ẨN TU GIỮA CHỢ ĐỜI
23/01/2018
CÁCH TU NIỆM PHẬT THẤT
23/01/2018

Ý NGHĨA TU HẠNH NHẪN NHỤC

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Ở đây, chúng tôi xin phân tích về ý nghĩa nhẫn nhục của thế gian và nhẫn nhục của nhà Phật khác nhau ở chỗ nào để quý bạn không còn lẫn lộn. Chúng ta xưa nay thường nghĩ người tu hành nhẫn nhục là người phải chịu đựng mọi đau khổ. Thật ra không phải vậy, nhẫn nhục của thế gian thì chịu đựng mọi đau khổ, còn nhẫn nhục ở trong nhà Phật thì không có chịu đựng, cũng không có đau khổ mà chỉ có buông xả để sống an lạc, giải thoát thôi. Bây giờ chúng tôi xin phân tích từng phần để quý bạn dễ hiểu.

  1. Nhẫn nhục của thế gian: Người thế gian nhẫn nhục là vì sợ những thứ như: Sợ uy quyền, sợ bạo lực, sợ gia đình tan nát, sợ sự nghiệp và danh vọng bị đổ vỡ,… vì vậy nên họ phải nhẫn nhục. Họ càng nhẫn nhục bao nhiêu thì họ càng bị đau khổ bấy nhiêu và không có lối thoát. Thậm chí, có người còn mang bệnh trầm uất, rối loạn thần kinh và khi chết, họ còn bị rơi vào ba đường ác vì tâm thù hận của họ quá sâu dày. Tại sao họ nhẫn nhục mà phải bị đau khổ như vậy? Là vì cách nhẫn nhục của người thế gian không có trí tuệ, họ chỉ biết nhẫn nhục trên thân mà không biết nhẫn nhục trên tâm.
  2. Nhẫn nhục ở trong nhà Phật: Nhẫn nhục ở trong nhà Phật là nhẫn nhục của trí tuệ và từ bi. Nhờ có trí tuệ và từ bi mà chúng ta mới biết nhẫn nhục cả thân và tâm. Trong Kinh Phật dạy: Nếu chúng sanh muốn thoát khỏi luân hồi thì phải biết tu hạnh nhẫn nhục, vì chỉ có tu hạnh nhẫn nhục mới giúp cho chúng sanh sống được hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại và giải thoát cho tương lai. Ý nghĩa nhẫn nhục mà Phật dạy ở trong Kinh là nói chúng ta phải biết buông xả để được giải thoát, không phải chấp chặt để chịu đựng mọi đau khổ. Nếu là đệ tử Phật thì ta phải biết pháp của Phật không có pháp nào là chịu đựng và cũng không có pháp nào là chịu đau khổ, mà chỉ có buông xả để được giải thoát thôi. Trong Kinh Phật nói: Nếu chúng sanh nhẫn nhục ít thì được hạnh phúc và an lạc ít, nếu chúng sanh nhẫn nhục nhiều thì được hạnh phúc và an lạc nhiều”.

Nói về tu hạnh nhẫn nhục thì dễ nhưng làm rất khó vì chúng ta chưa phải là Thánh. Nếu chúng ta tự dùng sức của mình để tu hạnh nhẫn nhục thì rất khó. Nhưng nhờ có câu Phật hiệu A Mi Đà, nhờ nguyện lực của Phật A Mi Đà và nhờ thần lực của mười phương chư Phật gia hộ mà ta có thể thành tựu được dễ dàng. Nhưng trước khi tu hạnh nhẫn nhục ta phải biết nhẫn nhục từ đâu thì mới đem lại kết quả an lạc và giải thoát cho mình và cho người. Ở đây, chúng tôi xin dùng một câu chuyện làm ví dụ để giúp quý bạn dễ hiểu.

Ví dụ: Nhà của ta và nhà của anh B ở bên cạnh, lâu nay thường hay tranh chấp qua lại với nhau vì một đống rác. Hôm nay thì anh B đổ rác qua nhà của ta, ngày mai ta lại hốt rác đổ qua nhà anh B. Rồi cứ như vậy mà hết ta đổ qua rồi anh B đổ lại, ngày qua ngày đống rác càng cao lên, mùi hôi thối cũng càng thêm lan rộng. Hành động này khiến cho nhà của ta, nhà anh B và hàng xóm không có một ngày sống bình yên. Nay nhờ học Phật khai mở được trí tuệ và hiểu biết hành động lâu nay của ta thật là si mê, điên đảo. Cho nên từ đó, ta không còn đem rác đổ qua nhà anh B mà đem hết rác đổ ra ngoài sở rác công cộng. Nhờ đổ hết rác ra ngoài sở rác công cộng mà nhà của ta mới được bình yên, sạch sẽ, thơm tho và thoải mái. Không những vậy mà ta còn giúp cho nhà của anh B và hàng xóm cũng sống được bình yên, sạch sẽ và thoải mái.

Qua câu chuyện ở trên cho thấy cách xử sự của ta trước và sau khi giác ngộ hoàn toàn khác nhau. Nếu không nhờ học Phật thì chúng ta làm sao có đủ trí tuệ để thoát ra cái vòng tranh chấp với anh B. Làm sao thoát được cái mùi hôi thối của đống rác để sống được bình yên và thoải mái.

Kính thưa quý bạn! Anh B là ví cho những người đang hãm hại và phỉ báng ta. Còn đống rác hôi thối trong nhà là ví cho độc tố thù hận chất chứa ở trong tâm ta. Khi ta quyết định không đem rác đổ qua nhà anh B là ví cho sự nhẫn nhục trên thân. Khi ta đem hết rác trong nhà đổ ra sở rác công cộng là ví cho sự nhẫn nhục trên tâm. Nhờ nhẫn nhục (tức buông xả) được cả thân và tâm mà ta mới sống được bình yên và giải thoát.

Ở đây, tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm về cách tu hành nhẫn nhục của tôi. Tuy cách nhẫn nhục của tôi không hay lắm, nhưng cũng nhờ cách này và câu Phật hiệu A Mi Đà nhiệm mầu, mà tôi đã buông xả được ba tâm độc tham, sân, si của tôi. (Nói trên tâm phàm thì tôi đã buông xả được, nhưng nói trên tâm Phật thì chưa, vì tôi chưa phải là Phật).

Từ khi biết tu hạnh nhẫn nhục thì tôi không còn muốn hơn thua với người, với đời nữa. Nhưng tôi là phàm phu nên nghiệp chướng và tập khí tham, sân, si của tôi còn quá sâu dày. Thêm vào, tôi có tánh nóng như là Trương Phi, cho nên mỗi khi nóng giận, tôi đều cảm thấy thân tâm của mình đau đớn và khó thở như có một luồng khí độc đang xâm nhập vào tâm, làm cho tôi đau khổ tận cùng. Vì vậy, mỗi khi nhẫn nhục tôi đều phải khóc để tống hết chất độc ra ngoài. Nếu lúc đó tôi không khóc được thì sẽ bị bể ngực mà chết và người đang làm cho tôi tức giận cũng phải chết theo. Vì không muốn hại người và hại mình nên tôi chỉ còn cách là phải khóc thôi. Nếu tôi nhẫn nhịn ít thì khóc ít, nếu tôi nhẫn nhịn nhiều thì khóc nhiều, nếu tôi nhẫn nhịn quá độ thì tôi hét. Mỗi khi khóc hoặc hét như vậy thì tôi đều nói lớn rằng: “Xả độc! Xả độc! Xả độc!”. Tôi cứ khóc và hét như vậy cho tới khi nào cảm thấy độc tố trong tâm của mình tuôn chảy ra hết, thì lúc đó tôi mới dùng câu A Mi Đà Phật để an định lại thân tâm. Tôi cứ làm như vậy qua một thời gian thì nghiệp chướng và tập khí tham, sân, si của tôi tự nhiên được bớt dần. Từ đó, mỗi khi nhẫn nhục tôi không còn khóc và hét nữa mà trong tâm chỉ nói thầm: “Xả độc! Xả độc! Xả độc!”. Rồi qua một thời gian, nghiệp tội của tôi lại được nhẹ thêm và mỗi khi nhẫn nhục tôi đều thấy được rằng: “Nghiệp của tôi đã gieo giờ phải trả lại cho người, coi như là mình trả nợ cho thẻ tín dụng vậy thôi”. Rồi qua một thời gian, nghiệp tội của tôi lại được nhẹ thêm và mỗi khi nhẫn nhục tôi đều thấy được rằng: “Tất cả chúng sanh đều là ông bà, cha mẹ và là Phật sẽ thành nên tôi không dám giận họ”. Rồi tôi cứ quán chiếu như vậy qua một thời gian, thì nghiệp tội của tôi được nhẹ thêm. Lúc đó, tôi không còn thấy mình nhẫn nhục nữa mà chỉ thấy thương xót cho chúng sanh si mê, điên đảo thôi.

Kính thưa quý bạn! Đó là cách tu hạnh nhẫn nhục của tôi. Khi đọc tới đây, có lẽ quý bạn sẽ nghĩ rằng tôi không còn nóng giận nữa. Thật ra không phải vậy, vì tôi không phải là gỗ đá và cũng chưa phải là Phật. Chỉ có điều là sự nóng giận của tôi trước và sau khi nhất tâm hoàn toàn khác nhau. Trước kia, tôi nóng giận là vì cái ngã tham, sân, si của tôi. Còn sau khi được nhất tâm thì sự nóng giận của tôi là vì thương chư Phật, chư Bồ tát và thương chúng sanh mà tôi mới nóng giận. Tóm lại, sự nóng giận trước khi nhất tâm là sự nóng giận tham, sân, si của phàm phu, còn sự nóng giận sau khi nhất tâm là sự nóng giận của dũng khí và từ bi, thương xót của Bồ tát. Nhờ có sự nóng giận của dũng khí và từ bi mà ba đời mười phương chư Phật, chư Bồ tát mới có đủ can đảm phát ra đại nguyện nhảy vào biển lửa để cứu chúng sanh đời đời, kiếp kiếp. Cũng như ở ngoài đời, nếu ta có một người em bất hiếu làm cho cha mẹ của ta đau khổ, ăn ngủ không yên, kéo dài từ năm này qua năm nọ, khiến cho ta cũng bị đau lòng tan nát. Ta càng đau lòng thương xót cho cha mẹ bao nhiêu, thì ta lại càng giận sự si mê, điên đảo của em mình bấy nhiêu. Càng giận thì ta lại càng hạ quyết tâm giúp em mình thức tỉnh để cho cha mẹ, em của ta và ta sống được bình yên hạnh phúc.

Kính thưa quý bạn! Ý nghĩa tu hạnh nhẫn nhục mà Phật dạy trong Kinh là buông xả để được giải thoát, không phải nhẫn nhục để rồi tích lũy độc tố ở trong tâm mình hay là chịu đựng mọi đau khổ như người thế gian. Nếu quý bạn muốn tu hạnh nhẫn nhục mau được thành tựu và được vãng sanh thành Phật bất thoái ngay trong đời này, thì hãy mau phát nguyện niệm A Mi Đà Phật ngày đêm. Khi nào bị nghịch duyên đưa đến không thể kiềm chế được thân tâm, thì bạn hãy dùng câu “xả độc, xả độc”. Khi nào bị vọng tưởng dồn dập kéo đến thì bạn hãy dùng câu “quét rác, quét rác”, giống như câu chuyện quét rác của Châu Bàn Đà đệ tử của Phật năm xưa. Quý bạn chỉ cần ngày đêm tinh tấn niệm Phật và dùng thêm hai câu này để phụ trợ, thì chắc chắn sẽ buông xả được tâm tham, sân, si và được vãng sanh ngay trong đời này. Xin chúc quý bạn thành công!

BUÔNG XẢ

Mặc ai tranh chấp bạc tiền

Ta đây buông xả buồn phiền lo tu

Mặc ai sân giận hơn thua

Ta đây an lạc vui trong pháp mầu

Mặc ai tham đắm mong cầu

Ta đây bình thản ngắm bầu trời xanh

Mặc ai mưu đoạt lợi danh

Ta đây tỏ ngộ tâm thanh sáng ngời

Mặc ai chỉ trích muôn lời

Ta đây niệm Phật không rời tự tâm.