PHẬT PHÁP NHIỆM MẦU
22/11/2017
Ý NGHĨA HỘ PHÁP
22/11/2017

Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Kính thưa quý bạn! Chúng ta, ai cũng hiểu ý nghĩa hoằng pháp là đem giáo lý của Phật lưu truyền khắp nhân gian, để giúp cho chúng sanh nơi nơi được thức tỉnh hồi đầu. Chúng ta, ai cũng hiểu chư Tăng, Ni phải có trách nhiệm hoằng dương chánh pháp, còn Phật tử tại gia thì phải có trách nhiệm hộ trì để giúp Tam bảo được tồn tại lâu dài. Xưa kia, trong thời Chánh pháp và Tượng pháp, trách nhiệm hoằng pháp là của chư Tăng, Ni. Nhưng thời nay là thời Mạt pháp, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn hay phân chia trách nhiệm, mà tất cả đệ tử Phật, dù xuất gia hay tại gia đều phải có trách nhiệm hoằng dương chánh pháp, vì đây là trách nhiệm của bốn chúng đệ tử Phật. Bốn chúng, nghĩa là hai hàng đệ tử xuất gia là Tăng Ni; hai hàng đệ tử tại gia là sĩ nam Cư sĩ nữ.

Xưa kia, trong thời Chánh pháp và Tượng pháp, Phật tử tại gia không có đủ khả năng để hoằng pháp, vì vấn đề ấn loát, phiên dịch Kinh điển rất là khó khăn, nên việc hoằng pháp chỉ còn nương vào chư Tăng, Ni. Nhưng thời nay thì hoàn toàn khác hẳn vì khoa học và kỹ thuật tân tiến. Thêm vào, Kinh sách phiên dịch đầy đủ, in, thâu băng đĩa dễ dàng và phương tiện di chuyển cũng rất nhanh chóng, nên tất cả Phật tử tại gia dù già hay trẻ, trí hay độn, giàu hay nghèo đều có khả năng hoằng dương chánh pháp. Chỉ cần mỗi ngày chúng ta bớt xài phung phí, tiết kiệm tiền bạc và thời gian để phụ giúp hay in Kinh sách, thâu băng đĩa để lưu thông khắp nơi là có thể hoằng pháp độ tha. Nhưng trước khi muốn hoằng pháp độ sanh, thì chúng ta phải cần có trí tuệ, phải biết lưu thông Kinh sách nào là cứu cánh, để giúp cho chúng sanh dễ tu, dễ thành tựu và vãng sanh ngay trong một đời. Chúng ta không nên ấn tống những Kinh sách hay băng đĩa… không có lợi ích cho việc vãng sanh thành Phật của chúng sanh.

Nếu chúng ta không có đủ trí tuệ để chọn lựa Kinh sách, thì nên thỉnh ý kiến của chư Tăng, Ni và chư Cư sĩ chân tu mà chúng ta cảm thấy tin tưởng và tôn kính. Còn nếu chúng ta không có đủ trí tuệ, không có duyên gặp được chư Tăng, Ni và chư cư sĩ, thì chúng ta chỉ in Kinh sách của chư Phật, chư Tổ hoặc lưu thông những câu chuyện bằng chứng niệm Phật vãng sanh hay là những câu chuyện Phật pháp nhiệm mầu. Làm như vậy thì sự hoằng pháp của ta không bị nhầm lẫn, vì quý chư Tổ đều là chư Phật và chư Bồ tát thị hiện tái lai, nên những lời dạy của quý Ngài đều là đúng chánh pháp. (Chư Tổ mà chúng tôi đang nói ở đây, là những vị đã chứng đạo và đã được ghi vào lịch sử của Phật giáo từ xưa đến nay). Ngoài việc thỉnh ý với những vị chân tu ra, chúng ta còn có một cách dùng tâm của mình để nhận định. Nếu chúng ta đọc một cuốn sách hay nghe một băng đĩa nào đó mà liền được giác ngộ, khai thông trí tuệ, bỏ ác hành thiện và tinh tấn tu hành, thì Kinh sách và băng đĩa đó sẽ có lợi ích cho mình và cho chúng sanh.

Sau khi hiểu rõ Kinh sách và băng đĩa nào là độ được chúng sanh cứu cánh, thì chúng ta hãy phát tâm từ bi lưu thông khắp nơi: Từ non cao đến thung lũng, từ thị thành đến thôn quê, từ hang cùng đến ngõ hẹp, từ lao tù cho đến những trại tình thương. Tóm lại, chúng ta không nên phân biệt như: Chủng tộc, tôn giáo, giàu nghèo, tin hay không tin, có căn cơ hay không có căn cơ, có duyên hay không có duyên. Trách nhiệm của chúng ta là phải đem Phật pháp lưu thông khắp mọi nơi. Điều quan trọng là luôn tự hỏi lòng mình có làm hết sức để độ sanh chưa? Nếu quý bạn đã làm hết sức của mình rồi, thì không nên lo về những vấn đề như: Khen chê, chửi trách, tin nghi,… của người đời vì tất cả những hành động và lời nói đó không liên quan gì đến chúng ta. Nếu quý bạn hoằng pháp mà tâm cứ lo đầu này hay sợ đầu kia, chưa độ người mà đã sợ người không tin hay phỉ báng thì quý bạn làm sao cứu được chúng sanh? Xin quý bạn hãy nhớ một điều: Lúc Phật Thích Ca còn tại thế, những lời kim khẩu của Ngài mà còn có kẻ chê, người ghét, kẻ tin, người nghi thì huống hồ gì là lời nói của chúng ta. Thời nay là thời Mạt pháp, tâm địa và đạo đức của chúng sanh rất là nghèo nàn, do đó họ chỉ thích chạy theo tham, sân, si và khó chấp nhận những điều cao thượng và đạo đức. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta chán nản và bỏ cuộc. Chúng sanh càng si mê, điên đảo bao nhiêu, thì chúng ta lại càng tu hành tinh tấn bấy nhiêu. Còn nói về thiện căn, phước đức và nhân duyên của chúng sanh thì không có hình tướng, mà cho dù có hình tướng thì chúng ta cũng không có đủ trí tuệ để phân biệt được. Chỉ có chư Phật, chư Bồ tát mới thấy được căn duyên của chúng sanh mà thôi, vì vậy chúng ta không nên khởi tâm phân biệt.

Kính thưa quý bạn! Chư Phật và chư Bồ tát lúc nào cũng thị hiện đến thế giới Ta bà này để cứu chúng sanh không ngừng nghỉ. Nhất là vào thời kỳ Mạt pháp này, chúng sanh càng si mê, điên đảo bao nhiêu thì chư Phật và chư Bồ tát càng thị hiện đến đây đông hơn bấy nhiêu. Mỗi Ngài đều có hạnh nguyện và hình tướng độ tha khác nhau, phàm phu như chúng ta không thể nào quán xét được hình tướng của quý Ngài. Bây giờ, chúng ta tìm hiểu vào ba cách hoằng pháp căn bản, đó là: Trí tuệ hoằng pháp, tịnh tài hoằng pháp và công phu hoằng pháp.

I. Trí tuệ hoằng pháp

Là nói những người có trí tuệ và thượng căn tiếp nhận được đạo nghiệp của Như lai, để giáo hóa chúng sanh hữu tình giác ngộ, lìa mê. (Cách hoằng pháp này chư Tăng, Ni và chư Cư sĩ có đủ khả năng hơn).

II. Tịnh tài hoằng pháp

Là nói về những người không có đủ trí tuệ, nhưng cố gắng làm việc cực khổ ngày đêm để dành dụm tiền bạc và thời gian để phụ giúp hoặc in Kinh sách lưu truyền rộng ra, giúp cho chúng sanh giác ngộ, lìa mê. (Cách hoằng pháp này Phật tử tại gia có khả năng hơn).

III. Công phu hoằng pháp

Là nói đến công phu tu hành của mỗi người con Phật. Về mặt công phu hoằng pháp thì không phân biệt xuất gia hay tại gia, vì tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Nói về công phu hoằng pháp thì chúng ta không cần phải có trí tuệ, thượng căn hay là tiền bạc, mà chúng ta chỉ cần lão thật niệm A Mi Đà Phật là đủ. Lão thật niệm Phật, nghĩa là chúng ta một lòng tin sâu tu niệm Phật và không thắc mắc hay nghi ngờ. Công phu tu niệm Phật là nhân, nhân sẽ sanh ra công đức, công đức sẽ tạo thành quả, khi quả chín muồi thì ta thành Phật. Khi thành Phật rồi thì ta sẽ độ được vô số chúng sanh, nên công phu hoằng pháp ai ai cũng làm được. Chỉ cần chúng ta được vãng sanh về cõi Phật A Mi Đà và để lại bằng chứng hùng hồn cho hậu thế, thì bằng chứng vãng sanh của ta sẽ là bài pháp không lời cao siêu, dù ta không thuyết một lời nào. (Cách hoằng pháp này người xuất gia và tại gia đều có khả năng).

Kính thưa quý bạn! Ba cách hoằng pháp ở trên, tuy mỗi người mang trách nhiệm hoằng pháp khác nhau, nhưng về mặt thành tựu công đức và phước đức thì đồng nhau không hơn, không kém và đều thâu nhiếp được cả ba căn bản bố thí, đó là: Pháp bố thí, tài bố thívô úy bố thí. Người tu hành muốn thành tựu đạo nghiệp, thì phải có đầy đủ ba hạnh bố thí này, vì đây là hành trang để giúp chúng ta vãng sanh thành Phật.

  1. Pháp bố thí: Nghĩa là chúng ta phải đem lời dạy của Phật để truyền lại cho tất cả chúng sanh.
  2. Tài bố thí: Nghĩa là chúng ta đem tiền của mà mình có được hay là dùng sức lực của mình để giúp đỡ người. Tài bố thí gồm có hai phần, đó là: Nội tàingoại tài. Cúng dường tiền hay phẩm vật thì thuộc về ngoại tài bố thí, còn cống hiến sức lực của mình thì thuộc về nội tài bố thí.
  3. Vô úy bố thí: Nghĩa là đem sự an vui và bình yên đến cho mọi người.

Bây giờ, chúng ta tìm hiểu vào sự thành tựu công đức và phước đức của ba cách hoằng pháp này.

I. Trí tuệ hoằng pháp

Là nói những người tu hành cực khổ và trau dồi Kinh sách ngày đêm để đi thuyết pháp cứu chúng sanh. Công sức, là thuộc về nội tài bố thí. Sau khi thành tài, người này đem kinh nghiệm tu hành và sự hiểu biết của mình để khai mở trí tuệ cho chúng sanh, đây thuộc về pháp bố thí. Chúng sanh sau khi nghe được những lời dạy của Phật thì được giác ngộ, lìa mê và đây thuộc về vô úy bố thí.

II. Tịnh tài hoằng pháp

Là nói những người đem tiền bạc của mình để in Kinh sách, băng đĩa, tạo tượng,… lưu truyền rộng ra. Tiền và phẩm vật là thuộc về ngoại tài bố thí. Người không có tiền nhưng biết đem công sức của mình để giúp phân phát Kinh sách, băng đĩa hay làm công quả, đây thuộc về nội tài bố thí. Trong Kinh sách, băng đĩa có lời dạy của Phật, đây thuộc về pháp bố thí. Người đọc Kinh sách, nghe băng đĩa được giác ngộ, lìa mê, hạnh phúc và an lạc, đây thuộc về vô úy bố thí.

III. Công phu hoằng pháp

Là nói những người niệm Phật được vãng sanh thành Phật. Sau khi vãng sanh, người này để lại bằng chứng hùng hồn cho hậu thế hoặc tùy nguyện trở lại để phổ độ chúng sanh. Công phu tu hành là thuộc về nội tài bố thí. Bằng chứng vãng sanh là bài pháp không lời cao siêu, đây thuộc về pháp bố thí. Chúng sanh sau khi thấy được bằng chứng thì không còn nghi ngờ và hoan hỷ tin sâu niệm Phật, đây thuộc về vô úy bố thí.

Tuy ba cách hoằng pháp ở trên có chỗ khác nhau, nhưng cùng một mục đích, đó là: Dẫn dắt chúng sanh về gặp Phật A Mi Đà”. Muốn thành tựu đạo nghiệp và trả ơn cho ba đời mười phương chư Phật và Bồ tát thì chúng ta hãy nắm tay và hỗ trợ cho nhau, để cứu chúng sanh thoát khỏi luân hồi và được vãng sanh thành Phật.

IV. Phần nhắc nhở

Kính thưa quý bạn! Khi tìm chư Tăng, Ni hoặc chư Cư sĩ để thỉnh ý về phần in Kinh sách hay băng đĩa, thì chúng ta phải biết tìm đúng Thầy và đúng pháp môn, thì mới mong có kết quả tốt. Nếu chúng ta muốn ấn tống Kinh sách, băng đĩa thuộc về pháp môn Tịnh độ, thì chúng ta nên thỉnh ý chư Tăng, Ni và chư Cư sĩ đang tu về pháp môn Tịnh độ. Nếu chúng ta muốn hỏi về pháp môn Thiền tông hay về Mật tông, thì chúng ta nên hỏi chư Tăng, Ni và chư Cư sĩ đang tu về pháp môn Thiền tông hay Mật tông. Chúng ta không nên đem những Kinh sách thuộc về pháp môn Tịnh độ để đi hỏi những vị tu Thiền hay tu Mật, vì làm như vậy chúng ta sẽ không có được câu trả lời thỏa đáng và thậm chí còn bị phân tâm. Tại sao? Vì người tu Thiền là từ cửa Không đi vào, còn người tu Tịnh độ là từ cửa Diệu tướng đi vào, nên sự hiểu biết và tu hành của hai pháp môn này hoàn toàn khác nhau. Xin quý bạn hãy lưu ý về vấn đề này, nếu không, quý bạn sẽ gặp chướng ngại rất lớn. Cũng như ở ngoài đời: Nếu bạn muốn đầu tư vào hãng A thì bạn phải đi tìm hiểu những gì thuộc về hãng A, làm như vậy thì bạn mới có được câu trả lời thỏa đáng. Bạn không nên đầu tư vào hãng A mà lại đi hỏi ý kiến của hãng B, làm như vậy chỉ hại mình bị đứng ở ngã ba đường mà thôi.

Kính thưa quý bạn! Khi chúng ta có đủ khả năng và tài chánh để ấn tống Kinh sách hay băng đĩa, thì ta nên mở lòng từ bi để giúp đỡ cho những bạn đồng tu không có đủ khả năng về mặt tài chính. Chúng ta hãy giúp đỡ cho mọi người đều có đủ phương tiện để trồng được căn lành và phước đức.

Ví dụ: Có một Phật tử nọ đọc được một cuốn sách hay và muốn ấn tống để cúng dường cho mọi người, nhưng lại không có đủ khả năng để in một số nhiều như đòi hỏi của nhà in. Nếu chúng ta có đủ khả năng và thấy cuốn sách đó có lợi ích, thì ta nên đứng ra ứng tiền trước để in một số nhiều và sau đó chia lại cho bạn đồng tu với giá vốn mà ta đã trả cho nhà in, để họ có cơ hội hoằng pháp. (Nếu chúng ta là chủ nhà in thì dễ làm việc này hơn). Nhưng chúng ta phải xem số người muốn in cuốn sách đó nhiều hay ít. Nếu nhiều thì ta ứng tịnh tài ra trước thì sẽ không bị ảnh hưởng đến tài chính và sinh hoạt của gia đình mình. Tóm lại, chúng ta tùy hoàn cảnh và tùy duyên mà giúp đỡ cho bạn đồng tu, không nên để cho gia đình buồn phiền thì không tốt. Cũng như chị em chúng tôi nhiều năm qua, ở Mỹ và ở Việt Nam đã làm hai công việc Phật sự và từ thiện, đó là: Một, giúp nhận tiền ấn tống của các bạn khắp nơi gởi đến để in Kinh sách, phóng sanh,… Hai, giúp đứng ra in Kinh sách và gửi đến tận nơi cho những Phật tử nào không có đủ khả năng để in ấn. Nếu nói về mặt tiền bạc thì chị em của chúng tôi rất là nghèo. Nghèo đến mức độ, có những lúc đặt nhà in để in Kinh sách, hình Phật,… nhưng lại không có tiền để trả trước cho nhà in. Nhưng nhờ có tín nhiệm mà nhà in họ bằng lòng cho in sách trước và trả tiền sau. Sau khi  in xong và mang sách về nhà, thì chúng tôi phải lo phân phát và gửi sách đến cho các chùa và Phật tử ở khắp nơi. Sau khi phân phát hết Kinh sách, hình Phật,… thì chúng tôi bị rơi vào tình trạng lo lắng vì không có đủ tiền để trả hết cho nhà in. Nhưng quý bạn có tin không? Chư Phật và chư Bồ tát gia hộ rất là nhiệm mầu, không thể nghĩ bàn. Vì mỗi khi chúng tôi vừa bị rơi vào tình trạng lo lắng, thì tự nhiên ở đâu có những nguồn tịnh tài gửi đến cho chúng tôi để trả hết số nợ đó. Có một điều kỳ diệu là: Những nguồn tịnh tài này gửi đến cho chúng tôi từ những nơi khác nhau, nhưng khi cộng con số tịnh tài này chung lại với nhau thì vừa đủ cho chúng tôi trả nợ, không dư và cũng không thiếu. Có những lúc, chúng tôi cảm thấy xúc động và không cầm được nước mắt. Cũng nhờ có chư Phật và Bồ tát luôn ở bên cạnh gia hộ mà chị em chúng tôi mới có đủ can đảm đứng ra để gánh nợ và làm Phật sự cho đến ngày hôm nay. Qua những năm làm Phật sự, tôi cảm nhận được một điều chân thật, đó là: Buông xả tất cả là có tất cả.

Kính thưa quý bạn! Nếu chúng ta một lòng hoằng pháp độ sanh, thì phải biết đặt Tam bảo và chúng sanh lên hàng đầu. Chúng ta phải làm bằng cái tâm chân thật không được tự tư và tự lợi, thì mới thấy được sự gia hộ nhiệm mầu của chư Phật. Còn nếu chúng ta lạm dụng Phật pháp, lạm dụng tiền bạc của tín chúng, thì sẽ bị mang lông đội sừng để trả nợ đời đời, kiếp kiếp không thể thoát ra. Ngoài việc không được lạm dụng tiền bạc của đại chúng ra, chúng ta còn phải bỏ công sức của mình để phân phát Kinh sách, đóng thùng, khiêng vác,… để gởi đi khắp nơi cho các chùa và Phật tử. Thêm vào, chúng ta còn phải chuẩn bị tinh thần để nhẫn nhịn hết những lời khen chê, chửi trách của người đời. Tại sao? Vì ở đâu có Phật thì ở đó có ma, ở đâu có chánh thì ở đó có tà. Cho dù chúng ta có làm hết sức thì cũng bị người đời chỉ trích, chê khen. Nhưng quý bạn hãy yên tâm, chỉ cần chư Phật và Bồ tát hiểu cho ta là đủ rồi. Còn những chuyện khen chê hay chửi trách của người đời, thì chúng ta không nên bận tâm vì đó là chuyện bình thường của con người ở trong thế giới Ta bà đầy ngũ trược ác thế này. Nếu đó là chuyện bình thường thì chúng ta dại gì để chúng làm nhiễu loạn thân tâm của ta. Muốn làm Phật sự ở trong thời Mạt pháp này, thì chúng ta phải có đầy đủ trí tuệ, nhẫn nhục, can đảm hy sinh. Nếu thiếu một trong bốn điều này, thì ta sẽ không thành tựu được đạo nghiệp hoằng pháp và hộ pháp.