chưa được đến nơi đến chốn, vẫn còn bị vô minh che lấp mà họ không hay. Và không chừng chính bản thân ta cũng đang có những lỗi lầm thiếu sót mà mình không hay biết. Nếu chúng ta ai nấy cũng hiểu được 100% thì đã thành Phật hết rồi, không còn có mặt ở đây để tu hành. Nếu là huynh đệ thì ta hãy mở lòng từ bi thương xót cho những huynh đệ đang đi lầm đường và lạc bước này càng nhiều hơn. Càng thương họ thì ta lại càng nỗ lực tu hành tinh tấn ngày đêm, để mau khai mở được chân tâm và trí tuệ. Khi chân tâm và trí tuệ được khai mở, thì ta mới có đủ khả năng giải tỏa đi những hiểu lầm về Phật pháp trong tâm của huynh đệ. Còn nếu chúng ta không lo tu hành để khai mở chân tâm, trí tuệ mà suốt ngày chỉ lo bực tức và tranh chấp hơn thua, vậy thì chúng ta đâu có khác gì với những người si mê, điên đảo. Rốt cuộc, chúng ta chỉ làm tổn hại huệ mạng của mình, hại Phật pháp và hại chúng sanh mà thôi. Thay vì thời gian tranh chấp hơn thua với huynh đệ, thì ta nên dành lại để tranh chấp hơn thua với con ma ở trong tâm mình. Còn hơn suốt ngày ta chỉ lo canh con ma nhà người, mà để con ma ở trong tâm mình mọc nanh, mọc vuốt mỗi ngày thêm lớn, khiến cho Thiên, Thần và Quỷ địa cũng chê cười mỉa mai thì thật là đáng thương.
Kính thưa quý bạn! Ai tu nấy chứng ai tội nấy mang, chúng ta tu hành thì không nên để những chuyện thị phi và nhảm nhí làm ô nhiễm thân tâm của ta. Nói như vậy không có nghĩa là ta bỏ mặc không quan tâm gì đến chuyện phải trái, trắng đen của Phật giáo hay là của thế giới nhân loại. Trên lý thì ta nên buông xả, không nên phân biệt chấp trước. Nhưng trên sự thì mỗi người con Phật phải có trách nhiệm chỉnh đốn lại Tăng đoàn, chỉnh đốn lại Phật tử đoàn, chấn hưng lại Phật giáo và khôi phục lại đạo đức suy đồi của nhân loại. Cũng vì những lý tưởng cao quý này mà chư Phật mới ra đời và chúng ta mới buông bỏ trần duyên để tu hành độ chúng. Nếu là đệ tử Phật thì ta chỉ dùng tâm từ bi và trí tuệ của mình để giải tỏa mọi hiểu lầm và thắc mắc của chúng sanh, giúp cho chúng sanh được giác ngộ lìa mê. Vì chỉ có nền tảng của đạo đức và lòng từ bi vị tha của con người mới có thể đưa thế giới nhân loại này tiến đến một cuộc sống văn minh, hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta không nên dùng sự hiểu biết của mình để đi hãm hại và tranh chấp hơn thua trong hàng đệ tử Phật.
Kính thưa quý bạn! Trên đường tu hành, chúng ta ai nấy cũng phải gặp chướng duyên và phải té lên té xuống nhiều phen mới thành được đạo. Nếu là huynh đệ thì ta phải biết thương yêu và dìu dắt lẫn nhau, kẻ té người nâng để đi đến con đường giải thoát cứu cánh. Đó mới là đệ tử Phật tu hành chân chính, là rường cột của Tam bảo và là tấm gương sáng cho đại chúng và con cháu của chúng ta sau này.
Lời thỉnh cầu
Kính thưa quý bạn! Pháp môn Tịnh độ là pháp môn Kim cang Diệu thiền của Như Lai, nên chỉ có Phật mới hiểu được Phật mà thôi. Cho dù là những bậc A-la-hán, Bích Chi Phật hay là Bồ tát mà vẫn chưa có đủ trí tuệ để hiểu suốt, thì phàm tình như chúng ta làm sao có đủ trí tuệ để hiểu suốt. Nếu không hiểu thì tốt nhất là ta nên giữ im lặng. Tuy nhiên, xin quý bạn cũng đừng buông lời phỉ báng chê bai pháp môn Tịnh độ và cũng xin đừng phủ nhận không có cõi Tây phương Cực Lạc của Phật A Mi Đà.
Nếu quý bạn không mau thức tỉnh niệm Phật để sám hối tội lỗi của mình, thì dù có bao nhiêu địa ngục cũng không chứa hết tội lỗi của bạn đâu. Xưa kia, có một vị pháp sư chỉ giảng sai ý nhân quả mà đã bị đọa làm chồn hết 500 kiếp. Ngày nay, bạn đi phỉ báng pháp môn Tịnh độ và phủ nhận không có cõi Tây phương Cực Lạc của Phật A Mi Đà, thì tội lỗi này bạn làm sao gánh nổi? Xin quý bạn hãy cẩn thận về hành vi và lời nói của mình.
Nếu quý bạn thật sự thích tranh chấp hơn thua như vậy thì hãy cố gắng tu cho thành Phật đi. Sau khi thành Phật rồi thì bạn tha hồ mà tranh chấp cũng chưa có muộn. Còn bây giờ chúng ta vẫn là phàm phu đầy rẫy tội lỗi và đang bị vô minh che lấp. Thậm chí, tâm của mình còn chưa hiểu rõ, lý sự cũng chưa hiểu thông thì làm sao có đủ trí tuệ để phê phán cảnh giới của chư Phật có hay không? Cổ nhân có nói: “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Núi cao còn có núi cao hơn. Đừng lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử. Đừng lấy mắt phàm để suy xét thánh”. Có những chuyện chúng ta không thấy không có nghĩa là không có. Ở đây, tôi xin nêu ra vài mẫu chuyện nhỏ để quý bạn thấy có những chuyện chúng ta không thấy không có nghĩa là không có. Nếu như tôi vẫn còn ở Việt Nam mà có ai đó tới nói với tôi rằng: Ở bên Mỹ, vào mùa hè lúc 9 giờ tối mà vẫn còn Mặt Trời hoặc tới ngày rằm khi Mặt Trăng vừa mới nhô lên nó to bằng cái thúng lớn, thì tôi sẽ cho người đó là bịa đặt và nói chuyện hoang đường (những chuyện đó bên Mỹ là có thật). Qua vài mẫu chuyện nhỏ ở trên, cho thấy sự hiểu biết của chúng ta không khác gì con kiến ở trong kẹt cửa, không biết được trời cao đất rộng là gì. Nội những chuyện nhỏ ở trong Trái Đất này thôi mà chúng ta còn không thấu hiểu, thì làm sao có đủ trí tuệ để hiểu được cảnh giới của chư Phật.
Kính thưa quý bạn! Chúng ta đều là những đứa con si mê, lạc lõng và đang chập chững bước từng bước để đi theo đấng Từ Phụ, bước từng bước để quay về nguồn cội chân tâm. Nếu trên đường tu hành chúng ta thành tựu được bước nào thì hãy mở lòng từ bi chia sẻ và dìu dắt huynh đệ của mình cùng đi bước đó, cùng nhau về gặp đấng Từ Phụ A Mi Đà, cùng nhau thành Phật và cùng nhau phát nguyện tới mười phương thế giới để cứu độ chúng sanh mọi loài. Phật dạy: “Người tu hành thì phải có lòng từ bi tha thứ, dù là kẻ thù mình cũng phải cứu, không nên phân biệt”. Kẻ thù của mình mà mình còn cứu, huống chi là tình huynh đệ cùng thờ một Cha không oán thù chi.
Kính thưa quý bạn! Hiện tại, xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu chúng sanh ở khắp mười phương thế giới đang bị đọa đày và họ đang đau khổ khóc than, kêu van cầu cứu ngày đêm. Chúng ta có đủ thiện căn và phước đức tin sâu niệm Phật, thì hãy cố gắng tu hành tinh tấn để mau được thành Phật. Vì ta thành Phật sớm một phút thì chúng sanh sẽ đỡ khổ thêm một phút. Nếu là đệ tử Phật thì ta phải biết thương yêu, đùm bọc và hy sinh cho nhau còn không hết. Có lý nào thấy huynh đệ tài giỏi xuất chúng hơn mình thì ta sanh tâm đố kỵ, ganh ghét và hãm hại họ không ngừng. Mục đích của chúng ta tu hành có phải vì liễu sanh thoát tử và cứu độ chúng sanh không? Nếu vậy, thì chúng ta phải biết mang ơn những huynh đệ xuất chúng của mình mới phải chứ, có lý nào lại đi hãm hại họ không ngừng.
Kính thưa quý bạn! Khi chúng ta mang họ Thích và mang pháp danh đệ tử của Phật, thì tất cả chúng ta đều là anh hùng đại trượng phu. Vì vậy, có những ngôi chùa ở nơi chánh điện thường khắc lên bốn chữ “Anh hùng Bảo điện”. Ý nói rằng những người đệ tử của Phật dù xuất gia hay tại gia đều là những bậc anh hùng đại trượng phu, đều là rường cột của Tam bảo và niềm tin hy vọng của chúng sanh. Nếu chúng ta là anh hùng đại trượng phu mà vẫn còn mang cái tâm đố kỵ và tranh chấp danh lợi hơn thua, vậy thì đạo đức và lòng từ bi của chúng ta không lẽ còn thua một vị tướng quân trung thành xả thân vì dân, vì nước hay sao? Vậy chúng ta làm sao xứng đáng làm đệ tử của Phật, làm sao trả ơn cho chư Phật, chư Bồ tát, trả ơn cho mười đời tổ tiên, ông bà, cha mẹ và trả ơn cho dân tộc, đất nước?