CHUYỂN NGHIỆP
22/11/2017HIỂU LẦM BUÔNG XẢ HÌNH TƯỚNG
22/11/2017HIỂU LẦM Ý NGHĨA TÀ DÂM
Đa số chúng ta xưa nay, vì hiểu lầm ý nghĩa tà dâm mà đã làm cho đạo Phật phải bị mang tiếng là đạo tiêu cực và hại đời. Thậm chí, có nhiều người là Phật tử thuần thành mà vẫn còn hiểu lầm cho rằng: “Người nào còn có chuyện chăn gối, thì không thể tu hành đắc đạo hay không được vãng sanh thành Phật”.
Thưa quý bạn! Ý nghĩa tà dâm và chăn gối là hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, chúng ta không nên nhập chung để mà nói. Nếu là đệ tử Phật thì ta phải hiểu rõ hai ý nghĩa này. Nếu không, ta sẽ hại gia đình tan nát, hại xã hội không được yên và hại đạo Phật bị người đời hiểu lầm cho là đạo hại luật tạo hóa tự nhiên của con người. Nói về đệ tử của Phật thì gồm có bốn chúng, đó là: Hai chúng xuất gia là Tăng và Ni; hai chúng tại gia là Cư sĩ nam và Cư sĩ nữ. Bốn chúng đệ tử Phật đều có giới cấm khác nhau. Nhưng ở đây, chúng ta không bàn đến những giới cấm khác mà chúng ta chỉ bàn đến giới cấm của tà dâm thôi.
Bây giờ, chúng ta tìm hiểu vào ý nghĩa tà dâm đối với người xuất gia và người tại gia khác nhau ở chỗ nào? Chỉ cần hiểu rõ thì chúng ta sẽ không còn nhầm lẫn về ý nghĩa tà dâm và ý nghĩa chăn gối.
I. Ý nghĩa tà dâm của người xuất gia
Đệ tử xuất gia, là những người giác ngộ nên họ buông xả tất cả tình cảm, ân ái, gia đình và quyến thuộc để đi làm Thích tử. Khi làm Thích tử thì họ phải tu thân tâm thanh tịnh và phải giữ giới luật nghiêm minh để làm gương cho hàng trời, người,… Nếu người xuất gia vẫn còn hành chuyện ân ái như người phàm tục thì sẽ phạm vào tội tà dâm. Tức là họ đã phạm vào giới cấm của người tu hạnh xuất gia. Nếu họ phạm vào giới cấm tà dâm thì họ không còn đủ đức hạnh để làm Thích tử. Vì vậy, có nhiều vị xuất gia đi được nửa đường thì phải hoàn tục. Tu hạnh xuất gia rất khó, không phải người thường có thể đảm đương được. Chỉ có những bậc giác ngộ thật sự thì mới có đủ trí tuệ và can đảm để gánh vác đạo nghiệp của Như Lai.
II. Ý nghĩa tà dâm của Phật tử tại gia
Đối với người Phật tử tại gia, khi có chồng hay có vợ thì không được ngoại tình, không được dụ dỗ vợ hay chồng của người khác, không được loạn luân, không được hại Tăng, Ni phá giới. Dù là vợ chồng chính thức, thì ta cũng không được ân ái lố lăng ở trước mặt con cháu hay ở giữa đại chúng. Nếu phạm vào những điều ở trên, thì ta đã phạm vào tà dâm và không còn xứng đáng là đệ tử của Phật. Còn nếu chúng ta không phạm vào những lỗi lầm ở trên, thì chuyện ân ái là thuộc về chuyện chăn gối. Nếu là chuyện chăn gối thì không sao, vì đây là trách nhiệm và luật tạo hóa tự nhiên của con người. Nếu là luật tạo hóa tự nhiên của con người, thì chuyện chăn gối không có trở ngại gì đến việc niệm Phật vãng sanh của ta. Chúng ta tu hành, điều quan trọng là phải tu tâm thanh tịnh, vì chỉ có tu tâm thanh tịnh thì ta mới thoát khỏi luân hồi và vãng sanh thành Phật. Còn thân của ta, thì phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Ý nghĩa tu hành, là tu chỉnh lại hạnh phúc gia đình, xã hội và mang lại sự giải thoát cho mình và cho chúng sanh. Nếu chúng ta không bị ràng buộc bởi gia đình, con cháu thì nên tu theo hạnh xuất gia là tốt nhất, nhưng chúng ta phải biết tùy hoàn cảnh và tùy duyên.
Thưa quý bạn nữ đồng tu! Nếu chúng ta đang có chồng, thì nên làm tròn trách nhiệm chăn gối với chồng. Cho dù ta có tu hành đến mức độ không còn muốn chuyện chăn gối, thì ta cũng phải hoan hỷ làm tròn trách nhiệm đối với chồng để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nếu bạn không làm tròn trách nhiệm làm vợ, lỡ chồng mình ra ngoài có vợ bé hay mua hoa lạ, thì gia đình sẽ mất hạnh phúc và ly tán. Nếu bạn không có con thì không còn gì để nói. Nhưng nếu bạn đã có con với chồng thì sẽ hại chồng, hại con và hại cha mẹ của hai bên gia đình bị đau khổ. Cuối cùng, chúng ta tu hành không mang lại hạnh phúc cho gia đình mà còn đem đau khổ đến cho gia đình. Vậy thì ta làm sao xứng đáng làm đệ tử của Phật? Đó là chưa nói đến vấn đề, lỡ chồng mình ra ngoài mua hoa lạ và không may gặp phải hoa có độc, mang bệnh vào thân và lây bệnh cho ta và lây bệnh cho những cô gái khác. Vậy thử hỏi nghiệp tội này ta làm sao gánh nổi?
Nói về mặt tu hành, thì thay vì trước kia ta si mê không hiểu, nên mới để cho những sợi dây ân oán trói buộc thân tâm. Nay được thức tỉnh, thì ta phải can đảm tháo gỡ những sợi dây ân oán này ra, để ta sống an lạc và giải thoát. Muốn tháo gỡ được chúng, thì ta phải biết khôn khéo và tháo gỡ chúng từ từ, không nên gấp. Vì nếu quá gấp, ta sẽ đổ thêm nghiệp oán với người thân, làm như vậy thì sẽ không tốt. Nhưng trước khi muốn tháo gỡ chúng, thì ta phải cần hiểu rõ hai mặt lý và sự. Lý, là thuộc về tâm; còn sự, là thuộc về sự việc và hoàn cảnh. Khi được giác ngộ, về mặt tâm thì ta dễ làm chủ vì tâm là thuộc về của ta, không ai có quyền khống chế hay điều khiển. Nhưng về hoàn cảnh và cuộc sống thì ta khó làm chủ được hoàn toàn, vì chúng thuộc về sở hữu của nhiều người như là cha mẹ, vợ chồng, con cháu,…
Nếu ta may mắn, có được cha mẹ hay chồng con hiểu đạo, thì sự tu hành của ta sẽ mau được thành tựu. Nhưng nếu ta không may, gặp phải cha mẹ hay chồng con không hiểu đạo và thường hay phá rối, thì sự tu hành của ta sẽ khó được thành tựu. Nếu bạn không may, gặp phải những trường hợp khó xử thì cũng không nên lo lắng nhiều, mà chỉ dùng tâm từ bi và kiên nhẫn để chuyển hóa họ từ từ.
Thưa quý bạn! Cho dù chúng ta có gặp nhiều chướng duyên như thế nào thì cũng không nên lo lắng. Tại sao? Vì những chướng duyên đó chỉ là ngoại chướng, không đáng sợ. Điều quan trọng của người tu hành, là phải có đủ trí tuệ và can đảm để chuyển đổi tâm của mình càng nhanh càng tốt. Còn hoàn cảnh và gia đình, thì ta có thể chuyển đổi chúng từ từ cũng không có muộn. Chỉ cần chúng ta được vãng sanh tự tại, thì mọi chuyện trong gia đình sẽ được êm xuôi, đâu vào đó. Còn về chuyện độ người thân, thì ta chỉ cần làm hết sức của mình là đủ, còn người thân của mình có được giác ngộ hay không, thì phải còn tùy vào phước đức và căn duyên của mỗi người. Chúng ta không nên ép người thân phải hiểu đạo như mình, vì làm như vậy sẽ đem phiền não đến cho mình và cho người thân. Nếu muốn cứu gia đình, thì ta phải lo tu hành để được thành Phật trước. Rồi sau đó, ta trở lại để cứu họ cũng chưa có muộn. Tóm lại, điều quan trọng bây giờ, là ta phải lo tu niệm Phật để chuyển hóa thân tâm của mình càng nhanh càng tốt, còn hoàn cảnh và gia đình thì ta chuyển đổi sau, cũng chưa có muộn. Ở đây, tôi xin đưa ra một ví dụ để giúp quý bạn biết cách chuyển hóa.
Ví dụ: Trước kia, bạn và chồng thường hay đi khiêu vũ vào mỗi cuối tuần. Nay được thức tỉnh, bạn hiểu thời gian là quý báu cho việc tu hành, nên bạn không còn muốn đến những nơi ăn chơi và khiêu vũ nữa. Nếu bạn làm như vậy, thì sẽ hại gia đình mất đi hạnh phúc và đổ vỡ. Tại sao? Bạn nên biết rằng, chỉ có bạn là người giác ngộ thôi, còn chồng của bạn thì chưa có giác ngộ. Nếu bây giờ tự nhiên bạn đi nói với chồng của mình rằng: “Từ nay trở đi em sẽ không đi khiêu vũ với anh nữa, mà em chỉ muốn ở nhà niệm Phật và đi chùa thôi”. Nếu bạn nói như vậy, thì chồng của bạn sẽ có cái nhìn như thế nào về đạo Phật? Bạn thử nghĩ xem: Nếu bạn chưa có giác ngộ mà chồng của bạn sau khi học Kinh Phật xong, thì không còn muốn đi khiêu vũ với bạn nữa, vậy bạn sẽ nghĩ gì về đạo Phật? Huống chi, khiêu vũ thì phải cần có hai người, nếu bạn không đi khiêu vũ với chồng, vậy chồng bạn phải làm sao đây? Bạn làm như vậy, thì không có khác gì là kêu chồng của bạn đi tìm người phụ nữ khác. Vậy thử hỏi gia đình có còn hạnh phúc không? Đó là chưa nói đến, lỡ chồng của bạn có ác cảm với đạo Phật, thì bạn làm sao mà cứu được chồng của mình?
Thưa quý bạn! Một tuần có bảy ngày, thời gian đi khiêu vũ với chồng cao lắm chỉ có năm tiếng đồng hồ cho một đêm cuối tuần thôi. Nếu so ra thì bạn vẫn còn tới hơn sáu ngày để tu hành niệm Phật. Vậy thì bạn cần gì phải hủy hoại đi sở thích của chồng mình và làm tổn thương đến hạnh phúc gia đình con cháu. Bạn không nên hiểu lầm cho rằng: “Phật tử tu hành, thì không được hội họp ở những nơi đông người hay là khiêu vũ”. Nếu nghĩ như vậy, thì bạn không hiểu gì về đạo Phật cả. Bạn nên biết rằng: “Đạo Phật là đạo dung thông cả hai cuộc sống đời và đạo, không chướng ngại”. Tóm lại, muốn chuyển được cha mẹ, chồng con và quyến thuộc của mình tu hành, thì bạn phải chuyển đổi họ từ từ. Thay vì trước kia, bạn đi khiêu vũ với chồng một tháng bốn đêm, bây giờ bạn khuyên chồng mỗi tháng chỉ đi khiêu vũ hai hoặc ba đêm thôi, còn dành lại một hay hai đêm để cùng nhau tu hành niệm Phật. Nếu chồng của bạn đồng ý thì đó là điều may mắn. Còn nếu chồng bạn không đồng ý, thì bạn nên khuyên nhủ chồng bạn từ từ và vẫn giữ vui vẻ như xưa, không nên đi với chồng một cách miễn cưỡng, làm như vậy sẽ mất hạnh phúc gia đình.
Nếu là Phật tử thì chúng ta phải biết noi gương theo đấng Từ Phụ, dùng mọi phương tiện và thiện xảo để cứu độ chúng sanh. Bạn nên biết rằng: “Đạo Phật là đạo sống, biến hóa và dung thông vô lượng, không phải là đạo chết”. Bất luận bạn dùng phương tiện hay từ ngữ gì, miễn độ được chúng sanh thì đó đều là Phật pháp. Bạn không nên hiểu lầm cho rằng: Dùng những từ ngữ ở trong Kinh Phật thì mới gọi là Phật pháp, còn dùng những từ ngữ của thế gian thì không phải là Phật pháp. Nếu hiểu như vậy, thì bạn không hiểu gì về đạo Phật cả. Nếu bạn hiểu được ý nghĩa của Phật pháp, thì bất luận chỗ nào cũng là đạo tràng để cho bạn tu hành và độ tha cả. Bạn hãy biến hội trường khiêu vũ thành một nơi để cho bạn lưu thông Kinh sách. Nghĩa là mỗi khi thuận duyên, thì bạn nên tặng cho mỗi người vài cuốn Kinh sách hay vài cái băng đĩa Phật pháp để làm quà, như vậy thời gian đi khiêu vũ với chồng chưa hẳn là vô ích.