HỘ NIỆM HOẰNG PHÁP
22/11/2017NGHIỆP LÀ GÌ?
22/11/2017NHẠC PHÁP ÂM HOẰNG PHÁP
(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
Kính thưa quý bạn! Chúng ta trầm luân trong sáu ngã luân hồi đã quá nhiều đời, nhiều kiếp. Nước mắt đau khổ oán hận của chúng ta cũng đã tràn ngập cả hư không. Chúng ta hãy mau thức tỉnh, không nên chạy theo tham, sân, si để tạo thêm đau khổ cho mình và cho chúng sanh nữa. Chúng ta hãy mau niệm hồng danh A Mi Đà Phật để trở về với chân tâm Diệu tánh sẵn có của mình.
Kính thưa quý bạn! Chúng ta có đủ phước đức nên kiếp này mới tin sâu được pháp môn Tịnh độ, nhưng xung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu chúng sanh đang bị vô minh che lấp. Muốn cứu chúng sanh thì ta nên dùng hồng danh A Mi Đà Phật để phổ thành nhạc pháp âm để xoa dịu nỗi đau khổ và gieo chủng tử A Mi Đà vào tâm của chúng sanh. Pháp âm là hơi thở, là nhịp đập của tâm linh, là sự sống của vũ trụ và vạn vật muôn loài. Nhờ có pháp âm mà vũ trụ và vạn vật muôn loài mới có sự sống tươi mát và biến hóa muôn màu, muôn sắc. Tóm lại, pháp âm không thể tách rời với sự sống tâm linh của muôn loài, vì pháp âm là âm thanh huyền diệu sẵn có trong tâm của tất cả chúng ta.
Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” và “Kinh A Mi Đà”, chúng ta thấy Phật A Mi Đà đã dùng thần lực của Ngài để biến hóa vạn vật muôn loài ở cõi Cực Lạc phát ra diệu pháp A Mi Đà Phật. Nghĩa là phát ra tiếng nhạc niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Vì diệu âm A Mi Đà là nước cam lồ từ bi thánh thiện, giúp cho chúng sanh khai mở được chân tâm trí tuệ để thành Phật. Không phải chỉ có cõi Cực Lạc mới có diệu pháp âm, mà mười phương cõi Phật cũng đều có diệu pháp âm A Mi Đà Phật. Tuy chúng ta đang ở trong cõi Ta bà đầy ô trược ác thế, nhưng tâm của ta lúc nào cũng phát ra âm thanh huyền diệu, chẳng qua chúng ta bị tham, sân, si che lấp nên không còn nghe được diệu âm ở trong tâm mình. Muốn giúp chúng sanh khai mở được chân tâm, thì chúng ta hãy dùng thần lực của câu A Mi Đà Phật phổ thành dòng suối cam lồ để rưới vào tâm của chúng sanh. Đây là cách hoằng pháp gieo chủng tử có hiệu quả bất khả tư nghị. Thật ra, phổ nhạc pháp âm là tâm nguyện mơ ước của tôi, nhưng tiếc là tôi không có tài và cũng không có khả năng để hoàn thành. Điều duy nhất mà tôi có thể làm là đem những điều mơ ước ở trong tâm mình để chia sẻ, mong là quý bạn có thể hoàn thành được, vì tất cả chúng ta ai cũng có biệt tài thiên phú khác nhau. Nếu chúng ta chịu đem tài năng thiên phú sẵn có của mình để độ chúng sanh, thì tài năng thiên phú đó sẽ không bị mai một uổng phí. Thật ra, tài năng của chúng ta không phải chỉ hạn hẹp ở trong một đời sống ngắn ngủi giả tạm này, mà tài năng của chúng ta có khả năng bất biến, nó có thể mang hạnh phúc vĩnh cửu đến cho muôn loài.
Ở đây, tôi xin chia sẻ vài điều hiểu biết hạn hẹp, mong rằng có thể giúp quý bạn phần nào trong việc phổ nhạc pháp âm. Nói về âm nhạc thì tôi hoàn toàn không hiểu, nhưng nói về nỗi đau khổ của chúng sanh thì tôi hiểu rõ, vì tôi cũng là một chúng sanh đau khổ. Cho nên những điều tôi có thể chia sẻ ở đây chỉ là những điều đau khổ của tâm linh mà thôi.
Trước khi muốn phổ nhạc pháp âm để cứu chúng sanh, thì ta hãy tìm hiểu nguyên nhân đau khổ của chúng sanh và của ta là ở đâu? Khi hiểu rõ rồi thì ta mới phổ được những dòng pháp âm thần diệu nhiệm mầu để chữa trị tâm linh cho chúng sanh và cho ta. Người phổ nhạc pháp âm quan trọng như một vị bác sĩ, phải biết coi bệnh và cho đúng thuốc thì bệnh nhân mới được hết bệnh. Người phổ nhạc ngoài cái tài năng thiên phú ra, còn phải có lòng từ bi biết lắng nghe nỗi đau khổ của chúng sanh, thì mới phổ được những dòng pháp âm thánh thiện. Thật ra, người phổ nhạc pháp âm còn quan trọng hơn một vị bác sĩ gấp vạn lần. Tại sao? Vì bác sĩ dù có tài giỏi đến đâu thì họ cũng chỉ cứu được cái thân giả tạm của chúng sanh trong một đời thôi. Còn người phổ nhạc pháp âm tài giỏi có thể cứu được vô số chúng sanh giác ngộ để tu thành Phật. Rồi Phật lại sanh ra Phật, cứ như vậy mà tiếp nối đời đời, kiếp kiếp không cùng tận. Người làm ca sĩ cũng vậy. Nếu chúng ta hát một bản nhạc mà có thể giúp cho chúng sanh giác ngộ lìa mê, thì sẽ có phước đức và công đức vô lượng. Nói về diệu pháp âm thì là đa dạng, nhưng chung quy chỉ có ba loại làm căn bản, đó là: Phá vô minh, thiền định và cứu thần thức.
- Phá vô minh: Là để trị bệnh tham, sân, si của chúng sanh. Tất cả chúng ta ai cũng có ba tâm độc là tham, sân, si giống nhau. Ba thứ độc này chính là nguồn gốc của mọi sự đau khổ, thương yêu, thù hận, đố kỵ và điên đảo. Chúng làm cho thân tâm của ta lúc nào cũng đầy ắp những dục vọng và bồn chồn nóng như lửa đốt.
- Thiền định: Là để trừ bệnh vọng tưởng. Tất cả chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay cứ chạy theo vọng tưởng để tìm cầu những điều hạnh phúc, an lạc và giàu sang. Nhưng chúng ta tìm hoài trong nhiều đời nhiều kiếp mà vẫn không tìm được, ngược lại chỉ được những điều đau khổ và xót xa. Những người mình thương yêu thì bị phân chia xa cách, những người mình oán ghét thì cứ mãi gặp nhau. Những điều mình mong cầu thì không bao giờ đến, những điều mình lo sợ thì bị dồn dập mãi không thôi.
- Cứu thần thức: Là đoạn luân hồi và vãng sanh thành Phật. Điều mà chúng ta ai nấy cũng sợ hãi đó là bệnh, già và chết. Cho dù chúng ta lo sợ nhưng mà chúng ta có thoát được đâu. Cuối cùng rồi ta cũng phải chết, tuy nhiên chết chưa phải là hết. Nếu chết là hết thì đâu còn gì để cho chúng ta sợ hãi. Điều mà làm cho chúng ta sợ hãi đó là sau khi chết, tâm thức của mình lại tiếp tục bị thay hình đổi dạng, để chịu mọi đau khổ trong sáu ngã luân hồi đời đời, kiếp kiếp không thể thoát ly. Vì vậy, chúng ta ai cũng sợ chết. (Chỉ có những người si mê cố chấp mới cho chết là hết).
Kính thưa quý bạn! Tất cả chúng ta ai cũng đều có ba tâm bệnh ở trên, nên mới cùng có mặt ở đây (trừ chư Phật, chư Bồ tát thị hiện tái lai). Chúng ta xưa nay cứ sống buông thả vô ý thức, hoàn toàn không biết tâm của mình đang mang bệnh trầm kha. Ngược lại, còn tưởng mình đang sống mạnh khỏe và bình an lắm. Khi thân bị bệnh một chút thì ta vội đi tìm bác sĩ để chữa trị. Còn tâm bị bệnh nhiều đời nhiều kiếp thì ta không lo, không ngó ngàng chi cả. Chúng ta đời đời, kiếp kiếp chỉ lo chữa trị cho cái ngọn mà bỏ quên cái gốc. Rốt cuộc, chúng ta đau khổ vẫn là đau khổ, chết vẫn là chết, luân hồi vẫn là luân hồi.
Muốn cứu chúng sanh thì ta hãy dùng tài năng thiên phú sẵn có của mình để phổ lên ba loại pháp âm huyền diệu, hầu giúp cho chúng sanh lìa khổ được vui. Muốn phổ được ba loại diệu pháp âm ở trên thì ta phải dùng lòng từ bi để phổ thành những tác phẩm hoằng pháp, vì đây là diệu pháp âm A Mi Đà, không phải là những loại nhạc bình thường của người thế gian. Chúng ta cần phải có đầy đủ ba yếu tố quan trọng, đó là: Một, là phải có một nhạc sĩ tài ba từ bi và một ban nhạc hòa tấu điêu luyện. Hai, là phải cần đến một nhóm chư Tăng, Ni hoặc chư Phật tử có tâm từ bi để lập thành một ban hợp ca. Ban hợp ca cần ít nhất là hai mươi người, mười nam và mười nữ. Ngoài ra, chúng ta còn phải phối hợp đầy đủ chất giọng trầm, bổng, mạnh, nhẹ khác nhau thì mới phát huy được thần lực của diệu pháp âm. Ba, là ban nhạc và ban hợp ca phải phối hợp về mặt tâm linh cho được hợp nhất. Tóm lại, muốn phổ được những dòng diệu pháp âm A Mi Đà để cứu chúng sanh, thì phải cần có đầy đủ ba yếu tố quan trọng ở trên. Nếu thiếu một trong ba điều thì diệu pháp âm không thể thành tựu viên mãn được.
Ở đây, chúng tôi xin góp ý về phần tâm lý của ba loại nhạc. Loại pháp âm thứ nhất là “phá vô minh”, dùng để phá căn bệnh tham, sân, si. Căn bệnh này làm thân tâm chúng ta lúc nào cũng nóng như lửa đốt. Muốn trị được ngọn lửa tham, sân, si trong ta thì chỉ có dòng suối cam lồ từ bi tưới mát và làm tan sạch mọi gốc rễ tham, sân, si. Vì vậy, chúng ta phải cần đến những loại nhạc khí nhẹ nhàng thoát tục hay âm thanh thiên nhiên của rừng núi, như là: Tiếng suối chảy, gió reo, mưa rơi, sóng vỗ hoặc chim muôn ca hót,… Chúng ta có thể dùng tiếng khánh nhẹ, tiếng chuông ngân hoặc thu thập thêm nhiều điệu nhạc Thánh ca của các tôn giáo khác ở trên thế giới. Rồi sau đó, chúng ta thanh lọc lại những âm thanh tinh hoa huyền diệu nhất để phổ thành diệu pháp âm nhiệm mầu.
Loại pháp âm thứ hai là “Thiền định”, giúp chúng ta thức tỉnh quay về tự tánh, an định lại thân tâm. Loại Thiền định và loại phá vô minh khi hòa tấu không có khác nhau lắm, chúng chỉ khác nhau ở chỗ là loại Thiền định thì ta không nên dùng nhạc khí nhiều, mà chỉ dùng âm điệu từ chân tâm của mình tuôn chảy ra và phải niệm cho hùng hồn, dũng mãnh và uyển chuyển hợp nhất với nhau.
Kính thưa quý bạn! Chúng ta mỗi người đều có âm thanh và chất giọng khác nhau, chỉ cần ta biết dùng âm thanh từ chân tâm để hòa tấu với nhau, thì sẽ phổ được nhiều dòng pháp âm thần lực không thể nghĩ bàn.
Loại pháp âm thứ ba là “cứu thần thức”. Loại này vô cùng quan trọng để trợ niệm cho người sắp chết. Một người khi sắp chết, thần thức của họ sẽ bị xuống thấp và có nhiều biến chứng như: Hôn trầm, sợ hãi, thể xác đau đớn, nuối tiếc mạng sống, tiền bạc, danh vọng, vợ chồng, cha mẹ, con cháu,… Muốn giúp họ giữ được chánh niệm thì ta phải niệm từ bi như kêu gọi, khuyến tấn và tiễn đưa. Loại pháp âm này hoàn toàn không cần đến nhạc khí và không nên dùng đến mõ, vì tiếng mõ đục sẽ làm thân tâm của ta bị động. Nếu cần thì ta chỉ dùng tiếng khánh, nhưng phải đánh nghe cho thanh tịnh. Còn về người trợ niệm chỉ cần khoảng mười người là đủ. Khi trợ niệm chúng ta không nên niệm quá cao, quá thấp, quá nhỏ, quá lớn, quá nhanh hay quá chậm. Mỗi câu mỗi chữ đều phải niệm rõ ràng và hùng mạnh từ chân tâm tuôn chảy ra. Chúng ta niệm như người làm cha mẹ tha thiết kêu gọi con mình thức tỉnh niệm Phật để đi theo Phật. Tóm lại, chúng ta niệm làm sao giúp cho người hấp hối cảm thấy yên tâm như đang được chư Phật, chư Bồ tát và thân bằng quyến thuộc hộ niệm tiễn đưa. Muốn phổ loại pháp âm trợ niệm cứu thần thức được viên mãn, thì chúng ta nên tập niệm trước một người đang hấp hối giả chết. Trong lúc hộ niệm, thân tâm của ta phải hợp nhất với ban Hộ niệm và dùng hết thần lực từ chân tâm của mình để truyền vào cho người giả chết. Có như vậy thì thần lực từ chân tâm mới phát huy được tột đỉnh, giúp cho người hấp hối giữ được chánh niệm và đồng thời cũng giúp họ xua đuổi đi được oan gia trái chủ đang vây quanh đòi nợ. Tóm lại, chỉ có thần lực từ chân tâm của mình tuôn chảy ra, thì ta mới cứu được thần thức của người hấp hối. Truyền thần lực từ chân tâm nghĩa là mỗi một niệm của ta niệm ra đều là tha thiết và thành khẩn.
Nói về thời gian hòa tấu thì mỗi bài pháp âm phải cần ít nhất là 12 phút, nếu ít hơn sẽ không cứu được chúng sanh. Tại sao? Vì nghiệp chướng và vọng tưởng của chúng ta đã tích tụ quá sâu dày. Cho nên, chúng ta phải cần bốn phút đầu để đuổi đi vọng tưởng, bốn phút kế để ổn định lại thân tâm và bốn phút cuối để gieo chủng tử. Mục đích phổ nhạc pháp âm là để gieo chủng tử A Mi Đà Phật vào tâm của chúng sanh. Nếu chúng ta chưa giúp họ quét đi rác rưởi, chưa đào sâu được tâm thức thì ta làm sao gieo được chủng tử A Mi Đà Phật vào tâm của họ.
Kính thưa quý bạn! Ba loại pháp âm ở trên đều phải dùng chân tâm của mình để hợp niệm, nhưng mỗi loại đều phát tâm khác nhau. Loại phá vô minh thì ta niệm thánh thoát, nhẹ nhàng như dòng suối cam lồ rưới mát để xoa dịu mọi niềm đau. Loại Thiền định thì ta niệm hùng hồn nhưng êm dịu để đánh thức chúng sanh quay về an định lại thân tâm. Loại cứu thần thức thì ta niệm với tâm từ bi như người làm cha mẹ đang khuyến tấn và kêu gọi con mình thức tỉnh và giữ chánh niệm để đi theo Phật. Tóm lại, khi hòa tấu nhạc pháp âm chúng ta phải dùng hết thần lực từ chân tâm của mình để tuôn chảy ra, thì nhạc pháp âm mới được viên mãn. Nhưng trước và sau khi hòa tấu chúng ta nên dùng ba tiếng hồng chung để giúp thân tâm của mình và của người nghe được an định. Nếu chúng ta cảm thấy 12 phút hòa tấu quá dài thì có thể dùng mấy phút đầu niệm Phật bằng tiếng Phạn, tiếp theo là vài phút nhạc hòa tấu… nhưng bốn phút cuối thì ta phải niệm A Mi Đà Phật. Tại sao? Vì bốn phút cuối rất là quan trọng, là lúc để ta gieo chủng tử vào tâm của người nghe. Riêng chỉ có loại cứu thần thức thì ta không thể xen tạp chi cả. Loại niệm Phật cứu thần thức cũng là loại niệm Phật để giúp chúng ta tu trì và đi kinh hành.
Kính thưa quý bạn! Ngoài dùng câu A Mi Đà Phật để hòa tấu ra. Chúng ta nên dùng 48 đại nguyện của Phật A Mi Đà ở trong Kinh Vô Lượng Thọ để phổ thành pháp âm, giúp cho chúng sanh hiểu được lời nguyện của Phật A Mi Đà và sự thù thắng trang nghiêm của cõi Tây phương Cực Lạc.
Lời thỉnh cầu
Kính thưa quý bạn! Âm nhạc là món ăn tinh thần rất cần thiết cho sự sống của muôn loài. Nếu trên thế gian này không có âm nhạc thì loài người sẽ trở thành khô cằn, sỏi đá và cuộc đời này sẽ u buồn ảm đạm không có màu sắc. Vì vậy, các nước Tây phương họ rất tôn kính và yêu quý những người ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ và họ còn tôn vinh những người này là những ngôi sao sáng. Còn riêng tôi thì họ không những là ngôi sao sáng mà họ còn là những vị ân nhân của chúng ta. Tại sao? Vì họ đã mang đến cho nhân loại những món ăn tinh thần quý giá, họ đã hy sinh cả đời cho nghệ thuật, cho nhân loại, xã hội và thế giới. Họ hy sinh cũng như những con tằm âm thầm nhả tơ không ngừng nghỉ, họ luôn đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người. Nhờ có âm nhạc mà tôi mới có cơ hội làm cho mẹ tôi vui trong những lúc mẹ tôi đau buồn hay thương khóc. Đồng thời, âm nhạc cũng mang lại cho tôi sự bình an trong tâm hồn, vì vậy tôi rất mang ơn những người bạn ân nhân này.
Kính thưa quý bạn ca sĩ, nhạc sĩ và nghệ sĩ! Nước Việt Nam chúng ta đã trải qua nhiều thế kỷ chiến tranh, nên dòng âm nhạc của người Việt Nam cũng u buồn, đau khổ theo thời gian. Vì tâm của người Việt Nam đau khổ nên chúng ta không thể sáng tác được nhiều nhạc vui mà đa số chỉ sáng tác những dòng nhạc buồn. Nhất là về nhạc tình cảm, mười bài thì hết chín bài thương yêu rồi xa cách. Tóm lại, dòng âm nhạc của người Việt Nam hết 90% là nhạc buồn, khiến cho người nghe cảm thấy xao xuyến, buồn thương không cầm được nước mắt.
Kính thưa quý bạn! Người Việt Nam đã trải qua quá nhiều đau khổ và nhạc buồn thương của chúng ta cũng đã có quá nhiều. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau chuyển hướng sáng tác và hát thêm những bản nhạc hùng hồn, như là: Từ bi, thánh thiện, yêu đời, đùm bọc, hy sinh, bố thí, tình nghĩa, đạo hiếu,… Chúng ta hãy sáng tác thêm những dòng diệu pháp âm A Mi Đà để giúp cho chúng sanh giác ngộ lìa mê.
Chúng ta hãy cùng nhau hợp sức với chư Tăng, Ni thành lập ra nhiều chương trình đại hội pháp âm hoằng pháp, để đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới với nhiều tiết mục, như là: Thuyết pháp, niệm Phật đi kinh hành,… để giới thiệu Phật pháp đến cho mọi người. Còn nếu chúng ta không có đủ khả năng tổ chức một ban đại hội hoằng pháp để lưu diễn lâu dài, thì chúng ta có thể hợp sức hòa tấu những dòng pháp âm và thâu vào băng đĩa để lưu thông khắp nơi. Nếu chúng ta mỗi chùa đều có một ban nhạc niệm Phật pháp âm để hoằng pháp, thì Phật pháp sẽ được hưng vượng và sẽ thâu nhiếp được nhiều con cháu của ta sau này đến chùa để tu hành niệm Phật. Nếu quý bạn hoàn thành được những dòng pháp âm hoằng pháp thì quý bạn không những là ngôi sao sáng như người đời ca tụng mà quý bạn còn là Bồ tát từ bi cứu khổ chúng sanh. Xin quý bạn hãy suy nghĩ lại.
Kính thưa quý bạn! Nếu chúng ta có nhiều tiền thì hãy đặt nhiều máy chip niệm Phật. Máy chip là cái máy nhỏ bằng nửa bàn tay không cần thay băng nghe 24/24. Cái máy này tuy nhỏ nhưng cứu được vô số chúng sanh. Cái máy chip có thể thay thế cả một đạo tràng và một ban niệm Phật trợ niệm. Nếu chúng ta cúng dường cho mỗi nhà một cái thì cũng như mang lại cho mỗi nhà một đạo tràng và một ban trợ niệm. Mỗi máy chúng ta có thể làm ba hoặc bốn thể loại như: Phá vô minh, Thiền định, cứu thần thức,… Chúng ta hãy đặt loại máy cho tốt thì mới giúp được cho người nghe thoải mái, lâu dài. Còn nếu chúng ta không có tiền để cúng dường thì có thể ứng tiền ra trước để đặt một số nhiều rồi sau đó chia lại cho bạn đồng tu với giá vốn để giúp cho mọi người có cơ hội tu hành. Cách hoằng pháp này có công đức và phước đức vô lượng. Nếu chúng ta ai nấy cũng có máy chip niệm Phật trợ niệm đúng cách ở trong nhà thì khi hấp hối sẽ không còn lo lắng.
Ngày nay, khắp nơi đều có bán những loại máy nhỏ bằng vài ngón tay gọi là máy nghe nhạc MP3, máy chip, máy Ipod,… Chúng ta nên mua để thâu tiếng niệm Phật trợ niệm vào, rồi trữ sẵn trong nhà để phòng khi có chuyện. Chúng ta có thể dùng những loại máy nhỏ này đeo bên cạnh hằng ngày để tu niệm cũng rất là có lợi.