Ý NGHĨA TU HẠNH NHẪN NHỤC
23/01/2018
HIỂU LẦM VỀ XÁ LỢI
23/01/2018

CÁCH TU NIỆM PHẬT THẤT

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Kính thưa quý bạn! Ở đây, chúng tôi xin chia sẻ vài điều căn bản quan trọng khi tu niệm Phật thất, để chúng ta cùng nhau trao đổi và đúc kết kinh nghiệm, hầu mang lại lợi ích thiết thực cho mình và cho người. Nói về tu niệm Phật thất, thì mỗi đạo tràng đều có cách dẫn chúng và tu tập khác nhau, nên chúng ta không thể nói cách của ai đúng hay cách của ai sai, vì niệm Phật không có cách nào là sai cả, mà chỉ có cách thì mang lại lợi ích nhiều, có cách thì mang lại lợi ích ít mà thôi.

Hiện tại, chúng ta thấy nơi nơi đều có Phật tử đang tu niệm Phật rất đông, nhưng trên thực tế có mấy ai tu niệm đúng với ý nghĩa trì danh niệm Phật, đúng với ý nghĩa Kim cang Diệu thiền của Như Lai. Thật ra, đa số chúng ta vẫn còn bị hình thức dẫn dắt, vẫn còn bị đại chúng chi phối và vẫn còn hướng ngoại, chưa hướng nội. Tóm lại, chúng ta vẫn chưa làm chủ được thân tâm của mình và vẫn còn bị xen tạp quá nhiều.

Tịnh độ là pháp môn thuộc về Diệu thiền, không phải là pháp môn Thiền định bình thường. Thiền thì có nhiều loại Thiền, nhưng không ra ngoài những loại Thiền căn bản sau đây, đó là: Nhân thiền (người), Thiên thiền (trời), A-la-hán thiền (Tiểu thừa), Bồ tát thiền (Đại thừa) và Như Lai thiền (Phật thừa). Chúng ta đang tu Tịnh độ là pháp môn trực chỉ thành Phật (Phật thừa) nên không thể tu xen tạp.

Kính thưa quý bạn! Trách nhiệm dẫn chúng niệm Phật rất là quan trọng. Nếu chúng ta không nắm vững được ý nghĩa Diệu thiền của pháp môn Tịnh độ; không biết uyển chuyển theo từng căn cơ và hoàn cảnh của đại chúng; không giúp cho đại chúng làm chủ được thân tâm và sức khỏe, thì sẽ làm mất thời gian của họ. Ý nghĩa làm mất thời gian ở đây là: Nếu chúng ta dẫn chúng niệm Phật uyển chuyển theo căn cơ và sức khỏe của họ, thì sẽ giúp cho họ niệm Phật một tháng mà có công phu bằng một năm. Còn nếu chúng ta dẫn chúng niệm Phật mà không uyển chuyển theo căn cơ và sức khỏe của họ, thì sẽ hại họ niệm Phật một năm mà công phu chỉ bằng một tháng. Vì vậy, chúng ta hãy mở lòng từ bi, lắng nghe, trao đổi và cầu tiến không ngừng. Hầu mang lại phương pháp thiết thực, để giúp cho đại chúng ai cũng làm chủ được thân tâm và sức khỏe của họ, vì chúng ta vốn không còn nhiều thời gian để tu niệm lòng vòng nữa.

Còn về mặt tu hành, tuy ta và đại chúng cùng tu tập ở một nơi, nhưng không phải ta đến đạo tràng là để tu niệm cho đại chúng, hay là tu niệm cho cái hình thức ở bên ngoài, mà là tu niệm cho ông Phật trong tâm của ta. Còn đại chúng chỉ là trợ duyên, đạo tràng là phương tiện giúp cho ta có đủ hoàn cảnh thuận tiện để tu tập mà thôi. Trên sự, thì ta hỗ trợ cho đại chúng về mặt tinh thần và thần lực. Nhưng trên , thì ta phải biết tu niệm cho thân tâm và sức khỏe của mình, có như vậy thì ta mới mau được nhất tâm.

Kính thưa quý bạn! Bất luận trong một đạo tràng nào dù có đông hay ít Phật tử, thì mỗi người đều có căn tánh, hoàn cảnh và sức khỏe khác nhau. Nói về thân, thì có người thân thể khỏe mạnh, có người thân thể yếu đuối hoặc khiếm khuyết. Nói về sức khỏe, thì có người đau lưng, đau cổ, đau tay, đau chân, đau tim, huyết áp cao, huyết áp thấp,… Nói về tâm, thì có người tâm an định, có người tâm tán loạn,… Nói về căn cơ, thì có người căn cơ cao, có người căn cơ thấp,… Nói về tuổi, thì có cháu 9 – 10 tuổi, có cô cậu 18 – 20 tuổi, có anh chị 30 – 40 tuổi, có chú bác 60 – 70 tuổi, có ông bà 80 – 90 tuổi,… Nói về nghề nghiệp, thì có người làm việc bằng đầu óc, có người làm việc bằng tập luyện biểu diễn, có người làm việc bằng tay chân,… Vì vậy, có nghề đòi hỏi chúng ta phải đứng cả ngày, hoặc phải ngồi cả ngày, hoặc phải tập luyện ca hát cả ngày, hoặc phải nói cả ngày, hoặc phải chạy lăng xăng cả ngày,… Tóm lại, mỗi ngành nghề đều có sự đòi hỏi về sức khỏe và thân thể hoạt động khác nhau, nên thân thể của mỗi người đều có những phần đau yếu và khiếm khuyết khác nhau, không ai giống ai. Vì thân thể và sức khoẻ của mỗi người khác nhau, nên có người ngồi lâu không được, hoặc đi kinh hành lâu không được, hoặc lạy Phật lâu không được, hoặc niệm ra tiếng lâu không được. Ở trên, chúng ta chỉ mới bàn về vấn đề thân thể và sức khỏe thôi, mà đã có nhiều sự sai biệt rồi. Nếu chúng ta bàn đến căn tánh và tâm linh của mỗi người, thì còn phức tạp biết dường nào.

Nếu chúng ta là những người dẫn chúng mà không thông cảm về những sự khác biệt của thân tâm, căn tánh, hoàn cảnh và sức khỏe của đại chúng thì sẽ hại họ. Tại sao? Vì việc tu hành của chúng ta là trường kỳ từ năm này qua năm nọ, không phải tu niệm vài lần Phật thất là đủ, nên vấn đề bảo vệ thân tâm và sức khỏe cho đại chúng rất là quan trọng. Nếu chúng ta dẫn chúng mà không giúp họ bảo vệ được thân tâm và sức khỏe, thì họ làm sao bảo toàn được hai cuộc sống đạo và đời lâu dài?

Kính thưa quý bạn! Hiện tại, đa số các chùa đang gặp khó khăn, vì Phật tử đến chùa tu niệm Phật mỗi ngày thêm đông, mà các chùa thì không có đủ phương tiện và tài chính để đáp ứng cho những nhu cầu cần thiết của Phật tử, như là: Nơi tu hành riêng biệt để phù hợp cho từng căn cơ, nơi ăn, chốn ở, vệ sinh và ẩm thực. Vì không có đủ phương tiện và tài chính, nên mới xảy ra những tình trạng bất đồng ý kiến và bất đồng lợi ích. Nói về mặt tu tập thì có người sau khi mãn khóa tu cảm thấy thân tâm an lạc, nhưng cũng có người cảm thấy lợi ích không được bao nhiêu. Có người còn than phiền cho rằng niệm Phật ở nhà thì được thanh tịnh hơn, vì ít ra không bị hình thức dẫn dắt và không bị đại chúng làm rối loạn thân tâm. Thật ra, những lời than phiền của đại chúng không phải là vô lý, vì chúng ta vẫn còn chấp vào hình thức bên ngoài quá nhiều, nên vô tình thiếu sót về mặt bảo vệ thân tâm và sức khỏe của đại chúng. Nếu chúng ta chịu buông xả mặt hình thức, để chú trọng vào thân tâm và sức khỏe của đại chúng, thì cho dù đạo tràng có nhỏ cách mấy, thì chúng ta cũng có thể giúp cho họ làm chủ được thân tâm. Vì ngoài họ ra, không ai có thể hiểu được thân tâm và sức khỏe của họ.

Nếu chúng ta là những người dẫn chúng thì hãy mở lòng từ bi và biết lắng nghe, hầu giúp cho mỗi người đều làm chủ được thân tâm và sức khỏe của họ, vì niệm Phật phải cần thân tâm hợp nhất. Nếu thân tâm không được hợp nhất thì người tu hành khó được nhất tâm. Cũng như chúng ta muốn tới được bờ an toàn, thì trước hết phải có chiếc tàu vững chắc, nếu không ta sẽ bị chìm nửa chừng. Khi chúng ta tu hành cũng vậy, nếu thân tâm và sức khỏe của ta không được vững chắc, thì đường tu của ta sẽ khó được thành tựu. Ở đây, chúng tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm, mong là có thể giúp quý bạn phần nào trên con đường tu tập.

I. Chuẩn bị băng đĩa

Trước hết, ta chuẩn bị một cái máy và hai cái đĩa niệm Phật khác nhau: Một đĩa là hành trì niệm Phật để khai mở thân tâm; còn một đĩa là nhạc niệm Phật để giữ thân tâm thanh tịnh.

Đĩa niệm Phật hành trì không nên có tiếng nhạc hay tiếng mõ. Tiếng niệm phải nhẹ nhàng nhưng dũng mãnh xoáy thẳng vào tâm để đánh thức tâm si mê và sự hôn trầm. Mỗi niệm phải vừa đủ cho mỗi bước đi kinh hành, không nên niệm nhanh quá hay chậm quá. Vì nếu niệm nhanh quá thì ta sẽ bước theo không kịp, còn nếu niệm chậm quá thì ta dễ bị hôn trầm (loại hành trì chỉ dùng trong lúc tu hành).

Còn đĩa nhạc niệm Phật thì ta nên lựa loại nhạc niệm linh động, để giúp thân tâm an định (nhạc niệm Phật dùng vào những lúc giải lao và thọ trai). Thật ra, mỗi loại niệm Phật đều có sự lợi ích riêng của nó, tùy theo ta có biết dùng chúng đúng nơi, đúng chỗ hay không? Nếu chúng ta dùng đúng chỗ thì sẽ có nhiều lợi ích, còn nếu dùng không đúng chỗ thì sẽ là chướng ngại cho thân tâm chúng ta.

II. Cách xếp đặt chỗ tu hành

Trước hết, chúng ta phải xếp đặt chỗ ngồi, chỗ đi kinh hành, chỗ lạy Phật và chỗ nghỉ ngơi tạm thời. Chỗ ngồi ta có thể xếp đặt ở giữa đạo tràng, còn chỗ đi kinh hành thì xung quanh đạo tràng, hoặc chỗ ngồi xung quanh đạo tràng xoay mặt vào vách, còn đi kinh hành thì ở giữa đạo tràng. Chỗ lạy Phật thì ở một phòng hay ở một góc nào đó, tùy theo hoàn cảnh của đạo tràng và phải có hình Phật A Mi Đà ở trước mặt. Còn chỗ nghỉ ngơi tạm thời tùy chúng ta xếp đặt.

Khi xếp đặt chỗ ngồi ta nên xếp đặt khoảng cách làm sao mà khi chúng ta đứng lên, ngồi xuống, đi ra, đi vào đều không làm động đến người bên cạnh. Mỗi hàng phải có lối đi thông ra chỗ đi kinh hành và chỗ đi kinh hành có thể đi thông vào chỗ ngồi, chỗ lạy Phật, tới phòng nghỉ ngơi và phòng vệ sinh. Tóm lại, chúng ta xếp đặt làm sao để từ chỗ này đi qua chỗ kia đều được dung thông không chướng ngại. Sau khi xếp đặt chỗ tu hành xong, chúng ta tập cách đứng lên, ngồi xuống, cách đi kinh hành, cách lạy Phật, cách đi ra và đi vào. Chúng ta tập sự làm sao để mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, đi ra, đi vào đều nhẹ nhàng và trang nghiêm. Mỗi khi ta di chuyển từ chỗ này sang chỗ kia, đều phải đi theo lối đi kinh hành; mỗi bước phải đi theo nhịp niệm Phật, không nên kẻ bước nhanh, người bước chậm sẽ làm mất sự trang nghiêm của đạo tràng và làm chướng ngại cho bạn đồng tu ở xung quanh.

Nói về thân, thì trong thời gian tu niệm ta đều có sự di chuyển từ chỗ này sang chỗ kia. Nhưng về luật lệ, nghi thức của đạo tràng thì không thể khác nhau. Nói về tâm, thì trong thời gian tu tập thân của ta tuy có sự dời đổi, nhưng tâm thì phải luôn giữ chánh niệm. Điều quan trọng là ta phải biết làm chủ thân tâm và sức khỏe của mình. Có như vậy thì sự tu hành của ta mới mau được nhất tâm.

Sau khi xếp đặt và tập sự xong, chúng ta ai nấy trở vào chỗ đứng của mình để lễ Phật Thích Ca ba lạy và lễ Phật A Mi Đà ba lạy. Sau đó, chúng ta ngồi tĩnh tọa để đọc một bài kệ tán thán chư Phật hay là tụng một bài Kinh. Nếu tụng Kinh thì chỉ tụng “Kinh A Mi Đà” hay “Kinh Vô Lượng Thọ” là đủ, không nên tụng đủ loại Kinh. Nếu tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” thì ta nên chia ra mỗi ngày tụng vài phẩm, không nên tụng một lần hết cuốn Kinh, vì sẽ mất rất nhiều thời gian. Còn nếu chúng ta không biết đọc bài kệ tán thán, hay không biết tụng Kinh cũng được không sao, vì trong câu A Mi Đà Phật đã có đầy đủ công đức rồi.

Sau khi lễ Phật, tán thán và tụng Kinh xong, thì chúng ta đồng thanh hợp niệm, niệm nhanh theo lối niệm Kim cang trì, nhưng phải niệm ra tiếng. Nghĩa là chúng ta niệm mỗi chữ liên tục nhau như bức tường thành chặn đứng không cho vọng tưởng xen vào, mạnh ai nấy niệm, không ai theo ai, không ai chờ ai. Ai muốn niệm lớn, niệm nhỏ, niệm cao, niệm thấp, muốn nghỉ, muốn niệm đều tùy ý. Tuy là tùy ý niệm Phật, nhưng chúng ta phải biết hòa quyện vào tiếng niệm của đại chúng để tạo thành một đại niệm Kim cang. Trong lúc niệm Phật, ta chỉ tập trung để nghe tiếng niệm Phật của mình và đưa tiếng niệm vào tâm (đưa vào giữa lồng ngực). Lúc mới tập niệm hòa tấu với đại chúng, ta sẽ cảm thấy không quen. Nhưng qua vài lần thì ta sẽ quen đi và những tiếng niệm Phật lớn nhỏ, trầm bổng, nhịp nhàng, hùng mạnh của đại chúng và của ta, sẽ tự nhiên được dung thông hợp nhất với nhau và tạo thành một dòng pháp âm cam lồ tuôn chảy vào tâm an định không thể tả. Đây là cách niệm Phật tổng trì Kim cang Diệu thiền.

Nếu quý bạn muốn niệm Phật mau được nhất tâm và giúp cho chúng sanh mau được thức tỉnh hồi đầu, thì trong thời gian niệm Phật hòa tấu với nhau, ta nên dành một khoảng thời gian để thi đua với nhau, xem ai niệm Phật lớn tiếng hơn. Chúng ta niệm Phật thi đua làm sao mà có thể làm rung động cả bầu trời, thì tâm của ta sẽ mau được an định. Tại sao? Vì trong thời gian ta niệm Phật để thi đua với nhau, thì cũng là thời gian ta quên hết vọng tưởng, buồn phiền và cũng là thời gian ta dùng hết chân tâm của mình để niệm ra. Trong thời gian ta dùng chân tâm để niệm, thì cũng là thời gian ta thâu nhiếp được nhiều thần lực của chư Phật. Đồng thời, ta cũng hợp sức với mười phương chư Phật, để chuyển hóa tâm si mê của mình và của chúng sanh. Trong thời gian niệm Phật hòa tấu với nhau, nếu ai mệt thì nghỉ, còn ai khỏe thì niệm, không ai chờ ai. Nếu ai ngưng niệm thì ngồi yên lặng để lắng nghe tiếng niệm của đại chúng và đưa tiếng niệm của đại chúng vào trong tâm mình. Ta niệm theo cho đến khi nào tiếng niệm Phật của người cuối cùng dừng thì ta mới thôi. Sau khi tiếng niệm của người cuối cùng dừng, thì ta vẫn ngồi yên lặng và mặc niệm thêm ít nhất là nửa tiếng đồng hồ, để hưởng lạc thanh tịnh. Sau nửa tiếng mặc niệm, thì một người trong nhóm đứng lên mở máy niệm Phật (dùng đĩa niệm Phật hành trì). Chúng ta chỉ mở âm thanh vừa đủ nghe, không được lớn quá hay nhỏ quá. Vì nếu âm thanh lớn quá sẽ làm thân tâm của ta bị động, còn nếu nhỏ quá sẽ làm cho ta dễ bị hôn trầm.

Sau khi tiếng niệm Phật từ máy phát ra, ta vẫn ngồi yên lặng và nương theo tiếng niệm Phật đó mà hành trì. Chúng ta ngồi cho đến khi nào cảm thấy đau lưng, mỏi gối hoặc vọng tưởng kéo đến dồn dập không thể khống chế, thì lúc đó ta hãy đứng lên đi kinh hành hay là lạy Phật đều tùy ý. Tóm lại, ta muốn ngồi, muốn đi kinh hành, muốn lạy Phật, nghỉ ngơi hay đi vệ sinh đều tùy ý. Nhưng mỗi hành động di chuyển của ta đều phải đi theo lối kinh hành và mỗi bước chân của ta phải nhẹ nhàng, trang nghiêm, không nên làm động đến bạn đồng tu xung quanh. Sau mỗi thời khóa tu tập xong, chúng ta đứng lên chấp tay để đọc bài Hồi hướng.

Tới giờ thọ trai ta có thể dùng ba tiếng khánh hay ba tiếng hồng chung để báo hiệu, nhưng phải cho đại chúng biết trước ít nhất là 30 phút để xả định, co giãn gân cốt và đi vệ sinh. Sau khi báo hiệu giờ thọ trai xong, ta đổi đĩa nhạc niệm Phật vào để đại chúng giải trí tinh thần và giữ thân tâm thanh tịnh. Sau khi thọ trai xong, ta đi vệ sinh và nghỉ ngơi khoảng 30 phút, rồi sau đó mới ngồi lại để nghe chư Tăng, Ni thuyết pháp hoặc nghe băng thuyết pháp. Sau khi nghe thuyết pháp xong, ta nghỉ giải lao thêm 15 phút, rồi sau đó mới trở lại tu trì. Lúc đó, chúng ta cũng lễ Phật ba lạy, cũng niệm Phật hòa tấu. (Quý bạn có thể niệm Phật hòa tấu với nhau hai hay bốn lần trong một ngày cũng được).

III. Cách tĩnh tọa, đi kinh hành và lạy Phật

  1. Tĩnh tọa: Khi ngồi, ta phải buông xả thân tâm nhẹ nhàng, không nên gò bó thân thể, lưng và đầu phải thẳng, không nên cong lưng hay cúi đầu. Nếu ta ngồi không đúng cách, lâu ngày sẽ sanh ra bệnh đau lưng, đau khớp…
  2. Đi kinh hành: Khi đi kinh hành, ta phải buông xả thân tâm nhẹ nhàng và đi một cách trang nghiêm thanh tịnh. Mỗi bước đi phải chắc, thân phải thẳng, tâm phải nguyện ta là Phật sẽ thành. Trong lúc đi kinh hành, ta luôn quán tưởng rằng: “Mỗi bước chân ta đi là cứu độ chúng sanh, mỗi bước chân ta tới là cứu chúng sanh thoát khỏi lầm than”. Chúng ta hãy tập quán tưởng mỗi bước chân của mình đang đi là mỗi bước chân của Phật. Có như vậy thì ta mới phát khởi được cái tâm từ bi cứu độ chúng sanh. Chúng ta cứ nguyện như vậy lâu ngày, thì thân tâm của ta sẽ được từ bi và thanh tịnh như Phật. Rồi đến một ngày tâm của ta và tâm của Phật được hợp nhất với nhau, thì ta sẽ được nhất tâm tam muội. Muốn được nhất tâm tam muội, thì tâm của ta phải đồng nguyện và đồng từ bi như Phật.

Trong lúc đi kinh hành, ta phải biết thay đổi tư thế của tay để thư giãn gân cốt, lưu thông huyết mạch và bảo vệ sức khỏe của mình. Nói về tư thế của tay thì có ba tư thế khác nhau. Trước hết, ta chắp hai tay lên ngực khoảng 15 phút. Sau đó, ta để hai bàn tay nằm ngửa và chồng lên nhau và đưa xuống ngang chỗ lỗ rốn khoảng 15 phút. Sau đó, ta xả hai tay thẳng xuống đưa ra sau lưng và đan hai bàn tay lại với nhau khoảng 15 phút. Chúng ta cứ thay đổi tư thế tới lui như vậy trong thời gian tu tập, nhưng phải theo tiếng khánh của người dẫn chúng. Nghĩa là trong thời gian tu tập người dẫn chúng sẽ dùng tiếng khánh để báo hiệu cho ta biết khi nào là chắp tay lên ngực, khi nào là xả tay xuống. Trong lúc đi kinh hành, ta không nên kẻ chắp tay, người xả tay sẽ làm mất sự trang nghiêm của đạo tràng (chỉ nói riêng về phần đi kinh hành). Trong thời gian tu tập, tiếng khánh đóng một vai trò rất là quan trọng, nó giúp cho ta dẫn chúng và đồng thời cũng đánh thức sự hôn trầm của ta. Nhưng chúng ta phải biết đánh nghe cho thanh tịnh, không nên làm động đến tâm của đại chúng.

  1. Lạy Phật: Là một phương pháp tu hành để định tâm cường thể. Nếu ta lạy Phật đúng cách thì sẽ mau được nhất tâm, thân thể sẽ được khỏe mạnh, rắn chắc và huyết mạch sẽ được lưu thông. Nhưng nếu ta lạy không đúng cách thì sẽ mang bệnh vào thân, nên ta phải tập cách lạy Phật trước khi tu pháp lạy Phật. Quý bạn có thể đến chùa tìm chư Tăng, Ni chỉ dạy, hay tìm băng đĩa hướng dẫn về cách lạy Phật ở trên website, YouTube… Còn ở đây, chúng tôi chỉ chia sẻ niệm Phật cách nào để mau được nhất tâm thôi. Khi lạy Phật ta không nên lạy gấp, vì lạy gấp sẽ làm xáo trộn huyết mạch, dễ xây xẩm và gân cốt dễ bị suy yếu theo thời gian. Chúng ta lạy càng chậm càng tốt và trong lúc lạy ta phải biết lắng nghe, để dung thông tiếng niệm Phật vào từng phần di chuyển của thân từ thô đến tế (thô là dễ biết, tế là khó biết).

Lúc mới tập lạy, ta nên tập dung thông tiếng niệm Phật vào phần di chuyển dễ biết của thân trước. Đến khi tiếng niệm Phật được dung thông thuần thục rồi, thì lúc đó ta mới tập dung thông tiếng niệm Phật vào phần khó biết của thân. Về phần dễ biết thì ta có thể tập như sau: Chắp tay là A Mi Đà Phật, cúi đầu là A Mi Đà Phật, cong lưng, cong đầu gối, quỳ xuống, chuyển bàn tay, bàn chân,… đều là A Mi Đà Phật. Tóm lại, trong mỗi động tác xê dịch của thân mà ta biết được, thì đều thay vào đó một câu A Mi Đà Phật.

Trong lúc lạy Phật, ta phải biết lắng nghe sự di chuyển của thân và đưa mỗi niệm A Mi Đà Phật vào mỗi sự chuyển động đó, để giúp thân tâm được hợp nhất. Chúng ta tập cho đến khi nào làm chủ được thân tâm, thì lúc đó mới tập vào phần tế của thân. Về phần tế, ta phải biết dung thông câu A Mi Đà Phật vào từng hơi thở, từng sự chuyển động của gân cốt, cơ bắp, huyết mạch. Tóm lại, ta niệm cho tới khi nào thân tâm và câu A Mi Đà Phật được hòa nhập hợp nhất, thì ta sẽ được nhất tâm tam muội.

IV. Phần nhắc nhở

Ở đây, tôi xin chia sẻ một vài căn bản để giúp quý bạn biết bảo vệ sức khỏe của mình trước và sau khi tu pháp lạy Phật.

  1. Quý bạn không nên tu lạy Phật sau khi vừa mới ăn no, mà phải đợi khoảng một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ sau. Vì nếu bạn lạy Phật sau khi vừa mới ăn no, thì bạn sẽ bị xáo trộn bao tử, nôn ói và bị chóng mặt.
  2. Trong thời gian lạy Phật, nếu ta cảm thấy mệt thì nên nghỉ ngơi một chút. Trong thời gian nghỉ ngơi, nếu ta cảm thấy khát nước thì chỉ uống vài hớp và mỗi hớp phải ngậm vài giây, rồi sau đó ta mới nuốt từ từ xuống. Chúng ta không nên uống một lúc nhiều và nhanh, vì nếu uống nhiều và nhanh thì ta sẽ bị khó chịu trong thời gian lạy Phật.
  3. Sau khi lạy Phật xong, ta phải uống nước thật nhiều, ít nhất là nửa lít nước. Tại sao? Vì trong thời gian lạy Phật, người của ta đã bị mất nhiều nước, nên ta phải cần uống nước để điều hòa lại lượng nước trong người của ta đã mất.
  4. Nếu quý bạn là người tu pháp lạy Phật mỗi ngày, thì không nên lạy quá một tiếng rưỡi đồng hồ cho một ngày, nhất là những bạn đã có tuổi. Tại sao? Vì nếu bạn lạy quá một tiếng rưỡi cho một ngày và lạy từ tháng này qua năm nọ, thì về già bạn sẽ bị đau khớp và đau xương. Điều này quý bạn phải hết sức thận trọng, vì sự tu hành của chúng ta là cả đời, không phải chỉ tu có một ngày hay một tháng.

Kính thưa quý bạn! Ngày đầu tập lạy Phật, thân thể và gân cốt của ta sẽ bị đau ê ẩm gần một tuần mới hết. Sau đó, ta tiếp tục tu lạy nhiều lần thì sẽ quen đi, không còn bị ê ẩm thân thể nữa. Cũng như chúng ta mới bắt đầu tập thể dục, thì toàn thân của ta cũng bị đau ê ẩm như vậy không khác. Chúng ta không nên mới tập lạy Phật ngày đầu, sau đó bị đau ê ẩm cả người rồi bỏ tu pháp lạy Phật thì uổng lắm. Nếu quý bạn lạy Phật nhiều, thì nên để ở dưới một miếng lót dày khoảng vài phân, để bảo vệ đầu gối và tay chân của mình. Nếu quý bạn muốn mau được nhất tâm, thì nên đi tới các chùa hoặc các đạo tràng để tu niệm. Vì tới đó ta sẽ hưởng được thần lực của đại chúng hỗ trợ, cho đến khi thần lực của ta được khôi phục khả quan, thì lúc đó ta nhập thất tu một mình sẽ tốt hơn. Nếu quý bạn chịu để ý một chút, thì sẽ thấy tâm và diện mạo của mình ở trong niệm Phật đường và ở nhà hoàn toàn khác nhau.

V. Phần thỉnh cầu

Kính thưa quý bạn! Các chùa và các đạo tràng hiện đang gặp khó khăn về mặt phương tiện và tài chính. Nếu là Phật tử thì chúng ta hãy chung tay góp sức với chư Tăng, Ni và chư Cư sĩ phát triển thêm, để giúp Phật tử khắp nơi có đầy đủ phương tiện tu hành. Công đức này là vô lượng không thể nghĩ bàn, vì những vị đang tu niệm Phật thất đều là chư Phật sẽ thành trong tương lai. Chúng ta không dễ gì có được cái phước đức nhân duyên để cúng dường cho chư Phật, nay có cơ hội ta không nên bỏ qua (chư Phật là những người đang tu niệm Phật thất đó).

Chúng ta có thiện căn và phước đức trong vô lượng kiếp, nên kiếp này mới có đủ nhân duyên vào chùa tu niệm Phật bảy ngày. Trong khi xung quanh ta, có biết bao nhiêu người muốn đến chùa tu niệm mà không được, vì hoàn cảnh và tài chính của họ không cho phép. Vì vậy, ta phải biết quý mỗi giây, mỗi phút trong thời gian tu tập để hầu gặt hái được nhiều lợi ích cho thân tâm. Chúng ta không nên phụ lòng tâm huyết của chư Tăng, Ni và Cư sĩ đang ngày đêm dẫn dắt và lo cho ta từng miếng ăn giấc ngủ trong thời gian tu hành. Chúng ta phải quyết tâm tu để được vãng sanh ngay trong đời này. Vì chỉ có thành Phật thì ta mới đền ơn được cho chư Phật và chư Bồ tát.

VI. Phần quan trọng

Ở đây, tôi xin khuyên quý bạn một điều, đó là: Trong thời gian hành trì niệm Phật, chúng ta có thể nhập định bất cứ lúc nào. Nếu lỡ nhập định nửa chừng thì ta cứ ngồi yên không nên xả định, mặc cho những người xung quanh có đứng lên hay ngồi xuống… Còn về phần đại chúng, nếu thấy bạn đồng tu của mình ngồi yên không cử động, thì ta phải biết là người đó đang trong định, ta không nên làm phiền hay đánh thức họ. Chúng ta cũng không nên xầm xì, bàn tán cho rằng người bạn đó không tôn trọng hay là khoe khoang. Vì trong thời gian nhập định, thân của ta sẽ an định như là pho tượng, không còn cảm giác. Nếu lúc đó vì sợ quý Thầy hay bạn đồng tu quở trách, mà ta vội xả định thì sẽ bị tổn khí lực và uổng phí công phu tu hành. Chúng ta tu hành là tu cho mình không phải tu cho đại chúng hay tu cho quý Thầy. Tóm lại, trong thời gian nhập định, mặc cho ai đứng lên hay ngồi xuống, thọ trai hay giải trí, thuyết pháp hay nghe pháp, ngày hay đêm, thì ta vẫn ngồi an định để sống với bốn chữ A Mi Đà Phật. Có như vậy thì ta mới thật sự làm chủ được thân tâm của mình.

VII. Phần bảo vệ thân thể

Kính thưa quý bạn! Thân thể của ta tuy là giả tạm, nhưng ta phải biết chăm sóc và tập thể dục để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống gia đình. Chúng ta không nên nghĩ rằng: “Thân này là của tôi, tôi muốn làm gì thì làm không liên quan gì đến ai”. Thật ra không phải vậy, mà thân ta là của chúng sanh trong mười phương thế giới, chẳng qua ta không tu hành nên không thấy đó thôi. Ở đây, chúng ta không bàn đến những chuyện xa xôi, mà chỉ bàn đến chuyện là mỗi khi ta bị bệnh thôi, cũng ảnh hưởng đến biết bao nhiêu người rồi.

Mỗi khi bị bệnh không phải chỉ riêng ta bị khổ, mà tất cả thân bằng quyến thuộc và bạn bè của ta đều bị khổ. Ngoài ra, còn có những người đang chăm sóc cho ta như là bác sĩ, y tá,… cũng đều bị khổ. Đó là chưa nói đến những con vật bị giết để tẩm bổ và chữa bệnh cho ta. Ở trên, chúng ta chỉ mới bàn đến cái thấy của phàm phu thôi, mà đã thấy thân của ta đối với chúng sanh còn quan trọng đến như vậy. Nếu bàn đến cái thấy của chư Phật, thì thân của ta đối với chúng sanh còn quan trọng biết dường nào. Vì vậy, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ thân thể, không nên làm khổ đến mình và làm khổ đến chúng sanh.

VIII. Giải tỏa thắc mắc

Đa số chúng ta vẫn còn thắc mắc về vấn đề niệm Phật sáu chữ và bốn chữ. Thật ra, chúng ta muốn niệm sáu chữ hay bốn chữ đều được cả. Bây giờ tôi xin phân tích tóm gọn để quý bạn không còn thắc mắc.

Nam : Nghĩa là quy y (tức là trở về nương tựa chư Phật và trở về với chân tâm của mình).

A Mi Đà Phật: Là thể tánh Giác, Chánh, Tịnh (tức có đầy đủ vô lượng quang và vô lượng thọ).

Khi chúng ta niệm: “Nam mô A Mi Đà Phật” là nguyện trở về với tự tánh Giác, Chánh, Tịnh sẵn có của ta. Nếu chúng ta đem sáu chữ “Nam mô A Mi Đà Phật” để phân tích, thì bốn chữ A Mi Đà Phật mới là thể tánh chân tâm của ta, còn hai chữ Nam mô chỉ là phương tiện giúp nhắc nhở ta trở về. Nếu ta chưa có đủ tín tâm, thì nên niệm “Nam mô A Mi Đà Phật” để nhắc nhở ta trở về với tự tánh “A Mi Đà” của mình. Còn nếu ta đã có tín tâm thì hai chữ “Nam mô” không còn quan trọng nữa. Tại sao? Vì ý nghĩa của hai chữ “Nam mô” là quay về. Nay ta đã phát tâm Bồ đề quyết tu thành Phật, thì ý nghĩa quay về không còn quan trọng nữa.

Tóm lại, chúng ta muốn niệm sáu chữ hay bốn chữ đều được cả, tùy theo căn cơ và sở thích của ta. Nhưng nếu ta niệm Phật đã được thuần thục rồi, thì nên niệm bốn chữ sẽ tốt hơn. Tại sao? Vì niệm bốn chữ sẽ đỡ hao hơi, tổn khí và phút lâm chung ta dễ giữ được chánh niệm hơn. Ngoài việc tu niệm Phật ra, ta nên cố gắng thu xếp thời gian để đọc Kinh sách hay nghe thuyết pháp thường xuyên. Vì mỗi lần nghe pháp là giúp cho ta có thêm lòng tin và khai mở được trí tuệ sáng suốt.

IX. Ý nghĩa tụng Kinh

Tụng Kinh có hai mặt lý và sự: , là tụng để khai mở chân tâm và trí tuệ của mình; sự, là tụng để khai triển pháp âm, khai triển thần lực để giúp cho chúng sanh giác ngộ tu hành. Nên khi tụng Kinh ta phải tụng nghe cho hùng hồn và thoát tục, để giúp cho người nghe cảm thấy an lạc và thích nghe. Chúng ta không nên tụng Kinh như đưa đám ma, khiến cho người nghe cảm thấy sợ hãi, bực bội không muốn nghe tiếp. Nếu ta tụng Kinh mà khiến cho người nghe phải sợ hãi, bực bội không muốn nghe tiếp, vậy ta làm sao độ được chúng sanh? Vì vậy, chúng ta phải sửa đổi để hợp với căn tánh của chúng sanh thời nay, hầu củng cố lại sự thính Kinh của con cháu chúng ta sau này. Nếu chúng ta chịu tìm hiểu về cách tụng Kinh của các nước bạn, thì sẽ thấy cách tụng Kinh của chúng ta vẫn còn thiếu sót về mặt tâm linh và âm điệu. Khi tụng Kinh, điều quan trọng là ta phải tụng mỗi chữ nghe cho rõ ràng và hùng mạnh để đánh thức tâm si mê của mình và của chúng sanh. Chúng ta không nên tụng kéo dài khiến cho mình phải bị tổn khí lực và khiến cho người nghe cũng cảm thấy mệt mỏi. Tóm lại, chúng ta tụng Kinh làm sao mà khiến cho thân tâm của mình và thân tâm của người nghe cảm thấy phấn chấn, an lạc và giải thoát, có như vậy mới gọi là tụng Kinh. Còn nói về phần đánh khánh và gõ mõ cũng vậy, ta phải đánh nghe cho thanh tịnh, không nên đánh mà khiến người nghe phải bị long óc, động tâm thì không tốt.

X. Phần cứu con hữu hiệu

Về cách độ con cháu niệm Phật, thì chúng tôi đã chia sẻ nhiều ở trong cuốn “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi” rồi. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ thêm một vài vấn đề quan trọng thôi. Nếu muốn độ được con cháu, mà nhất là những con cháu ở xa, thì ta nên yêu cầu chúng mỗi ngày dành ra nửa tiếng đồng hồ để viết một trang tự tánh “A Mi Đà Phật”. Mỗi chữ phải viết rõ ràng và ngay thẳng, không được viết ẩu hay qua loa và mỗi trang đều để rõ ngày, tháng, năm. Sau đó, chúng ta đòi hỏi chúng phải nộp bài, tùy hoàn cảnh mà ta đặt ra cho chúng. Ngoài ra, ta nên thường tâm sự cho con cháu biết rằng: “Cho dù các con có cho cha mẹ cả một biển vàng bạc châu báu, thì cha mẹ cũng không vui bằng khi thấy các con mỗi ngày niệm Phật nửa tiếng đồng hồ”. Nếu con cháu hỏi tại sao thì ta trả lời cho chúng biết rằng: “Vì biển vàng bạc châu báu kia chỉ giúp cho cha mẹ sống được hạnh phúc và sung sướng trong một đời này thôi, nhưng không thể giúp cho cha mẹ và các con sống bên nhau đời đời, kiếp kiếp. Còn trang giấy mà các con đang viết niệm A Mi Đà Phật hằng ngày, có thể giúp cho cha mẹ và các con sống hạnh phúc bên nhau ở cõi Cực Lạc, không bao giờ chia cách”. Khi con cháu nghe chúng ta nói tha thiết và thành khẩn như vậy, thì cho dù bận rộn đến đâu thì chúng cũng dành thời gian để tu niệm Phật. Ngoài ra, mỗi khi chúng làm gì sai quấy, ta chỉ dùng cách viết câu Phật hiệu để trừng phạt. Còn nếu chúng muốn có tiền xài riêng hay chưng diện, thì ta không nên cho chúng dễ dàng, mà kêu chúng viết một trang tự tánh “A Mi Đà” thì sẽ có được bao nhiêu tiền, tùy ta ra giá với chúng. Những cách trên đây có hiệu quả vô cùng.

Ngoài tìm những phương tiện thiện xảo để giúp con cháu và người thân niệm Phật ra, thì ta nên làm gương cho chúng thấy và luôn thuyết pháp cho chúng nghe. Điều quan trọng là ta phải quyết tâm tu niệm, để được vãng sanh ngay trong đời này và để lại bằng chứng hùng hồn cho con cháu của mình thấy. Đó mới là tình thương chân thật vĩnh cửu.