NIỆM A MI KHÔNG NÊN LO LẮNG
24/04/2018
MUỐN ĐƯỢC NHẤT TÂM KHÔNG TU XEN TẠP
25/04/2018

BỒ TÁT NGHỊCH DUYÊN

(Bài này trích ra từ cuốn sách “TỊNH ĐỘ THỰC CHỨNG” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Ở đây, tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm, khi được chứng đạo chúng ta sẽ bị chúng ma đánh phá như thế nào, để quý bạn tìm hiểu thêm. Khi chúng ta tu hành được chứng đạo và trên thân có hào quang tỏa ra, thì cũng là lúc ta phải đối diện với chúng ma. Nghĩa là tới lúc đó chúng ma sẽ dùng thần lực để đánh phá ta. Tại sao? Vì chúng ma lo sợ Phật quang của ta sẽ làm tiêu tan các cung Trời của chúng. Trong Kinh, Phật cho chúng ta biết cõi Trời “Tha Hóa Tự Tại” là do Ma vương cai quản và cõi Trời này là cao nhất trong Dục giới. Khi chúng ta tu hành đắc đạo, thì Phật quang của ta sẽ làm rung động đến các tầng trời. Vì vậy, Ma vương sẽ hoảng sợ và sẽ tìm đủ cách để ngăn cản, không cho ta thành Phật và cứu độ chúng sanh.

Kính thưa quý bạn! Nhờ học Kinh Phật mà tôi hiểu được phần nào cách đánh phá của chúng ma. Tuy hiểu là hiểu vậy thôi, nhưng tôi lại không hiểu được cách đánh phá của chúng ma như thế nào? Nhưng sau khi được chứng đạo, tôi mới hiểu cách đánh phá của chúng ma. Ở đây, tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm để quý bạn tìm hiểu thêm. Khi chúng ta tu hành mở được con mắt thứ ba, thì cũng là lúc ta bị Ma vương đánh phá. Lúc đó, Ma vương sẽ dùng ám khí để đánh từ trên trời xuống. Khi ám khí của chúng đánh tới, thì thân của ta sẽ bị dao động và đau buốt, không thua gì khi ta dung thông được với Phật quang trong thời gian thanh lọc thân tâm. Tại sao? Vì ám khí của chúng ma cũng thuộc về năng lựơng ánh sáng. Nhưng ánh sáng của chúng không trong sáng như ánh sáng của chư Phật. Ánh sáng của chúng ma có màu sắc u tối. Khi ám khí của chúng chạm vào người, thì thân của ta sẽ bị đau và tâm không được an. Khi đọc đến đây tôi biết quý bạn sẽ hỏi rằng: “Vậy chúng ta làm sao phân biệt được đâu là Phật quang và đâu là ám khí của chúng ma?”. Thật ra, để cảm nhận được vấn đề này thì không khó. Vì khi tu tới cảnh giới này, thì quý bạn sẽ tự nhiên phân biệt được rất là rõ ràng. Bây giờ tôi xin phân tích một chút về Phật quang và ám khí của chúng ma khác nhau ở chỗ nào, để quý bạn tìm hiểu thêm.

I. Nói về Phật quang

Mỗi khi có Phật quang của chư Phật chuyển hóa thân tâm, thì thân của ta sẽ bị dao động và đau buốt, nhưng tâm của ta thì cảm thấy an lạc và rỗng suốt. Thêm vào, lúc đó ta sẽ thấy trong người của mình có một nguồn năng lựợng rất mạnh đột phá lên khỏi đỉnh đầu và tuôn ra hai bên tai. (Phần này tôi đã giải thích rất rõ ở trong bài “Phục hồi Phật quang” rồi).

II. Nói về ám khí của ma

Mỗi khi có ám khí của chúng ma đánh tới, thì thân của ta sẽ bị đau buốt và tâm của ta sẽ cảm thấy sợ hãi. Lúc đó, ta sẽ thấy những luồng ám khí của chúng đánh từ trên trời xuống và chạm vào người của ta. Thêm vào, mỗi khi ám khí của chúng vừa đánh tới, thì tâm của ta sẽ cảm nhận được ngay và lúc đó ta sẽ dùng hết sức niệm Phật để đẩy lùi ám khí của chúng đi.

Kính thưa quý bạn! Thời gian mà Ma vương đánh phá chúng ta nhiều nhất, là thời gian mà ta bắt đầu mở được con mắt thứ ba. Tại sao? Vì khi mở được con mắt thứ ba thì Phật quang của ta sẽ tỏa ra rất mạnh và rất xa, nên làm cho những tầng trời của Ma vương phải bị rúng động. Khi tầng trời của chúng bị rúng động, thì chúng sẽ tìm đủ cách để ngăn cản không cho ta tu thành Phật và cứu độ chúng sanh. Nhưng quý bạn hãy yên tâm, cho dù thần lực của chúng ma có mạnh như thế nào thì cũng không hại được ta. Chỉ khi nào tâm của ta khởi lên tham, sân, si thì ta mới bị chúng ma khống chế. Còn nếu tâm của ta lúc nào cũng được thanh tịnh, thì chúng ma sẽ không hại được ta. Thêm vào, khi con mắt thứ ba của ta được mở ra thì nó rất là nhạy bén. Cho dù ta có ngủ mê như thế nào, khi có ám khí của chúng ma đánh tới, thì nó sẽ tự động xoay chuyển và đánh thức ta dậy để niệm Phật. Khi thức dậy, ta sẽ cảm giác được ám khí của chúng ma đang ập tới và lúc đó ta sẽ dùng hết sức niệm Phật để đẩy lùi ám khí của chúng đi.

Thật ra, những lần đầu khi bị ám khí của chúng ma đánh tới, tôi rất là bất ngờ và sợ hãi. Trong những lúc sợ hãi đó, tôi đều tự nhủ thầm rằng: “Họ có thể hại thân xác của mình, nhưng họ không thể hại huệ mạng của mình”. Nhờ hiểu như vậy mà tôi liền lấy lại được bình tĩnh và nhiếp tâm niệm Phật. Qua vài lần đối đầu với chúng thì tôi không còn sợ hãi nữa. Tại sao? Vì khi ta tu tới cảnh giới này thì sẽ coi nhẹ sự sống chết của mình. Thêm vào, tôi luôn tin tưởng vào Phật quang của chư Phật và Phật quang của tôi sẽ bảo vệ được thân tâm của tôi. Ngoài ra, khi tu tới cảnh giới này thì chúng ta sẽ cảm nhận được chúng ma cũng là thân bằng quyến thuộc của mình trong vô lượng kiếp và họ cũng là Phật sẽ thành.

Nhờ hiểu được như vậy, nên mỗi khi bị chúng ma đánh phá thì tôi đều nhiếp tâm niệm Phật để phát huy Phật quang của tôi. Chỉ cần Phật quang của tôi phát huy được mạnh, thì tôi sẽ thâu nhiếp được Phật quang của chư Phật bao phủ khắp trên thân của tôi. Khi thân tâm của tôi được Phật quang bao phủ, thì chúng ma sẽ không hại được tôi. Nhờ vậy mà tôi được bình yên cho tới ngày hôm nay. Tóm lại, khi chúng ta tu hành được tới đây, thì sẽ không còn lo sợ hay là oán giận chúng ma. Ngược lại, chúng ta còn cám ơn sự đánh phá của chúng ma. Tại sao? Vì mỗi khi bị chúng ma đánh phá, thì chúng ta càng tu hành tinh tấn hơn. Nhờ vậy mà công phu của tôi được thăng tiến nhanh hơn. Cũng như ở ngoài đời hoặc xem phim chúng ta thường thấy: Những người võ sĩ nếu không có kẻ thù truy đuổi, thì họ sẽ không dùng hết sức để luyện võ công lên tới đỉnh cao. Khi chúng ta tu hành cũng vậy. Nếu không có chúng ma đánh phá, thì chúng ta sẽ không dùng hết sức tu hành để thành Phật. Khi hiểu được đạo lý này, thì ta sẽ cám ơn chúng ma rất nhiều.  

Kính thưa quý bạn! Không phải ai tu hành cũng được Ma vương “chiếu cố” đến đâu. Chỉ có ai tu hành đắc đạo thì mới bị Ma vương “chiếu cố”. Nhưng quý bạn hãy yên tâm, cho dù Ma vương có đánh phá như thế nào, thì cũng không hại được ta. Tại sao? Vì chúng ta luôn có Phật lực của Phật A Mi Đà và mười phương chư Phật bảo vệ. Ngoài ra, chúng ta còn có 25 vị Bồ tát ngày đêm luôn bảo vệ cho ta. Thêm vào, Ma vương chỉ đánh phá chúng ta được một giai đoạn nào đó thôi, chớ không đánh phá được hoài. Tại sao? Vì khi Phật quang của ta còn yếu, thì Ma vương có thể đánh phá được. Nhưng khi Phật quang của ta phát ra được mạnh, thì chúng sẽ chịu thua và rút lui. (Rút lui có nghĩa là lúc đó chúng sẽ không còn đủ sức để đánh trực tiếp với ta). Nhưng quý bạn chớ có xem thường, tuy chúng không đủ sức đánh phá trực tiếp, nhưng chúng sẽ tìm đủ mọi cách để đánh phá gián tiếp. Nghĩa là tới lúc đó, chúng sẽ mượn những người thân hay bạn bè của ta để đánh phá ta. Nếu nói đến cách đánh phá của chúng ma thì là đa dạng, nhưng chung quy chỉ có ba cách, đó là: Quấy nhiễu, mê hoặc thổi phồng. Bây giờ tôi xin chia sẻ từng phần để quý bạn dễ hiểu.

  1. Quấy nhiễu: Nghĩa là chúng sẽ dùng thần lực làm cho những người thân đang ở xung quanh ta tự nhiên nổi chướng hay kiếm chuyện… hại chúng ta không được yên tâm tu hành.
  2. Mê hoặc: Nghĩa là chúng sẽ đưa những thanh niên hay gái đẹp đến để dụ dỗ, hại ta bị rơi vào tình dục và phá giới. Nếu chúng ta tham lợi thì chúng sẽ đưa người đem tiền hay vật chất đến để mê hoặc, hại ta bị sa đọa…
  3. Thổi phồng: Nghĩa là chúng sẽ làm cho ta được nổi tiếng. Rồi từ chỗ nổi tiếng đó ta sẽ sanh tâm ngã mạn và đi đến phỉ báng Kinh Phật…

Tóm lại, chúng ma có thần thông rất cao, nên họ biết được chúng ta đang ham muốn điều gì. Nếu ta tu hành chân chính, thì chúng sẽ dùng cách để nhiễu loạn tâm trí của ta. Nếu ta tham sắc hay tham lợi, thì chúng sẽ dùng nam nhân hay mỹ nhân kế, tiền bạc,… để hại ta phá giới hay hoàn tục. Nếu ta tham danh, thì chúng sẽ làm cho ta được nổi tiếng để tăng thêm ngã mạn. Khi ngã mạn tăng cao, thì ta sẽ đi đến phá giới và phỉ báng Kinh Phật. Rồi cuối cùng ta sẽ bị rơi vào pháp luật và rơi vào địa ngục.

Ở trên, chúng tôi chia sẻ một chút về cách đánh phá của chúng ma, là giúp cho quý bạn có thêm kinh nghiệm. Nhưng không phải vì vậy mà quý bạn lo sợ không dám tu hành. Nếu nghĩ như vậy là bạn đã tự đầu hàng với chúng ma và tự hại mình luân hồi mãi mãi. Quý bạn nên biết rằng: Những người không tu hành sẽ bị chúng ma khống chế và hãm hại gấp vạn lần so với những người biết tu hành. Tại sao? Vì nếu bạn biết tu hành, thì bạn chỉ bị chúng ma đánh phá có một đời này thôi. Nhưng sau đó bạn sẽ được thành Phật và không còn bị luân hồi sanh tử nữa. Còn nếu bạn không biết tu hành, thì bạn sẽ bị chúng ma hãm hại và bị luân hồi đau khổ mãi, không thể thoát ra. Vì vậy, chúng ta không nên lo sợ về vấn đề bị chúng ma đánh phá. Vì nếu không có chúng ma đánh phá, thì ta sẽ không thành Phật được. Tại sao? Vì họ chính là những vị Bồ tát nghịch duyên đến đây để giúp cho ta tu hành mau đắc quả. Mới nghe qua thật là khó tin, nhưng đây là vạn lần chân thật.

Bây giờ tôi xin kể một đoạn nói về Phật Thích Ca bị Đề Bà Đạt Đa hãm hại, thì quý bạn dễ hiểu hơn. Nếu là Phật tử thì chúng ta đều biết về câu chuyện “Đề Bà Đạt Đa” là em họ của Phật và theo Phật xuất gia tu hành. Nhưng Đề Bà là người có tâm địa rất ác, nên lúc nào cũng tìm đủ cách giết hại Phật để làm chủ Tăng đoàn. Đề Bà đã hãm hại Phật rất nhiều cách, như là: Mướn nhiều người để ám sát Phật, dùng voi để hại Phật, dùng đá để đè Phật, bêu xấu Phật,… Tóm lại, Đề Bà hại Phật rất là nhiều cách, không thể kể hết. Nhưng lần nào Phật cũng đều tha thứ cho Đề Bà và không một chút oán hận. Không những vậy mà trước khi nhập Niết bàn, Phật còn nói với đệ tử của Ngài rằng: “Người mà Phật mang ơn nhiều nhất đó là Đề Bà Đạt Đa, vì người này đã giúp Phật rất nhiều trong sự nghiệp hoằng pháp”. Phật còn nói thêm rằng: “Đề Bà sẽ bị rơi vào địa ngục, vì những tội đã hãm hại Phật và hại Tăng đoàn. Nhưng Phật nguyện sẽ đi vào địa ngục để cứu Đề Bà Đạt Đa ra”. Trước kia, lúc chưa giác ngộ tôi luôn thắc mắc rằng: “Tại sao Phật nói chuyện lạ vậy, một người lúc nào cũng muốn giết hại Phật, vậy mà Ngài lại nói rằng mang ơn và sẽ cứu người đó thoát khỏi địa ngục, thật là khó hiểu quá”. Nhưng sau khi được giác ngộ và trải qua nhiều chướng ma, thì tôi mới hiểu được câu nói của Phật.

Bây giờ tôi xin kể thêm câu chuyện của tôi đã bị chúng ma hãm hại như thế nào để quý bạn dễ hiểu hơn. Trước khi đặt bút viết cuốn sách “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi” để nói lên sự chứng nghiệm của mình, thì tôi đã chấp nhận mọi hậu quả. Nhưng tôi không ngờ khi cuốn sách đó vừa đưa ra, thì được nổi tiếng quá nhanh và tôi cũng bị chúng ma đánh phá quá nhanh. Lúc đó, cuốn sách càng được nổi tiếng bao nhiêu, thì tôi càng bị chúng ma đánh phá bấy nhiêu (ma sống lẫn ma chết). Chúng đánh phá đến mức độ, tôi tưởng chừng như mình không còn đủ sức để chịu đựng. Nhưng nhờ trước đó tôi đã chuẩn bị tinh thần cho dù phải hy sinh tất cả, thì tôi cũng phải nói cho chúng sanh biết về sự nhiệm mầu của pháp môn Tịnh độ. Nhờ sự quyết tâm đó mà mỗi khi bị chúng ma đánh phá, thì tôi đều dùng hết sức của mình để đứng dậy. Nhưng cũng có nhiều lúc vì sức cùng lực kiệt nên tôi không thể đứng dậy, mà chỉ còn biết nằm một chỗ than khóc với chư Phật. Tuy thân của tôi bị ngã gục, nhưng ý chí của tôi thì chưa hề bị ngã gục. Trong những lúc đau khổ tận cùng không còn lối thoát, tôi đều tự nhủ với mình rằng: “Cho dù chỉ còn một hơi thở cuối cùng, thì tôi cũng phải hoàn thành tâm nguyện cứu độ chúng sanh”.

Rồi qua bốn năm sau đó, nhờ chư Phật gia hộ nên tôi hoàn thành được thêm cuốn sách “Ý nghĩa Hoằng pháp và Hộ pháp”. Tóm lại, sau khi đưa cuốn sách “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi” ra, thì tôi bị ma sống lẫn ma chết bủa vây tứ phía, trong phá ngoại hợp và đánh phá không ngừng. Chúng đánh phá đến mức độ tôi không còn kịp trở tay. Vì vậy mà lúc đó, tôi chỉ còn biết thương khóc ngày đêm và cầu xin chư Phật gia hộ cho tôi và cho chúng sanh.

Nếu như thời gian đó (tức cách đây mười mấy năm), Phật giáo Việt Nam được hưng thịnh và pháp môn Tịnh độ được phát triển mạnh như ngày hôm nay, thì tôi sẽ không bị đau khổ nhiều. Tại sao? Vì ít ra lúc đó tôi không cần phải quên ăn bỏ ngủ, không cần phải bỏ bê công việc làm ăn, không cần phải bỏ bê gia đình con cái… để viết sách ngày đêm. Nhưng những chuyện đó cũng không làm cho tôi bị đau khổ, đến nỗi phải than khóc với chư Phật ngày đêm. Điều mà làm cho tôi đau khổ nhiều nhất trong thời gian đó là: Vì Phật giáo lúc đó đang bị xuống cấp trầm trọng và pháp môn Tịnh độ đang bị chúng ma đánh phá trong ngoài, khiến cho chúng sanh phải bị hoang mang và mất hết niềm tin với Phật giáo.  

Trong lúc chúng sanh đang bị sống trong dầu sôi lửa bỏng, vậy mà những người mang danh con của Phật lại không chịu nghe lời Phật, không chịu hoằng dương chánh pháp để cứu độ chúng sanh. Ngược lại, họ còn đi phỉ báng những bộ Kinh Đại thừa và đánh phá pháp môn Tịnh độ, khiến cho chúng sanh phải bị hoang mang, không biết đâu là chánh, tà. Nếu họ có trách nhiệm hoằng dương chánh pháp và cứu độ chúng sanh, thì Phật tử tại gia như tôi không cần phải hy sinh bản thân, hy sinh gia đình con cái… để đứng lên hoằng dương chánh Pháp. Nếu họ là Ma vương hay là ngoại đạo thì tôi không đau lòng. Nhưng đằng này họ là những người con Phật trong Tăng đoàn, vậy mà họ không hiểu được sự hy sinh của mẹ con tôi. Ngược lại, họ còn tìm đủ cách để đánh phá, họ phong bế hết các đường dây hoằng pháp của tôi và gây hoang mang cho Phật tử khắp nơi trong và ngoài nước. Họ đánh phá tôi không phải vì tôi viết sai giáo lý Phật Đà mà họ đánh phá tôi, chỉ vì họ không thể chấp nhận được một người phụ nữ tại gia niệm Phật như tôi mà có thể chứng đạo và điều mà họ không thể chấp nhận đó là khi tôi chia sẻ sự chứng ngộ của tôi ra ngoài đại chúng. Lúc đó, tôi vì quá đau lòng nên không thể nghỉ ngơi dưỡng bệnh, không thể ổn định lại việc làm ăn và không thể ổn định lại cuộc sống gia đình con cái, mà tôi phải bắt tay vào để viết tiếp cuốn sách thứ hai. Lúc đó, trong tâm tôi chỉ mong cuốn sách thứ hai mau được hoàn thành, để lấy lại niềm tin cho Phật tử trong và ngoài nước và mong những người đang hãm hại tôi và hại đạo Phật mau được thức tỉnh hồi đầu. Cuối cùng, nhờ sự quyết tâm của tôi và nhờ chư Phật gia hộ, mà tôi mới hoàn thành được cuốn sách “Ý nghĩa Hoằng pháp và Hộ pháp. Sau khi cuốn sách này được ra mắt, thì sự đánh phá của Ma vương, của Tăng, Ni và của Phật tử trong và ngoài nước mới được giảm xuống 80%. Và từ đó niềm tin của Phật tử đối với pháp môn Tịnh độ cũng được tăng lên cao.

Kính thưa quý bạn! Sau khi hoàn thành xong cuốn sách “Ý nghĩa Hoằng pháp và Hộ pháp” thì tôi mới nghiệm ra được một điều, đó là: Cuốn sách này được thành tựu đa phần là nhờ công đức của chúng ma (tức Bồ tát nghịch duyên). Tại sao? Vì thời gian đó, nếu không nhờ họ đánh phá và ép tôi vào đường cùng, thì tôi sẽ không dốc hết sức lực và tâm can để giải nghi về Phật pháp và giải nghi về pháp môn Tịnh độ. Cũng nhờ họ đánh phá mà tôi mới hoàn thành được cuốn sách “Ý nghĩa Hoằng pháp và Hộ pháp” có đầy đủ ý nghĩa như vậy. Nếu nói về hoằng pháp thì đây là cuốn sách quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Còn nói về cốt tủy đạo Phật thì cuốn sách “Tịnh độ thực chứng” này là cuốn sách quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Còn cuốn “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi” chỉ là cuốn sách bình thường. Tuy là bình thường, nhưng cuốn sách này đã và đang độ được vô số chúng sanh.

Còn nói về bản thân, thì từ nhỏ cho đến lớn tôi đã trải qua quá nhiều đau khổ. Và cũng nhờ những sự đau khổ đó đã rèn luyện cho tôi có một sức chịu đựng hơn người. Nhờ vậy mà khi bước vào đường đạo, tôi mới có đủ sức để vượt qua những sự đánh phá của chúng ma và cũng nhờ sự đánh phá của chúng ma, mà tôi mới được thành tựu như ngày hôm nay. Có một điều tôi xin chia sẻ với quý bạn, đó là: Mỗi khi bị đau khổ thì tôi lại cảm thấy thương chư Phật và chư Bồ tát nhiều hơn. Thương đến mức độ tôi chỉ còn biết âm thầm rơi lệ và cảm tạ ân đức quý Ngài vạn kiếp không quên. Khi càng thương chư Phật và chư Bồ tát bao nhiêu, thì tôi lại càng cố gắng tu hành và cứu độ chúng sanh bấy nhiêu. Vì ngoài tu hành và cứu độ chúng sanh ra, thì tôi không còn cách nào để mà đền ơn cho chư Phật và Bồ tát.

Kính thưa quý bạn! Sau khi được giác ngộ tôi mới hiểu được câu nói của Phật, Ngài nói rằng: Người tu hành muốn được thành Phật thì phải đi ngược lại với người thế gian”. Câu nói này nghe qua không có gì là cao siêu cả, nhưng khi thực hành và trải nghiệm với cuộc sống khổ đau, thì tôi mới thấy câu nói của Phật bao hàm nhiều đạo lý cao siêu. Nếu chúng ta tu hành mà không hiểu được đạo lý của câu nói này, thì ta sẽ không thành Phật được. Tại sao? Vì chỉ có đi ngược lại với người thế gian, thì ta mới trở về được cội nguồn của mình (tức trở về Phật tâm). Muốn trở về nguồn cội, thì ta phải cần có đầy đủ ba đức tánh quan trọng, đó là: Bi, Trí, Dũng.

Bi: Nghĩa là ta phải có lòng từ bi để biết thương yêu tất cả mọi loài;

Trí: Nghĩa là ta phải có trí tuệ để biết phân biệt đâu là chân giả và thiện ác;

Dũng: Nghĩa là ta phải có dũng khí để nhẫn chịu hết mọi sự đau khổ mà chúng sanh luôn mang đến cho ta.

Tóm lại, nếu chúng ta có tâm từ bi, có trí tuệ mà không có dũng khí để chịu đựng, thì ta sẽ bị chúng ma đánh gục ngay. Vì vậy, muốn thành Phật thì ta không thể thiếu một trong ba đức tánh này. Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi đã rút ra được nhiều điều, đó là: Trong những chúng ma đang đánh phá chúng ta đó chưa hẳn đều là oan gia của ta, mà trong số đó có cả Bồ tát hóa thân tới đây để giúp cho ta thành tựu đạo nghiệp. Tại sao? Vì chư Phật và Bồ tát ở mười phương luôn dõi mắt về thế giới Ta bà và quý Ngài luôn tìm kiếm những chúng sanh có đủ nhân duyên để mà cứu độ.

Nếu nói về cách cứu độ của chư Phật và Bồ tát thì là đa dạng. Vì quý Ngài tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh mà cứu độ khác nhau: Có người thì quý Ngài giúp cho nhớ lại tiền kiếp để mà thức tỉnh tu hành; có người thì quý Ngài giúp cho thấy cảnh luân hồi để mà bỏ ác hành thiện; có người thì quý Ngài giúp cho thấy Phật, Bồ tát để mà tin sâu tu hành; có người thì quý Ngài giả làm oan gia đánh phá, để mà lo tu hành không biếng trễ… Tóm lại, tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh mà quý Ngài cứu độ khác nhau.

Trước kia, tôi thường nghĩ rằng: Những người không bị chúng ma quấy phá sẽ tu hành mau được thành tựu hơn. Nhưng sau này nhờ trải qua nhiều chướng ma và nhiều lần tận mắt nhìn thấy những người bị chúng ma đánh phá, mà tôi đã hiểu ra được một đạo lý, đó là: Những người bị nhiều chướng ma, mới là những người tu hành mau được thành Phật hơn. Tại sao? Vì những người này họ lúc nào cũng lo sợ bị oan gia trả thù, nên họ không còn nghĩ đến tiền tài hay danh lợi, mà họ chỉ một lòng niệm Phật ngày đêm để mong thoát khỏi cảnh oan gia trả thù và thoát khỏi luân hồi đau khổ. Nhờ họ một lòng buông xả và thành tâm niệm Phật ngày đêm và niệm từ tháng này qua năm nọ mà họ được nhất tâm. Tóm lại, trong nhiều năm tu hành, tôi đã chứng kiến và nghe được nhiều người nói rằng, nhờ bị chúng ma đánh phá mà họ niệm Phật được nhất tâm. Có một điều đặc biệt là: Những người này sau khi được nhất tâm, thì họ mới ngộ ra rằng nhờ có chúng ma đánh phá mà họ niệm Phật được nhất tâm. Sau khi ngộ ra được điều này, thì họ vô cùng mang ơn những oan gia đã từng đánh phá họ.

Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi hiểu thêm một điều quan trọng nữa, đó là: Bồ tát nghịch duyên đôi khi còn giúp cho ta nhiều hơn là Bồ tát thuận duyên. Tại sao? Vì Bồ tát thuận duyên chỉ giúp cho ta giác ngộ về mặt giáo lý, hoặc giúp cho ta có đủ niềm tin và phương tiện để tu hành. Còn Bồ tát nghịch duyên thì giúp cho ta có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống, như là:

  1. Họ giúp ta hiểu được kiếp sống khổ đau của con người;
  2. Họ Giúp ta biết chịu đựng và nhẫn nhục;
  3. Họ Giúp ta hiểu được luân hồi và vô thường;
  4. Họ Giúp ta giác ngộ tu hành để giải thoát…

Tóm lại, Bồ tát nghịch duyên giúp cho ta nếm được những khổ đau của kiếp sống con người. Nhờ nếm được khổ đau mà ta mới biết sợ, mới biết buông xả tham đắm để tu hành giải thoát.

Qua sự phân tích ở trên, quý bạn đã hiểu được phần nào câu nói của Phật mang ơn Đề Bà Đạt Đa rồi. Chỉ cần hiểu được đạo lý này, thì ta sẽ không còn lo sợ mỗi khi bị chúng ma đánh phá. Nếu còn lo sợ thì ta sẽ không thoát khỏi luân hồi và không thành Phật được. Chúng ta tu hành thì phải có tấm lòng thanh cao và can đảm giống như hoa sen hoa mai. Hoa sen tuy ở trong bùn, nhưng chúng vẫn giữ được thân không cho dính bùn mà ngược lại, chúng còn làm cho hoa luôn tỏa ra hương thơm thanh khiết. Còn hoa mai tuy chúng mỏng manh, nhưng chúng can đảm chịu đựng qua một mùa đông giá buốt để được tỏa hương và khoe sắc.

Kính thưa quý bạn! Hoa sen và hoa mai chỉ là những loài thảo mộc, mà chúng còn có dũng khí và thanh cao như vậy. Không lẽ chúng ta là con người mà lại thua những loài thảo mộc này hay sao? Chúng ta phải can đảm buông xả dục vọng và lo tu niệm Phật từ bây giờ, để khi nhắm mắt ta sẽ được về với Phật. Còn nếu ta không lo tu hành mà cứ lo tham đắm, thì đến khi nhắm mắt ta sẽ bị luân hồi tiếp tục.

III. Phần nhắc nhở

Nói về tu hành thì chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, nhất là những bạn đã chứng đạo và đang hoằng dương về pháp môn Tịnh độ, thì phải cẩn thận nhiều hơn. Tại sao? Vì chúng ma rất sợ những người tu Tịnh độ. Vì người nào tu Tịnh độ trên thân đều có Phật quang tỏa ra không nhiều thì ít. Thêm vào, người tu Tịnh độ mau được thành Phật nên chúng ma càng thêm lo sợ. Nếu chúng ta không biết bảo vệ thân tâm của mình, mà cứ lo tham, sân, si thì sẽ bị chúng ma hãm hại ngay.

Cũng như câu chuyện của tôi, kể từ ngày được chứng đạo và phát nguyện cứu độ chúng sanh đến nay, thì tôi đã bị chúng ma đánh phá không ngừng. Vì hiểu được cách đánh phá của chúng ma rất là vi tế, nên tôi thường ẩn mình nhiều hơn là lộ diện. Nhất là mỗi khi viết sách, thì tôi phải ẩn mình nhiều hơn. Tuy tôi đã biết trước và rất là cẩn trọng, vậy mà trong thời gian viết cuốn sách “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi” và cuốn “Ý nghĩa Hoằng pháp và Hộ pháp”,  tôi vẫn không tránh khỏi sự đánh phá của chúng ma. Tại sao? Vì thời gian đó tôi vẫn còn đi làm để kiếm tiền, vẫn còn lo cho cuộc sống gia đình con cái và vẫn còn làm Phật sự… Vì còn nhiều trách nhiệm, nên mỗi ngày tôi phải giao tiếp với nhiều người. Bởi vì còn giao tiếp với nhiều người, nên Ma vương mới có cơ hội mượn những người ở xung quanh để đánh phá tôi. Tóm lại, trong mười mấy năm viết sách và làm Phật sự, tôi đã bị chúng ma đánh phá không ngừng. Nếu mười mấy năm qua không có chư Phật luôn ở bên cạnh gia hộ, thì chắc có lẽ tôi không thể sống cho đến ngày hôm nay.

Nhưng lần viết cuốn sách “Tịnh độ thực chứng” này thì hoàn toàn khác hẳn. Vì trước khi quyết định viết cuốn sách này, thì tôi đã buông xả hết mọi chuyện làm ăn, gia đình và con cái của tôi ở Mỹ để trở về Việt Nam định cư luôn. Tôi trở về Việt Nam định cư, là vì trách nhiệm của tôi đối với gia đình và con cháu đã xong. Kể từ ngày về Việt Nam để ẩn tu và viết cuốn sách này, thì tôi không giao tiếp với ai, cho dù đó là người thân hay bạn đạo. Chỉ trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến làm Phật sự thì tôi mới gặp họ. Ngoài hạn chế gặp người thân và bạn đạo ra, thì tôi còn phải hạn chế hết tất cả những việc đi lại hằng ngày. Tôi tránh hết mọi duyên như vậy là để Ma vương không còn cơ hội mượn những người thân, bạn đạo… để nhiễu loạn tâm trí của tôi. Tuy tôi đã ẩn mình như vậy mà vẫn bị chúng đánh phá không ít. Nhưng nhờ tôi cắt đứt mọi duyên, nên chúng không có nhiều cơ hội để đánh phá tôi nhiều như hai lần viết sách trước kia. Thêm vào, trước khi viết cuốn sách này tôi đã lập nguyện rằng: “Cho dù có chuyện quan trọng gì xảy ra, thì tôi cũng phải bỏ qua một bên, mà chỉ lo tập trung viết cho xong cuốn sách này, còn những chuyện khác thì tôi sẽ giải quyết sau”. Nhờ quyết tâm như vậy mà tôi hoàn thành được cuốn sách này nhanh hơn. Thêm vào, lần viết cuốn sách này tôi không cần phải viết bằng tay như hai cuốn sách trước, vì bây giờ tôi đã biết đánh máy. Thêm vào, nhờ tôi không còn đi làm và không còn lo cho gia đình, nên tôi có nhiều thời gian để viết sách và làm Phật sự hơn. Thêm vào, trong cuốn sách này có nhiều phần tôi trích ra từ hai cuốn sách mà tôi đã cho ra đời trước đó, nên tôi không bị khổ cực nhiều.

Tôi nhớ lại cách đây nhiều năm, lúc đó tôi đang viết cuốn sách “Ý nghĩa Hoằng pháp và Hộ pháp”. Có một ngày con tôi thấy tôi bị bệnh nằm liệt giường, mà vẫn còn gượng dậy để viết sách lúc nửa đêm, nên chúng quá đau lòng và đến gần hỏi tôi rằng: “Mẹ ơi! Con muốn hỏi mẹ một chuyện, nhưng mẹ hứa là phải trả lời thật lòng”. Tôi nói: “Vậy thì con cứ hỏi đi, mẹ sẽ trả lời”. Con tôi hỏi rằng: “Nếu như có ai đó đến đây bắt mẹ phải lựa chọn giữa ba đứa con và cuốn sách mà mẹ đang viết, thì mẹ sẽ lựa chọn bên nào?”. Sau khi nghe con tôi hỏi như vậy thì tôi rất là đau lòng. Vì tôi biết trong những năm viết sách và làm Phật sự, tôi đã làm cho các con của tôi đau khổ quá nhiều. Vì quá đau khổ nên con tôi mới hỏi tôi câu này. Thật ra, các con tôi đau khổ một phần là vì tôi đã bỏ bê, không lo cho chúng và gia đình, còn đa phần là vì chúng lo cho sức khỏe và tinh thần suy sụp của tôi. Tuy lúc đó tôi biết các con tôi đang bị tổn thương về mặt tinh thần và thể xác rất nhiều, nhưng tôi không thể nào nói dối với các con tôi. Vì vậy, tôi đã trả lời với chúng rằng: “Xin lỗi các con! Nếu thật sự có chuyện đó xảy ra, thì mẹ phải đành hy sinh ba đứa con, để mà viết cho xong cuốn sách này”. Sau khi nghe tôi trả lời như vậy thì con tôi nghẹn ngào nói rằng: “Con biết mẹ sẽ trả lời như vậy, nhưng con không hiểu lý do tại sao?”. Lúc đó, tôi đã trả lời với chúng rằng: “Các con đều biết là mẹ thương các con còn hơn sinh mạng của mẹ. Nhưng mẹ không thể nào vì một gia đình nhỏ này mà bỏ đi gia đình lớn của mẹ. Vì tất cả chúng sanh ở trong thế giới này đều là thân bằng quyến thuộc của mẹ. Vì vậy, mẹ phải đành hy sinh ba đứa con để mà giữ lại cuốn sách này. Vì cuốn sách này sẽ cứu được vô lượng thân bằng quyến thuộc của mẹ, mà trong đó có cả các con…”.  

Tóm lại, hôm đó tôi đã giải thích cho các con tôi hiểu rất nhiều. Nhưng cho dù hôm đó tôi có giải thích như thế nào, thì các con tôi cũng không vơi được nỗi đau. Tại sao? Vì thời gian đó bốn mẹ con tôi vừa mới trải qua một cuộc đổ nát gia đình, do đứa con trai của tôi quậy phá hết mấy năm trước đó. Trong mấy năm quậy phá của con trai tôi, nó đã làm cho gia đình tôi tan nát, khiến cho cuộc sống của bốn mẹ con tôi mỗi ngày, không khác gì như sống ở trong địa ngục. Lúc đó, mẹ con tôi ai nấy chỉ còn lại thân tàn ma dại.

Đến khi con trai tôi vừa được thức tỉnh, thì cũng là lúc tôi được chứng đạo. Lúc đó, mẹ con tôi chưa kịp ổn định lại cuộc sống gia đình, chưa kịp ổn định lại chuyện làm ăn và phục hồi lại sức khỏe, thì tôi lại bị rơi vào một tâm trạng đau khổ khác và sự đau khổ này còn hơn ngàn lần so với sự đau khổ mà con trai tôi đã mang đến cho tôi trước đó. Tôi đau khổ hơn là vì sau khi chứng đạo, tôi thấy được cảnh luân hồi sanh tử của chúng sanh mà tôi không cứu được, nên tôi đau khổ tận cùng. Lúc đó, tôi chỉ còn biết thương khóc ngày đêm và cầu xin chư Phật gia hộ cho chúng sanh mau được thức tỉnh. Lúc đó, các con tôi nhìn thấy tôi đau khổ như vậy, nên chúng cũng đau khổ và lo lắng cho tôi.

Rồi sau đó, tôi quyết định viết sách để cứu chúng sanh, nên tôi phải đành bỏ bê gia đình con cái, bỏ bê chuyện làm ăn và sức khỏe của tôi để viết sách ngày đêm. Qua gần hai năm sau, khi cuốn sách “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi” được hoàn thành, thì các con tôi vô cùng vui mừng. Chúng vui mừng là vì nghĩ rằng: “Mẹ của chúng sẽ được yên tâm và sẽ trở lại lo cho cuộc sống gia đình và lo cho sức khỏe…”. Nhưng chúng không ngờ sau khi cuốn sách đó vừa đưa ra, thì tôi được nổi tiếng quá nhanh. Vì cuốn sách được nổi tiếng quá nhanh, nên mẹ của chúng cũng bị chúng ma đánh phá quá nhanh. Điều này khiến cho mẹ của chúng không thể nghỉ ngơi, mà phải bắt tay vào viết tiếp cuốn sách thứ hai. Điều này làm cho chúng rất là bức xúc và đau khổ không sao kể xiết. Lúc đó, khi nghe tôi nói sẽ viết tiếp cuốn sách thứ hai, thì các con tôi rất là đau lòng và giận. Chúng nó giận đến mức muốn bỏ nhà ra đi, để không còn nhìn thấy những cảnh đau lòng. Vì không có đứa con nào muốn nhìn thấy cảnh mẹ của mình không bị ung thư, mà mang thân xác của một người bị bệnh ung thư. Cũng không có đứa con nào muốn nhìn thấy cảnh mẹ của mình bị bệnh nằm liệt giường, mà vẫn ngồi dậy viết sách vào lúc nửa đêm. Cũng không có đứa con nào muốn nhìn thấy cảnh cuộc sống gia đình vốn đã túng thiếu, nay lại bị túng thiếu thêm. Mẹ con tôi túng thiếu đến mức độ phải sống qua ngày bằng mượn nợ của thẻ tín dụng.

Thật ra, trong cuốn sách này tôi muốn chia sẻ rất nhiều về những chuyện mà mẹ con tôi đã trải qua, nhưng vì thời gian không cho phép. Tôi kể ra đây không phải là than thân hay trách phận, mà chỉ mong quý bạn hãy biết cảm thông với những nỗi khổ cực và hy sinh của những người đang hoằng pháp và hộ pháp. Nếu hiểu được thì chúng ta sẽ biết trân quý những gì mà họ đã mang đến cho cuộc đời này và chúng ta sẽ không còn sanh tâm đố kỵ, chỉ trích họ nữa.

Kính thưa quý bạn! Trên đường tu hành tự độ và độ tha, thì chúng ta phải biết ẩn mình trong những lúc cần thiết, để hoàn thành tâm nguyện. Còn về gia đình và người thân, nếu họ hiểu được thì tốt, còn nếu họ không hiểu được thì chúng ta phải đành chịu thôi. Nếu chúng ta muốn thành tựu được chuyện lớn thì phải đành hy sinh chuyện nhỏ. Điều quan trọng là ta phải biết làm chủ thân tâm của mình và phải biết mình đang làm gì và phải cần hy sinh những gì, để thành tựu được đạo quả. Có như vậy thì ta mới có thể thành Phật và cứu được vô lượng chúng sanh.

IV. Không nên đánh mất bản thân

Kính thưa quý bạn! Trên đường tu hành và hoằng pháp, chúng ta không nên lệ thuộc vào bất cứ một ai. Tại sao? Vì nếu chúng ta lệ thuộc vào một ai đó thì sẽ bị họ khống chế và cuối cùng ta sẽ bị tổn thương, hoặc là đánh mất bản thân mà không hay.

Tôi nhờ có một chút thiện căn và nhờ trải qua nhiều khổ đau trong cuộc sống, nên tôi đã hiểu được phần nào hai mặt trắng đen của cuộc đời. Nhờ vậy mà trong nhiều năm hoằng pháp, tôi đã tránh được một số tai ương. Bây giờ tôi xin chia sẻ một chút để quý bạn có thêm kinh nghiệm. Nhiều năm qua, mỗi khi có ai ngỏ ý muốn hộ pháp và cùng tôi để làm những chuyện Phật sự lớn, thì tôi đều hỏi họ một câu rằng: “Bạn tin tôi được bao nhiêu?”. Mỗi khi tôi hỏi thì đa số họ đều trả lời rằng: “Tôi tin Cư sĩ 100%”. Tôi hỏi họ: “Vậy nếu có ai đó tới nói với bạn “tôi là Ma vương”, thì bạn có bỏ tôi nửa chừng không?”. Họ đều trả lời rằng: “Chắc chắn là không”. Mỗi khi nghe có ai nói với tôi thành tâm như vậy, thì tôi đều thử họ trước khi nhận lời. Không phải là tôi không tin họ, mà vì tôi biết sự đánh phá của chúng ma không đơn giản. Nếu họ không có lòng tin với tôi kiên cố, thì sớm muộn gì họ cũng bị những cơn gió thị phi thổi bay đi. Nếu họ bị thổi bay đi thì tôi sẽ bị đứng ở ngã ba đường. Cuộc đời của tôi đã bị đứng ở ngã ba đường nhiều rồi, nên tôi không muốn bị đứng thêm, vì vậy tôi phải thử trước khi bắt tay cùng họ để làm những chuyện Phật sự lớn. Nhưng lần nào cũng vậy, tôi vừa mới thử họ có vài chiêu nhỏ thôi, thì niềm tin của họ đối với tôi liền thay đổi còn nhanh hơn là trở bàn tay. Qua những lần thử nghiệm, tôi mới thấy niềm tin của chúng ta rất là vô thường. Thật ra, chính mình còn chưa tin được mình 100% thì làm sao có thể tin được người khác 100%.

Kính thưa quý bạn! Qua câu chuyện của tôi kể ở trên, cho thấy niềm tin của chúng ta rất là vô thường. Vì vậy mà trên đường hoằng pháp, chúng ta không nên làm những chuyện Phật sự vượt khỏi khả năng của mình, hay là phải lệ thuộc vào tiền bạc của một người hay của một nhóm Phật tử nào đó. Nếu như có ai muốn cúng dường tịnh tài để chúng ta làm Phật sự hay xây cất Tam bảo, thì ta nên yêu cầu họ chuyển tịnh tài vào tài khoản, hoặc là đưa trực tiếp cho chúng ta trước. Rồi sau đó, tùy theo số tiền của họ cúng dường mà ta làm Phật sự, để tạo phước đức cho họ và cho chúng sanh. Chúng ta tuyệt đối không nên tin vào những lời hứa của họ, mà đi làm những chuyện Phật sự như xây cất chùa, đúc tượng Phật… Nếu chúng ta chưa nắm đủ số tiền xây chùa, đúc tượng… ở trong tay thì không nên làm. Vì nếu chúng ta làm thì sẽ bị lệ thuộc vào họ và sẽ đánh mất bản thân. Nếu chúng ta không suy nghĩ kỹ trước khi làm những chuyện Phật sự lớn, thì sẽ bị rơi vào lưới ma. Lúc đó, chúng ta có ân hận cũng không kịp và sẽ mang tai tiếng đến cho Tăng đoàn. Nhiều năm qua, chúng tôi thấy có nhiều Tăng, Ni trong và ngoài nước đã bị rơi vào những tình cảnh bế tắc, không còn lối thoát. Cũng vì những lý do như vậy, mà có những ngôi chùa ở trong và ngoài nước phải bị bỏ dở nửa chừng. Thậm chí, có những ngôi chùa vì quá thời hạn xây cất, nên bị chính phủ bắt phải đập bỏ. Thật ra, họ bắt chúng ta đập bỏ là đúng, không sai. Vì nếu họ không làm như vậy, thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của những người xung quanh và làm mất đi thẩm mỹ của thành phố.

Gần đây ở trên YouTube có đăng một câu chuyện nói về một vị Thầy Việt Nam ở bên Mỹ, vì quá đau buồn và thất vọng với Phật tử, mà Thầy phải thắt cổ tự sát. Thầy tự sát là vì vấn đề tiền bạc lục đục ở bên trong, mà bản thân Thầy không thể giải quyết được. Nên cuối cùng Thầy phải lựa chọn cái chết để kết thúc mọi chuyện. Sau khi xem xong những đoạn video nói về Thầy, tôi thật là đau lòng không cầm được nước mắt.

Tóm lại, chúng ta chỉ làm những chuyện Phật sự trong khả năng của mình cho phép mà thôi. Còn những chuyện ngoài khả năng thì ta nên buông xả, cho dù là những chuyện Phật sự đã đi được nửa đường. Điều quan trọng của người tu hành là phải khai mở được trí tuệ, hiểu thông giáo lý và hoằng dương chánh pháp. Còn những chuyện xây cất Tam bảo, làm phước… chỉ là phụ thôi. Nếu đủ duyên thì ta làm, còn không đủ duyên thì ta nên buông xả. Nếu là đệ tử Phật, thì ta phải biết phân nặng nhẹ, nếu không ta sẽ bị rơi vào lưới ma mà bản thân không hay biết.

 

VÔ THƯỜNG

Cả đời lận đận long đong

Tranh giành danh lợi, tâm không an lành

Si mê ô nhiễm tâm thành

Mưu toan, hãm hại làm hành trang đeo.

Tình tiền, danh lợi chạy theo

Chạy theo mỏi mệt, mạng treo chỉ mành

Mới hay kiếp sống mỏng manh

Mới hay mình dại chẳng tin vô thường.