CON MA HỌC TRÒ HAM HỌC
23/01/2018
Ý NGHĨA TU HẠNH NHẪN NHỤC
23/01/2018

ẨN TU GIỮA CHỢ ĐỜI

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Kính thưa quý bạn! Nếu muốn được vãng sanh ngay trong đời này và độ được chúng sanh đời đời, kiếp kiếp thì chúng ta nên ẩn tu là tốt nhất. Ý nghĩa ẩn tu ở đây không phải là chúng ta phải đi vào rừng sâu hay núi thẳm để ẩn tu một mình mà là ẩn tu ngay trong hoàn cảnh hiện tại. Trên , thì hằng ngày ta vẫn đi làm tiếp xúc với người đời, vẫn làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Nhưng tâm của ta thì phải biết dung thông với tất cả vạn vật hữu tình và vô tình. Còn trên sự, thì ta nên cắt đứt hết những mối liên hệ tình cảm và giao thiệp không cần thiết. Thay vì trước kia, ta si mê không biết lo cho sự sanh tử của mình, nên thường sống buông thả ăn chơi và bàn luận thị phi. Nay thức tỉnh biết thời gian rất là quý báu, không đủ để cho ta tu hành tự độ và độ tha, vì vậy ta phải đoạn hết những mối liên hệ không cần thiết. Nói như vậy không có nghĩa là ta không còn giao tiếp với người đời. Dĩ nhiên là vẫn còn, nhưng những sự giao tiếp đó chỉ là vì trách nhiệm và độ tha, không phải vì ăn chơi, danh lợi hay thị phi. Ngoài cắt đứt những sự liên hệ không cần thiết ra, ta phải biết dùng trí tuệ để đóng sáu căn của mình lại. Sáu căn đó là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Ý nghĩa đóng lại ở đây không phải là ta đóng hai con mắt của mình lại để không nhìn thấy gì hoặc đóng hai tai của mình lại để không nghe được gì. Ý nghĩa đóng lại ở đây là thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe. Tức là ta vẫn thấy, vẫn nghe như trước kia không khác, nhưng không để cái thấy, cái nghe đó mê hoặc hay làm nhiễu loạn thân tâm của ta, các căn khác cũng vậy. Tóm lại, chúng ta phải biết làm chủ sáu căn của mình, không nên để cho sáu trần khống chế điều khiển sáu căn của mình. Chỉ cần khống chế được sáu căn thanh tịnh thì ta sẽ được giải thoát. Chúng ta sẽ không còn lo sợ buồn phiền về những lời khen chê, chửi trách hay thương ghét của người đời và cũng không còn lo sợ rơi vào luân hồi sanh tử.

Kính thưa quý bạn! Chúng ta si mê thật là đáng thương. Từ vô thỉ kiếp đến nay, ta chỉ biết sống trong lo âu và sợ hãi vì những lời lẽ thương, ghét của người đời, mà không biết lo âu và sợ hãi về sự luân hồi sanh tử của mình. Quý bạn hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: Nếu người ta thương mình thì mình có được thành Phật không? Nếu người ta ghét mình thì mình có bị đọa địa ngục không? Vốn cả hai đều không quan trọng và cũng không có liên quan gì đến sự giải thoát hay luân hồi sanh tử của ta. Điều quan trọng là ta không nên làm gì trái với lương tâm để tổn hại đến chúng sanh là đủ rồi. Chúng ta tu hành thì phải biết coi nhẹ hai chữ thương và ghét của người đời, nếu không thì ta sẽ bị chúng hành hạ khổ sở. Thật ra, được nhiều người thương chưa hẳn là may mắn, bị nhiều người ghét chưa hẳn là không may. Tại sao? Vì nếu được nhiều người thương, ta sẽ không còn được yên tịnh, không còn đủ thời gian để tu hành và dễ sanh tâm ngã mạn. Còn nếu bị nhiều người ghét thì ta sẽ được yên tịnh, có nhiều thời gian để tu hành và tâm ngã mạn của ta sẽ không sanh khởi. Đó là nói về mặt đạo.

Còn nói về mặt đời, thì quý bạn hãy nhìn thử xem: Những người nổi tiếng được nhiều người ái mộ, họ có sống được bình yên và hạnh phúc không hay là họ đang sống trong ngục tù vô hình mà không hay biết? Quý bạn thử nghĩ xem: Nếu mỗi bước đi và hành vi của mình hằng ngày đều bị người ta theo dõi chụp hình và quay phim, rồi đăng lên những kênh truyền thông và báo chí… để thêu dệt đủ điều thì chúng ta sẽ ra sao?  Sống như vậy thì không có khác gì sống trong ngục tù và mất hết tự do. Nếu suốt ngày bị người ta làm phiền như vậy thì cũng đủ đau tim mà chết, đó là chưa nói đến mặt ganh ghét và đố kỵ của người đời. Cổ nhân có một câu nói rằng: Khi ta có thêm một người thương thì bên cạnh ta sẽ có thêm một kẻ thù. Thương và thù lúc nào cũng đi song song với nhau”. Chi bằng ta sống mà không ai thương, ghét thì được tự tại và hạnh phúc biết bao, đây mới là chân hạnh phúc.

Còn nói về vấn đề giao tiếp (trên sự) ta không nên đối xử với người quá tốt, vì nếu quá tốt thì giữa ta và người sẽ có một sợi dây tình cảm vô hình trói buộc lẫn nhau. Chúng ta cũng không nên đối xử với người quá xấu, vì nếu quá xấu thì giữa người và ta sẽ có một sợi dây oán trái vô hình trói buộc lẫn nhau. Tóm lại, nếu chúng ta muốn được bình yên ẩn tu ở giữa chợ đời, thì không nên đối xử với người quá tốt hoặc quá xấu mà ta chỉ đối xử với người trung đạo. Có như vậy thì họ sẽ không có ấn tượng tốt hay xấu, thương hay ghét gì đến chúng ta. Nhờ vậy mà họ và ta mới sống được bình yên giải thoát. Chúng ta tu hành mục đích là phải đoạn hết ân oán với chúng sanh, không phải tạo thêm ân oán với chúng sanh. Chúng ta chỉ tạo duyên với chúng sanh mà thôi. Ý nghĩa tạo duyên ở đây, không có nghĩa là ta phải đi móc nối hay giao thiệp hết người này đến người kia, mà là ta nên tạo điều kiện cho chúng sanh khắp nơi đều hiểu được sự nhiệm mầu của Phật pháp.

Kính thưa quý bạn! Nếu chúng ta muốn được vãng sanh ngay trong đời này và viên tròn hạnh nguyện, thì phải can đảm đoạn đi cái duyên nhỏ để thành tựu cái duyên lớn. Nghĩa là nếu cần thiết, thì ta nên can đảm thà làm mất lòng cả một vùng hoặc thậm chí cả một đời, còn hơn là để cho ta phải mất đi sự giải thoát và độ tha đời đời, kiếp kiếp. Tóm lại, chúng ta phải biết phân nặng nhẹ, không nên nể tình chuyện nhỏ mà để ảnh hưởng đến chuyện lớn, khi mất thân người rồi thì ta hối hận sẽ không còn kịp nữa. Trong lịch sử Phật giáo, chúng ta cũng thấy, có những vị Thánh tăng xưa kia vì muốn được yên thân tu hành mà quý Ngài phải giả khùng, giả điên để không bị ai làm phiền. Còn chúng ta ngày nay được yên thân tu hành thì lại không biết quý. Ngược lại, còn lo chạy đông, chạy tây liên hệ móc nối để mưu cầu danh lợi. Thật là đáng tiếc lắm thay!

Lời khuyên: Kính thưa quý bạn! Sau khi được nhất tâm, chúng ta không nên giao tiếp với người đời nhiều, vì chỉ hại họ bị mang thêm tội khẩu nghiệp mà thôi. Tại sao? Vì cái thấy của ta sau khi được nhất tâm hoàn toàn khác hẳn với người đời. Chúng ta thì không còn phân biệt chấp trước (chấp trước tức là chấp đúng, chấp sai, chấp không, chấp có). Còn người đời thì vẫn còn phân biệt chấp trước quá nặng. Nhất là những người bạn học đạo chưa hiểu đến nơi đến chốn, họ chấp còn nặng hơn những người chưa học đạo. Tại sao? Vì những người chưa hiểu đạo đến nơi đến chốn, họ thường có một căn bệnh là chấp lý bỏ sự hay chấp sự bỏ lý. Cho nên khi giao tiếp với họ, ta sẽ bị phiền hà không ít.

Ví dụ: Có những câu chúng ta đang nói trên lý thì họ lại hiểu lầm trên sự, hoặc chúng ta đang nói trên đời thì họ lại hiểu lầm trên đạo… Tóm lại, chúng ta nói làm sao thì cũng bị họ hiểu lầm rồi bắt bẻ và chỉ trích đủ điều. Rốt cuộc, họ bị mang tội khẩu nghiệp. Khi họ bị mang tội khẩu nghiệp thì ta phải gánh một phần trách nhiệm. Tại sao? Vì cách nói chuyện của chúng ta khác thường, khiến cho họ phải bị hiểu lầm. Cũng như chúng ta cho thập cẩm là một, nhưng người đời không thể chấp nhận được thập cẩm là một. Vì vậy, giữa họ và ta có sự mâu thuẫn bất đồng rất lớn, không thể hiểu nhau. Ý nghĩa không thể hiểu nhau ở đây là họ không hiểu chúng ta, không phải là chúng ta không hiểu họ. Tóm lại, chúng ta nên tránh giao tiếp với người đời càng nhiều càng tốt, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt mà thôi. Sau khi được nhất tâm, tôi bị chướng ngại rất lớn mỗi khi giao tiếp với người đời. Tại sao? Vì tôi là người tại gia nên không thể nào mở miệng ra thì chỉ nói về đạo mà không nói về đời. Thêm vào, bản tánh của tôi lại thẳng nói chuyện không khéo nên dễ làm cho người hiểu lầm. Cho dù tôi đã biết trước nhưng vẫn không sao tránh khỏi.

Bây giờ thì tôi mới hiểu tại sao chư Tổ xưa nay chỉ thích ẩn tu ở một nơi, không muốn giao tiếp với người đời nhiều. Chỉ trừ những khi thuyết pháp hay dẫn chúng thì quý Ngài mới lộ diện. Còn ngoài ra, quý Ngài không muốn nói thêm một lời nào. Tại sao? Vì dù có nói cũng không có mấy ai hiểu, thà là im lặng để dưỡng thần định khí. Giờ tôi mới hiểu được câu nói của quý sư Tổ. Quý Ngài nói rằng: Càng tu cao thì càng một mình độc bộ”. Ý nghĩa độc bộ ở đây là quý Ngài muốn nói ở giữa thế gian đông người, nhưng không tìm được một người bạn tri kỷ để cùng nhau tâm sự đạo mầu. Đó là quý Ngài nói trên mặt giao hữu của thế gian. Còn trên mặt tâm thức thì dĩ nhiên quý Ngài không còn cô đơn, dù xung quanh không có một bóng người. Tại sao? Vì tâm của quý Ngài đã được dung thông với mười phương chư Phật, chư Bồ tát thì còn có gì để mà cô đơn.

ẨN TU

Bạn ơi! Hãy ẩn tu đi

Dù tu giữa chợ, đường đi lối về.

Ẩn tu trong mỗi ngành nghề

Dù ngàn đau khổ, trăm bề ngổn ngang.

Ẩn tu trí tuệ mở mang

Dù trong đêm tối khóc than gông cùm.

Ẩn tu hạnh phúc khôn cùng

Dù cho vũ trụ trùng trùng thiên tai.

Ẩn tu thương, ghét mặc ai

Dù thương hay ghét không ai cứu mình.

Ẩn tu tự độ lấy mình

Dù mình được độ, thương tình độ tha.