NGHIỆP LÀ GÌ?
22/11/2017
HIỂU LẦM Ý NGHĨA TÀ DÂM
22/11/2017

CHUYỂN NGHIỆP

(Bài này trích ra từ cuốn “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Kính thưa quý bạn! Chư Phật và chư Bồ tát thị hiện đến đây, không phải chỉ nói cho chúng ta biết về chân tướng của luân hồi, sanh tử thôi đâu mà mục đích của quý Ngài đến đây, là để giúp chúng ta giác ngộ và được thành Phật giống như quý Ngài.

Chúng ta thật là si mê, từ vô thỉ kiếp đến nay đã tạo ra vô số nghiệp ác mà không hề hay biết. Nay, nhờ học Kinh Phật mà ta hiểu ra được những việc làm của mình xưa nay là bất thiện. Tuy là hiểu, nhưng ta lại không có đủ trí tuệ và can đảm để buông xả hoặc chuyển nghề. Có nhiều người vì sự sống của gia đình và vì miếng cơm manh áo mà để cho nghiệp lực lôi cuốn mình vào vòng tội lỗi, không thể thoát ra.

Nếu chúng ta giác ngộ hiểu được việc làm của mình xưa nay là bất thiện, thì hãy can đảm chuyển nghề bất thiện thành nghề lương thiện. Chúng ta thà thu nhập ít một chút, còn hơn là thu nhập nhiều mà hại mình và hại nhiều đời con cháu về sau phải bị đọa, thì thật là không đáng. Còn nếu bạn cảm thấy mình không có đủ khả năng để chuyển nghề thì tạm thời bạn vẫn giữ nghề nghiệp cũ, nhưng bạn phải làm với cái tâm từ bi và giác ngộ. Thay vì trước kia, ta làm việc bất thiện mà không hề hay biết, nên giữ bo bo tiền bạc và không chịu bố thí cho ai. Nay được thức tỉnh, hiểu ra việc làm của mình xưa nay là bất thiện, thì ta nên trích ra một phần số tiền thu nhập hàng tháng để bố thí giúp người. Ngoài bố thí giúp người ra, thì ta phải lo tu niệm Phật ngày đêm để chuyển hóa nghiệp tội mà mình đã và đang làm. Rồi đến một ngày, khi nghiệp tội của ta được nhẹ bớt thì trí tuệ của ta sẽ được khai mở. Khi trí tuệ được khai mở, thì ta sẽ có đủ can đảm buông xả nhẹ nhàng. Thật ra tất cả chúng ta, ai cũng có khả năng để chuyển nghề bất thiện thành nghề lương thiện. Chẳng qua, chúng ta không có đủ trí tuệ và can đảm để buông xả đó thôi, vì trên đời này không ai có quyền bắt ta làm nghề bất thiện, mà chỉ tự ta trói buộc và sai khiến ta thôi.

Trong Kinh Phật nói: Niệm một câu A Mi Đà Phật có thể trừ 80 ức kiếp trọng tội sinh tử”. (Nếu niệm sâu thì trừ được nhiều, còn niệm cạn thì trừ được ít). Và Phật còn nói rằng: Cho dù chúng sanh có cúng dường hằng sa ức Phật, thì cũng không bằng thành tâm niệm Phật một câu”. Tại sao? Vì cho dù ta có cúng dường hằng sa ức Phật, thì ta chỉ được nhiều phước đức và thiện căn thôi, chớ không thể thành Phật. Nhưng khi ta niệm Phật một câu, thì ta sẽ có chủng tử Phật ở trong tâm và tương lai ta sẽ được thành Phật. Qua câu nói của Phật cho thấy câu A Mi Đà Phật có công đức và phước đức lớn biết dường nào. Vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta nên phát tâm ăn chay niệm Phật. Vì mạng sống con người rất là ngắn ngủi, một hơi thở ra mà hít vào không được thì ta sẽ mất đi thân người này. Một khi thân người của ta đã mất thì không biết đến kiếp nào ta mới có lại được thân người để mà tu giải thoát.

 Nếu bạn đang làm nghề bất thiện thì hãy can đảm chuyển nghề. Vì thời gian vốn không còn để cho chúng ta chần chừ nữa, vì mạng sống của ta rất là mỏng manh như sợi chỉ treo mành. Đồng thời, Trái Đất này cũng mong manh như đám mây tựu, không biết khi nào nó tan. Nếu bạn thật sự thương bản thân, thương nhiều đời ông bà, cha mẹ và con cháu thì hãy mau tu tâm và tích đức. Ngoài ra, chúng ta nên thường xuyên dẫn dắt người thân và gia đình tu niệm Phật ngày đêm và hẹn gặp nhau ở cõi Phật A Mi Đà sau khi chết. Vì chỉ có sanh về cõi Phật A Mi Đà thì chúng ta mới được ở bên nhau vĩnh cửu.

Dừng nghiệp

Thưa quý bạn! Mỗi người sanh ra ở trong cõi đời này đều có nhân duyên và phước đức khác nhau, nên có người thì có duyên với Phật, có người thì có duyên với Chúa… Nhưng cho dù có duyên với Phật hay với Chúa, thì ta cũng không nên dùng quyền hành để ép buộc người thân bỏ đạo mà họ đang tín ngưỡng. Quý bạn hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: Nếu người thân của bạn dùng quyền hành để bắt buộc bạn phải bỏ đạo mà bạn đang tín ngưỡng để theo đạo của họ. Vậy thì bạn có kính phục họ không hay là bạn cảm thấy hành động của họ là mất đạo đức? Nếu một người không có lòng từ bi và bình đẳng thì Phật, Chúa… có rước họ về cõi nước của quý Ngài không? Chắc chắn là không.

Nếu bạn cảm thấy đạo của mình đang theo là đúng, còn đạo của người thân đang theo là không đúng, thì bạn chỉ dùng lời khuyên nhủ và dùng đức hạnh tu hành của mình để chứng minh cho người thân thấy đạo của mình đang theo là đúng. Bạn không nên dùng quyền hành để ép buộc người thân phải bỏ đạo, nếu bạn làm như vậy thì sẽ có tội nặng và thiếu đạo đức.

Nhiều năm qua, tôi đã chứng kiến và nghe được nhiều cảnh đau lòng ở trong cộng đồng tiểu số Á Đông, đang sinh sống ở nước Mỹ nói riêng và các nước Tây phương nói chung. Nhưng đa số nạn nhân trong những câu chuyện đau lòng này lại là những người lớn tuổi Á Đông theo đạo Phật. Tại sao? Vì sau khi con cháu của họ ra được nước ngoài, thì có một số theo đạo Thiên Chúa hay đạo Tin Lành… Ngoài ra, có một số người ra được nước ngoài thì tưởng rằng mình là ông Trời con, nên họ không còn tin vào Phật, Trời hay Tổ tiên chi cả. Đến khi bảo lãnh cha mẹ của họ ra nước ngoài, thì cha mẹ của họ ngỏ ý muốn lập bàn thờ Phật và Tổ tiên để thờ cúng trong nhà thì họ phản đối không cho. Họ không cho với nhiều lý do khác nhau như là: Có người thì cho rằng cha mẹ của họ theo đạo Phật là mê tín dị đoan; có người thì cho rằng cha mẹ của họ để bàn thờ Phật và Tổ tiên ở trong nhà sẽ làm mất đi thẩm mỹ của căn nhà. Thậm chí, có một số người còn bắt buộc cha mẹ của mình phải bỏ đạo Phật để theo đạo Thiên Chúa hay Tin Lành… Tóm lại, họ có nhiều lý do khác nhau và cũng vì những lý do si mê này mà đã làm cho cha mẹ của họ phải sống trong buồn tủi và nước mắt. Thậm chí, có nhiều ông bà cụ vì không chịu nổi cảnh ngược đãi của con cháu nên họ muốn trở về nước. Nhưng khổ là có nhiều ông bà cụ muốn trở về quê hương mà không được. Tại sao? Vì nhà cửa của họ đã bán hết và họ lo nếu trở về nước thì sẽ bị mất mặt với dòng họ, bà con lối xóm. Cuối cùng, họ phải sống trong cảnh cô đơn và buồn tủi để cho qua ngày đoạn tháng. Mỗi khi tôi thấy hoặc nghe được những lời than thở của những ông bà cụ lớn tuổi, mà nhất là người Việt Nam thì tôi cảm thấy đau lòng và không cầm được nước mắt.

Thưa chư vị lớn tuổi! Nếu chư vị không may gặp phải những người con bất hiếu, thì xin chư vị cũng đừng buồn, vì tu niệm Phật trong tâm mới là phần chính, còn bàn thờ có hay không thì cũng không sao. Chư vị chỉ cần tụng Kinh và niệm Phật nhỏ ở trong phòng ngủ của mình là đủ vì bàn thờ ở trong tâm chư vị mới là chính.

Thưa các bạn làm con! Xin các bạn hãy bình tâm mà suy nghĩ lại hành vi bất hiếu của mình, vì Phật hay Chúa… sẽ không bao giờ rước những đứa con bất hiếu và mất đạo đức như bạn về cõi nước của quý Ngài. Tại sao? Vì cõi nước của quý Ngài là trong sạch và thanh tịnh. Nếu là trong sạch và thanh tịnh, thì không thể dung chứa những người có tâm dơ bẩn như bạn về đó. Nếu bạn không mau thức tỉnh và sám hối tội lỗi của mình từ bây giờ, thì 18 tầng địa ngục đang chờ bạn đó. Trong Kinh Phật nói: Trong các tội của chúng sanh thì tội bất hiếu là lớn nhất. Xin quý bạn hãy suy nghĩ lại hành vi của mình.

THỨC TỈNH

Bạn ơi! Hãy đóng lục căn

Lục trần là giả, trôi lăn luân hồi.

Bạn ơi! Tận thế đến rồi

Mau mau thức tỉnh, trau dồi huệ căn.

Bạn ơi! Hãy gắng ăn năn

Thương cha, giúp mẹ, khuyên răn tu hành.

Bạn ơi! Lánh dữ làm lành

Mau mau niệm Phật cùng thành Như Lai.