28. PHÁT SÁCH Ở BẾN XE MIỀN TÂY
20/01/2018
Ý NGHĨA CHIẾC ÁO CÀ SA VÀ CHIẾC ÁO LAM
20/01/2018

Ý NGHĨA PHÁT NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG

(Bài này trích ra từ cuốn “Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP VÀ HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ)

Kính thưa quý bạn!  Đa số chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về ý nghĩa phát nguyện và hồi hướng, nên mới thắc mắc và lo lắng đủ điều. Về phát nguyện thì chúng ta thường hay thắc mắc rằng: “Ta phải phát nguyện ra sao, phải đọc bài kệ nào, phải theo nghi thức nào và làm sao chư Phật biết mà chứng cho ta…?. Về hồi hướng thì chúng ta cũng thường hay thắc mắc rằng: “Ta phải hồi hướng ra sao, phải đọc bài kệ hồi hướng nào; làm sao để chư Phật biết ta hồi hướng và làm sao ông bà, cha mẹ hưởng được những gì của ta hồi hướng?. Tóm lại, chúng ta thắc mắc và lo lắng đủ điều. Ở đây, tôi xin giải thích từng phần tóm gọn để quý bạn không còn lo lắng nữa. Trước khi giải thích vào phần phát nguyện, thì tôi xin nêu ra một câu hỏi để quý bạn tự trả lời. Câu hỏi này tuy là đơn giản, nhưng đây là đầu mối sẽ giúp cho quý bạn hiểu rõ ý nghĩa phát nguyện hơn.

I. Phát nguyện

Câu hỏi: Thưa bạn! Khi muốn làm bác sĩ thì ta có cần mỗi ngày phải đọc một bài kệ, hay phải theo một nghi thức nào đó để giúp cho ta học thành bác sĩ không, hay ta chỉ cần quyết tâm học hành tinh tấn ngày đêm là sẽ thành bác sĩ?

Trả lời: Nếu bạn trả lời rằng: “Muốn làm bác sĩ thì ta chỉ cần hạ quyết tâm học hành tinh tấn ngày đêm là sẽ thành bác sĩ”. Nếu bạn trả lời như vậy, thì bạn đã hiểu được ý nghĩa phát nguyện rồi đó. Phát, là phát khởi tâm ý muốn làm bác sĩ; nguyện, là nguyện với tâm mình sẽ học thành bác sĩ.

Khi ta muốn làm Phật thì cũng như vậy đó. Ta chỉ cần phát khởi tâm ý muốn làm Phật và nguyện với tâm mình phải tu thành Phật. Khi ta phát ý và nguyện tâm như vậy là ta đã phát nguyện rồi đó.

II. Hồi hướng

Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào phần hồi hướng. Hồi hướng gồm có hai phần: Một, là hồi hướng để được sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà; hai, là hồi hướng công đức và phước đức đến cho nhiều đời ông bà, cha mẹ và chúng sanh.

  1. Hồi hướng về Cực Lạc

Ở đây, tôi cũng xin nêu ra một câu hỏi để quý bạn tự trả lời.

Câu hỏi: Thưa bạn! Nếu chúng ta từ Sài Gòn muốn đi ra Hà Nội thì ta có cần mỗi ngày phải đọc một bài kệ, hay phải theo một nghi thức nào đó để giúp cho ta đi tới Hà Nội không, hay ta chỉ cần theo hướng bản đồ và lái xe ngày đêm là sẽ tới được Hà Nội?

Trả lời: Nếu bạn trả lời rằng: “Muốn đi tới Hà Nội thì ta chỉ cần nhìn theo bản đồ và lái xe ngày đêm là sẽ tới được Hà Nội”. Nếu bạn trả lời như vậy thì bạn đã hiểu được ý nghĩa hồi hướng rồi đó. Hồi, là hồi tưởng tới Hà Nội; hướng, là hướng về Hà Nội và quyết tâm phải đi tới Hà Nội.

Khi chúng ta muốn sanh về cõi Phật A Mi Đà thì cũng như vậy đó. Ta chỉ cần ngày đêm hồi tưởng cõi Cực Lạc là quê hương và Phật A Mi Đà là cha lành của mình. Rồi từ tâm ý hồi tưởng đó mà ta ngày đêm hướng về Cực Lạc và quyết tâm niệm Phật để về gặp Phật A Mi Đà. Khi ta biết hồi tưởng và hướng tâm niệm Phật như vậy là ta đã phát tâm hồi hướng về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà rồi đó.

  1. Hồi hướng phước đức và công đức

Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào phần hồi hướng thứ hai. Phần hồi hướng thứ hai này gồm có hai phần: Một, là thuộc về hồi hướng phước đức; hai, là thuộc về hồi hướng công đức.

a. Hồi hướng phước đức: Ở đây, tôi cũng xin nêu ra một câu hỏi để quý bạn tự trả lời.

Câu hỏi: Thưa bạn! Khi ta muốn nuôi dưỡng ông bà cha mẹ thì ta có cần mỗi ngày phải đọc một bài kệ hay phải theo một nghi thức nào đó, để giúp ta nuôi dưỡng được ông bà cha mẹ không, hay ta chỉ cần thành tâm nuôi dưỡng họ ngày đêm, thì họ sẽ được sống bình an và hạnh phúc?

Trả lời: Nếu bạn trả lời rằng: “Muốn nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ thì ta chỉ cần thành tâm nuôi dưỡng họ ngày đêm, thì họ sẽ sống được bình an và hạnh phúc”. Nếu bạn trả lời như vậy, thì bạn đã hiểu được ý nghĩa hồi hướng phước đức rồi đó. Hồi, là hồi tưởng đến công ơn sanh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ, nhờ họ mà ta mới có được ngày hôm nay; hướng, là hướng về họ và thành tâm chăm lo cho họ ngày đêm, để họ được sống bình an và hạnh phúc.

Khi chúng ta muốn hồi hướng phước đức đến cho mười đời ông bà cha mẹ và chúng sanh thì cũng như vậy đó. Chúng ta chỉ cần ngày đêm hồi tưởng đến mười phương thế giới chúng sanh đều là ông bà cha mẹ của ta trong vô lượng kiếp. Rồi từ tâm ý hồi tưởng đó mà ta luôn hướng về họ và làm mọi việc để giúp đỡ cho họ qua cơn hoạn nạn, đói lạnh… Khi ta biết hồi tưởng và hướng tâm để giúp đỡ cho họ như vậy, là ta đã hồi hướng phước đức đến cho nhiều đời ông bà, cha mẹ và chúng sanh rồi đó.

b. Hồi hướng công đức: Ở đây, tôi cũng xin nêu ra một câu hỏi để quý bạn tự trả lời.

Câu hỏi: Thưa bạn! Khi ta muốn cứu ông bà, cha mẹ thì ta có cần mỗi ngày phải đọc một bài kệ, hay phải theo một nghi thức nào đó để giúp cho ta cứu được ông bà cha mẹ không, hay ta chỉ cần xả thân tu hành thì sẽ cứu được họ thoát khỏi đau khổ?

Trả lời: Nếu bạn trả lời rằng: “Muốn cứu ông bà, cha mẹ thì ta chỉ cần xả thân tu hành thì sẽ cứu được họ”. Nếu bạn trả lời như vậy, thì bạn đã hiểu được ý nghĩa hồi hướng công đức rồi đó. Hồi, là hồi tưởng đến ông bà, cha mẹ của mình đang bị đau khổ trong sáu nẻo luân hồi; hướng, là hướng về họ và quyết tâm tu hành thành Phật, để cứu họ thoát khỏi khổ đau luân hồi.

Khi chúng ta muốn hồi hướng công đức tới cho nhiều đời ông bà, cha mẹ và chúng sanh thì cũng như vậy đó. Chúng ta chỉ cần ngày đêm hồi tưởng đến họ và  suy nghĩ bây giờ họ đang ở đâu? Họ có được siêu thoát chưa, hay là họ đã bị đọa vào ba đường ác để chịu muôn vàn đau khổ? Rồi từ chỗ hồi tưởng và thương xót đó, mà ta luôn hướng về họ và quyết tâm tu hành để cứu họ. Quyết tâm học hỏi Kinh Phật để thuyết pháp cho họ nghe. Quyết tâm tu thành Phật để độ thoát tất cả. Quyết tâm dùng tiền và công sức của mình để in Kinh sách, phóng sanh,… để giúp họ mau được sanh về cõi Phật. Khi chúng ta biết hồi tưởng và hướng tâm để cứu họ như vậy, là ta đã phát tâm hồi hướng công đức của mình đến cho nhiều đời ông bà, cha mẹ và chúng sanh rồi đó.

Thưa quý bạn! Qua sự phân tích ở trên cho thấy muốn phát nguyện hồi hướng thì chúng ta phải dùng hành động, không phải dùng bài kệ hay nghi thức. Bài kệ và nghi thức chỉ là phương tiện giúp cho ta hiểu được ý nghĩa phát nguyện và hồi hướng như thế nào thôi. Nếu chúng ta không có thành tâm, không dùng hành động để cứu ông bà, cha mẹ và chúng sanh, thì cho dù ta có đọc mỗi ngày cả vạn bài kệ thì cũng uổng công thôi.

Điều quan trọng là tâm của ta nghĩ sao thì cứ tâm sự với chư Phật và ông bà, cha mẹ đã mất của ta như thế ấy. Đây mới là những lời phát nguyện và hồi hướng chân thật tự đáy lòng. Chúng ta không nên chấp chặt vào bài kệ hay một nghi thức nào đó, vì nó không cứu được ông bà, cha mẹ và chúng sanh. Duy chỉ có tâm từ bi và hành động chân thật của ta mới cứu được họ mà thôi.

Chúng ta không phải chỉ có mười đời ông bà cha mẹ thôi đâu, mà chúng ta đã có vô lượng đời ông bà, cha mẹ và họ đã đi tái sanh và thay hình đổi dạng tới lui trong vô lượng kiếp rồi. Thật ra, họ không ở đâu xa, mà họ đều đang ở xung quanh chúng ta đó. Chúng ta hằng ngày đều đang tiếp xúc với họ, chẳng qua họ và ta không nhận ra nhau đó thôi. Tại sao? Vì họ và ta đã bị thay hình đổi dạng rồi. Họ có thể là vợ, chồng, con, cháu,… của ta trong hiện tại. Hoặc họ có thể là con chó, con mèo,… của ta đang nuôi ở trong nhà. Hay họ có thể là những con heo, con gà, con vịt,… đang bị ta hành hạ và ăn thịt hằng ngày. Tóm lại, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới đều là ông bà, cha mẹ và con cháu của ta trong vô lượng kiếp. Vì vậy, mỗi hành động thiện, ác của ta đang làm hằng ngày đều là đang trực tiếp cứu họ và cũng đang trực tiếp hành hạ họ. Đây là vạn lần chân thật vì Phật không nói dối, chẳng qua chúng ta si mê, điên đảo nên không thấy được chân tướng đó thôi.

Nếu quý bạn không tin lời Phật dạy thì hãy ráng tu niệm Phật cho nhiều đi. Rồi đến một ngày nào đó, huệ nhãn của bạn được mở ra và trong những lúc nhập định, bạn sẽ tận mắt thấy được những cảnh đau lòng thảm khốc. Lúc đó, bạn sẽ thấy được những cảnh người ta xé từng cánh tay, xé từng cái chân, chặt từng cái đầu, mổ từng cái bụng, móc từng con mắt của con người ra và bỏ vào nước sôi, chảo dầu, nướng, quay,… để mà ăn thịt. Lúc đó, bạn sẽ nghe được những tiếng rên la thảm khốc, đau đớn và hận thù của những chúng sanh đang bị người ta hành hạ và giết hại để ăn thịt. Lúc đó, bạn sẽ đau lòng mà rơi nước mắt và niệm Phật ngày đêm để cầu siêu cho họ mau được siêu thoát. Lúc đó, bạn sẽ cầu xin mười phương chư Phật, chư Bồ tát gia hộ cho những người đang ăn thịt chúng sanh mau được thức tỉnh hồi đầu. Lúc đó, bạn sẽ biết thương chư Phật và Bồ tát vô bờ bến. Tại sao? Vì nếu không có chư Phật và Bồ tát khai thị, thì bạn vẫn còn si mê, hành hạ ăn thịt vô lượng ông bà, cha mẹ của mình mà không hề hay biết. Lúc đó, bạn sẽ biết thương chúng sanh vô bờ bến, thương đến nỗi thấy con kiến bạn cũng muốn quỳ xuống lạy và xin chúng niệm Phật để mau được giải thoát.

Thưa quý bạn! Mỗi một lời của Phật dạy trong Kinh là vạn lần chân thật, xin quý bạn hãy mau thức tỉnh ăn chay, niệm Phật và làm mọi công đức kẻo không còn kịp. Chúng ta phải cố gắng tu hành để được thành Phật càng sớm càng tốt. Vì chỉ có thành Phật thì ta mới cứu được hết vô lượng đời ông bà, cha mẹ và đền ơn cho chư Phật và chư Bồ tát.

Dưới đây là bài “Hồi hướng” ngắn gọn mà tôi thường dùng để hồi hướng mỗi đêm. Tuy bài hồi hướng này ngắn gọn, nhưng nó bao gồm được hết tất cả không bỏ sót một chúng sanh nào và cũng không bỏ sót một người thân nào của ta đã chết hoặc còn sống và cũng không bỏ sót bản thân ta.

Hồi hướng: Con pháp danh là… Hôm nay, con  xin hồi hướng hết công đức và phước đức của con cho tất cả chúng sanh trong khắp pháp giới đồng được vãng sanh thành Phật”.

Nếu sau khi đọc xong bài hồi hướng này, mà bạn cảm thấy chưa được yên lòng, thì bạn có thể đọc thêm tên tuổi của những người thân đã mất hoặc còn sống mà bạn muốn hồi hướng. Tóm lại, bạn muốn hồi hướng công đức và phước đức của mình cho ai cũng được, điều quan trọng là bạn phải thành tâm, có như vậy thì những người thân của bạn và chúng sanh mới hưởng được lợi lạc.

III. Ý nghĩa phát Bồ đề tâm

Đa số chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về ý nghĩa phát Bồ đề tâm, nên vẫn còn thắc mắc và lo lắng đủ điều. Ở đây, tôi xin phân tích tóm gọn để quý bạn không còn lo lắng nữa.

Phát Bồ đề tâm nghĩa là phát khởi cái thể tánh A Mi Đà Phật tròn đầy sẵn có của mình để mà niệm Phật. Ngay giây phút ta dùng chân tâm để niệm Phật, thì cũng là giây phút ta phát Bồ đề tâm. Tóm lại, mỗi một niệm A Mi Đà Phật mà ta đang niệm hằng ngày, đều phải niệm bằng chân tâm của mình (tức niệm Phật thành tâm). Ngay giây phút ta thành tâm niệm Phật để thành Phật, thì cũng là giây phút ta đang phát Bồ đề tâm, chỉ đơn giản vậy thôi