ĐỊNH, CHÁNH ĐỊNH VÀ DIỆU ĐỊNH
23/01/2018
GIẢI TOẢ NGHI VẤN GIỮA THIỀN VÀ TỊNH
23/01/2018

CHUYỂN BIẾN KHI KHÔI PHỤC SÁU CĂN

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).

Ở đây, tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm khi khôi phục được sáu căn thanh tịnh, để quý bạn tìm hiểu thêm. Chúng ta ai cũng có sáu căn, đó là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Tuy có, nhưng chúng ta không biết làm chủ sáu căn của mình. Ngược lại, chúng ta còn để cho chúng điều khiển và hại ta bị luân hồi không thể thoát ra. Chúng ta xưa nay vì không biết làm chủ sáu căn của mình, nên để cho chúng tự làm chủ, như là: Mắt, thì làm chủ của cái thấy; tai, thì làm chủ của cái nghe; mũi, thì làm chủ của cái ngửi; lưỡi, thì làm chủ của cái nếm; thân, thì làm chủ của cảm thọ và ý, thì làm chủ của tư tưởng. Vì mỗi căn đều có bản lĩnh riêng, nên chúng không chịu dung thông và hợp nhất với nhau. Ngược lại, chúng lúc nào cũng đố kỵ và tranh chấp với nhau, như là: Mắt của ta thì thấy món ăn đó ngon, nhưng lưỡi của ta thì không thích vì quá đắng; hoặc mắt của ta không thích màu sắc của chiếc áo đó, nhưng thân của ta thì thích vì nó mát mẻ và thoải mái… Tóm lại, sáu căn của ta lúc nào cũng đố kỵ và tranh chấp lẫn nhau không ngừng, nên mới hại ta bị luân hồi sanh tử mãi. Tại sao chúng lúc nào cũng đố kỵ và tranh chấp lẫn nhau? Là vì chúng không có người chỉ dạy. Nay được thức tỉnh, chúng ta phải biết làm chủ sáu căn của mình và dạy cho chúng biết dung thông, hợp nhất với nhau.

Thay vì trước kia chúng ta để cho chúng khống chế, nên mắt của ta chỉ thấy nhưng không thể nghe, ngửi, nếm, cảm giác hay khởi ý. Các căn khác cũng vậy, đều bị hạn chế. Nay ta trở về điều khiển sáu căn của mình cho được dung thông, hợp nhất với nhau, thì mắt của ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác và khởi ý. Các căn khác cũng vậy, đều có chức năng giống nhau. Nói như vậy không có nghĩa là ta không cần dùng đến chức năng đặc biệt của mỗi căn. Dĩ nhiên là ta vẫn dùng sáu căn của mình như cũ, không thay đổi. Chúng chỉ có khác ở chỗ là sáu căn của ta bây giờ được sáng suốt và hòa thuận với nhau, không còn si mê chạy theo sáu trần để tranh chấp với nhau nữa. Sáu trần đó là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp (phần này tôi đã giải thích rõ trong bài “Tâm là gì?” rồi). Sáu căn của ta không còn bị khống chế, nghĩa là: Mắt của ta bây giờ nhìn thấy sắc, nhưng không bị sắc làm mê hoặc; tai nghe âm thanh, nhưng không bị âm thanh cám dỗ; lưỡi nếm vị nhưng không để vị đắm nhiễm. Các căn khác cũng vậy, nên gọi là sáu căn thanh tịnh. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta trở thành gỗ đá, không còn biết thưởng thức hay chiêm ngưỡng. Nếu tu để rồi trở thành gỗ đá thì ai còn dám tu. Quý bạn nên biết rằng tu hành là bỏ cái ta giả để trở về với cái ta thật, không phải tu để rồi không còn có cái ta nào. Nếu tu để rồi không còn cái ta nào, vậy ai thành Phật? Nếu không có ai thành Phật thì làm sao có chư Phật?

Kính thưa quý bạn! Qua sự phân tích tóm gọn ở trên, quý bạn đã hiểu được ý nghĩa dung thông sáu căn rồi, bây giờ tôi xin chia sẻ vào kinh nghiệm. Khi chúng ta niệm Phật có đủ thần lực, thì thần lực của ta sẽ dung thông được với sáu căn. Lúc đó, ta sẽ thấy có một luồng khí lực trong người, từ đan điền (dưới lỗ rốn) đột phá và chạy lên qua khỏi đỉnh đầu của mình. Khi luồng khí lực đó chạy từ lỗ rốn lên tới gần giữa lồng ngực, thì nó sẽ tự động chẻ ra làm hai như chữ “V” và từ từ mở lớn ra. Luồng khí lực đó càng đột phá lên cao thì độ chẻ của nó càng mở ra lớn hơn, nó chẻ lớn tới đâu thì sáng rực tới đó. Nghĩa là ở giữa hai đường chẻ ra thì sáng rực, còn hai bên bị chẻ ra thì tối đen. Nó cũng giống như một tấm màn đen che cửa sổ, bị ta dùng kéo cắt nó ra làm đôi. Cắt tới đâu thì độ rách của nó càng lớn và ánh sáng Mặt Trời càng chiếu vào nhà sáng hơn. Khi luồng khí lực đó đột phá lên tới đỉnh đầu, thì ta sẽ không còn thấy thân, mặt và đầu của mình ở đâu nữa, mà chỉ thấy cảnh vật xung quanh và cảm giác hai luồng khí lực tuôn ra hai bên lỗ tai kêu rét rét và làm cho tai của ta cảm thấy đau buốt. Luồng khí lực đó đột phá khoảng gần một phút. Trong thời gian gần một phút đó, ta có thể dùng sáu căn để thay thế cho nhau. Nghĩa là lúc đó ta có thể dùng thân để thấy, dùng mắt để cảm nhận, dùng mũi để nghe… Tóm lại, ta có thể dùng một căn để thay thế cho sáu căn, thật là vi diệu không thể nghĩ bàn. Khi luồng khí lực đó đột phá đến đâu, ta sẽ cảm nhận được sự an lạc và thông suốt đến đó. Sự an lạc và thông suốt đó không thể giải thích bằng lời, chỉ có ai chứng ngộ mới cảm nhận được thôi. Cảnh giới này bên Thiền tông gọi là “Lăng Nghiêm đại định”.

Sau khi khôi phục được sáu căn thanh tịnh, chúng ta lúc nào cũng cảm thấy từ lỗ rốn lên tới đỉnh đầu của mình, trống rỗng như không có vật gì. Trống rỗng tới mức độ, ta có thể cảm nhận được mỗi hơi thở của mình từ trên thông xuống tới lỗ rốn mát rượi, thoải mái và từ lỗ rốn thông lên qua đỉnh đầu rất là an lạc. Từ đó, mỗi khi nhắm mắt, ta sẽ không còn cảm thấy thân của mình hiện hữu nữa. Sáu căn của ta lúc nào cũng được thanh tịnh và sáng suốt, không còn chạy theo sáu trần. Rồi qua vài ngày sau, ta sẽ không còn thấy hơi thở của mình thông xuống lỗ rốn hay thông lên đỉnh đầu nữa, mà cảm thấy thông cả toàn thân trên dưới và trong ngoài đều thanh tịnh.

Kính thưa quý bạn! Người tu Thiền trước hết là phải khôi phục được sáu căn thanh tịnh, rồi sau đó mới khôi phục được thần thông thanh tịnh của sáu căn. Còn người tu Tịnh thì hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta có thể khôi phục sáu căn và thần thông thanh tịnh cùng một lúc. Tại sao? Vì mỗi một niệm của ta đang niệm, một bên là khôi phục lại thần thông của sáu căn, còn một bên là khôi phục lại sáu căn thanh tịnh. Nghĩa là cho dù hiện tại ta chưa khôi phục được sáu căn dung thông hợp nhất với nhau, nhưng ta có thể khôi phục được từng phần thần thông thanh tịnh của sáu căn.

Ở đây, chúng tôi xin lấy sự thành tựu của hai chị em tôi để phân tích thì quý bạn dễ hiểu hơn. Chị Diệu Ngọc của tôi thì khôi phục được sáu căn thanh tịnh trước, rồi sau đó mới khôi phục được một phần Thần túc thông (chỉ mới khôi phục được Thần túc thông thôi). Còn tôi thì khôi phục được một phần Nhĩ thông, Nhãn thông Thần túc thông thanh tịnh trước. Rồi sau đó mới khôi phục được sáu căn thanh tịnh. Tại sao? Vì sự tu hành và Túc mạng của hai chị em tôi có chỗ khác nhau. Túc mạng, nghĩa là sự tu hành và hạnh nguyện của chị em tôi trong quá khứ có khác nhau, nên kiếp này sự chứng ngộ cũng khác nhau. Tuy sự chứng ngộ của hai chị em tôi trước sau có khác nhau, nhưng sự chuyển biến của chứng ngộ thì giống nhau không khác. Cũng như sự chuyển biến khi khôi phục được “Thần túc thông” và sự chuyển biến khi dung thông được “sáu căn” của hai chị em tôi đều giống nhau. Tôi chỉ khác với chị tôi ở chỗ là: Vì tôi khôi phục được một phần “Thần túc thông”, “Nhĩ thông” và “Nhãn thông” thanh tịnh trước, nên sự đột phá khi thông “sáu căn” của tôi mạnh hơn của chị tôi. Mạnh hơn nghĩa là: Trong thời gian luồng khí lực trong tôi đột phá từ lỗ rốn lên tới đỉnh đầu, thì thần thức của tôi cũng xuất ra, Nhĩ thông và Huệ nhãn của tôi cũng chuyển biến. Tóm lại, lúc đó tôi thấy được bốn cảnh giới chuyển biến khác nhau, đó là:

  1. Tôi thấy có một luồng khí lực từ lỗ rốn chạy lên đỉnh đầu, chẻ người tôi ra làm hai và tuôn ra hai bên tai như là thác lũ.
  2. Tôi thấy trong tôi có một cơn lốc rất mạnh vụt khỏi đỉnh đầu và bay lên hư không (tức thần thức của tôi xuất ra, tuy xuất mà như không xuất, không xuất mà xuất).
  3. Tôi nghe được nhiều tiếng người và vạn vật xung quanh (tức Nhĩ thông của tôi mở ra).
  4. Tôi thấy bạch hào quang ở giữa hai chân mày tôi xoay nhanh như cái chong chóng và biến hóa đủ màu (tức Huệ nhãn của tôi chuyển biến).

Lúc đó, vì bốn sự việc biến chuyển cùng một lúc quá mạnh và quá nhanh, nên làm cho tôi hơi bị chới với. Nhưng sau đó thì tôi cảm thấy toàn thân trống rỗng và an lạc không thể tả. Tóm lại, chị tôi khi khai thông sáu căn rất là nhẹ nhàng, còn tôi thì mạnh như cơn lốc và biến hóa đủ dạng.

Kính thưa quý bạn! Nhiều năm qua có nhiều vị Tu sĩ và Cư sĩ gửi email hoặc gọi phone để chia sẻ sự chứng ngộ với chúng tôi. Qua những lời chia sẻ của chư vị đó, chúng tôi thấy sự chứng ngộ của họ không có khác với chị em tôi nhiều. Trong số những chư vị đó, có vị thì thông được sáu căn, nhưng chưa khôi phục được thần thông thanh tịnh của sáu căn. Còn có vị thì khôi phục được thần thông thanh tịnh của một vài căn, nhưng chưa thông được sáu căn. Tóm lại, tuy mỗi người đều có sự chứng ngộ trước sau không đồng, nhưng sự chuyển biến và cảnh giới của họ thì tương tự không sai biệt lắm. Họ chỉ khác nhau ở chỗ là: Có người thì khôi phục được thần thông thanh tịnh ít, có người thì khôi phục được thần thông thanh tịnh nhiều (thần thông của tâm thanh tịnh, không phải là thần thông biến hóa). Nhưng cho dù khôi phục được nhiều hay ít, khi về Cực Lạc chúng ta sẽ thành Phật giống nhau không khác.