BỒ TÁT NGHỊCH DUYÊN
24/04/2018
NIỆM PHẬT CÁCH NÀO ĐỂ ĐƯỢC NHẤT TÂM?
25/04/2018

MUỐN ĐƯỢC NHẤT TÂM KHÔNG TU XEN TẠP

(Bài này trích ra từ cuốn sách “TỊNH ĐỘ THỰC CHỨNG” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Từ nhỏ tôi được mẹ dẫn vào chùa cho làm Phật tử, nhưng chỉ được vài năm thì đất nước thay đổi, từ đó, cuộc sống của tôi luôn bôn ba, bận rộn. Sau đó, tôi qua Mỹ thì cuộc sống lại càng bận rộn hơn, nên tôi không có thời gian để tìm hiểu về Kinh Phật. Sau khi nghe tin mẹ tôi mất, tôi chỉ biết niệm Phật ngày đêm để cầu siêu cho ông bà, cha mẹ và chúng sanh. Ngoài niệm Phật ra, tôi không có tụng Kinh hay tham Thiền chi cả. Thậm chí, tôi cũng không có thời gian để tìm hiểu về Kinh Phật, vì cuộc sống của tôi không cho phép. Nhưng tôi không ngờ pháp môn Tịnh độ thật là nhiệm mầu. Nhờ tôi thành tâm niệm Phật cầu siêu cho ông bà, cha mẹ và chúng sanh nhiều năm mà tôi niệm Phật được nhất tâm. Sau khi được nhất tâm, tôi mới thấy trong cái rủi có cái may. Cái may ở đây là tôi không có nhiều thời gian, nếu không thì tôi sẽ tu học đủ pháp môn, vì tính tôi thích tìm hiểu đủ thứ. Sau khi được nhất tâm, tôi mới hiểu được câu nói của Ngài Tịnh Không. Ngài nói rằng: “Trong 49 năm thuyết pháp của Phật, lời nói quan trọng nhất đó là niệm cái gì thì thành cái nấy”. Nghĩa là mình niệm Phật thì sẽ thành Phật.

Sau khi hiểu được câu nói của Ngài, tôi giật mình và thầm cám ơn cuộc sống bận rộn của tôi. Qua quá trình tu tập tôi hiểu được chân tướng của pháp môn Tịnh độ. Cũng như vàng vốn nguyên thủy là chói sáng, nếu chúng ta trộn vàng lẫn với đồng, thì sẽ làm mất đi bản thể chói sáng của vàng. Niệm Phật cũng vậy, chúng ta niệm Phật là niệm cho ông Phật của ta, không phải niệm cho chư Phật. Nếu ta tu niệm xen tạp thì biết đến bao giờ mới được nhất tâm? Chúng ta niệm Phật là mong công phu của mình đạt thành một khối, đúc thành một niệm, để thành nhất tâm chỉ còn một niệm. Nhưng nếu ta không hiểu lại đi tụng đủ loại Kinh hay tu xen tạp, vậy thì đâu có khác gì ta đang đem vàng đi trộn lẫn với đồng. Nếu ta cứ đem chúng trộn lẫn với nhau như vậy mãi, thì biết đến bao giờ ta mới tìm được bản thể của vàng? Đến bao giờ ta mới thấy được chân tâm của ta?

Cũng như Ngài Tịnh Không có đưa ra một ví dụ: “Nhà của Phật A Mi Đà có nhiều cửa khác nhau. Chúng ta muốn vào thì chỉ đi vào bằng một cửa. Khi vào được một cửa rồi thì các cửa khác đều thông. Nếu ta muốn đi vào một lúc bằng hai ba cửa, thì không cách chi vào được”. Cũng như ông bà mình có một câu nói rằng: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Chúng ta tu hành cũng vậy, chỉ một môn thuần thục viên mãn là sẽ thành Phật. Trong Kinh Phật nói câu A Mi Đà Phật đã bao gồm hết tất cả các công đức như:

  1. Niệm hết ba đời mười phương chư Phật.
  2. Tụng hết tất cả Kinh, Chú của Phật.
  3. Tu hết tất cả môn, tông, phái.

Tóm lại, câu A Mi Đà Phật đã bao gồm hết tất cả tánh đức của ba đời mười phương chư Phật và cũng bao gồm tất cả tánh đức của chúng sanh. Vì vậy, chư Phật và Bồ tát từ xưa đến nay đều tán thán hai bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” và “Kinh A Mi Đà” là hai bộ Kinh Trung Chi Vương. Nghĩa là hai bộ Kinh cao siêu nhất của Phật. Tại sao? Vì hai bộ Kinh này đã đúc kết tất cả cốt tủy của hết thảy Kinh giáo của Phật.

Tại sao các pháp môn khác phải cần tu thêm niệm Phật, còn pháp môn niệm Phật thì không cần tu thêm các pháp khác? Vì pháp môn Tịnh độ là cao siêu nhất, là pháp môn vượt khỏi không gian và thời gian. Không có pháp tu nào có thể so sánh và danh hiệu A Mi Đà chính là bằng chứng hùng hồn để cho chúng ta tin.

Kính thưa quý bạn! Trước kia vì không hiểu đạo, nên tôi niệm danh hiệu A Mi Đà Phật thì ít, mà niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát thì nhiều. Sau khi hiểu được câu Phật hiệu A Mi Đà Phật cao siêu thù thắng, từ đó tôi không còn niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát. Tại sao? Vì Quán Thế Âm Bồ tát cũng là Phật. Khi ta niệm danh hiệu A Mi Đà Phật là đã niệm hết mười phương chư Phật và chư Bồ tát. Nói như vậy không có nghĩa là ta niệm cho chư Phật và Bồ tát, mà là niệm cho ông Phật trong tâm của ta. Đồng thời ta cũng thâu nhiếp được thần lực của mười phương chư Phật và Bồ tát gia trì.

Ở đây, tôi xin phân tích thêm, để quý bạn hiểu tại sao Phật dạy niệm Phật sẽ thành Phật. Phật thấy trong mỗi chúng sanh tuy mang một thân thể, nhưng có nhiều tâm khác nhau. Nhưng chung quy chỉ có bốn tâm làm căn bản, đó là: Tâm Phật, tâm người, tâm ma và tâm thú. Hằng ngày chúng ta niệm tâm gì thì ta sẽ thành tâm nấy. Niệm đồng nghĩa với chiêm ngưỡng và quán tưởng:

  1. Niệm từ bi A Mi Đà thì thành tâm Phật = sẽ thành Phật;
  2. Niệm đạo đức thì thành tâm người = sẽ thành người;
  3. Niệm thần thông, tham sân thì thành tâm ma = sẽ thành ma;
  4. Niệm si mê, điên đảo thì thành tâm thú = sẽ thành thú.

I. Phần quan trọng

Ở đây, tôi xin nêu ra vài sự xen tạp vi tế mà chúng ta đang vướng phải. Nếu chúng ta nhận diện được chúng rõ ràng, thì công phu tu niệm của ta mới được thành tựu viên mãn. Đa số chúng ta vẫn còn bị lẫn lộn giữa niệm Phật tu phước và niệm Phật để thành Phật. Niệm Phật tu phước thì ta tu xen tạp làm sao cũng được, nhưng tu niệm Phật để thành Phật thì ta không thể có một chút xen tạp, dù là sự xen tạp của tiếng gõ mõ hay đánh khánh (nếu đánh khánh dẫn chúng thì không sao). Tại sao? Vì khi gõ mõ, đánh khánh sẽ làm thân tâm của ta bị động (tức làm câu Phật hiệu bị tán loạn). Khi thân tâm bị động thì câu Phật hiệu sẽ không được hợp nhất. Nếu câu Phật hiệu không được hợp nhất thì ta làm sao được nhất tâm? Tiếng mõ, tiếng khánh giúp thân tâm của ta thức tỉnh. Nhưng nếu dùng chúng không đúng chỗ thì sẽ làm chướng ngại cho sự tu tập của ta.

Khi niệm Phật ta nên bỏ hết hình thức không cần thiết. Vì còn hình thức là còn xen tạp, còn xen tạp là còn chướng ngại (buông xả hình thức không phải buông xả cách thức). Tại sao? Vì khi niệm Phật, thân tâm của ta phải được hợp nhất. Nếu thân tâm bị hình thức dẫn dắt thì ta làm sao được nhất tâm? Tôi biết quý bạn sẽ nói rằng: “Nếu niệm Phật không được gõ mõ, đánh khánh, vậy thì tại sao các băng đĩa niệm Phật của quý Thầy đều có tiếng mõ, tiếng khánh?”.

Kính thưa quý bạn! Nhạc niệm Phật khác với trì danh niệm Phật. Tại sao? Vì nhạc niệm Phật phải có tiếng mõ và tiếng khánh. Vì nhạc phải có nhịp, đây gọi là nhạc và nhịp hợp nhất. Tóm lại, khi niệm Phật thì thân tâm của ta phải được hợp nhất và uyển chuyển tự nhiên, nhưng phải dũng mãnh như dòng suối tuôn chảy vào tâm. Lâu ngày thân tâm của ta sẽ được hợp nhất. Khi thân tâm được hợp nhất thì ta sẽ được nhất tâm tam muội.

Đa số chúng ta vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa tu xen tạp và không xen tạp khác nhau ở chỗ nào? Vì chưa hiểu rõ, nên chúng ta bị hoang mang và hiểu lầm cho rằng nếu mình tụng Kinh, gõ mõ ở nhà hay ở chùa là mình bị tu xen tạp. Cũng vì những sự hiểu lầm này mà có nhiều người đã bỏ tụng Kinh. Thật ra không phải vậy, xin quý bạn chớ có hiểu lầm. Bây giờ tôi xin phân tích để quý bạn hiểu về ý nghĩa xen tạp và không xen tạp khác nhau ở chỗ nào?

  1. Nếu bạn đang tu Tịnh độ mà nghĩ rằng: “Câu A Mi Đà Phật không có đủ công đức để được vãng sanh. Vì vậy, mình phải cần tu thêm tham Thiền, tụng Kinh hay trì Chú… thì mới có đủ công đức để được vãng sanh về cõi Phật A Mi Đà”. Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn tu xen tạp rồi đấy.
  2. Nếu bạn nghĩ rằng: “Câu A Mi Đà Phật đã có đầy đủ công đức để sanh về cõi Phật A Mi Đà. Còn chuyện mình tụng Kinh hay trì Chú… chỉ là giúp cho chúng sanh ở xung quanh nghe được những lời của Phật dạy mà thức tỉnh tu hành”. Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn tu hành chuyên nhất rồi đấy.

Tóm lại, tu hành xen tạp hay không, là phải tính ở chỗ tâm của bạn có hiểu được mình đang làm gì hay không, có biết đâu là tu xen tạp hay không và có biết phân biệt đâu là tu công đức và phước đức hay không? Nếu bạn hiểu rõ được mình đang làm gì, thì bạn sẽ không bị rơi vào tu xen tạp. Còn nếu ngược lại, thì bạn sẽ bị rơi vào tu xen tạp mà chính mình không hay. Thật ra, nếu bạn tu xen tạp thì cũng không có hại gì. Chỉ có điều là nó sẽ làm chướng ngại cho bạn niệm Phật khó được nhất tâm mà thôi. Thật ra, vì quý bạn chưa hiểu được sự nhiệm mầu của pháp môn Tịnh độ, nên mới còn tu hành xen tạp. Nếu quý bạn tin được câu A Mi Đà Phật 100% thì không cần phải tụng thêm Kinh hay trì Chú gì nữa cả. Tại sao? Vì công đức của câu A Mi Đà Phật đã bao gồm hết tất cả rồi. Còn nói về Kinh Phật thì ví như là tấm bản đồ.

Ví dụ: Bạn muốn đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, thì bạn phải cần có tấm bản đồ để tìm hiểu đường đi. Nhưng nếu bạn đã biết rõ đường đi rồi, thì tấm bản đồ đó không cần dùng đến nữa. Kinh Phật cũng như vậy đó. Nếu bạn chưa hiểu được lời Phật dạy, chưa tin được pháp môn Tịnh độ 100% thì bạn phải cần tụng Kinh để tìm hiểu những lời của Phật dạy. Nhưng khi bạn đã hiểu được những lời của Phật dạy rồi, thì nên bỏ Kinh qua một bên, mà chỉ lo tập trung tu niệm Phật ngày đêm để khai mở trí tuệ của mình là đủ. Còn nếu bạn đã tin được pháp môn Tịnh độ 100% rồi, nhưng vì muốn tu thêm phước, thì bạn có thể tụng Kinh để giúp cho những chúng sanh (người sống và người chết) ở xung quanh nghe được những lời Phật dạy mà thức tỉnh tu hành. Tóm lại, bạn phải hiểu tụng Kinh là tu phước đức, còn niệm Phật là tu công đức.

II. Phần nhắc nhở

Có một điều quan trọng mà chúng ta cần nên biết, đó là: Nếu chúng ta đang tu Tịnh độ là chính và tu Thiền là phụ, thì không nên đi nói với người ta rằng: “Tôi tu Thiền, Tịnh song tu”. Nếu chúng ta nói với những người không hiểu đạo thì không sao. Nhưng nếu chúng ta đi nói với những người hiểu về pháp môn Tịnh độ, thì sẽ bị người ta cười mình đấy. Tại sao? Vì pháp môn Tịnh độ đã bao gồm luôn cả Thiền và Mật ở trong đó rồi. Không những là bao gồm luôn cả Thiền và Mật, mà nó còn bao gồm luôn cả tám vạn bốn ngàn pháp môn. Vì vậy, Tịnh độ được gọi là pháp môn Như Lai Diệu thiền.

Bây giờ chúng tôi xin lấy vàng để làm ví dụ, thì quý bạn dễ hiểu hơn. Pháp môn Tịnh độ là ví như vàng 24, mà vàng 24 là cao nhất rồi. Còn pháp môn Thiền là ví như vàng 12, 14, 18, 20, vì Thiền thì có nhiều loại Thiền cao thấp khác nhau. Tại sao ở đây tôi không dùng vàng 24 để ví cho Thiền, mà tôi chỉ dùng vàng 20 để ví cho Thiền? Là vì ở đây tôi đang so sánh giữa Tịnh và Thiền, nên tôi không thể dùng vàng 24 để ví cho Thiền tông được. Tại sao? Vì Tịnh độ cao hơn Thiền tông rất xa, cho dù đó là Thiền đốn ngộ. Vì vậy, ở đây tôi phải dùng vàng 20 để ví cho Thiền đốn ngộ của Thiền tông. Thật ra, pháp môn Tịnh độ không thể dùng vàng để so sánh được, mà phải dùng kim cương hạng nhất để so sánh. Tại sao? Vì Tịnh độ là pháp môn cao siêu và khó tin. Nhưng nếu tôi lấy kim cương để so sánh với vàng thì quý bạn sẽ khó hiểu, vì vậy tôi phải tạm dùng vàng để so sánh với pháp môn Tịnh độ, thì quý bạn dễ hiểu hơn. Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào phần so sánh.

Ví dụ: Bạn đang có một lượng vàng 24 trong tay, nhưng bạn lại không biết giá trị của nó. Sau đó, bạn đem lượng vàng này đến nhờ người thợ bạc cho thêm vàng 18 hoặc 20 vào, để cho giá trị lượng vàng của bạn được tăng lên cao. Nếu bạn là người thợ bạc thì bạn sẽ nghĩ sao? Có phải bạn sẽ cười người khách si mê đó phải không?

Nếu bạn tu Thiền là chính, tu Tịnh là phụ thì bạn có thể nói với người ta rằng: “Tôi tu Thiền, Tịnh song tu”. Tại sao? Vì bạn đang tu Thiền là vàng 20, giờ cộng thêm tu Tịnh là vàng 24 thì dĩ nhiên là quá tốt. Vì vàng 20 mà có vàng 24 thêm vào thì vàng 20 sẽ có giá trị cao hơn.

Còn nói về Mật tông cũng vậy. Nếu bạn đang tu Mật là chính, tu Tịnh là phụ thì bạn có thể nói rằng: “Tôi tu Mật, Tịnh song tu”. Vì Mật tông mà đem so sánh với Tịnh độ, thì Mật tông cũng chỉ là vàng 20 mà thôi. Vì vậy, trước khi nói: “Thiền, Tịnh song tu” hay “Mật, Tịnh song tu” thì chúng ta phải cần hiểu cho rõ là mình đang nói gì? Tóm lại, nếu quý bạn đang tu Tịnh độ là chính, thì không nên đi nói với người ta là mình đang tu “Thiền, Tịnh song tu” hay “Mật, Tịnh song tu”.

III. Giải tỏa lo lắng

Đa số chúng ta vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa nhiệm mầu của hai câu: Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát Nam mô A Mi Đà Phật. Vì chưa hiểu rõ nên chúng ta vẫn còn lo lắng đủ điều như là: “Không biết mình nên tu niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát hay là tu niệm Nam mô A Mi Đà Phật”. Có nhiều bạn còn nghĩ rằng: “Lâu nay mình đã tu niệm Quán Thế Âm Bồ tát, bây giờ đổi sang tu niệm A Mi Đà Phật, làm như vậy không biết là mình có tội với Mẹ Quán Âm hay không…?”. Thậm chí, có nhiều bạn còn cho rằng: “Niệm Mẹ Quán Thế Âm thì sẽ được gia hộ và mau được lành bệnh hơn là niệm A Mi Đà Phật”. Tóm lại, quý bạn lo lắng đủ điều.

Bây giờ chúng tôi xin phân tích tóm gọn để quý bạn không còn lo lắng nữa. Trước khi giải thích vào hai câu: Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát Nam mô A Mi Đà Phật, thì tôi xin giải thích sơ lược về hai chữ: “Tụng” và “Niệm” khác nhau ở chỗ nào, để quý bạn không còn nhầm lẫn.

Tụng: Nghĩa là đọc, đọc để tìm hiểu ý nghĩa của Phật dạy trong Kinh. Sau khi tìm hiểu xong rồi, thì ta phải nương theo đó để mà tu sửa thân tâm. Chúng ta không nên hiểu lầm cho rằng tụng Kinh là để cho chư Phật nghe.

Niệm: Nghĩa là chiêm ngưỡng và quán tưởng. (Chiêm ngưỡng, nghĩa là chiêm ngưỡng tướng đẹp quang minh của chư Phật; quán tưởng, nghĩa là quán tưởng vào nội tâm, để biết mình cũng có sẵn đức tướng và quang minh như chư Phật không khác). Chúng ta phải biết chiêm ngưỡng và quán tưởng như vậy mỗi ngày, thì mới chuyển hóa được tâm của mình như tâm của chư Phật. Tóm lại, niệm nghĩa là niệm tâm Phật của mình. Nói cho dễ hiểu là: Niệm để đánh thức ông Phật trong ta dậy để đi làm Phật. Chúng ta không nên hiểu lầm cho rằng niệm Phật là để cầu xin. Bây giờ chúng ta trở lại tìm hiểu ý nghĩa Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát và Nam mô A Mi Đà Phật khác nhau ở chỗ nào để ta không còn lo lắng.

Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát:

Nam mô: Nghĩa là quay về;

Quán: Nghĩa là quán chiếu nội tâm của mình;

Thế: Nghĩa là thế giới chúng sanh tham, sân, si ở trong tâm mình và thế giới chúng sanh luân hồi sanh tử;

Âm: Nghĩa là âm thanh huyền diệu sẵn có ở trong Diệu tâm của mình;

Bồ tát: Nghĩa là lắng nghe, từ bi và cứu khổ.

Tóm lại, mỗi một niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát” mà ta đang tu niệm hằng ngày, đều là nhắc nhở mình phải biết quay vào quán chiếu nội tâm và đoạn đi tánh tham, sân, si của mình để trở về làm Phật.

Nam mô A Mi Đà Phật:

Nam mô:  Nghĩa là quay về (quy y);

A: Nghĩa là Diệu trí tuệ sáng suốt sẵn có của ta (giác);

Mi: Nghĩa là Diệu tánh nghe, Diệu tánh thấy, Diệu tánh tư duy và Diệu tánh biết sẵn có của ta (chánh);

Đà: Nghĩa là Diệu tánh thanh tịnh sẵn có của ta (tịnh);

Phật: Nghĩa là vô lượng quang và vô lượng thọ của ta (toàn giác).

Tóm lại, mỗi một niệm “Nam mô A Mi Đà Phật” mà ta đang tu niệm hằng ngày, đều là trực chỉ trở về để làm Phật A Mi Đà có vô lượng quang và vô lượng thọ.

Qua sự phân tích tóm gọn ở trên, cho chúng ta thấy niệm A Mi Đà Phật mau được thành Phật hơn, có phải vậy không? Câu trả lời này không phải do tôi tự đặt ra, mà câu trả lời này là do chư Phật đã trả lời cho ta biết đó. Chẳng qua chúng ta không để ý, nên không thấy được chân tướng đó thôi. Tôi biết quý bạn sẽ hỏi rằng: “Chư Phật nói cho chúng ta biết ở đâu?”.

Kính thưa quý bạn! Chư Phật đã trả lời cho chúng ta biết ở ngay trong hai câu Phật hiệu “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát” và “Nam mô A Mi Đà Phật”. Quý bạn thử nghĩ xem: Tại sao xưa nay chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ tát mà không niệm là Quán Thế Âm Phật? Còn câu A Mi Đà Phật cũng vậy. Tại sao chúng ta không niệm là A Mi Đà Bồ tát mà chúng ta phải niệm là A Mi Đà Phật? Là vì nếu ta tu niệm Quán Thế Âm Bồ tát thì ta chỉ thành Bồ tát Quán Thế Âm thôi, còn nếu ta niệm A Mi Đà Phật thì ta sẽ thành Phật A Mi Đà. Tại sao? Vì trong Kinh Phật nói: Tất cả vạn pháp đều từ tâm tưởng sanh”. Từ tâm tưởng sanh, nghĩa là nếu hằng ngày ta tưởng niệm Bồ tát thì ta sẽ thành Bồ tát. Nếu hằng ngày ta tưởng niệm Phật thì ta sẽ thành Phật. Chân tướng này chỉ có chư Phật mới hiểu được thôi. Vì hiểu được nên chư Phật mới khuyên dạy chúng ta rằng: “Các con phải luôn tu niệm Phật tánh A Mi Đà của mình để trở về làm Phật”.

Kính thưa quý bạn! Chúng ta là phàm phu, nên không thấy được sự biến hóa vi diệu của tâm thức. Chỉ khi nào thành Đẳng giác Bồ tát, thì chúng ta mới thấy được sự biến hóa của tâm thức. Nhờ thấy được sự biến hóa của tâm thức, mà những vị Đẳng giác Bồ tát ở Hoa Tạng thế giới như là: Ngài Quán Thế Âm, Ngài Đại Thế Chí, Ngài Văn Thù, Ngài Phổ Hiền,… cuối cùng đều phải phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà để thành tựu Phật quả. Qua sự phân tích ở trên cho chúng ta thấy câu: “Nam mô A Mi Đà Phật” cao siêu và thù thắng biết dường nào. Vậy quý bạn còn chần chừ gì mà không mau tu niệm A Mi Đà Phật?

IV. Phần trì Chú

Nói về vấn đề trì Chú thì quý bạn muốn trì thêm cũng không sao. Nhưng thật ra cũng không cần, vì câu A Mi Đà Phật là Phật Chú cao siêu nhất của chư Phật rồi. Chỉ trừ những trường hợp đặc biệt, nếu bạn bị ma nhập trước đó hay sau khi mới phát tâm tu niệm, thì bạn nên trì thêm một đoạn Chú Lăng Nghiêm hay Chú Đại Bi để phù trợ. Tại sao? Vì bạn là người mới phát tâm tu, nên công phu chưa có nhiều và niềm tin của bạn đối với pháp môn Tịnh độ cũng chưa có vững. Nếu niềm tin của bạn chưa được vững, thì Phật lực của bạn sẽ không phát huy được mạnh. Vì Phật lực chưa phát huy được mạnh, nên bạn không thâu nhiếp được Phật lực của chư Phật nhiều. Vì vậy mà bạn không có đủ sức để bảo vệ mình khi bị oan gia đánh phá. Thật ra, các loại Thần chú của Phật dạy có công năng bất khả tư nghì. Chúng có khả năng giúp bảo vệ huệ mạng của ta và thuần phục được chúng ma. Thần Chú, ví như những đoàn quân cảnh sát có đủ sức mạnh để bảo vệ an toàn cho người dân.

Cũng như ở ngoài đời, nếu bạn bị bọn cướp đột nhập vào nhà, thì bạn phải cần gọi cảnh sát đến để giải cứu cho bạn. Trì chú có công năng bảo vệ và giải cứu bạn cũng như vậy. Vì vậy, những người tu Thiền quán thì phải luôn trì Chú. Vì nếu rời khỏi trì Chú thì người tu Thiền quán không thể chống chọi với cạm bẩy của chúng ma.

Nhưng người tu Tịnh độ thì hoàn toàn khác, chúng ta không cần phải trì thêm những loại Thần chú khác. Chỉ trừ những trường hợp đặc biệt mà chúng tôi đã nêu ra ở trên. Tại sao? Vì câu A Mi Đà Phật là Phật Chú cao siêu nhất của chư Phật. Nếu chúng ta tin được câu Phật Chú A Mi Đà 100%, thì không có chúng ma nào có thể hãm hại được ta. Trong Kinh Phật nói: Chúng sanh nào phát tâm niệm Phật để thành Phật, thì đều có 25 vị Bồ tát luôn ở bên cạnh bảo vệ ngày đêm, không cho chúng ma quấy nhiễu”. Thật ra, chúng ta không phải chỉ có 25 vị Bồ tát ngày đêm phóng quang gia hộ, mà chúng ta lúc nào cũng có Phật quang của mười phương chư Phật bảo vệ. Nếu chúng ta tu cao, thì sẽ thấy được Phật quang của chư Phật luôn bao phủ trên thân của ta 24/24. Nhờ có Phật quang bao phủ, mà thân tâm của ta mới phát ra hào quang và trí tuệ của ta mỗi ngày thêm sáng.

Kính thưa quý bạn! Nếu trên đường tu hành mà chúng ta bị chúng ma đánh phá, thì không nên khởi tâm sân hận hay trả thù. Vì làm như vậy chỉ tạo thêm ân oán với họ mà thôi. Quý bạn nên biết rằng những oan gia đang đánh phá chúng ta đó, đều là những chúng sanh mà ta đã mắc nợ họ trong quá khứ. Nếu chúng ta hiểu được như vậy thì sẽ không có oán trách họ. Nếu là oan gia thì ta nên mở chứ không nên trói. Muốn hóa giải được oán thù, thì mỗi khi họ đến đánh phá ta chỉ cần thành tâm niệm A Mi Đà Phật là đủ.

Điều quan trọng là trong lúc niệm Phật, ta phải tin sâu vào câu A Mi Đà Phật và tin Phật A Mi Đà 100%, thì Phật lực của ta mới thâu nhiếp được nhiều Phật lực của chư Phật. Khi hai nguồn Phật lực của chư Phật và của ta được dung thông hợp nhất với nhau, thì sẽ tạo ra một vòng Phật quang trong sáng bao phủ khắp trên thân của ta. Khi thân tâm của ta có Phật quang bao phủ, thì chúng ma sẽ không hại được ta. Tuy lúc đó chúng ma không hại được ta trực tiếp, nhưng chúng sẽ đứng ở xa và dùng đủ cách để hù dọa ta. Nhưng nếu lúc đó ta giữ được chánh niệm và giữ vững niềm tin với Phật A Mi Đà, thì chúng ma sẽ không làm gì được ta.   

Còn câu A Mi Đà Phật tại sao được mệnh danh là Phật Chú. Là vì câu Phật Chú A Mi Đà không làm cho chúng ma bị tổn thương hay sanh thêm oán hận. Câu Phật Chú A Mi Đà có công năng nhiệm mầu, như là: Trong thì giúp cho ta mau được thành Phật, còn ngoài thì giúp cho chúng sanh mau được thức tỉnh hồi đầu. Vì vậy, câu “Phật Chú A Mi Đà” nhiệm mầu hơn các câu “Thần chú” khác là ở điểm này. Thêm vào, câu Phật Chú A Mi Đà chính là thể tánh Diệu tâm của mười phương chư Phật và cũng là thể tánh Diệu tâm của mười phương thế giới chúng sanh. Vì cùng một thể tánh Diệu tâm, nên mỗi niệm của ta đang tu niệm hằng ngày, đều là trực chỉ dung thông với tâm của mười phương chư Phật và trực chỉ dung thông với tâm của mười phương chúng sanh. Nhờ tâmtâm được dung thông hợp nhất với nhau, mà ta mới chuyển hóa được tâm si mê của mình và chuyển hóa được tâm si mê của chúng sanh.

Nói một cách khác cho dễ hiểu là: Khi ta niệm A Mi Đà Phật, thì cũng như ta đang mặc trên người của mình một cái áo giáp quang minh vô hình của chư Phật. Cái áo giáp Phật quang này sẽ theo ta như bóng với hình không thể tách rời nhau. Nó có công năng nhiệm mầu để bảo vệ huệ mạng của ta và bảo vệ huệ mạng của chúng sanh. Nói như vậy không có nghĩa là Phật quang không có đủ công năng để cản trở chúng ma đang muốn hãm hại ta. Thật ra không phải vậy, mà ngược lại Phật quang có công năng rất là nhiệm mầu, sẽ làm cho chúng ma có tâm ác không dám đến gần để quấy phá chúng ta. Tại sao? Vì chúng ma có tâm ác họ rất sợ ánh sáng, mà nhất là ánh sáng của chư Phật thì họ càng không chịu nổi. Chỉ trừ những chúng ma có tâm tu hành, thì họ mới đến được gần chúng ta. Họ đến không phải là để hại ta, mà họ đến là để tu hành và hộ pháp cho ta.

Tại sao ở trên tôi chỉ dùng ngôn từ cản trở chúng ma, mà không dùng ngôn từ đánh trả chúng ma? Là vì trong câu A Mi Đà Phật không có ngôn từ đánh trả hay là tổn thương, mà chỉ có ngôn từ bảo vệ, từ bi, tha thứ giác ngộ chúng sanh thôi. Chúng tôi nói tóm gọn như vậy là để cho quý bạn dễ hiểu. Trên thực tế thì câu Phật Chú A Mi Đà có vô lượng công đức không thể nghĩ bàn.  

Kính thưa quý bạn! Qua sự phân tích ở trên, quý bạn đã hiểu được phần nào công đức nhiệm mầu của câu Phật Chú A Mi Đà rồi. Vậy thì quý bạn còn gì để mà lo lắng, còn gì để mà trì thêm các loại Chú khác… Nếu quý bạn cứ lo lắng và tu hành xen tạp mãi như vậy, thì biết đến bao giờ mới được nhất tâm? Và biết đến bao giờ thân tâm của bạn mới phát ra Phật quang?

Còn một điều quan trọng mà chúng ta cần phải biết, đó là: Nếu chúng ta là người chuyên tu Tịnh độ, thì không nên đụng một chút là dùng đến các loại Thần chú để đánh đuổi chúng ma. Vì nếu ta càng đánh đuổi họ thì càng gây thêm oán thù với họ. Nếu chúng ta không muốn gây thêm oán thù với họ, thì mỗi khi họ đến quấy nhiễu, ta chỉ cần nhiếp tâm niệm Phật tha thiết là đủ. Nhưng trong lúc niệm Phật ta nên thành tâm sám hối và xin họ tha thứ cho những lỗi lầm mà ta đã tạo ra cho họ trong quá khứ. Nếu được như vậy thì ngay giây phút ta niệm Phật tha thiết, thì cũng là giây phút Phật quang của ta phát ra được mạnh. Khi Phật quang trong ta phát ra càng mạnh, thì ta sẽ thâu nhiếp được Phật quang của chư Phật càng nhiều. Một khi Phật quang của ta và Phật quang của chư Phật hai bên được dung thông hợp nhất với nhau, thì sẽ bảo vệ được thân tâm của ta và đồng thời cũng chuyển hóa được tâm oán hận của chúng ma. 

Tóm lại, nếu mỗi lần bị oan gia tấn công mà ta đều thành tâm niệm Phật và sám hối với họ, thì qua một thời gian họ sẽ tha thứ cho ta. Không những là họ sẽ tha thứ cho ta, mà có khi họ còn quay lại để hộ pháp cho ta tu hành mau đắc quả. Tại sao? Vì lòng từ bi của ta đã làm cho họ cảm động, kính phục và nhờ có Phật quang của ta tỏa ra mà họ được giác ngộ. Vì được giác ngộ nên họ muốn hộ pháp cho ta để họ có thêm phước đức. Ngoài hộ pháp cho ta ra, họ cũng muốn nương theo Phật quang của ta để tu hành thành Phật.

Kính thưa quý bạn! Vì chúng ta còn bị kẹt ở trong thân tứ đại này, nên không thấy được Phật quang của người khác. Nhưng những chúng sanh khuất mặt thì họ sẽ nhìn thấy được Phật quang trên thân chúng ta. Do vậy, chúng ta tu giả hay thật họ đều trông thấy hết. Chúng ta có thể gạt mình và gạt người, nhưng không thể gạt chư Phật, Bồ tát, quỷ, thần,Nếu chúng ta tu hành mà không có lòng từ bi, không có lòng sám hối để hóa giải hận thù, thì ta sẽ làm cho oan gia của ta tăng thêm thù hận và sự oán hận đó sẽ theo ta mãi mãi, không bao giờ dứt. Vì vậy, muốn trì thêm các loại Thần chú, thì ta phải suy nghĩ cho kỹ và tự hỏi lòng mình có tu hành chân chính chưa? Nếu chưa thì không nên trì Chú. Tại sao? Vì nếu ta trì Chú mà vẫn còn làm những chuyện bất thiện, vẫn còn sát hại chúng sanh thì ta sẽ bị tác động ngược lại.

Cũng như ở ngoài đời, nếu bạn gọi cảnh sát đến để bắt bọn cướp hay kẻ thù của bạn đi. Khi cảnh sát đến nơi mà họ biết bạn cũng là người xấu, thì họ cũng sẽ bắt bạn đi luôn. Vì cảnh sát làm việc theo luật pháp, nên họ không nể tình bất cứ một ai. Đó là chưa nói đến kẻ thù của bạn sẽ tăng thêm oán thù với bạn. Vì vậy, mỗi khi trì Chú tâm của bạn phải từ bi và trong sáng, thì trì Chú mới có linh nghiệm.

Tóm lại, nếu quý bạn muốn tu hành mau được nhất tâm thì không nên tu xen tạp, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt mà thôi. Còn những người tu Thiền quán thì phải cần trì Chú Lăng Nghiêm, Chú Đại Bi,… để bảo vệ huệ mạng của mình. Nếu người tu Thiền mà không trì Chú miên mật và không giữ thân tâm của mình thanh tịnh, thì sẽ bị chúng ma hãm hại ngay.

Còn nói về phần quán đảnh thì người tu Tịnh độ cần phải biết, đó là: Mỗi một niệm A Mi Đà Phật mà chúng ta đang tu niệm hằng ngày, đều là được Phật A Mi Đà trực tiếp quán đảnh cho ta rồi. Nếu trong mỗi niệm của ta đều được chư Phật trực tiếp quán đảnh cho ta, vậy thì quý bạn cần gì phải chạy đông chạy tây để tìm người quán đảnh cho mình. Quý bạn thử nghĩ xem ở trên đời này có ai cao bằng Phật A Mi Đà không? Thêm vào, chúng ta không phải chỉ có Phật A Mi Đà quán đảnh cho ta, mà ta còn được mười phương chư Phật quán đảnh cho ta ngay trong mỗi niệm. Điều này cho thấy pháp môn Tịnh độ cao siêu biết dường nào. Xin quý bạn đừng chạy lang thang nữa và cũng đừng đứng núi này trông núi kia nữa. Quý bạn hãy lo tu niệm Phật gấp rút ngày đêm, vì chúng ta vốn không còn nhiều thời gian nữa.