VẤN ĐỀ TRANH CHẤP TRONG ĐẠO PHẬT
22/11/2017
Thơ Phật pháp 1
22/11/2017

MỔ XẺ VẤN ĐỀ PHẬT PHÁP

(Bài này trích ra từ cuốn “Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP VÀ HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Kính thưa quý bạn! Đây là bài mà chúng tôi cảm thấy khó viết và suy nghĩ đắn đo nhiều tháng mà không biết có nên viết hay không? Vì nếu viết thì e rằng bị hiểu lầm cho là tranh chấp. Còn không viết thì tôi cảm thấy có lỗi với lương tâm, vì chưa làm hết tâm nguyện của mình đối với chư Phật và chúng sanh. Qua nhiều tháng đắn đo suy nghĩ, cuối cùng chúng tôi quyết định phải viết bài này. Vì tâm nguyện của chúng tôi là mong giải tỏa được mọi thắc mắc và hiểu lầm trong tâm của quý bạn mà liên quan đến vấn đề Phật pháp. Còn những lời giải tỏa của chúng tôi có được lưu thông và tồn tại hay không thì chúng tôi không cần phải lo, vì chuyện đó đã có Long Thần Hộ pháp lo. Còn về vấn đề khen chê và chửi trách của quý bạn cũng vậy, chúng tôi cũng không cần phải lo vì chuyện đó đã có người đời lo. Điều mà làm cho chúng tôi cảm thấy lo lắng và đau lòng nhất, đó là: Khi nhìn thấy quý bạn một mặt thì hoằng dương Phật pháp, còn mặt khác thì đi phỉ báng Phật pháp; một mặt thì độ chúng sanh còn mặt khác thì hại chúng sanh; một mặt thì tạo công đức và phước đức, rồi lại đem công đức và phước đức của mình đổ đi. Cuối cùng phước đức không còn, chỉ còn lại nghiệp tội chất chồng cao như núi mà chính bản thân của quý bạn cũng không hay biết.

Trước khi bước vào phần mổ xẻ vấn đề Phật pháp, tôi xin dập đầu thành tâm sám hối cùng huynh đệ đồng tu trước. Bởi vì, những vấn đề chúng tôi sắp đưa ra đây không nhiều thì ít cũng làm cho một số bạn đồng tu không hài lòng, thậm chí còn sân giận. Nhưng nếu chúng tôi không mổ xẻ triệt để, thì sự mâu thuẫn, đố kỵ, tranh chấp và tạo nghiệp của chúng ta không biết đến bao giờ mới được chấm dứt. Ở đây, chúng tôi xin chia ra làm sáu phần để mổ xẻ từ cạn tới sâu để quý bạn dễ hiểu.

I. Thuyết pháp bằng tâm bình đẳng, từ bi hay đố kỵ, hẹp hòi?

Trước khi bước vào mổ xẻ vấn đề Phật pháp, chúng tôi xin kể cho quý bạn nghe một câu chuyện để làm ví dụ, mong là câu chuyện ví dụ này có thể giúp chúng ta thấy được hành vi và lời nói đúng, sai của mình.

Ở một làng nọ, có một người bán vé số tên là A. Mỗi ngày, anh A đều phải bôn ba cực khổ đi từ đầu làng đến cuối làng để rao bán vé số. Mỗi lần rao bán vé số thì anh A đều nói rằng: “Hỡi bà con cô bác! Hãy mua vé số mau đi, có mua là bảo đảm có trúng độc đắc và sẽ thành triệu phú…”. Anh A cứ bôn ba cực khổ rao bán hết năm này qua năm nọ như vậy, nhưng dân làng không mấy ai tin, vì vậy vé số của anh A không bán được nhiều.

Anh B trong làng thấy anh A đã cực khổ bôn ba nhiều năm mà vé số không bán được bao nhiêu, nên động lòng thương xót và nghĩ rằng: “Ta không thể ích kỷ ngồi đây để an hưởng giàu có hạnh phúc một mình, mà ta phải nói sự thật cho dân làng biết, để dân làng cùng mua vé số và cùng thành triệu phú giống như ta”. Vì nghĩ như vậy, nên anh B không ngại cực khổ, không sợ nguy hiểm trộm cướp, quyết tâm đi từ đầu làng đến cuối làng để nói cho mọi người biết rằng: “Những lời anh A đang rao bán hằng ngày là chân thật, vì chính anh đã mua vé số từ nơi anh A và chính anh đã trúng độc đắc trở thành triệu phú ngày nay”. Sau khi dân làng nghe được những lời thành khẩn và phân trần của anh B, thì họ khởi lòng tin và tìm đến anh A để mua vé số, mong được giàu có giống như anh B. Nhưng khi dân làng tìm đến anh A để mua vé số, thì anh A lại đi nói với dân làng rằng: “Những lời anh B nói hoàn toàn là bịa đặt và hoang đường”. Không những vậy, mà chính miệng của anh A còn nói với dân làng rằng: “Làm gì có chuyện mua vé số mà trúng được độc đắc để trở thành triệu phú. Tất cả những lời nói đó chỉ là bịa đặt và hoang đường để gạt người thôi”.

Qua câu chuyện ví dụ ở trên, chúng ta thấy anh A đang nhục mạ, phỉ báng anh B hay là anh A đang tự nhục mạ, phỉ báng chính mình? Còn về phía dân làng thì họ sẽ chê cười phỉ báng anh B hay là họ sẽ chê cười phỉ báng anh A? (Câu trả lời này xin dành lại cho quý bạn).

Kính thưa quý bạn! Khi thuyết về pháp môn Tịnh độ thì quý bạn thường thuyết những pháp căn bản nào? Có phải quý bạn đang thuyết những pháp căn bản như ở dưới đây không? (Những câu dưới đây chỉ xin hỏi riêng với những bạn nào đang thuyết về pháp môn Tịnh độ và phỉ báng pháp môn Tịnh độ mà thôi).

  1. Quý Phật tử hãy mau phát tâm Bồ đề niệm Phật để thành Phật, vì pháp môn Tịnh độ là pháp môn cao siêu có thể cứu chúng sanh thoát khỏi luân hồi và vãng sanh thành Phật.
  2. Phật A Mi Đà là Phật từ bi, Ngài đã phát ra 48 đại nguyện để giúp chúng sanh đới nghiệp vãng sanh và một câu Phật hiệu A Mi Đà có thể trừ 80 ức kiếp nghiệp chướng trọng tội.
  3. Phật A Mi Đà có lòng từ bi vô lượng, cho dù có chúng sanh đã tạo ngũ nghịch, thập ác, đến phút lâm chung biết thành tâm sám hối niệm Phật, thì cũng được chư Phật tiếp dẫn đưa về Cực Lạc để tu thành Phật.
  4. Pháp môn Tịnh độ là pháp môn bình đẳng, không phân biệt xuất gia hay tại gia, thượng căn hay hạ căn, già hay trẻ, trí hay độn, giàu hay nghèo. Tóm lại, pháp môn Tịnh độ phù hợp cho tất cả căn cơ của chúng sanh trong sáu ngã mười phương.
  5. Pháp môn Tịnh độ là pháp môn niệm Phật tam muội, là pháp môn trực chỉ chứng nhập pháp thân, khai tri kiến Phật và thành tựu lục thông. Vì vậy, người tu Tịnh độ dễ được thành tựu Sự nhất tâm tam muội, nhất tâm tam muội và Đà Ra Ni tam muội.
  6. Trong Kinh A Mi Đà, Phật có nói: “Chúng sanh nào thành tâm niệm Phật từ một ngày cho đến bảy ngày được nhất tâm bất loạn thì sẽ được vãng sanh”.
  7. Trên cõi Cực Lạc có chín phẩm vãng sanh: Ba phẩm thượng sanh, ba phẩm trung sanh và ba phẩm hạ Tùy theo sự tu hành của chúng sanh mà được sanh vào thượng, trung hay hạ.
  8. Trong đại nguyện 18 của Phật A Mi Đà có nói: “Nếu chúng sanh trước phút lâm chung niệm được 10 niệm liên tục mà Phật không đến nơi tiếp dẫn chúng sanh đó sanh về cõi nước của Ngài thì Ngài thề không làm Phật”.
  9. Pháp môn Tịnh độ là pháp môn nhị lực cao siêu bất khả tư nghị nên vạn người tu, vạn người chứng và vạn người được vãng sanh thành Phật.

Tóm lại, quý bạn hằng ngày đều đang bôn ba cực khổ khắp nơi để thuyết pháp và khuyên dạy Phật tử rất nhiều về pháp môn Tịnh độ, có phải vậy không?

Bây giờ tôi xin được phép hỏi quý bạn hai câu:

Một- Khi quý bạn phát tâm tu học Kinh sách của Phật và thay Phật để giáo hóa hàng trời, người, chúng  sanh hữu tình là bạn đã tin sâu lời Phật dạy vạn lần chân thật, có phải vậy không?

Hai- Những lời thuyết về pháp môn Tịnh độ ở trên mà quý bạn đang thuyết cho Phật tử nghe hằng ngày đó là vạn lần chân thật, có phải vậy không?  

Nếu quý bạn trả lời rằng: Hai câu hỏi trên là đúng thì xin quý bạn hãy mở lòng từ bi giải tỏa cho Phật tử chúng tôi hiểu những điều thắc mắc ở dưới đây:

Kính thưa quý bạn! Nếu quý bạn cho rằng những lời Phật dạy trong ba Đại Tạng Kinh là vạn lần chân thật và những lời của bạn đang thuyết cho Phật tử nghe hằng ngày đó là vạn lần chân thật, vậy thì tại sao khi có Phật tử nói rằng nhờ niệm Phật nhiều năm mà chứng được nhất tâm tam muội, thì quý bạn lại đi bài bác, phủ nhận và cho rằng người Phật tử đó là bịa đặt và nói chuyện hoang đường? Không những vậy mà chính miệng của quý bạn còn nói với đại chúng rằng: “Làm gì có chuyện niệm Phật mà chứng được nhất tâm tam muội. Người xuất gia còn chưa chứng được nhất tâm tam muội, thì người tại gia làm gì mà chứng được nhất tâm tam muội”.

Kính thưa quý bạn! Người Phật tử này chỉ mới nói là chứng được nhất tâm tam muội thôi, chứ chưa nói là chứng được Đà Ra Ni tam muội hay là thành Phật mà quý bạn đã vội bài bác và phủ nhận. Vậy thì tất cả những gì mà ba đời mười phương chư Phật, chư Bồ tát thuyết và những gì mà quý bạn đang thuyết cho Phật tử nghe hằng ngày đó đều là hoang đường và vọng ngữ ư? Nếu không có người tu chứng thì chín phẩm sen vàng của Phật bỏ đi đâu? Nếu không có người tu chứng thì làm gì có chư Phật, chư Tổ? Nếu người niệm Phật nhiều năm mà không thể chứng được nhất tâm tam muội, vậy trong Kinh A Mi Đà, Phật nói người nào thành tâm niệm Phật từ một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn thì sẽ được vãng sanh, là vọng ngữ ư?

Thật ra, chúng tôi còn muốn mổ xẻ vấn đề này cho tường tận hơn để cho quý bạn thấy rõ sự mâu thuẫn, đố kỵ và tạo nghiệp của mình. Nhưng khi viết đến đây thì tâm chúng tôi cảm thấy xót xa và không cầm được nước mắt, nên chỉ mổ xẻ vấn đề này đến đây thôi. Vì càng mổ xẻ chỉ càng làm cho huynh đệ chúng ta thêm đau lòng mà thôi. Ở đây, chúng tôi xin quý bạn hãy suy nghĩ lại hành vi và những lời nói đố kỵ của mình. Chúng ta tu hành thì phải dùng tâm từ bi, bình đẳng để mà hoằng dương Phật pháp, không nên dùng cái tâm đố kỵ, hẹp hòi và phân biệt như anh A bán vé số trong câu chuyện ở trên. Nếu quý bạn tự nhục mạ, phỉ báng mình thì không sao, nhưng xin đừng phỉ báng ba đời mười phương chư Phật, chư Bồ tát và chư Tổ, Thánh tăng. Vì tội nghiệp này, quý bạn không gánh nổi đâu.

II. Phơi bày bằng chứng của chư Phật, chư Bồ tát và chư Tổ

Có một số Phật tử cho rằng: “Chư Tổ và chư Thánh tăng từ xưa tới nay không bao giờ nói lên sự chứng đắc của quý Ngài” và chúng ta còn cho rằng: “Nếu ai nói lên sự chứng đắc của mình thì sẽ phạm vào giới cấm và bị đọa”. Nếu quý bạn cho rằng người tu hành nói lên sự tu hành chứng đắc là phạm vào giới cấm và bị đọa, vậy thì ba đời mười phương chư Phật, chư Bồ tát và chư Tổ, Thánh tăng đã bị đọa hết rồi ư? Nếu quý Ngài đã bị đọa hết rồi thì còn ai để cho chúng ta ngày nay gọi là Phật, Bồ tát và Tổ?

Kính thưa quý bạn! Chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: Nếu chúng ta dạy cho con của mình trồng cam mà không dùng hành động của mình để chứng minh cho chúng thấy sự thành tựu của cây cam, thì chúng có tin lời của ta dạy và có chịu hạ quyết tâm để trồng cây cam hay không? Nếu ba đời mười phương chư Phật, chư Bồ tát thị hiện đến đây dạy cho chúng ta tu hành để thành Phật, mà quý Ngài không dùng hành động để chứng minh sự thành Phật của quý Ngài, thì chúng ta có tin lời dạy của quý Ngài và có hạ quyết tâm để tu thành Phật không?

Nếu quý bạn chịu bỏ cái tâm phân biệt chấp trước và đố kỵ của mình qua một bên, chịu dùng cái tâm bình thường để tìm hiểu Kinh Phật và chịu tìm hiểu về tiến trình tu hành chứng đắc của chư Phật, chư Bồ tát và chư Tổ Thánh tăng, thì sẽ thấy quý Ngài thị hiện đến đây đều có cùng một tâm nguyện giống nhau, đó là: “Phơi bày bằng chứng nhiệm mầu của Phật pháp để cho chúng sanh thấy”. Không những vậy mà quý Ngài còn phơi bày cho chúng ta xem một cách tường tận, từ lúc sanh ra cho đến khi tu hành đắc đạo và nhập Niết bàn. Thậm chí, có Ngài còn phơi bày cho chúng ta biết luôn nhiều kiếp quá khứ và vị lai của quý Ngài. Nếu chư Tổ và chư Thánh tăng từ xưa đến nay không nói lên sự tu hành chứng đắc của quý Ngài, thì chúng ta ngày nay làm sao có được những bộ bút ký viết về cuộc đời tu hành và sự chứng đắc của quý Ngài? Làm sao biết được chư Tổ nào đã chứng đắc pháp nào và chứng đắc ở đâu? Làm sao biết được chư Tổ nào là hóa thân của Phật nào và chư Tổ nào là hóa thân của Bồ tát nào? Đó là chưa nói đến những vị Bồ tát thị hiện làm Cư sĩ tại gia niệm Phật để lại bằng chứng vãng sanh và để lại Xá lợi.

Nói về chư Phật: Nếu chư Phật không nói thì chúng ta ngày nay làm sao biết được Phật A Mi Đà, Phật Di Lặc,… đã tu hành ra sao, thành tựu thế nào và đang ở đâu? Còn nói về Phật Thích Ca, nếu Ngài không nói thì chúng ta làm sao biết gần ba ngàn năm trước Ngài từ đâu thị hiện đến đây, làm sao biết Ngài thành Phật ở dưới cây Bồ đề như thế nào? Làm sao biết Ngài chỉ ở một nơi mà có thể phân thân đi thuyết pháp khắp sáu cõi mười phương? Làm sao biết mười phương chư Phật, chư Bồ tát và Thánh chúng lúc đó đều tán thán Ngài? Làm sao biết nhiều kiếp quá khứ Ngài thành tựu ra sao và làm sao biết Ngài đã thành Phật trong vô lượng kiếp như thế nào?…

Nói về Bồ tát: Nếu quý Ngài không nói thì chúng ta ngày nay làm sao biết được Ngài Quán Thế Âm, Ngài Đại Thế Chí, Ngài Văn Thù, Ngài Phổ Hiền,… đã thành tựu hạnh gì, thành tựu ở đâu và thành Phật bao lâu?…

Nói về Phật sống Đạt Lai Lạt Ma hiện nay: Nếu Ngài không nói thì chúng ta làm sao biết được Ngài tái sanh lần thứ mấy, tái sanh ở đâu và thành tựu ra sao? (Ngày nay, quý Ngài còn quay tất cả bằng chứng để đưa ra đại chúng).

Kính thưa quý bạn! Ba đời mười phương chư Phật, chư Bồ tát thị hiện đến đây đều có cùng một tâm nguyện giống nhau, đó là: “Phơi bày bằng chứng nhiệm mầu của Phật pháp để giúp cho chúng sanh có đủ niềm tin tu hành thành Phật”. Chẳng qua cách phơi bày của quý Ngài tùy theo hoàn cảnh, căn cơ và thời thế của chúng sanh mà phơi bày thô tế và ẩn hiện khác nhau. Có Ngài thì dùng hành động và lời nói trực tiếp, có Ngài thì dùng hành động và lời nói gián tiếp, có Ngài thì dùng lộ tướng, có Ngài thì dùng ẩn tướng, có Ngài thì dùng tướng xuất gia, có Ngài thì dùng tướng tại gia, có Ngài thì dùng tướng súc sanh, ngạ quỷ hay địa ngục. Nhưng cuối cùng cũng đều quy về một mục đích đó là phơi bày bằng chứng nhiệm mầu của Phật pháp.

Thật ra, chúng tôi còn muốn mổ xẻ vấn đề này cho được tường tận hơn nhưng không có đủ thời gian. Cho dù có, chúng tôi cũng không muốn mổ xẻ thêm, vì chỉ làm cho chư Phật, chư Bồ tát và chư Tổ thêm đau lòng mà thôi. Tại sao? Vì không có gì đau lòng bằng khi thấy những người tự cho mình là đệ tử của Phật, tự cho mình là thuyết pháp y Kinh và tu thành y giáo, mà không hiểu được nỗi khổ tâm của chư Phật và Bồ tát. Không những vậy mà chúng ta cũng không hiểu được hoàn cảnh, căn cơ và thời thế của chúng sanh trong hiện tại, ngược lại còn ở đây buông lời phỉ báng chư Phật, chư Bồ tát và hại chúng sanh phải bị hoang mang.

Nếu quý bạn cho rằng người tu hành nói lên sự chứng đắc là có tội và bị đọa, vậy thì tại sao quý bạn hằng ngày thường đem những câu chuyện tu hành chứng đắc của chư Phật, chư Bồ tát và chư Tổ kể lại cho Phật tử nghe làm gì, quý bạn làm như vậy không sợ bị đọa chung hay sao? Nếu quý bạn cho rằng sự thành tựu chứng đắc là không quan trọng, vậy thì kể cho Phật tử nghe làm gì, quý bạn không sợ bị uổng công phí sức hay sao?

Kính thưa quý bạn! Chúng ta đang tu pháp môn Tịnh độ là tu hạnh của Phật. Nếu tu hạnh của Phật thì chúng ta không nên có cái tâm phân biệt như là trọng Phật khinh chúng sanh, trọng Tăng khinh Ni, trọng xuất gia khinh cư sĩ, trọng nam khinh nữ, trọng già khinh trẻ, trọng giàu khinh nghèo, trọng người khinh súc sanh. Nếu quý bạn tu hạnh của Phật mà tâm vẫn còn phân biệt trọng khinh như vậy, thì cho dù có niệm Phật cả đời cũng chỉ luống công thôi. Nếu là đệ tử Phật thì ta phải có lòng từ bi và bình đẳng. Cho dù những con vật nhỏ như con kiến, chúng có nói rằng chúng niệm Phật đã được nhất tâm hay là được vãng sanh, thì chúng ta cũng phải tin. Tại sao? Vì trong Kinh Phật nói: Tất cả chúng sanh đều đồng một thể và tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành. Nếu là đệ tử Phật mà hai ý nghĩa từ bi và bình đẳng mà ta cũng không hiểu suốt, vậy thì làm sao có đủ đạo hạnh để hoằng pháp và hộ pháp?

Kính thưa quý bạn! Không phải chỉ có Bồ tát, Trời, Người, Thần đã và đang được vãng sanh thành Phật thôi đâu, mà chúng sanh trong ba đường ác như là Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục cũng được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà. Chẳng qua chúng ta không có Phật nhãn nên không thấy đó thôi. Nếu quý bạn không tin thì hãy đi tìm những câu chuyện của chư Tổ đã kể lại trong bút ký nói về những con chuột, con két, con heo, con gà,… đã được vãng sanh như thế nào thì quý bạn sẽ rõ. Còn nếu quý bạn vẫn không tin lời của chư Phật, chư Tổ thì hãy ráng tu cho thành Phật đi, vì khi thành Phật rồi thì quý bạn sẽ thấy rõ thôi.

Nếu là đệ tử Phật thì chúng ta phải biết tu hạnh tùy hỷ. Nghĩa là chúng ta phải coi sự thành tựu của chúng sanh còn quan trọng hơn là sự thành tựu của mình. Không những vậy mà chúng ta còn phải tu cho đến khi nào thấy tất cả chúng sanh đều là chư Phật đang ngồi ở trên đỉnh đầu của mình. Chúng ta phải tu cho tới khi nào không còn thấy có mình, có chúng sanh thì lúc đó mới nhập vào được biển tam muội của chư Phật. (Tức là nhập vào được tâm Phật của ta và tâm của chư Phật).

Kính thưa quý bạn! Mục đích của ba đời mười phương chư Phật, chư Bồ tát thị hiện tới đây là mong tất cả chúng sanh đều nhập vào được biển tam muội của Như Lai tự tánh. Nếu là đệ tử Phật thì ta phải hiểu đạo Phật là đạo cao siêu nhiệm mầu, có khả năng cứu chúng sanh giải thoát cứu cánh ngay trong một đời. Quý bạn nên biết chư Phật không có dạy chúng ta dẫn dắt chúng sanh đi lòng vòng trong sáu ngã luân hồi. Nếu quý bạn muốn đi lòng vòng thì không sao, nhưng xin đừng dẫn dắt chúng sanh đi lòng vòng, vì thân người khó có nhưng dễ mất. Xin quý bạn hãy suy nghĩ lại.

III. Sự chứng đắc được hiểu trên nhiều mặt

Kính thưa quý bạn! Khi chúng ta muốn lên án hay phê bình một người nào đó, thì phải cho họ biết là họ đã phạm tội gì, có phải vậy không? Chúng ta xưa nay thường lên án những người nói lên sự chứng đắc là có tội và bị đọa. Giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu vào hai chữ chứng đắc này có tầm quan trọng tốt xấu ra sao, mà khiến cho người nói lên sự chứng đắc của mình phải bị đọa? Trong Kinh Phật nói: Chứng nghĩa là thấy, đắc nghĩa là được”. Người tu hành chứng đắc là người thấy lại được chân tâm (Phật tánh) của mình. Một khi thấy lại được chân tâm thì ta sẽ thoát được luân hồi và vãng sanh thành Phật (nói riêng về người tu Tịnh độ). Tóm lại, ý nghĩa của hai chữ chứng đắc chỉ đơn giản vậy thôi.

Kính thưa quý bạn! Trước khi bước vào để phán xét người nói lên sự chứng đắc của mình có tội hay không, thì tôi xin kể cho quý bạn nghe một câu chuyện của hai anh em A và B. Tuy câu chuyện này chỉ là ví dụ, nhưng đây là đầu mối có thể giúp chúng ta nhìn sự việc được rõ ràng hơn.

Ở một làng nọ, có hai anh em A và B bần cùng ăn xin khắp nơi. Một hôm, có một ông lão đến mách bảo rằng nhà của anh em họ giàu có lắm, dù hưởng cả đời cũng không hết. Nếu tin lời ông nói, hai anh em chịu trở về nhà thì sẽ thoát khỏi cảnh bần cùng nghèo đói. Sau khi nghe ông lão đó nói như vậy, thì người anh tên A không tin và còn buông lời phỉ báng cho rằng ông lão đó nói chuyện hoang đường. Nhưng ngược lại, người em tên B thì lại tin và còn xin ông lão đó chỉ đường dẫn lối cho mình về nhà. Sau khi được ông lão chỉ đường dẫn lối, thì người em tên B vô cùng mừng rỡ và quyết tâm trèo non, vượt biển ngày đêm để tìm về nhà. Nhờ sự quyết tâm kiên cố đó mà anh B cuối cùng đã tìm được nhà và hưởng sự giàu có, hạnh phúc. Trong lúc hưởng hạnh phúc và giàu có, thì anh B cảm thấy đau lòng xót xa vì nghĩ đến anh A của mình vẫn còn đau khổ, đói khát ăn xin bần cùng khắp nơi. Vì thương anh A nên anh B không ngại nguy hiểm và quyết tâm trèo non vượt biển để tìm lại anh mình, mong anh trở về hưởng sự giàu có và hạnh phúc giống như mình.

Kính thưa quý bạn! Qua câu chuyện của hai anh em A và B ở trên, chúng ta thấy hành động của anh B đối với anh A là đúng hay sai, thiện hay ác? Nếu quý bạn trả lời rằng: Hành động của anh B đối với anh A là đúng, là thiện thì người nói lên sự chứng đắc của họ để cứu chúng sanh là đúng, là thiện. Còn nếu quý bạn trả lời rằng: Hành động của anh B đối với anh A là sai, là ác thì người nói lên sự chứng đắc của họ là sai, là ác. Cho nên vấn đề đúng hay sai, thiện hay ác ở đây còn phải tùy vào trí tuệ và lương tâm của mỗi người tự phán xét.

Kính thưa quý bạn! Chúng ta xưa nay có một căn bệnh mà không hề hay biết, đó là: Mỗi khi muốn lên án huynh đệ hay bạn đồng tu, thì ta thường mượn những lời của chư Phật, chư Tổ để lên án họ, nhưng chính bản thân chúng ta thì không hiểu được ý nghĩa lời nói của chư Phật và chư Tổ đang nói trong hoàn cảnh nào, trên mặt nào? Nếu hiểu thì chúng ta sẽ không bao giờ dám mượn lời của quý Ngài để lên án hay phỉ báng bạn đồng tu của mình.

Chúng tôi xin khuyên quý bạn một điều, đó là: Trước khi muốn mượn lời của chư Phật và chư Tổ để lên án huynh đệ, thì ta hãy tự hỏi mình có đủ trí tuệ để hiểu được câu nào là quý Ngài đang nói: Trên lý, trên sự, trên chân, trên vọng, trên tâm, trên căn cơ, trên đạo, trên đời, trên hoàn cảnh, trên phương tiện, trên Tiểu thừa, trên Đại thừa, trên Thế giới duyên sanh và trên Nhất chân pháp giới hay chưa? Nếu chưa thì quý bạn không nên mượn lời của quý Ngài, vì làm như vậy sẽ oan ức cho chư Phật, chư Tổ ba đời và hại mình bị đọa.

Kính thưa quý bạn! Chư Tổ nói người nào nói lên sự chứng đắc của mình sẽ có tội và bị đọa, là quý Ngài nói riêng với những người không chứng mà tự cho mình là chứng để gạt chúng sanh, mưu cầu danh lợi và hại Phật pháp. Quý Ngài hoàn toàn không có dùng câu nói ở trên để nói với những người tu chứng thật sự. Nếu quý Ngài dùng câu nói trên để nói với những người tu chứng thật sự, thì không khác gì quý Ngài đang tự phỉ báng chính mình và phỉ báng luôn ba đời mười phương chư Phật, chư Bồ Tát.  

IV. Rêu rao hay lên án bạn đồng tu là một thiệt thòi lớn cho bản thân

Kính thưa quý bạn! Mục đích của chúng ta tu hành là để thành Phật, không phải tu để rồi vạch lá tìm sâu hay lên án lẫn nhau. Cho dù hiện tại họ không được vãng sanh, nhưng không có nghĩa là vĩnh viễn họ không được vãng sanh. Huống chi, chúng ta không phải là họ thì làm sao biết được là họ không được vãng sanh. Xin quý bạn hãy nhớ một điều là thân xác của ta chết, nhưng tâm thức của ta thì không chết. Nếu một người lúc còn sống niệm Phật đã được thuần thục nhưng đến phút lâm chung gặp chướng duyên không được vãng sanh ngay lúc đó, thì sau khi chết họ sẽ niệm Phật được sáng suốt và sẽ được vãng sanh. Tại sao? Vì sau khi chết, họ không còn bị cái thân già, bệnh, khổ này làm nhiễu loạn nên họ niệm Phật được sáng suốt hơn. Ngay giây phút họ niệm tha thiết đó thì chư Phật sẽ đến tiếp dẫn ngay.

Số người mà quý bạn đang thấy tu niệm ở trong các đạo tràng chỉ là số ít. Còn số chúng sanh đến đạo tràng tu niệm Phật mà quý bạn không thấy mới là số nhiều. Số người được vãng sanh mà quý bạn thấy được chỉ là số ít. Còn số chúng sanh được vãng sanh mà quý bạn không thấy mới là số nhiều. Tóm lại, chỉ có chư Phật, chư Bồ tát và bản thân của họ mới biết rõ thôi. Còn chúng ta là phàm phu, tâm thức của mình còn chưa hiểu rõ, thì làm sao hiểu được tâm thức của người khác mà vội khẳng định cho rằng họ không được vãng sanh, rồi rêu rao và lên án họ khắp nơi.

Còn nói về bạn đồng tu của ta không may gặp phải chướng ma trên đường tu, thì ta phải biết thương yêu đùm bọc và an ủi khuyến tấn, chúng ta không nên đi rêu rao hay là lên án họ khắp nơi. Quý bạn nên biết rằng, những người bạn đang bị ma phá đó công phu của họ không phải là tầm thường. Nếu là người tu tầm thường thì Ma vương không cần phải hoảng sợ và cũng không cần phải tìm cách để hãm hại họ. Nếu là người tu hành thì ta phải hiểu rõ những điều căn bản này, không nên làm tổn thương thêm đến huynh đệ của mình.

Kính thưa quý bạn! Trong chúng ta có ai dám bảo đảm rằng mình ngủ mà nắm tay được từ tối cho tới sáng không? Có ai dám bảo đảm suốt đời mình không bị ma phá không? Có ai dám bảo đảm rằng suốt đời mình không bị lầm lỗi không? Nếu là không, thì tốt nhất chúng ta nên giữ im lặng. Quý bạn thử nghĩ xem: Ngày nay, ta phỉ báng người; ngày mai, ai phỉ báng ta? Ngày nay, ta hãm hại người; ngày mai, ai hãm hại ta? Nếu chúng ta hiểu được luật nhân quả thì không nên làm những hành động kém trí tuệ, vì chỉ có hại chớ không có lợi gì cho mình cả. Trong Kinh Phật dạy: Ngay giây phút ta phỉ báng người, thì chính là giây phút ta đang tự phỉ báng ta. Ngay giây phút ta tha thứ cho người thì chính là giây phút ta đang tự tha thứ cho ta”.

Còn về vấn đề bạn đồng tu của mình niệm Phật có được chứng đắc hay không, nào có hại gì đến ta hay là hại đến chúng sanh đâu, mà ta phải nhọc công phí sức điều tra rồi lên án và rêu rao họ khắp nơi. Quý bạn thử nghĩ xem: Nếu một bãi sa mạc khô khan, nắng cháy mà có được một cơn mưa đổ xuống thì chỉ có lợi chớ nào có hại. Nếu một người sắp chết khát, mà gặp được nước cam lồ thì chỉ có lợi chớ nào có hại. Cho dù bạn đồng tu của ta có nói dối để khuyên người niệm Phật đi chăng nữa thì chỉ có lợi cho người niệm Phật, chớ nào có hại mà ta phải nhọc công phí sức lên án và rêu rao họ khắp nơi. Huống chi, chúng ta không phải là họ thì làm sao biết là họ không được chứng đắc?

Quý bạn nên biết rằng pháp môn Tịnh độ là pháp môn nhân quả đồng thời. Nếu là nhân quả đồng thời thì tất cả chúng ta ai cũng đang được chứng đắc từng phần. Chúng ta chỉ khác nhau ở chỗ có người thì chứng đắc cạn, có người thì chứng đắc sâu. Nhưng dù sâu hay cạn thì tất cả chúng ta đều đang được chứng đắc từng phần. Nếu không, thì ta làm sao sanh ra được hoa sen ngàn cánh ở cõi Cực Lạc và làm sao hưởng được sự an lạc, hạnh phúc ở trong thân tâm.    

V. Nhận diện người tu hành không chân chính

Kính thưa quý bạn! Tuy pháp môn Tịnh độ là pháp môn được mười phương chư Phật trợ lực và chúng ta lúc nào cũng có 25 vị Bồ tát bên cạnh phóng quang để bảo vệ. Nhưng nếu chúng ta không lo tu niệm Phật để giữ thân tâm thanh tịnh, mà suốt ngày chỉ lo đố kỵ và tranh chấp hơn thua, thì dù chư Phật và Bồ tát có muốn cứu cũng không cứu nổi. Tại sao? Vì tự chúng ta mở cửa mời chúng ma vào, thì chư Phật và Bồ tát cũng phải chào thua thôi.

Trong nhà Phật thường có một câu nói rằng: Ở đâu có Phật thì ở đó có ma. Nếu nói trên thì tâm ta là Phật mà cũng là ma. Ma hay Phật chỉ cách nhau một niệm mê giác của ta mà thôi. Còn nói trên sự thì ở chùa hay đạo tràng nào mà có Phật thì ngay ở đó nhất định sẽ có ma xuất hiện. Tức là nói ở đâu có người tu hành chân chính, thì ngay ở đó sẽ có người tu hành không chân chính quấy phá. Ở trong gia đình cũng vậy, không có ngoại lệ. Vì vậy, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác và quán xét tâm của mình mỗi giây mỗi phút. Nếu chúng ta sơ suất thì sẽ bị chúng ma hãm hại ngay. Lúc Phật Thích Ca còn tại thế, Ngài đã làm tấm gương cho chúng ta xem. Lúc đó, Phật có một người em họ tên là Đề Bà Đạt Đa và người này theo Phật xuất gia tu hành. Nhưng Đề Bà Đạt Đa là người có tâm ma và đố kỵ rất lớn, nên lúc nào cũng tìm đủ mọi cách hãm hại Phật để mưu cầu danh lợi. Tuy nhiên, lần nào Đề Bà cũng bị thất bại và cuối cùng phải bị đọa vào địa ngục.

Kính thưa quý bạn! Hiện tại chúng ta đang sống trong thời Mạt pháp và đang bị chúng ma bủa vây tứ phía. Nhất là thời nay, chúng sanh tu niệm Phật được vãng sanh rất đông khiến cho cung trời của Ma vương phải bị rung động. Vì vậy, Ma vương càng thêm hoảng sợ và lúc nào cũng tìm đủ cách để hãm hại Phật pháp và hại sự tu hành của chúng ta.

Nhiều năm qua, có một số người mượn pháp môn Tịnh độ để phỉ báng pháp môn Tịnh độ. Nghĩa là ngoài mặt họ cũng giảng pháp môn Tịnh độ, nhưng lại bóp méo sự thật, hại chúng sanh phải bị hoang mang. Làm sao chúng ta có thể nhận diện được? Có bốn căn bản chính để chúng ta nhận diện, đó là: Một, họ phủ nhận không có cõi Tây phương Cực Lạc và không có Phật A Mi Đà tiếp dẫn; hai, họ cho pháp môn Tịnh độ là pháp môn thấp, cầu phước,…; ba, họ khẳng định không có người tu chứng và được vãng sanh; bốn, họ phủ nhận Xá lợi của người tu Tịnh độ là không có thật, mà chỉ là xương tủy sau khi thiêu đốt còn sót lại.

Nếu ai thuyết về pháp môn Tịnh độ mà phủ nhận một trong bốn điều căn bản ở trên thì người đó đang thuyết pháp của ma. Chúng ta tu hành phải luôn đề cao cảnh giác không nên để tâm hướng ngoại, mà phải lo tu niệm Phật ngày đêm để bảo vệ tâm thanh tịnh của mình. Nếu không, chúng ta sẽ bị chúng ma mê hoặc ngay. Xin quý bạn hãy thận trọng.

VI. Tu càng cao càng không thấy mình là gì cả

Kính thưa quý bạn! Trước kia, tôi không hiểu tại sao chư Tổ thường nói rằng: Càng tu cao thì càng thấy mình không là gì cả. Sau khi được nhất tâm, tôi mới hiểu được ý nghĩa của câu nói này. Tại sao? Vì lúc chưa giác ngộ, chúng ta giống như con kiến ở trong kẹt cửa không thấy được trời cao đất rộng là gì, nên cứ tưởng rằng mình thông minh và to lớn lắm. Cũng vì tưởng mình thông minh và to lớn, nên ta chỉ thấy lỗi của người mà không thấy lỗi của mình. Thậm chí, lời dạy của chư Phật, Bồ tát mà chúng ta không tin còn buông lời phỉ báng. Nhưng sau khi được giác ngộ, chúng ta mới có đủ trí tuệ để thấy được trời cao và đất rộng là gì. Vì hiểu nên chúng ta mới biết sám hối những hành vi si mê, điên đảo của mình.

Còn nói về bản thân của tôi thì trước kia cứ tưởng rằng mình to lớn lắm, nên ngoài chư Phật và cha mẹ của tôi ra, tôi không bao giờ muốn quỳ xuống để đảnh lễ một ai. Nhưng sau khi được nhất tâm thì cho dù những con vật nhỏ như con kiến, con nhện,… tôi cũng đều muốn quỳ xuống để đảnh lễ chúng. Tại sao? Vì họ đều là ông bà, cha mẹ của tôi và đều là chư Phật sẽ thành.

Kính thưa quý bạn! Cho dù chúng ta có tu tới bậc Đẳng giác Bồ tát thì cũng không hiểu được hết cảnh giới của chư Phật. Vì vậy, Kinh Phật chúng ta không nên nghi ngờ hay phỉ báng mà phải biết trân quý đọc tụng để tự độ và độ tha. Trước kia, tôi không hiểu tại sao mỗi khi chư Tổ dịch Kinh Phật thì đều phải xúc động và rơi lệ. Sau khi được nhất tâm tôi mới hiểu. Vì trong lúc dịch Kinh Phật, chư Tổ mới thấy được ân đức của chư Phật và Bồ tát không có cách chi báo đáp, nên quý Ngài chỉ còn biết rơi lệ và thầm cảm tạ ân đức vạn kiếp không quên. Riêng tôi, từ ngày được nhất tâm đến nay, không có một giây phút nào mà tôi không nghĩ đến chư Phật. Mỗi một hơi thở ra vào của tôi đều phát ra bốn chữ: “Con thương chư Phật, con thương chư Phật”. Vì nếu không có chư Phật chỉ đường dẫn lối thì tôi vẫn còn trong đau khổ và không có lối thoát.

Kính thưa huynh đệ đồng tu! Khi đặt bút viết bài mổ xẻ về vấn đề Phật pháp này, chúng tôi không khỏi đau lòng tan nát. Tôi thà bị chặt nát thân thành vạn khúc còn hơn là phải viết bài mổ xẻ này. Tại sao? Vì mỗi một chữ tôi viết ở đây không khác gì là mỗi mũi dao đang đâm vào tim tôi. Nhưng nếu tôi không mổ xẻ triệt để thì sẽ có lỗi với chư Phật và chúng sanh. Nếu những lời mổ xẻ của tôi có làm cho huynh đệ đồng tu đau lòng hay bị tổn thương, thì tôi xin dập đầu thành tâm sám hối cùng chư vị. Còn nếu bài mổ xẻ này có được chút công đức nào, thì xin hồi hướng cho tất cả huynh đệ đồng tu nào đã và đang phỉ báng chư Phật và Bồ tát, hãy mau được thức tỉnh hồi đầu tin sâu niệm Phật để huynh đệ chúng ta cùng nhau đoàn tụ ở Tây phương Cực Lạc.