PHÁP THÂN, BÁO THÂN VÀ ỨNG HOÁ THÂN
23/01/2018AI LÀ PHẬT A MI ĐÀ?
23/01/2018PHẬT A MI ĐÀ LÀ AI?
(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
Kính thưa quý bạn! Chúng ta đang tu pháp môn Tịnh độ để sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà, thì chúng ta cần phải hiểu rõ Phật A Mi Đà là ai, để ta không còn nghi ngờ và thoái chuyển. Có rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn mập mờ, không hiểu Phật A Mi Đà là ai và cõi Tây phương Cực Lạc đang ở đâu? Chúng ta nghi ngờ là vì chưa hiểu rõ chân tướng sự thật. Giờ chúng ta tìm hiểu tóm lược vào những đoạn Kinh quan trọng mà Phật Thích Ca đã tán thán công đức và hạnh nguyện của Phật A Mi Đà ở trong pháp hội “Kinh Vô Lượng Thọ”.
Có một thời, Phật (tức là Phật Thích Ca) thuyết pháp ở thành Vương Xá Lợi, trong núi Kỳ Xà Quật. Trong pháp hội lúc đó có mười hai ngàn đại Bồ tát và đại Thánh đều đã có thần thông và trí tuệ như là: Ngài Kiều Trần Như, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Ca Diếp, A Nan… Những vị đại Bồ tát làm thượng thủ như là: Ngài Phổ Hiền Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Di Lặc Bồ tát và hết thượng chư Bồ tát trong quá khứ đều đến dự trong pháp hội này. Ngoài mười hai ngàn đại Bồ tát và đại Thánh ra, còn có vô lượng Bồ tát, tứ chúng đệ tử Phật và chư Thiên cũng đều tới trong đại hội để nghe Phật thuyết pháp.
Lúc đó, oai quang sắc tướng của Phật Thích Ca tự nhiên rạng rỡ, hào quang sáng ngời. A Nan trông thấy dung nhan của Phật hôm đó đẹp đẽ lạ thường, chưa từng thấy qua, nên A Nan nghĩ thầm: “Chắc có lẽ Phật đang giao du được với mười phương chư Phật hay là Phật có pháp vi diệu muốn thuyết”. Vì vậy, A Nan liền đứng dậy, đi tới trước Phật cúi đầu đảnh lễ và xin Phật thuyết pháp. Sau đó, Phật khen A Nan thỉnh hỏi rất hay vì câu hỏi của A Nan hôm nay sẽ cứu được vô lượng chúng sanh hữu tình trong tương lai. Sau đó, Phật nói với A Nan, đại Bồ tát và Thánh chúng đang có mặt ở trong pháp hội hãy nghe cho kỹ những lời của Phật sắp nói ra, để sau này truyền lại cho tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới.
Phật nói rằng: “Trong vô lượng kiếp quá khứ không thể tính đếm, có một vị Phật xuất thế hiệu là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai nói Kinh thuyết pháp cho chư Thiên và người đời nghe. Lúc đó, có một vị Quốc vương tên là Nhiêu Vương sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, thì liền giác ngộ buông xả ngai vàng và xuất gia tu Bồ tát hạnh, lấy hiệu là Pháp Tạng tỳ kheo. Pháp Tạng có lòng từ bi, trí tuệ và đạo hạnh rất cao không ai sánh bằng. Vì muốn cứu hết chúng sanh trong mười phương thế giới, nên Pháp Tạng phát nguyện muốn xây một cõi Phật thù thắng cao siêu, vượt hơn mười phương cõi Phật.
Sau đó, Pháp Tạng thỉnh xin Phật Tự Tại Vương giảng nói tường tận về hoàn cảnh thanh tịnh của mười phương cõi Phật, để Pháp Tạng tự lựa chọn những điều thanh tịnh cao siêu nhất, hầu trang nghiêm cho cõi Phật của mình. Sau khi Phật Tự Tại Vương nghe Pháp Tạng thỉnh xin xong thì Ngài vô cùng hoan hỷ, nên liền diễn nói và thị hiện cho Pháp Tạng thấy được tường tận hoàn cảnh thanh tịnh của 210 ức cõi Phật. Thời thuyết pháp đó, Phật Tự Tại Vương đã giảng nói cho Pháp Tạng nghe hết một ngàn ức năm. Sau một ngàn ức năm tìm hiểu, Pháp Tạng lại dùng hết năm kiếp tu tập của mình để thành tựu.
Sau khi thành tựu xong, Pháp Tạng liền đến cho Phật Tự Tại Vương biết là Pháp Tạng đã thành tựu xong hạnh nguyện của mình. Lúc đó, Phật Tự Tại Vương khen và khuyên Pháp Tạng hãy tuyên dương đại nguyện của mình cho đại chúng ở khắp mười phương nghe, để đại chúng hoan hỷ mà phát nguyện sanh về cõi nước của Pháp Tạng. Sau đó, Pháp Tạng quỳ ở trước mặt Phật Tự Tại Vương và phát ra 48 đại nguyện. Sau khi Pháp Tạng vừa phát 48 đại nguyện xong, thì trời đất liền chấn động, mưa hoa từ trên trời rơi xuống và chư Phật mười phương đều đồng thanh tán thán rằng: “Pháp Tạng nhất định sẽ thành Phật!”.
Thưa quý bạn! Đó là đoạn Kinh quan trọng mà chúng tôi đã tóm lược ở trong phần Phật Thích Ca nói về tu nhân của Ngài Pháp Tạng. Xin quý bạn hãy đi tìm bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” để tìm hiểu thêm về những lời dạy của Phật Thích Ca và tìm hiểu về 48 đại nguyện của Ngài Pháp Tạng (tức Phật A Mi Đà). Vì 48 đại nguyện của Phật A Mi Đà rất dài, không thể nêu ra ở đây. Giờ chúng ta tìm hiểu vào đoạn Kinh lúc Phật Thích Ca nói về sự thành tựu của Ngài Pháp Tạng như thế nào (tức nói về sự thành tựu của Phật A Mi Đà như thế nào)?
Sau khi A Nan và đại chúng nghe Phật Thích Ca khuyên dạy và tán thán về đức hạnh tu hành và độ tha của Ngài Pháp Tạng xong, thì A Nan liền thưa hỏi Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài Pháp Tạng là Phật trong quá khứ, là Phật ở vị lai hay là Phật đang ở thế giới khác?”.
Chánh Kinh: Phật Thích Ca trả lời rằng: “Đức Như Lai ấy (tức là nói Phật A Mi Đà) không từ đâu đến, chẳng đi về đâu, vô sanh vô diệt, cũng chẳng phải quá khứ, hiện tại hay vị lai. Chỉ vì đáp tạ cái nguyện độ sanh, nên Ngài hiện ở Tây phương cách Diêm Phù Đề trăm ngàn câu chi na do tha cõi Phật. Ở đó, có một thế giới tên là Cực Lạc. Pháp Tạng thành Phật hiệu là A Mi Đà. Từ khi Ngài thành Phật đến nay đã là mười kiếp. Nay Ngài đang thuyết pháp, hiện có vô lượng Bồ tát và Thanh văn đang cung kính vây quanh”.
Thưa quý bạn! Đó là đoạn Kinh mà Phật Thích Ca đã trả lời cho A Nan, đại Bồ tát và Thánh chúng ở trong pháp hội lúc đó biết về Phật A Mi Đà. Còn chữ kiếp mà Phật nói ở đây là đại đại kiếp, tức là vô lượng kiếp không thể tính đếm. Chữ kiếp có nhiều ý nghĩa dài ngắn biến hóa, chúng ta không nên chấp chặt vào từ ngữ. Đoạn Kinh trên rất là quan trọng, nếu quý bạn tìm hiểu kỹ thì sẽ thấy mỗi chữ đều có sự biến hóa vô lượng không thể nghĩ bàn.
Sau khi Phật Thích Ca tán thán công đức, hạnh nguyện của Phật A Mi Đà và diễn tả cảnh đẹp bảy báu trang nghiêm của cõi Cực Lạc xong, thì Phật khuyên A Nan, tất cả Bồ tát và Thánh chúng đang có mặt ở trong pháp hội, hãy dẫn dắt chúng sanh ở mười phương thế giới tu hành niệm Phật và phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà. Sau khi khuyên dạy và dặn dò đại chúng xong, thì Phật liền dùng thần thông thị hiện cảnh Tây phương Cực Lạc cho đại chúng thấy, để giúp cho đại chúng có thêm lòng tin với Phật A Mi Đà. Ngay lúc đó, Phật A Mi Đà cũng hiện thân đến nơi để làm tin cho đại chúng và đồng thời cũng làm chứng cho những lời của Phật Thích Ca thuyết lúc đó là vạn lần chân thật. Hai Ngài làm như vậy là để giúp cho đại chúng lúc đó và tương lai có thêm lòng tin kiên định với Phật A Mi Đà.
Sau khi Phật Thích Ca thuyết xong thời pháp “Kinh Vô Lượng Thọ”, thì có vô lượng đại Bồ tát, Thánh chúng,… ở trong pháp hội liền phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà. Ngay lúc đó, trên không trung liền có mưa hoa rơi xuống, âm nhạc trỗi lên và mười phương chư Phật đồng thanh tán thán rằng: “Phật Thích Ca là Phật có tài đức và có lòng từ bi vô lượng, vì ở trong thế giới Ta bà chúng sanh si mê, điên đảo mà thuyết được những pháp vi diệu khó tin của Như Lai, thì thật là không dễ”.
Phần nhận định: Kính thưa quý bạn! Nếu chúng ta dùng con mắt phàm phu để tìm hiểu Kinh Phật thì sẽ nghĩ rằng: Ngài Pháp Tạng lúc tu nhân chỉ là một vị Quốc vương (tức người thường). Sau khi nghe Phật Tự Tại Vương thuyết pháp thì Ngài được giác ngộ, buông xả ngai vàng, xuất gia tu Bồ tát hạnh, lấy hiệu là Pháp Tạng và phát ra 48 đại nguyện, thành tựu Phật quả và xây dựng cõi Cực Lạc lấy hiệu là Phật A Mi Đà.
Cũng như chúng ta thiết tưởng Phật Thích Ca gần ba ngàn năm trước, chỉ là một vị hoàng tử Tất Đạt Đa (tức người thường). Sau khi đi du ngoạn ngoài bốn cửa thành, Ngài vô tình thấy được cảnh khổ, bệnh, già, chết và vị tu sĩ mà Ngài giác ngộ. Sau đó, Ngài từ bỏ ngai vàng, cha mẹ và vợ con để xuất gia, tầm sư học đạo. Rồi sau đó, trải qua sáu năm tu hành khổ hạnh, cuối cùng Ngài ngồi thiền định ở dưới cội Bồ đề mà đắc quả thành Phật và thuyết pháp độ sanh hết 49 năm.
Chúng ta là phàm phu nên chỉ thấy như vậy nhưng trên thực tế, thì quý Ngài đều đã thành Phật trong vô lượng kiếp rồi, không phải chỉ mới thành Phật đây. Tôi biết quý bạn sẽ hỏi rằng: “Vậy thì tại sao quý Ngài không thị hiện đến đây bằng thân kim Phật, có đầy đủ thần thông biến hóa, hào quang rực rỡ mà quý Ngài lại thị hiện đến đây bằng thân người có sanh, lão, bệnh, chết giống như chúng ta?”.
Thưa quý bạn! Vì quý Ngài thấy tất cả chúng sanh đều có chủng tử Phật tánh A Mi Đà, đều có khả năng thành Phật giống như quý Ngài. Nếu quý Ngài thị hiện đến đây bằng thân kim Phật thì chúng ta sẽ nghĩ rằng: Chỉ có chư Phật mới có đủ trí tuệ để tu thành Phật, còn chúng ta là phàm phu, thì làm sao có đủ trí tuệ để tu thành Phật giống như quý Ngài. Rồi từ chỗ nghi ngờ đó mà chúng ta sẽ không buông xả để tu hành. Nếu chúng ta không chịu buông xả tu hành, thì Phật làm sao mà cứu được chúng ta? Vì vậy mà quý Ngài phải thị hiện bằng thân người cũng có cha mẹ, vợ con, giác ngộ, phát nguyện, tu hành, độ tha và thành Phật. Quý Ngài làm như vậy là mong chúng ta có đủ tự tin và tu hành để thành Phật giống như quý Ngài. Quý Ngài không phải chỉ hiện thân người để cứu chúng ta thôi đâu, mà quý Ngài còn hiện thân súc sanh để độ súc sanh, hiện thân ngạ quỷ để độ ngạ quỷ…
Bây giờ chúng ta trở lại tìm hiểu những phần quan trọng nói về tiến trình tu nhân và thành Phật của Ngài Pháp Tạng (tức nói về Phật A Mi Đà), để xem Ngài lúc đó chỉ là người thường hay là cổ Phật tái lai. Vì sự tìm hiểu này rất là quan trọng, nếu chúng ta chưa tìm hiểu rõ ràng mà vội nghi ngờ và phỉ báng, thì chỉ hại mình bị đọa địa ngục mà thôi.
- Nếu Ngài Pháp Tạng lúc đó chỉ là người thường mới được giác ngộ tu Bồ tát hạnh, thì Ngài làm sao có đủ trí tuệ và đạo hạnh để thỉnh Phật Tự Tại Vương diễn nói cho Ngài nghe hết hoàn cảnh thanh tịnh của mười phương cõi Phật, để Ngài tự lựa chọn những điều thanh tịnh cao siêu nhất để thành tựu cho cõi Phật của Ngài.
- Nếu Ngài Pháp Tạng là người thường, thì Ngài làm sao có đủ đạo hạnh và can đảm quỳ ở trước mặt Phật Tự Tại Vương mà tuyên thệ rằng: “Nếu con không xây dựng được cõi Cực Lạc vượt trội hơn mười phương cõi Phật thì con thề không thành Phật”. (Ngài muốn xây thù thắng hơn là để cứu chúng sanh, không phải là để hơn thua, xin quý bạn chớ có hiểu lầm).
- Nếu Ngài Pháp Tạng là người thường, thì Phật Tự Tại Vương cần gì phải dùng hết một ngàn ức năm để diễn nói và thị hiện cảnh 210 ức cõi Phật cho Ngài suy nghĩ và lựa chọn. (Thật ra hai Ngài chỉ đóng kịch để hoàn thành câu chuyện độ sanh mà thôi).
- Nếu Ngài Pháp Tạng là người thường, thì Ngài làm sao có đủ trí tuệ và đạo hạnh để phát ra 48 đại nguyện. Trong khi 48 đại nguyện đó là chân tướng Diệu đức sẵn có ở trong Diệu tâm của mười phương chư Phật và của mười phương thế giới chúng sanh.
- Nếu Ngài Pháp Tạng là người thường, vậy thì tại sao sau khi Ngài phát ra 48 đại nguyện thì trời đất liền chấn động, mưa hoa từ trên trời rơi xuống, âm nhạc trỗi lên và mười phương chư Phật đều đồng thanh tán thán rằng: “Pháp Tạng nhất định sẽ thành Phật!”. (Thật ra mười phương chư Phật lúc đó cũng chỉ là đóng kịch, để giúp cho chúng sanh có vững lòng tin với Ngài Pháp Tạng mà thôi).
- Nếu Ngài Pháp Tạng chỉ mới thành Phật A Mi Đà trong mười kiếp, thì tại sao ba đời mười phương chư Phật, chư Bồ tát đều tán thán và tôn danh Phật A Mi Đà là Phật Trung Chi Vương. (Phật Trung Chi Vương nghĩa là vị Phật cao nhất trong mười phương chư Phật. Còn chữ mười kiếp chỉ là con số phương tiện, để giúp cho ta hiểu được khoảng cách của thời gian thôi. Trên thực tế thì cõi Cực Lạc đã thành tựu trong vô lượng kiếp rồi).
- Nếu Ngài Pháp Tạng chỉ mới thành Phật A Mi Đà trong mười kiếp, thì Ngài làm sao có đủ đạo hạnh để cho hai vị đại Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ở hai bên phải và trái của Ngài đi tiếp dẫn chúng sanh về Tây phương Cực Lạc. (Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí là hai vị cổ Phật đã thành Phật trong vô lượng kiếp rồi).
- Nếu Ngài Pháp Tạng là Phật A Mi Đà mới thành, thì tại sao mười phương chư Phật, chư Bồ tát đều khuyên dạy chúng sanh nên phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà.
- Nếu Ngài Pháp Tạng là Phật mới thành, thì Ngài làm sao có đủ đạo hạnh lấy danh hiệu A Mi Đà để đại diện cho cõi nước của Ngài? Quý bạn nên biết rằng: Danh hiệu A Mi Đà chỉ có Phật Tổ Tỳ Lô Giá Na mới có đủ đạo hạnh để đại diện mà thôi. Tại sao? Vì đây là danh hiệu tánh đức A Mi Đà của mười phương chư Phật và của mười phương thế giới chúng sanh (Phật A Mi Đà tức là Phật Tổ Tỳ Lô Giá Na đấy).
Thưa quý bạn! Nếu nói đến cảnh giới của chư Phật thì phàm phu si mê như chúng ta, không có cách chi nghĩ đến hay bàn luận được. Nhưng nhờ có ba Đại Tạng Kinh của Phật, mà ta mới hiểu được phần nào cảnh giới của chư Phật. Cho dù ta có đủ trí tuệ để hiểu thông được ba Đại Tạng Kinh của Phật, thì cũng chỉ mới hiểu được có một chút như giọt nước ở trong biển mà thôi. Tại sao? Vì ba Đại Tạng Kinh của Phật để lại trên thế gian này, so với Đại Tạng Kinh ở trên cõi Phật thì chỉ là giọt nước ở trong biển. Chỉ khi nào thành Phật thì ta mới hiểu được hết cảnh giới của chư Phật. (Đại Tạng Kinh trên cõi Phật là nói với chúng ta, không phải nói với chư Phật. Vì chư Phật không có Kinh điển chi cả, xin quý bạn chớ hiểu lầm mà sanh ra tranh chấp).
Nếu quý bạn chịu tham cứu kỹ Kinh Phật thì sẽ thấy Ngài Pháp Tạng chính là “Phật Tổ Tỳ Lô Giá Na” thị hiện tái lai. Ngài là Phật Tổ cả hai cõi Hoa Tạng thế giới và Cực Lạc thế giới. Danh hiệu “Tỳ Lô Giá Na” cũng chỉ là danh hiệu để cho chúng ta dễ hiểu và dễ phân biệt thôi. Trên thực tế, thì Ngài đã có vô lượng danh tên khác nhau không thể tính đếm. Không phải chỉ có Ngài mới có vô lượng danh tên khác nhau mà tất cả chư Phật và Bồ tát ở mười phương cũng đều có vô lượng danh tên khác nhau. Tại sao? Vì mỗi một nơi quý Ngài thị hiện làm Phật hay hóa thân cứu độ chúng sanh, thì quý Ngài đều lấy danh tên khác nhau để giúp cho chúng sanh dễ phân biệt. Đó là nói trên sự. Còn trên lý thì quý Ngài không có một danh tên nào cả. Thậm chí, danh hiệu A Mi Đà cũng không có. Tại sao? Vì danh tên của chư Phật là bất lập ngôn từ. Giờ chúng ta tìm hiểu tại sao Phật Tổ Tỳ Lô Giá Na phải thị hiện làm Ngài Pháp Tạng, phát ra 48 đại nguyện, thành lập cõi Tây phương Cực Lạc và lấy hiệu là Phật A Mi Đà.
Thưa quý bạn! Vì Phật Tổ thấy chúng sanh si mê, nghiệp chướng sâu dày, khó tự mình đi đến quả Phật nên Ngài mới dùng thần lực của Ngài xây dựng cõi Tây phương Cực Lạc, để giúp cho chúng sanh đới nghiệp vãng sanh. Nhưng nếu Ngài âm thầm xây dựng cõi Cực Lạc, thì chúng sanh ở mười phương thế giới làm sao biết được ở Hoa Tạng thế giới còn có một cõi Tây phương Cực Lạc của Phật A Mi Đà cao siêu thù thắng. Và chúng sanh làm sao biết được có Phật A Mi Đà luôn phóng quang tiếp dẫn và dạy dỗ chúng sanh tu thành Phật. Nếu chúng sanh không biết, thì Ngài làm sao mà cứu được chúng sanh và làm sao thỏa được cái nguyện độ sanh của Ngài. Vì vậy mà Ngài phải thị hiện làm Ngài Pháp Tạng, để tạo nên câu chuyện độ tha của Phật A Mi Đà. Nhờ có câu chuyện độ tha của Phật A Mi Đà mà mười phương chư Phật và Bồ tát mới có cơ hội để cứu độ chúng sanh mọi loài.
Tại sao Phật Tổ không lấy danh hiệu khác mà Ngài phải lấy danh hiệu A Mi Đà và còn khuyên chúng sanh phải niệm danh hiệu của Ngài, thì sẽ được Ngài đến nơi tiếp dẫn chúng sanh về Cực Lạc? (Khi viết đến đoạn này tôi vô cùng xúc động không thể viết tiếp. Tại sao? Vì mỗi khi cầm bút lên thì nước mắt của tôi cứ tuôn chảy mãi. Cho dù tôi có bị tan xương nát thịt đến vô lượng kiếp thì cũng không sao đền được ân đức cao sâu của Phật A Mi Đà, của chư Phật và chư Bồ tát).
Thưa quý bạn! Vì tất cả chúng ta mà Phật Tổ mới xây dựng cõi Cực Lạc và lấy danh hiệu là Phật A Mi Đà. Tại sao? Vì Phật Tổ thấy tất cả chúng sanh đều có sẵn Phật tánh A Mi Đà. Chẳng qua chúng sanh si mê, điên đảo chạy theo dục vọng, bỏ quên Phật tánh không biết quay về. Vì muốn cứu hết thảy chúng sanh, nên Ngài lấy tánh đức A Mi Đà sẵn có của chúng sanh để đại diện cho Ngài. Rồi sau đó, Ngài khuyên dụ chúng sanh hãy niệm danh hiệu của Ngài, thì sẽ được Ngài đến nơi tiếp dẫn đưa về Cực Lạc để tu thành Phật. Đây là khổ tâm và dụng ý của Ngài.
Tại sao Phật không nói cho chúng ta biết rõ sự thật mà Ngài phải dùng phương tiện để cứu chúng ta? Vì Ngài biết cho dù có nói thì chúng sanh cũng không có đủ trí tuệ để hiểu suốt. Tại sao? Vì Phật tánh A Mi Đà của chúng sanh vốn không có hình tướng. Nếu không có hình tướng thì Phật làm sao mà có thể giải bày. Nên Ngài chỉ còn cách là lấy danh hiệu tánh đức A Mi Đà sẵn có của chúng sanh để đại diện cho Ngài. Vì Ngài biết rõ: Chỉ cần chúng sanh tin sâu tu niệm danh hiệu của Ngài, thì chúng sanh sẽ khai mở được tự tánh A Mi Đà của mình. Khi Phật tánh A Mi Đà được khai mở, thì tự chúng sanh sẽ hiểu ra danh hiệu A Mi Đà chính là danh hiệu tánh đức sẵn có của chúng sanh.
Ngài chỉ mong chúng sanh chịu niệm Phật tánh A Mi Đà của mình, thì Ngài mới truyền được thần lực của Ngài vào thân tâm của chúng sanh. Còn nếu chúng sanh không chịu niệm Phật tánh A Mi Đà của mình, không chịu tiếp nhận thần lực ánh sáng của Ngài, thì cho dù Ngài có muốn cứu cũng không cứu nổi. Cũng như Ngài đã đem thuyền chờ sẵn ở ngoài bến, nhưng chúng sanh không chịu cất bước để leo lên thuyền, thì Ngài làm sao mà cứu được chúng sanh?
Còn 48 đại nguyện của Phật cũng không phải là tự Ngài đặt ra, mà tất cả những gì Ngài nói ở trong 48 đại nguyện đó đều đã có sẵn ở trong tự tánh của chúng ta. Chúng ta chỉ cần tin sâu và tu niệm tự tánh A Mi Đà của mình. Khi được vãng sanh thì ta sẽ có tất cả thần thông và trí tuệ như trong 48 đại nguyện mà Phật đã nói. Vì vậy mà Phật tuyên thệ rằng: “Nếu chúng sanh vãng sanh về cõi nước của ta mà không có đủ những gì như ta đã nói ở trong 48 đại nguyện, thì ta thề không làm Phật”. Thật ra, không phải đợi đến khi vãng sanh thì ta mới có thần thông và trí tuệ, mà ngay giây phút hiện tại ta cũng có thể khôi phục được phần nào, tùy theo sự tu hành sâu cạn của ta. Nếu ta tu niệm ít thì sẽ khôi phục được thần thông và trí tuệ ít. Nếu ta tu niệm nhiều thì sẽ khôi phục được thần thông và trí tuệ nhiều. Tóm lại, tất cả đều do chúng ta quyết định.
Thưa quý bạn! Phật A Mi Đà phát ra 48 đại nguyện là đã phơi bày tất cả Diệu đức sẵn có ở trong tâm chúng ta. Vậy mà xưa nay chúng ta có mắt như mù không hay biết gì cả, ngược lại còn đi phỉ báng nghi ngờ. Giờ thức tỉnh ta mới thấy 48 đại nguyện của Phật A Mi Đà chính là cảnh giới nhiệm mầu sẵn có ở trong tâm ta và cũng vì chúng ta mà Phật Tổ mới xây quốc độ Cực Lạc.
Nếu chúng ta chịu quán xét và tìm hiểu tiến trình độ tha của chư Phật và Bồ tát từ xưa đến nay, thì sẽ thấy Phật Thích Ca thị hiện đến đây gần ba ngàn năm trước, đóng vai làm mẹ nhảy vào biển lửa để dẫn dắt chúng ta. Còn Phật A Mi Đà ở Tây phương Cực Lạc đóng vai làm cha, ngày đêm mỏi mắt mong chờ và tiếp dẫn các con đưa về Cực Lạc để tu thành Phật. Ngoài ra, cha còn phóng quang tới mười phương thế giới Ta bà mỗi giây mỗi phút, để bảo vệ và trợ lực cho các con không bị vấp ngã bởi cạm bẫy của Ma vương.
Ngoài mẹ là Phật Thích Ca và cha là Phật A Mi Đà ra, chúng ta còn có hai đại sư tỉ có lòng từ bi vô tận, đó là: Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Hai đại sư tỉ có lòng từ bi vô tận này lúc nào cũng ở bên cạnh để trợ lực, dạy dỗ và tiếp dẫn chúng ta. Ngoài cha mẹ và hai đại sư tỉ ra, chúng ta còn có vô lượng cha mẹ và vô lượng đại sư huynh, sư tỉ ở mười phương thế giới cũng đang phóng quang gia hộ và trông chờ chúng ta. Vậy chúng ta còn tham đắm ở trong biển lửa luân hồi này để làm gì, mà không mau đi về Cực Lạc để đoàn tựu với gia đình? Xin quý bạn hãy suy nghĩ lại.
ƯỚC MƠ SẼ THÀNH
Nhìn con mà lòng cha tan nát
Mải mê mờ đọa lạc trầm luân
Tham, sân, si đắm nhiễm không rời
Tự giam hãm mình trong bể khổ.
Khổ, khổ, khổ, con thầm mơ ước
Ước mình giàu sang, mãi không nghèo
Ước mình hạnh phúc, không đau khổ
Ước mình khỏe mãi, chẳng bệnh đau
Ước mình trẻ mãi, không già yếu
Ước mình mãi mãi được trường sinh.
Ước thật nhiều sao không buông xả?
Không quay về Cực Lạc với Cha?
Nếu con tu mơ ước sẽ thành
Vì tất cả trong con sẵn có.