HIỂU LẦM Ý NGHĨA TÀ DÂM
22/11/2017
VẤN ĐỀ ĂN CHAY VÀ ĂN MẶN
22/11/2017

HIỂU LẦM BUÔNG XẢ HÌNH TƯỚNG

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Đa số chúng ta xưa nay vẫn còn hiểu lầm về ý nghĩa buông xả hình tướng mà Phật dạy trong Kinh. Phật dạy chúng sanh muốn tu hành thì phải buông xả hình tướng, không nên chấp tướng. Câu này Phật nói trên tâm, không phải nói trên thân hay trên sự. Nghĩa là nói tâm chúng ta không nên chấp chặt vào bất cứ hình tướng nào mà phải biết dung thông với mọi hình tướng. Vì tất cả những gì có hình tướng ở trên thế gian này đều là do duyên hợp, nên chúng có sanh, có diệt và biến đổi không ngừng theo thời gian.

Nếu là Phật tử, thì chúng ta phải biết nhìn thấu và buông xả. Ý nghĩa nhìn thấu và buông xả ở đây, không phải nói chúng ta phải bỏ hình tướng này để chọn hình tướng kia, mà là nói chúng ta phải biết dung thông với tất cả hình tướng, sự sự vô ngại. Sự sự vô ngại, nghĩa là bất cứ hình tướng gì cũng không làm trở ngại cho sự tu hành của ta. Còn trên thân, thì ta phải biết tùy duyên, tùy thời thế, tùy nghề nghiệp, gia đình và xã hội để mà dung thông. Vì hình tướng bên ngoài là phương tiện, để đưa đến sự thành công trong cuộc sống gia đình, xã hội và độ tha.

Nhưng tiếc thay, chúng ta xưa nay không hiểu lời Phật dạy, ngược lại còn hiểu lầm cho rằng: Người tu hành thì không được chưng diện, không được trang điểm, không được ăn mặc quần áo đủ màu theo thời trang và không được thưởng thức hay ngắm nhìn những cảnh đẹp của thế gian. Vì hiểu lầm nên chúng ta thường hay lên án những Phật tử nào chưng diện hay trang điểm là những người tu hành không chân chính. Cũng vì hiểu lầm, mà chúng ta đã hại đạo Phật bị người đời lánh xa và cho đạo Phật là tiêu cực và hại đời. Vô tình, chúng ta hại không biết bao nhiêu là chúng sanh. Cuối cùng, chúng ta càng tu thì càng chấp tướng, càng hại đạo Phật và hại chúng sanh. Điều đáng thương, là chúng ta đang hại đạo Phật và hại chúng sanh mà không hề hay biết, ngược lại còn tưởng rằng mình đang hoằng pháp và hộ pháp. Vậy thử hỏi có tội lỗi không?

Thưa quý bạn! Đạo Phật dạy cho con người lìa khổ để được vui. Nhưng chúng ta không hiểu, lại đi khuyên dạy người đời lìa vui để bị khổ. Chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: Nếu người đời làm theo những gì chúng ta nói, thì e rằng sự tu hành của họ chưa được tới đâu thì đã bị mất việc làm; bị mất vợ hoặc mất chồng; bị cha mẹ và con cháu oán hận và bị xã hội ruồng bỏ. Thậm chí, họ còn bị chết đói và nằm đường nữa là khác. Nếu tu pháp của Phật để rồi trở thành tội nhân của xã hội và nạn nhân của đạo Phật, vậy thì ai còn dám tu.

Thưa quý bạn! Hình tướng bên ngoài đối với con người rất là quan trọng, vì chúng là mạch sống của gia đình, xã hội và thế giới. Nhưng chúng ta xưa nay không hiểu, ngược lại còn đi khuyên người đời rằng: “Muốn tu hành thì chúng ta phải buông xả hết hình tướng bên ngoài, đó mới là Phật tử tu hành chân chính”. Chúng ta nói như vậy, thì có khác gì là kêu người đời đi chết. Có khác gì hại thế giới này trở thành địa ngục trần gian.

Quý bạn hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: Nếu người đời bỏ đi hình tướng bên ngoài, không được chưng diện hay trang điểm chi cả. Nếu họ bị mất việc làm, bạn có nuôi được họ và gia đình của họ suốt đời không? Nếu họ bị vợ hay chồng ruồng bỏ, bạn có trả chồng hay vợ lại cho họ không? Nếu họ bị cha mẹ hay con cháu ruồng bỏ, bạn có đền bù được những gì mà họ đã mất từ tinh thần cho đến thể xác không? Nếu là không, thì tốt nhất là bạn không nên khuyên người đời bỏ đi những hình tướng bên ngoài mà họ đang cần và sống với chúng.

Thưa quý bạn! Tu hành là buông xả trên tâm, không phải buông xả trên thân hay trên sự. Nghĩa là tâm của ta thì phải biết trang nghiêm cho cõi Tịnh độ, còn thân của ta thì phải biết trang nghiêm cho cõi Ta bà này đến hơi thở cuối cùng. Nếu là Phật tử, thì ta phải biết trang nghiêm cho bản thân, cho gia đình, cho nghề nghiệp, cho xã hội và cho thế giới. Thêm vào, việc tu hành của ta không phải chỉ một ngày hay một tháng là có thể thành Phật mà là tu cả đời.

Phật dạy chúng ta tu hành thì phải biết buông xả, không nên chấp tướng, nghĩa là ta phải biết dung thông với mọi hình tướng và hoàn cảnh. Chư Phật xưa nay, không hề nói lý thuyết suông mà quý Ngài luôn thực hành và biểu diễn cho chúng ta xem. Nếu chúng sanh thích hình tướng gì thì quý Ngài sẽ biến ra hình tướng đó để cứu độ chúng sanh. Không những vậy mà quý Ngài còn biến thân súc sanh để độ loài súc sanh, biến thân ngạ quỷ để độ loài ngạ quỷ… Tóm lại, quý Ngài luôn biến hóa ra đủ loại hình tướng để cứu độ chúng sanh. Tuy quý Ngài thường biến hóa ra vạn hình vạn tướng khác nhau, nhưng tâm của quý Ngài thì lúc nào cũng như như bất động. Còn chúng ta tu hành mà vẫn còn ôm cái tâm phân biệt và chấp trước quá nặng, nên mới thấy phải bỏ cái này hay phải bỏ cái kia. Hoặc thấy hình tướng gì không hợp mắt và hợp ý của mình thì bàn tán, thị phi. Rốt cuộc, ta không tu pháp Phật để đi vãng sanh mà tu pháp thị phi để đi luân hồi.

Thưa quý bạn! Hình tướng bên ngoài đối với con người và vạn vật muôn loài ở trên thế giới này rất là quan trọng. Thậm chí, mười phương cõi Phật cũng không thể tách rời hình tướng bên ngoài, vì đây là phương tiện của sự sống và độ sanh. (Hình tướng ở cõi Phật là diệu tướng không phải là vọng tướng duyên hợp, xin bạn chớ lẫn lộn). Ở đây, tôi xin lấy một gia đình để làm ví dụ thì quý bạn sẽ thấy hình tướng bên ngoài đối với con người và thế giới này quan trọng ra sao?

Một gia đình nọ, có hai vợ chồng và hai đứa con trai và gái. Người chồng thì làm ngành mua bán nhà đất, người vợ thì bán hàng tạp hóa ở chợ, người con trai thì làm cảnh sát và người con gái thì làm ca sĩ. Mỗi sáng thức dậy, thì người chồng thường phải chưng diện veston, thắt cà vạt, đầu tóc gọn gàng và giày phải tươm tất. Người vợ thì phải ăn mặc gọn gàng và bình dân. Người con trai thì phải mặc đồng phục, mang trang thiết bị và đầu tóc phải chỉnh tề. Người con gái thì phải chưng diện quần áo lộng lẫy và trang điểm hợp thời trang. Qua hình tướng của bốn người trong gia đình này, cho chúng ta thấy họ đều là những người đang đại diện cho ngành nghề ở trong xã hội này. Họ không phải vì sự sống riêng của bản thân và gia đình, mà họ còn đang vì sự sống chung của cả nhân loại. Họ không phải chỉ trang nghiêm cho bản thân và gia đình của họ, mà họ còn trang nghiêm cho cả thế giới này. Qua những ví dụ ở trên, cho chúng ta thấy hình tướng bên ngoài đối với nhân loại và thế giới quan trọng biết dường nào. Vậy mà chúng ta không hiểu, lại đi khuyên dạy người đời rằng: “Muốn tu hành thì phải buông xả hết hình tướng bên ngoài, có như vậy thì ta mới là Phật tử tu hành chân chính”.

Thưa quý bạn! Đạo Phật là đạo dạy con người phải có lòng từ bi và trách nhiệm đối với chúng sanh mọi loài và thế giới. Đạo Phật không dạy con người ích kỷ và vô trách nhiệm. Chúng ta xưa nay, tự cho mình là đệ tử của Phật nhưng không chịu học kỹ giáo lý của Phật, dẫn dắt chúng sanh đi sai đường, khiến cho đạo Phật phải bị mang tiếng là đạo mê tín và tiêu cực hại đời. Lỗi này không phải ở nơi chúng sanh mà lỗi là ở nơi chúng ta. Tại sao? Vì chúng ta là đệ tử của Phật mà không hiểu lời Phật dạy, không chịu tìm hiểu cuộc sống nhu cầu và hoàn cảnh đau khổ của chúng sanh, không chịu tìm hiểu người đời ngày nay muốn gì và cần gì. Chúng ta cứ chấp chặt vào sự hiểu biết hạn hẹp và hoàn cảnh của mình, mà hoàn toàn không thông cảm với nỗi đau khổ và nhu cầu cuộc sống của chúng sanh.

Ở trên, chúng ta chỉ mới bàn đến đời sống và tài chính của một gia đình thôi mà đã thấy khó khăn trăm bề. Nếu chúng ta bàn đến tâm lý và thể diện của một gia đình, thì hình tướng bên ngoài đối với con người và thế giới còn quan trọng biết dường nào. Bây giờ chúng ta trở lại, lấy câu chuyện gia đình của bốn người ở trên để làm ví dụ thêm một lần nữa. Trong gia đình này, người vợ là một Phật tử tu hành, còn chồng và hai con của bà thì không phải là Phật tử. Bà này thường nghĩ rằng người tu hành thì không được chấp tướng, nên bà đã bỏ hết việc chưng diện và trang điểm bên ngoài. Nếu nhìn trên mặt nghề nghiệp, thì bà không có chướng ngại chi cả vì bà chỉ là người buôn bán ở chợ. Nhưng nếu nhìn trên mặt bản thân, gia đình và xã hội thì bà có chướng ngại rất lớn. Tại sao? Vì bà đã làm mất thể diện của cha mẹ và chồng con của bà. Thậm chí, bà còn làm cho người thân của bà oán hận đạo Phật. Tại sao? Vì chồng con của bà là những người cũng có tên tuổi ở trong xã hội, nên trong cuộc sống hằng ngày, họ thường có những buổi họp mặt hay tiệc tùng với đồng nghiệp và người thân. Cho dù họ không có tổ chức tiệc tùng đi chăng nữa, thì làm con người, ngoài những chuyện làm lụng cực khổ ra, họ cũng cần có những thời gian đi chơi đây đó để thư giãn tâm hồn hoặc gặp gỡ bà con, bạn bè và lối xóm. Đó là chưa nói đến những ngày lễ, ngày Tết… Mỗi khi có dịp đi ra ngoài với chồng con hay dự lễ hội, dĩ nhiên là cha mẹ và chồng con của bà đều mong bà có mặt ở bên cạnh họ. Tại sao? Vì bà là vợ, là mẹ và là một thành viên rất là quan trọng ở trong gia đình. Nhưng mỗi khi có dịp đi ra ngoài với chồng con và gia đình, thì bà đều không chưng diện hay trang điểm gì cho mình cả, vì bà nghĩ rằng: “Nếu mình chưng diện và trang điểm thì sẽ không còn là Phật tử tu hành chân chính”. Cũng vì những ý nghĩ sai lầm này, mà bà đã đánh mất bổn phận làm con, làm vợ, làm mẹ và làm đệ tử Phật. Nếu bà là một Tu sĩ hay là một Cư sĩ ẩn tu thì không ai trách. (Cho dù là Tu sĩ cũng phải có cái hình tướng bên ngoài của người Tu sĩ). Còn đằng này, bà không phải là Tu sĩ và cũng không phải là Cư sĩ ẩn tu, mà bà chỉ là một người Phật tử bình thường có chồng, có con và vẫn còn làm ăn mua bán. Nếu là Phật tử bình thường thì bà phải có trách nhiệm với gia đình của bà, nhưng đằng này trách nhiệm trong gia đình bà làm còn chưa xong, thì bà làm sao có đủ tư cách để làm đệ tử Phật? Nếu là đệ tử của Phật thì bà phải biết làm một tấm gương sáng, để cho cha mẹ và chồng con của bà thấy được đạo Phật thật sự mang đến cho con người sự hạnh phúc và giải thoát.

Thưa quý bạn! Cho dù chúng ta có tu hành đến mức độ không còn muốn chưng diện, thì cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình. Vì cha mẹ và chồng con của ta lúc nào cũng coi trọng hình tướng bên ngoài của ta. Họ sẽ rất vui và hãnh diện mỗi khi nghe có ai đó khen rằng: “Ồ! Con bà (vợ ông, mẹ anh, mẹ chị) chưng diện lịch sự và dễ thương quá!”. Họ sẽ đau lòng và mất mặt mỗi khi nghe có ai đó bàn tán rằng: “Ồ! Ông đó (cô kia, anh nọ) ăn mặc sang trọng, sao để cho vợ (mẹ) ăn mặc quê mùa, thật là tội nghiệp”. Nếu chúng ta tu hành mà không mang lại được niềm vui và hạnh phúc cho gia đình, vậy thì ta làm sao xứng đáng làm đệ tử của Phật? Nếu chúng ta tu hành mà không hiểu được những lời Phật dạy, thì càng tu càng đánh mất đi trách nhiệm của mình và làm cho đạo Phật phải bị mang tiếng chung. Cuối cùng, phước đâu không thấy mà chỉ thấy nghiệp tội của mình thêm chất chồng, thì thật là oan uổng.

Thưa quý bạn! Nữ trang quý báu không phải là những thứ nữ trang mà ta đang đeo trên người, mà là những người thân đang ở xung quanh ta. Mỗi khi đi ra ngoài, nếu người chồng ăn mặc không đúng thì người vợ sẽ bị chửi, nếu người vợ ăn mặc không đúng thì người chồng sẽ bị chửi, người con ăn mặc không đúng thì người mẹ sẽ bị chửi hoặc là ngược lại. Vì vậy, chúng ta mỗi người đều phải có trách nhiệm trang nghiêm cho bản thân, gia đình và xã hội. Chúng ta không thể nói: “Thân này là của tôi, nên tôi muốn làm gì thì làm, không liên quan gì đến ai”. Nếu bạn nghĩ như vậy thì không xứng đáng làm đệ tử của Phật, vì đệ tử của Phật thì phải biết tu hạnh Phổ Hiền. (Hạnh Phổ Hiền, nghĩa là phải biết đặt sự lợi ích của tất cả chúng sanh lên hàng đầu).

Ý nghĩa buông xả hình tướng mà Phật dạy, là nói chúng ta phải biết dung thông với mọi hình tướng sự sự vô ngại. Chúng ta tu hành thì phải biết giữ tâm sáng suốt và buông xả, không nên tham đắm bất cứ vật gì ở trên thế gian này, trong tâm chỉ có một niệm vì tất cả chúng sanh. Nếu là Phật tử thì ta phải hiểu mỗi một hành động mặc áo, ăn cơm… đều là tu hành, đều là phương tiện để độ tha. Phật dạy chúng ta tu hành thì phải biết chuyển hình tướng và cảnh giới, nghĩa là tâm chúng ta phải biết buông xả thế giới Ta bà đau khổ này để về thế giới Cực Lạc. Còn thân của ta thì phải làm tròn trách nhiệm với thế giới Ta bà này đến hơi thở cuối cùng. Nếu cõi Ta bà mà chúng ta trang nghiêm còn chưa xong, thì làm sao có đủ tư cách trang nghiêm cho cõi Tịnh độ?

Quý bạn hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: Thân của ta và những thứ vật chất chưng diện ở bên ngoài, khi bị hư hoại thì cái nào là hôi thối nhất? Thân của ta là hôi thối nhất có phải vậy không? Vậy thì tại sao chúng ta không chịu chuyển cái thân tham, sân, si này để thành kim thân Phật? Chúng ta tu hành mục đích là chuyển cái gốc không phải là chuyển cái ngọn. Phật pháp là sống, không phải chết. Phật pháp là thiên biến vạn hóa và dung thông với mọi hình tướng, hoàn cảnh và thời đại. Chúng ta phải biết đem Phật pháp dung thông và hòa nhập vào cuộc sống của con người. Thời nay, là thời văn minh hiện đại và phát triển không ngừng, nên mọi tầng lớp và ngành nghề ở trong xã hội đều đòi hỏi con người phải có văn minh và kiến thức, phải có cái hình tướng bên ngoài hợp thời trang và hợp ngành nghề. Chúng ta không thể lấy cái hình tướng cổ xưa để áp dụng vào cái thời thế văn minh ngày nay. Chúng ta cũng không thể bắt buộc người đời bỏ đi xe hơi, máy bay để trở về với thời còn đi bộ. Tóm lại, chúng ta không thể chuyển tất cả mọi sự việc ở trên Trái Đất này trở về quá khứ. Cho dù mười phương chư Phật có đến đây chuyển cũng không nổi, huống hồ là chúng ta.

Thưa quý bạn! Tuy hiện tại, chúng ta đang sống ở trong một thế giới khoa học và kỹ thuật tân tiến, nhưng chính chúng cũng đang đưa đạo đức của con người từ từ suy đồi bởi tham, sân, si. Nếu chúng ta biết dùng Phật pháp để dung thông với mọi căn cơ, hoàn cảnh và thời đại, thì chúng ta sẽ chuyển được thời Mạt pháp thành thời Chánh pháp. Chúng ta không nên chấp chặt vào những hình thức cổ xưa hay lấy hình tướng của người xuất gia để áp dụng vào cho người tại gia. Nếu chúng ta làm như vậy, chỉ đưa đạo Phật vào bế tắc mà thôi.

Muốn độ chúng sanh, thì chúng ta phải tìm phương pháp tu hành đơn giản để thích hợp cho mọi căn cơ và hoàn cảnh của chúng sanh, giúp cho chúng sanh dung thông được cả hai cuộc sống đời và đạo. Chúng ta phải lấy căn cơ và hoàn cảnh của chúng sanh để mà độ, không phải lấy căn cơ và hoàn cảnh của mình để mà độ chúng sanh. Nếu chúng ta cứ chấp chặt theo căn cơ và hoàn cảnh của mình mà bỏ mặc sự đau khổ và khó khăn của chúng sanh, thì chúng ta sẽ hại chúng sanh và hại Phật pháp. Trong ngũ giới và thập thiện mà Phật dạy trong Kinh, không có điều luật nào là bắt chúng sanh phải buông bỏ hình tướng cả. Nếu nói người tu hành còn chưng diện là có tội chấp tướng, vậy thì những người có tội nặng nhất chính là quý Tăng, Ni ở trong chùa rồi. Quý bạn hãy nhìn xem: Chùa thì quý Thầy xây cất nguy nga, rồng bay phượng múa và có đủ màu sắc như cung điện của nhà vua. Còn tranh, ảnh, tượng Phật và Bồ tát thì nào là trang điểm, trâm cài, lược vắt và nữ trang đầy mình. Nếu nói người tu hành chưng diện là có tội và chấp tướng, vậy thì chư Tổ xưa nay không lẽ dạy Phật tử một đường mà lại đi làm một nẻo hay sao?

Thưa quý bạn! Chúng ta đã hiểu lầm lời dạy của chư Phật và chư Tổ rồi. Quý Ngài nói người tu hành không nên chưng diện hay trang điểm, là nói riêng với hàng đệ tử xuất gia và đồng thời cũng khuyên Phật tử tại gia nếu đủ duyên thì nên buông xả để xuất gia tu hành, vì xuất gia sẽ được thành tựu nhanh hơn là ở tại gia. Quý Ngài hoàn toàn không có dùng câu nói ở trên để nói với Phật tử tu hành tại gia, chẳng qua chúng ta không hiểu hết ý của quý Ngài, nên mới sanh ra hiểu lầm. Chúng ta thường có một căn bệnh là hay chấp chặt vào từ ngữ, mà không chịu tìm hiểu ý nghĩa của hai mặt lý và sự, đạo và đời nên mới sanh ra tranh chấp và thị phi không ngừng. Rốt cuộc, chúng ta càng tu thì càng dẫn dắt chúng sanh đi sai đường và tạo thêm tội khẩu nghiệp.

Quý Ngài sư Tổ biết hình tướng bên ngoài đối với chúng sanh rất là quan trọng, vì muốn nhiếp độ chúng sanh và tôn kính chư Phật, nên quý Ngài mới xây chùa theo lối cung đình và lấy màu áo cà sa cùng màu áo của nhà vua. Vì chỉ có hình tướng cao quý của cung đình và màu sắc của nhà vua thì mới tôn vinh được sự cao quý của Tam bảo. Tóm lại, tất cả hình tướng và màu sắc ở trong chùa đều là phương tiện để nhiếp độ chúng sanh.

Thưa quý bạn! Tuy biết hình tướng bên ngoài là giả, nhưng chúng ta phải cần đến chúng để mà chuyển đến cảnh giới có hình tướng thật. Mục đích tu hành là chuyển chớ không phải bỏ. Tuy thân này là giả, nhưng ta phải biết chăm sóc và mượn nó để mà tu hành. Chúng ta phải biết uyển chuyển và dung thông với mọi hình tướng và hoàn cảnh, không nên chấp trước quá nặng. Nếu nói hình tướng bên ngoài là tu thì chúng ta cần tu chi cho cực, mà chúng ta chỉ cần cạo đầu và mặc áo cà sa là thành Phật rồi. Nếu được như vậy, thì thế giới Ta bà này sẽ không có chuyện luân hồi, nhân quả và sẽ không có những khái niệm như là chùa ma hay là tà sư. Nếu chúng ta cho hình tướng bên ngoài là tu, vậy thì những người hành nghề như là: Nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu hay những người làm về thẩm mỹ hoặc thời trang đều không có đủ tư cách để tu pháp của Phật hay sao? Nếu quả thật như vậy, thì đạo Phật làm gì mà được tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Ở đây, tôi xin lấy nghề nghiệp và hoàn cảnh của tôi để chứng minh cho quý bạn thấy rằng, hình tướng bên ngoài không có liên quan gì đến việc tu hành của chúng ta. Nghề nghiệp của tôi là thuộc về thẩm mỹ, nghĩa là chuyên làm đẹp cho người. Trước khi làm đẹp cho người thì bản thân của tôi phải đẹp trước, phải biết chưng diện và trang điểm hợp thời trang, phải có đủ tiêu chuẩn của một người làm về thẩm mỹ. (Hợp thời trang không có nghĩa là phải chạy theo thời trang hay là se sua nay quần này, mai áo kia mà là dung thông với thời trang). Nếu hình tướng bên ngoài của tôi không đủ tiêu chuẩn và không hợp thời trang, thì tôi làm sao có đủ tư cách và kinh nghiệm để làm đẹp cho người khác? Vì vậy, hình tướng bên ngoài của tôi rất là quan trọng, vì nó là nguồn sống kinh tế của gia đình tôi và cho cả thế giới này. Nếu nói hình tướng bên ngoài là tu thì tôi xin nói thật cho quý bạn biết, hình tướng bên ngoài của tôi không có dấu vết gì của người tu hành cả. Tại sao? Vì tôi luôn chưng diện và trang điểm. Thêm vào, tôi là người đi nhanh, làm nhanh và nói nhanh. Vì vậy, xưa nay tôi thường được gia đình và người thân tặng cho tôi hai biệt danh, đó là “con lật đật” và “con gà mắc đẻ”. Qua hai biệt danh này, thì quý bạn có thể hình dung ra tôi là người lật đật và lăng xăng như thế nào? Tại sao tôi lúc nào cũng lật đật và lăng xăng? Là vì tôi chỉ có một thân thể và một đôi tay, nhưng lại đóng ba vai trò, mang ba trách nhiệm: Một, là làm mẹ; hai, là làm cha; ba, là làm đệ tử Phật tự độ và độ tha. Nếu tôi không làm nhanh, đi nhanh và nói nhanh thì tôi làm sao có đủ thời gian để hoàn thành được ba trách nhiệm? Tuy cuộc sống của tôi luôn bôn ba và cực nhọc không được yên nghỉ, nhưng trí tuệ của tôi thì luôn sáng suốt và biết buông xả tham, sân, si. Nhờ vậy, mà tôi mới niệm Phật được nhất tâm. Tôi kể ra đây, không phải là khoe khoang sự tu hành của mình, mà tôi chỉ muốn chứng minh cho quý bạn thấy một điều, hình tướng bên ngoài không phải là tu mà tâm của ta mới là tu. Tôi cũng mong quý bạn đồng tu không nên phán đoán hay phê bình người khác qua hình tướng bên ngoài của họ, vì chúng ta không phải là họ, thì không thể nào hiểu được hạnh nguyện và hoàn cảnh của họ. Tục ngữ có câu:Im lặng là vàng. Trong Kinh Phật dạy, khi làm bất cứ việc gì dù là lớn hay nhỏ, thì chúng ta phải làm cho viên mãn. Nếu là Phật tử thì ta phải biết làm tròn trách nhiệm của thân và tâm. Tức là nói thân của ta thì phải biết trang nghiêm cho cõi Ta bà này, còn tâm của ta thì phải biết trang nghiêm cho cõi Tịnh độ.

Thưa quý bạn! Chùa thì có hình tướng của chùa. Tăng, Ni thì có hình tướng của Tăng, Ni. Quốc gia thì có hình tướng dân tộc của mỗi quốc gia. Còn chúng ta ở tại gia cũng vậy. Mỗi một người đều có hình tướng, nghề nghiệp và đời sống riêng của mỗi người. Nếu nói về mặt tu hành thì quý Tăng, Ni ở trong chùa dễ được thành tựu hơn chúng ta, vì quý Tăng, Ni chỉ đối diện với một cuộc sống của đạo. Còn chúng ta tu hành ở tại gia thì sẽ khó khăn hơn vì chúng ta phải đối diện với hai cuộc sống đạo và đời. Nếu chúng ta không biết uyển chuyển và dung thông thì sẽ gây thêm oán với người thân. Ở đây, tôi xin kể cho quý bạn nghe một câu chuyện hiểu lầm có thật và câu chuyện này đã và đang xảy ra với chúng ta.

Có một lần, tôi đi dự tiệc cưới của một người bạn. Tiệc cưới hôm đó, có khoảng hơn một trăm quan khách và ai nấy cũng đều chưng diện sang trọng. Khi tiệc cưới bắt đầu khai mạc, người dẫn chương trình đang chuẩn bị giới thiệu hai họ để ra mắt, thì ngoài cửa có một người đàn bà khoảng 50 tuổi đi thẳng vào nhà hàng, làm cho ai nấy cũng đều ngạc nhiên vì tưởng rằng bà đi lộn chỗ. Tại sao? Vì cách ăn mặc của bà không giống như người đi dự tiệc cưới mà giống như người đi bán hàng ở chợ. Lúc đó, chưa ai kịp hỏi gì thì chú rể vội chạy đến với vẻ mặt không vui và mời bà ngồi vào bàn tiệc của gia đình. Sau đó, mọi người mới biết bà là dì của chú rể và mọi người bắt đầu xầm xì và bàn tán. Cũng may lúc đó, người dẫn chương trình thông minh, nên đã tìm câu chuyện vui để giúp cho không khí được trở lại bình thường. Hôm đó, tuy cô dâu và chú rể hạnh phúc bên nhau, nhưng trong ánh mắt của họ vẫn chứa ẩn sự buồn bực.

Sau đám cưới khoảng vài tuần, thì cô dâu và chú rể đó đến nhà để thăm tôi. Hôm đó, sau khi chúng tôi trò chuyện qua lại được một hồi, thì tôi vô tình hỏi về người dì của cậu ta hôm tiệc cưới. Lúc đó, tôi chưa kịp hỏi xong thì cậu ta đùng đùng nổi giận và nói với tôi rằng: “Tại dì em tu hành mà trở thành như vậy đó”. Lúc đó, tôi vô cùng ngạc nhiên và định hỏi cậu ta tại sao thì cậu ta liền hỏi tôi rằng: “Chị Lan! Em hỏi chị nếu người tu hành không được chưng diện, không được trang điểm chi cả, vậy thế giới này sẽ trở thành là thế giới gì?”. Lúc đó, tôi chưa kịp trả lời chi cả thì cậu ta lại nói tiếp: “Chị có biết không? Từ ngày dì em tu hành cho đến nay, làm cho cả gia đình ai nấy cũng đều bất mãn và em cũng vậy. Hôm đó, bên đàng gái họ trách là dì em không tôn trọng họ và bạn bè của em còn hiểu lầm cho rằng tụi em không có lo cho dì của em”.

Sau khi nghe cậu ta than trách một tràng thì tôi cảm thấy đau lòng, cũng bởi vì không hiểu đạo mà dì của cậu ta đã làm cho đạo Phật phải bị mang tiếng là đạo tiêu cực, hại đời. Sau đó, tôi hỏi cậu ta rằng: “Có phải em ghét đạo Phật lắm, phải không?”. Cậu ta ấp úng không dám nói thẳng vì biết tôi là người tu hành. Lúc đó, tôi hiểu ý và nói rằng: “Lỗi không phải ở nơi đạo Phật mà lỗi là ở nơi dì em không hiểu đạo”. Sau đó, vì không muốn cậu ta tức giận thêm nên tôi cười và nói rằng: “Chị cũng là người tu hành vậy, nhưng hôm đó chị chưng diện cũng không thua ai, có phải vậy không?”. Sau khi nghe tôi nói như vậy thì vợ chồng cậu ta quên đi giận và bật cười ha hả và nói rằng: “Chị Lan! Vì tụi em biết rõ chị, nếu không thì tụi em sẽ không tin chị là người tu hành đâu”. Tôi hỏi tại sao thì cậu ta trả lời rằng: “Vì xưa nay, em thấy mấy người tu hành ai nấy cũng ăn mặc lượm thượm, quê mùa và đầu tóc thì không có kiểu chi cả. Thậm chí, có người chưa tu thì còn thấy đẹp đẽ và trẻ trung, nhưng sau khi tu rồi thì họ già hẳn đi vì không chưng diện chi cả, điển hình là dì của em đó!”. Sau đó, cậu ta vừa cười vừa hỏi tôi rằng: “Chị Lan! Có phải chị tu theo kiểu tân thời không?”. Lúc đó, tôi cười và đáp lại rằng: “Đạo Phật là đạo cao siêu nhiệm mầu, là đạo thiên biến vạn hóa, là đạo dung thông với mọi hoàn cảnh và thời đại. Đối với đạo Phật thì quá khứ, hiện tại và vị lai còn không có, thì nói chi đến chuyện lỗi thời hay tân thời. Chuyện lỗi thời hay tân thời, quá khứ, hiện tại hay vị lai, đều là do con người si mê chấp trước mà có, hoàn toàn không liên quan gì đến đạo Phật cả”.

Thưa quý bạn! Qua câu chuyện ở trên thì quý bạn nghĩ ai là người chấp tướng? Hơn một trăm người trong đám cưới của ngày hôm đó là chấp tướng, hay chỉ có người đàn bà đó là chấp tướng? (Sự phán xét này xin dành lại cho quý bạn).

Bây giờ, tôi xin kể thêm một câu chuyện vô tình của tôi và sự vô tình này đã làm tổn thương đến tâm linh của các con tôi. (Xin quý bạn đừng phạm lỗi lầm giống như tôi).

Tôi xưa nay, bất luận là đi đâu mà nhất là mỗi khi đi ra ngoài với cha mẹ hay chồng con của tôi, thì tôi luôn chưng diện cho mình hoàn chỉnh, vì bề ngoài của tôi là sĩ diện của cha mẹ và chồng con của tôi. Vì vậy mà xưa nay, tôi chưa hề làm cho cha mẹ hay chồng con của tôi bị mất mặt. Nhưng có một lần, vì nóng lòng lo viết cuốn sách “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi” mà tôi đã phạm sai lầm. Và lần đó, là ngày lễ ra trường của con gái tôi. Trước kia, mỗi khi có cuộc họp hay lễ ra trường của các con, thì tôi đều chưng diện cho mình hoàn chỉnh, vì tâm lý của tuổi trẻ mà nhất là trẻ vị thành niên, chúng rất coi trọng sĩ diện và bề ngoài của cha mẹ chúng. Vì hiểu được tâm lý của các con nên tôi chưa hề làm cho chúng bị mất mặt giữa thầy cô và bạn bè của chúng. Nhưng lần đó, tôi thật là vô tình không để ý đến cảm giác, sĩ diện và ngày quan trọng của con tôi. Hôm đó, tôi mải lo cặm cụi viết sách, khi sực nhớ nhìn lại đồng hồ thì đã quá trễ, nên tôi không kịp chưng diện chi cả mà chỉ thay vội cái quần jean, mặc cái áo thun, chụp lấy cái máy chụp hình và bỏ chạy. Cũng may lúc đó, ở trước cổng trường người ta có bán hoa, nên tôi mua vội một bó hoa và chạy nhanh vào trường. Đến nơi, con tôi nhìn tôi sững sờ từ đầu cho tới chân và thở dài không nói năng chi cả. Lúc đó, tôi cũng vô tình không để ý đến cảm giác của con, mà tôi chỉ lo suy nghĩ về những ý tưởng đang bỏ dở nửa chừng. Lễ ra trường kết thúc, ai nấy cũng lần lượt ra về. Trên đường về nhà, tôi cũng quên hỏi con tôi lễ mãn khóa có vui không? Vừa về đến nhà, tôi vội chạy vào phòng để viết tiếp phần mà tôi đã bỏ dở trước đó.

Sau khi viết xong, thì tôi mới sực nhớ đến con gái và tôi đi nhanh vào phòng tìm con tôi để hỏi chuyện. Khi vào đến nơi, thì tôi nhìn thấy con tôi đang nằm úp mặt trên giường khóc nức nở. Lúc đó, tôi không hiểu chuyện gì nên đến gần để gạn hỏi. Lúc đầu thì con tôi không chịu trả lời chi cả, nhưng sau khi tôi gạn hỏi nhiều lần thì con tôi vừa khóc vừa nói rằng: “Con ghét mẹ và con ghét đạo Phật! Con không muốn niệm Phật nữa đâu”. Khi nghe con nói như vậy, thì tôi vô cùng ngạc nhiên và hỏi nó tại sao? Con tôi trả lời rằng: “Con ghét mẹ tu, con ghét mẹ viết sách, mẹ hãy đi soi gương đi, mẹ càng ngày càng thêm tàn tạ và mẹ cũng không còn thương tụi con nữa, ngày sinh nhật của tụi con mẹ cũng không nhớ, ngày Tết… mẹ cũng không lo. Thậm chí, hôm nay là ngày mãn khóa học của con mà mẹ cũng không quan tâm”. Sau khi trách móc xong nó lại khóc tức tưởi hơn. Sau khi nghe những lời trách móc của con, thì tôi vô cùng hối hận vì ngày hôm đó tôi thật là quá tệ. Tôi tệ đến nỗi quên chụp hình ra trường với các con tôi.

Sau đó, tôi ôm các con vào lòng và xin lỗi chúng. Sau khi xin lỗi các con xong thì tôi nói với chúng rằng: “Mẹ đã nói cho các con biết ngay từ đầu, là hãy thông cảm cho mẹ từ một đến hai năm không làm tròn trách nhiệm, chỉ cần sau khi cuốn sách được hoàn thành thì mẹ sẽ trở lại lo cho các con như xưa”. Sau khi nghe tôi phân trần xong, thì con tôi vừa khóc vừa nói rằng: “Tụi con vẫn nhớ những lời mẹ nói, nhưng tụi con không ngờ sự việc lại tệ hại đến như vậy. Cũng vì viết sách mà mẹ thường quên ăn, bỏ ngủ, quên cả tụi con và quên những ngày lễ… Thêm vào, tụi con thấy mẹ mỗi ngày càng thêm xanh xao và ốm yếu, nhìn thấy mẹ như vậy, tụi con thật là đau lòng lắm!”. Tóm lại, hôm đó các con tôi khóc và trách tôi rất nhiều. Nhưng lúc đó tôi chỉ biết xin lỗi các con tôi mà thôi, vì tôi biết tôi đã làm tổn thương các con quá nhiều vì chúng chỉ có tôi là người thân duy nhất ở Mỹ, nên chúng vô cùng lo lắng.

Thưa quý bạn! Qua câu chuyện của ngày hôm đó, cho tôi hiểu thêm một điều quan trọng nữa, đó là: Chúng ta tu hành không phải chỉ tu cho riêng mình mà phải tu cho hạnh phúc của gia đình. Chúng ta phải biết lèo lái và dung thông được cả hai cuộc sống đời và đạo. Vì nếu nặng bên đời thì đường tu của ta sẽ không thành. Còn nếu nặng bên đạo, thì ta sẽ đánh mất đi trách nhiệm, đánh mất đi niềm tin và cơ hội vãng sanh của những người thân. Vì vậy, chúng ta phải biết bảo toàn cả hai cuộc sống đời và đạo cho được viên dung, có như vậy thì ta mới là đệ tử Phật tu hạnh Phổ Hiền.

Thưa quý bạn! Đối với người tu hành thì hình tướng cao đẹp nhất, đó là đầu tròn và áo vuông. Nhưng có những chuyện không phải ta muốn là được đâu, mà còn tùy vào hoàn cảnh, nghiệp duyên và hạnh nguyện độ tha của mỗi người. Chúng ta phải biết đặt sự lợi ích của chúng sanh lên hàng đầu, thì sự tu hành độ tha của ta mới được viên mãn. Ở trong nhà Phật có một câu nói rằng: Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Chúng ta tu hành, điều quan trọng là tu tâm thanh tịnh, không phải tu cho hình tướng bên ngoài. Ngài tổ sư Đạt Ma xưa kia đã làm một tấm gương cho chúng ta xem: Lúc đó, Ngài mang thân xuất gia nhưng vẫn còn để bộ râu và mái tóc dài. Ngài là người tu hành đắc đạo rất cao, thân tâm thế giới Ngài còn buông xả được, thì tiếc gì một mái tóc hay là bộ râu. Ngài biết nếu cạo đi mái tóc và bộ râu thì sẽ được thoải mái biết dường nào, nhưng tại sao Ngài không làm vậy? Vì mái tóc và bộ râu của Ngài, chính là bài pháp khai thị không lời vô giá để đánh thức tâm si mê chấp tướng của chúng sanh.

Thưa quý bạn! Chúng ta đang tu pháp môn Tịnh độ là tu hạnh của Phật. Nếu tu hạnh của Phật thì ta phải biết tu cho gia đình, xã hội và thế giới. Chúng ta hãy chứng minh cho nhân loại thấy rằng: Tu pháp của Phật là có tất cả, không phải là bỏ hết tất cả”. Còn khi vào chùa tu niệm Phật thất, thì chúng ta phải tuân theo luật lệ ở trong chùa, vì ta vào chùa là để tu theo hạnh xuất gia. Nếu tu theo hạnh xuất gia thì ta không nên chưng diện hay trang điểm. Nói như vậy, không có nghĩa là ta để cho đầu tóc bù xù hay mặc quần áo lượm thượm, mà là ta không nên chưng diện như ở ngoài đời, vì trong chùa có luật ở trong chùa. Chúng ta tu hành điều quan trọng là tu tâm chân thật, không phải tu để làm dáng gạt mình và gạt người. Có một số người thật là đáng thương, bên ngoài thì ra vẻ ta đây là người buông xả và tu hành chân chính, nhưng bên trong thì còn đầy rẫy tham, sân, si. Chúng ta có thể gạt mình và gạt người, nhưng không gạt được chư Phật và Bồ tát.

Ý nghĩa buông xả, là dung thông sự sự vô ngại, nghĩa là mọi chuyện ta hãy để cho chúng chuyển biến tự nhiên, không nên chấp trước. Chúng ta tu hành thì phải biết buông xả như những người làm diễn viên, tùy vai mà nhập và tùy vai mà xả. Chúng ta xem phim thường thấy: Có những người giai đoạn đầu, họ đóng vai một ông vua quyền uy và hạnh phúc; giai đoạn sau, họ đóng vai một người ăn xin khổ cực và bần cùng; hoặc có những người giai đoạn đầu, họ đóng vai một người có gia đình hạnh phúc; giai đoạn sau, họ đóng vai một người bị ly tán gia đình. Tóm lại, những người làm diễn viên, trong cuộc đời của họ có khi đóng cả trăm, cả ngàn vai vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ,… khác nhau. Nhưng mỗi vai họ đều đóng được trọn vẹn và sau khi đóng xong, thì họ đều buông xả được tự nhiên không tham đắm. Tại sao họ có thể buông xả tự nhiên không tham đắm? Là vì họ biết rõ những vai mà họ đang đóng đều là giả, không thật. Thật ra, tất cả chúng ta đều là diễn viên đang đóng những vai trả nghiệp ân oán với nhau từ vô thỉ kiếp đến nay mà không hề hay biết. Ngược lại, chúng ta còn tưởng những vai của mình đang đóng là thật, nên sanh ra tham đắm không rời. Vì tham đắm không rời mà chúng ta phải bị đóng những vai ân oán và bị luân hồi sanh tử mãi, không thể thoát ra.

Lời khuyên

Nếu bạn muốn giữ được hạnh phúc gia đình, thành công trong nghề nghiệp và độ được chúng sanh, thì bạn phải biết trang nghiêm cho hình tướng bên ngoài của mình từ đầu cho tới chân. Trang nghiêm, nghĩa là chúng ta lúc nào cũng phải tắm rửa cho sạch sẽ, đầu tóc, quần áo và giày dép phải gọn gàng và hành động phải quang minh. Nếu chúng ta không có tiền mua quần áo và giày dép mới, thì ta có thể mua quần áo và giày dép cũ. Điều quan trọng không phải là quần áo mới hay cũ, mà điều quan trọng là ta có biết cách làm đẹp cho mình hay không?

Ở đời, chúng ta thường thấy những người hay bị sa thải là những người không có trách nhiệm với hình tướng bên ngoài của mình. Tại sao? Vì những người làm chủ họ thường cho rằng: Những người không có trách nhiệm với hình tướng của mình, thì sẽ không có trách nhiệm với nghề nghiệp và cũng không có trách nhiệm với ai. Thật ra, họ nghĩ đúng không sai. Quý bạn thử nghĩ xem: Nếu một bình hoa tươi mà có một vài bông hoa héo khô xen lẫn, thì bình hoa đó có còn đẹp không? Chắc chắn là không. Nếu một tiệm thẩm mỹ sang trọng, nhân viên ai nấy cũng ăn mặc chuyên nghiệp và đầu tóc hợp thời trang, mà có một vài nhân viên ăn mặc bê bối và đầu tóc bù xù, vậy tiệm thẩm mỹ đó có còn chuyên nghiệp nữa không? Chắc chắn là không. Nếu bạn là chủ, thì bạn có muốn mướn những nhân viên bê bối và không biết tự trọng như vậy không hay là bạn sa thải họ càng nhanh càng tốt?

Thưa quý bạn! Hình tướng bên ngoài của mỗi con người rất là quan trọng, chúng ta không nên để hình tướng của mình làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, đến nghề nghiệp, đến chủ, đến bạn đồng nghiệp, đến xã hội và thế giới. Bất luận bạn là chủng tộc nào, bất luận bạn già hay trẻ, nam hay nữ, lành hay khuyết thì bạn cũng là một bông hoa đại diện cho thế giới này. Nếu bạn là một bông hoa đại diện cho thế giới này, thì bạn phải có trách nhiệm với bông hoa của mình, không nên để nó ảnh hưởng đến những bông hoa khác.