Ý NGHĨA PHÁT NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG
20/01/2018
Bỏ 10 tỷ để “nhặt” người điên về nuôi
22/01/2018

Ý NGHĨA CHIẾC ÁO CÀ SA VÀ CHIẾC ÁO LAM

(Bài này trích ra từ cuốn “Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP VÀ HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ)

Kính thưa quý bạn! Chúng ta ai cũng hiểu ý nghĩa chiếc áo cà sa và chiếc áo lam, nhưng trên thực tế có mấy ai trong chúng ta hiểu được ý nghĩa chân thật của chúng. Nếu hiểu rõ, thì cho dù có người bỏ tiền ra mướn thì chúng ta cũng không dám mặc. Tại sao? Vì chiếc áo cà sa và chiếc áo lam là những chiếc áo đại diện cho Pháp bảo, không phải là những chiếc áo bình thường của người thế tục. Tuy chiếc áo cà sa và chiếc áo lam được may thành bởi kim chỉ và vải thô sơ của người thế tục, nhưng trong mắt của chư Tăng, Ni và chư Phật tử thì chúng là những chiếc áo Pháp bảo cao quý và thiêng liêng đại diện cho chư Phật, chư Bồ tát và chư Phật tử ở khắp pháp giới. Còn trong mắt phàm phu chúng ta, thì thấy chiếc áo cà sa và chiếc áo lam là những chiếc áo bình thường của người thế tục, nên chúng ta mặc chúng một cách bừa bãi mà không biết tôn trọng. Thậm chí, có nhiều người còn lợi dụng chiếc áo cà sa và chiếc áo lam để mua Thần và bán Phật mà không biết rằng mình đang tạo cái nhân địa ngục vô gián. (là không, gián là đoạn, tức là không có gián đoạn).

Kính thưa quý bạn! Trước khi mặc những chiếc áo cà sa và chiếc áo lam lên thân của mình, thì ta phải suy nghĩ cho chín chắn. Chúng ta không phải chỉ suy nghĩ một lần là đủ mà phải suy nghĩ nhiều lần, cho đến khi nào cảm thấy mình có đủ đạo hạnh để gánh đạo nghiệp của Như Lai thì lúc đó hãy mặc. Chúng ta không nên tùy hứng hay là vì danh, vì lợi mà mặc chúng lên thân thì chỉ hại mình bị đọa mà thôi. Giờ chúng ta tìm hiểu vào việc tại sao mặc chiếc áo cà sa và chiếc áo lam không đúng sẽ bị đọa?

I. Chiếc áo cà sa

Là chiếc áo Pháp bảo đại diện cho Phật bảo, tức là đại diện cho chư Phật và chư Bồ tát ở khắp pháp giới. Chư Tăng, Ni là những người thay Phật để giáo hóa cho hàng trời, người, chúng sanh hữu tình, nên chỉ có chư Tăng, Ni mới có đủ đạo hạnh để mặc chiếc áo cà sa Pháp bảo (chư nghĩa là chân tu). Vì vậy, xưa nay Phật tử tại gia mỗi khi thấy chư Tăng, Ni thì đều tôn kính và lễ lạy như là lễ lạy chư Phật vậy. Phật tử lễ lạy một phần, là vì đạo hạnh của vị Tăng, Ni đó, còn đa phần là vì vị Tăng, Ni đó đang mặc chiếc áo cà sa Pháp bảo. Điều này cho thấy chiếc áo cà sa đối với chư Phật, chư Tăng, Ni và chư Phật tử thiêng liêng và cao quý biết dường nào.

Giờ chúng ta cùng nhau quán chiếu nội tâm để xem mình có đủ đạo hạnh để mặc chiếc áo cà sa Pháp bảo hay không? Trước hết, chúng ta hãy bình tâm tự hỏi tại sao mình đi xuất gia? Có phải vì mình muốn thoát vòng sanh tử; muốn cứu độ chúng sanh; muốn gánh đạo nghiệp của Như Lai và muốn đền ơn cho nhiều đời ông bà, cha mẹ hay không? Nếu sau khi tự hỏi lương tâm của mình xong và biết mình có đầy đủ những hạnh nguyện ở trên, thì lúc đó ta mới đi xuất gia, còn nếu ngược lại thì không nên. Còn nếu chúng ta đã lỡ xuất gia rồi mà thấy đạo hạnh của mình không đủ, thì nên thức tỉnh sám hối và tu hành lại từ đầu. Còn nếu chúng ta cảm thấy căn cơ và trí tuệ của mình không đủ để tu hành giải thoát; không đủ để gánh đạo nghiệp của Như Lai; không đủ để cứu nhiều đời tổ tiên, ông bà, cha mẹ; không đủ để đền ơn nợ cơm áo cho tín chúng, thì tốt nhất ta nên hoàn tục. Vì chỉ có hoàn tục, thì ta mới không làm tổn hại đến Tam bảo, không làm tổn hại đến chúng sanh và không làm tổn hại đến ta.

Giờ chúng ta trở lại tìm hiểu tại sao mặc chiếc áo cà sa không đúng sẽ bị đọa. Khi chúng ta xuất gia mọi phương tiện, ẩm thực và tiện nghi đều là do tín chúng cúng dường mới có. Mỗi một hạt cơm của tín chúng cúng dường nặng như núi Tu Di; mỗi một câu tín chúng gọi ta bằng Thầy xưng con nặng gấp ngàn lần núi Tu Di; mỗi cái lễ lạy của tín chúng nặng gấp tỷ lần núi Tu Di. Xưa kia, lúc Phật Thích Ca còn tại thế, trong hàng đệ tử của Ngài có sáu vị tỳ kheo thường hay chê khen về thức ăn của tín chúng cúng dường. Một hôm, vì muốn dạy sáu vị tỳ kheo này nên Phật kêu A Nan đem chiếc áo cà sa của Ngài xuống sông để giặt (sáu vị tỳ kheo cũng có mặt ở đó). Lúc đó, A Nan vâng lời và đem chiếc áo cà sa của Phật xuống sông để giặt, khi bỏ chiếc áo cà sa của Phật xuống sông, thì chiếc áo cà sa không chìm xuống nước mà nó cứ nổi trên mặt nước. Sau đó, A Nan dùng đủ cách và thậm chí lấy đá để đè lên nhưng chiếc áo cà sa vẫn không thể chìm xuống nước. Vì thấy lạ nên A Nan đến thưa hỏi Phật là lý do tại sao? Lúc đó, Phật dạy A Nan rằng: Hãy đi lấy hạt cơm bỏ lên thì chiếc áo sẽ chìm ngay”. Sau khi nghe Phật dạy xong thì A Nan liền đi lấy hạt cơm bỏ lên chiếc áo cà sa, thật không ngờ chiếc áo cà sa liền chìm xuống nước. Trước cảnh tượng lạ này, làm cho A Nan và sáu vị tỳ kheo đó vô cùng ngạc nhiên, nên họ đến thưa hỏi Phật là lý do tại sao? Sau đó, Phật đã trả lời rằng: Mỗi hạt cơm của tín chúng cúng dường nặng như núi Tu Di, nếu kiếp này người tu hành nhận thọ sự cúng dường của tín chúng mà tu hành không liễu đạo, thì sẽ bị mang lông và đội sừng để trả nợ cho đàn na tín chúng”. (Tức là làm thú để kéo cày trả nợ).

Kính thưa quý bạn! Qua câu chuyện ở trên, cho chúng ta thấy chỉ có món nợ cơm áo thôi mà đã bị mang lông và đội sừng để trả nợ rồi. Bây giờ, chúng ta bàn đến món nợ cung kính của tín chúng. Tại sao xưa nay người tại gia mỗi khi tiếp xúc với người xuất gia, thì đều phải gọi người xuất gia bằng Thầy xưng con, dù là người xuất gia đó tuổi nhỏ đáng con cháu của mình? Là vì những vị xuất gia đó đang mặc chiếc áo cà sa của Pháp bảo. Nếu chúng ta mặc chiếc áo cà sa Pháp bảo mà tâm của mình không cao quý và từ bi; không cứu được chúng sanh; không đền ơn được cho mười phương chư Phật và Bồ tát; không cứu được nhiều đời ông bà, cha mẹ và bản thân của mình cũng không liễu đạo, thì ta làm sao gánh nổi cái tội gạt chư Phật, gạt ông bà, cha mẹ và gạt lòng tin tưởng cung kính của tín chúng? Quý bạn nên biết rằng: Những tín chúng đang cung kính và gọi ta bằng Thầy xưng con đó, đều là ông bà, cha mẹ của ta trong vô lượng kiếp và đều là chư Phật sẽ thành”. Vì vậy mà mỗi một câu họ gọi chúng ta bằng Thầy xưng con, nặng gấp ngàn lần núi Tu Di. Còn tại sao mỗi cái lễ lạy của tín chúng nặng gấp tỷ lần núi Tu Di? Là vì những tín chúng đang quỳ gối lễ lạy chúng ta đó, đều là ông bà, cha mẹ của ta trong vô lượng kiếp và đều là chư Phật sẽ thành. Nếu kiếp này chúng ta tu hành không liễu đạo, thì làm sao gánh nổi cái tội ngã mạn này? Đó là chưa nói đến những vị đang quỳ gối lễ lạy chúng ta đó, không chừng vãng sanh thành Phật trước ta nữa là khác. Nếu tìm hiểu sâu vào từng món nợ với tín chúng, thì chúng ta sẽ run sợ đến chảy mồ hôi máu. Vì vậy mà những vị chân tu từ xưa đến nay, quý Ngài rất lo sợ khi thọ nhận sự cung kính, lễ lạy và cúng dường của tín chúng. Tại sao? Vì quý Ngài hiểu được chỉ có chư Phật, chư Bồ tát thị hiện và chư Tăng, Ni, chư Cư sĩ mới có đủ đức hạnh thọ nhận để làm ruộng phước cho chúng sanh.

Kính thưa quý bạn! Ở trên, chúng ta chỉ mới bàn đến những món nợ cơm áo và lòng cung kính của tín chúng thôi, mà thấy nghiệp tội của chúng ta đã chất đầy cả hư không rồi. Nếu bàn đến cái tội của những người lợi dụng chiếc áo cà sa để mua Thần, bán Phật, phá Phật pháp, phá hòa hợp Tăng và hại huệ mạng của chúng sanh, thì tội lỗi này dù cho có bao nhiêu địa ngục vô gián cũng không chứa hết tội lỗi của chúng ta đã làm.

Ở ngoài đời, nếu có người nào đó cầm dao đâm chết nhiều người hoặc là đặt bom giết chết hàng vạn người, thì chúng ta lên án cho người đó là tàn nhẫn và ác độc còn thua loài cầm thú. Nhưng nếu chúng ta đem tội ác của kẻ giết người đó mà so sánh với tội ác của kẻ tu hành không chân chính, thì tội ác của kẻ giết người kia chỉ bằng hạt cát giữa sa mạc. Tại sao? Vì kẻ giết người kia chỉ giết chết thân xác của chúng sanh trong một đời, còn người tu hành không chân chính sẽ giết chết huệ mạng của chúng sanh đời đời, kiếp kiếp. Thể xác mất đi thì dễ có lại, vì mỗi người sau khi chết đi tùy theo nghiệp lực của mình mà đầu thai, thay hình đổi dạng khác nhau. Còn huệ mạng của chúng sanh một khi đã mất đi cơ duyên học Phật thì khó có lại được. Tại sao? Vì huệ mạng là thuộc về tâm linh, một khi tâm linh của chúng sanh nào đó đã ghét đạo Phật rồi, thì không biết đến kiếp nào họ mới có nhân duyên để tin đạo Phật lại.

Ví dụ: Có một người nọ đáng lẽ có duyên học được Phật pháp, có duyên niệm Phật cầu vãng sanh nhưng không may, người này gặp phải một vị tà sư dẫn họ đi sai đường, khiến cho họ mất đi niềm tin với pháp môn niệm Phật (Tịnh độ). Thậm chí, có những vị tà sư còn làm cho chúng sanh ghét Phật, ghét Pháp và ghét Tăng. Rồi từ chỗ ghét Phật, Pháp và Tăng đó mà họ sanh ra phỉ báng đạo Phật. Cuối cùng, họ bị đọa và không thể thoát ly. Như vậy, cho thấy tội lỗi của những vị tà sư này còn tàn nhẫn và ác độc hơn những kẻ giết người đến vạn lần không?

II. Ý nghĩa chiếc áo lam

Là chiếc áo Pháp bảo đại diện cho Phật tử đoàn mười phương khắp pháp giới. Vì vậy, xưa nay người mặc chiếc áo lam, trước phải quy y tam bảo và sau khi quy y phải giữ năm giới hoặc tu thập thiện. Nếu chúng ta cảm thấy mình giữ được năm giới thì hãy mặc chiếc áo lam, còn nếu ngược lại thì không nên. Ý nghĩa quy y ở đây là quy y ở trên tâm, không phải quy y ở trên hình thức. Nghĩa là nói: Cho dù chúng ta chưa quy y, chưa có pháp danh nhưng trong tâm của ta có Phật thì cũng như là ta đã quy y”. Còn cho dù chúng ta đã quy y, đã có pháp danh mà trong tâm không có Phật thì cũng chưa được gọi là quy y.

CHIẾC ÁO CÀ SA

Chiếc áo cà sa là Phật bảo

Thay Phật ba đời cứu độ sanh

Thiêng liêng cao quý hơn trời biển

Nặng tựa Tu Di vạn tỷ lần.

Chiếc áo cà sa là Pháp bảo

Bảo tâm mới xứng với cà sa

Đức hạnh từ bi, hoằng, thệ nguyện

Chân tu mới khoác nổi cà sa.

Đạo hạnh không tròn, xin miễn mặc

Xin đừng hại pháp, hại Tăng, Ni

Xin đừng hại chúng sanh lầm lạc

Xin đừng hại bạn đọa triền miên.

THỨC TỈNH

Hơn thua danh lợi thế gian

Si mê, điên đảo gian nan ích gì.

Hơn thua làm Phật tức thì

Mười phương, sáu cõi nghiêng mình tạ ơn.

Tu hành phải nhận rõ chân

Không nên mê muội bỏ chân lấy phàm.

Tu hành phải đạt Niết bàn

Không nên mê muội theo đàng tử sanh.