NIỆM PHẬT CÁCH NÀO ĐỂ ĐƯỢC NHẤT TÂM?
25/04/2018
TÌM KINH PHẬT Ở ĐÂU MỚI ĐÚNG
25/04/2018

CHÂN TƯỚNG ĐẠO PHẬT

(Bài này trích ra từ cuốn sách “TỊNH ĐỘ THỰC CHỨNG” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 
Kính thưa quý bạn! Tâm nguyện của chư Phật ra đời là mong tất cả chúng sanh được thành Phật. Nhưng khổ một điều là chúng sanh ở trong thế giới “Ta bà” này căn tánh không đồng, nên chư Phật phải thuyết nhiều loại Kinh khác nhau, để giúp cho chúng sanh tùy theo căn tánh và thời thế, mà tự lựa chọn cho mình một pháp tu thích hợp. Tuy Phật dạy cho chúng ta nhiều pháp tu khác nhau, nhưng chung quy chỉ có ba thừa làm căn bản đó là: Tiểu thừa, Đại thừa Phật thừa. Nếu là đệ tử của Phật, thì chúng ta phải biết Phật dạy Tiểu thừa và Đại thừa chỉ là những pháp tu phương tiện, giúp cho chúng ta nương theo đó mà tu hành để tiến lên quả vị Phật.

Thật ra, chư Phật từ xưa đến nay chỉ muốn dạy cho chúng sanh một con đường Phật thừa mà thôi. Phật thừa nghĩa là pháp tu trực chỉ thành Phật, mà không cần phải cãi sửa chi cả. Pháp tu đó chính là pháp môn Tịnh độ. Vì chỉ có pháp môn Tịnh độ mới có đủ công năng nhiệm mầu đó. Nhưng khổ một điều là chúng sanh ở trong thế giới Ta bà này căn tánh không đồng, mà pháp môn Tịnh độ thì quá cao siêu và khó tin. Nếu chư Phật đến đây chỉ dạy cho chúng ta có một pháp tu Tịnh độ, thì quý Ngài chỉ cứu được những chúng sanh có đầy đủ thiện căn, phước đức nhân duyên thôi. Còn những chúng sanh không có đủ những thứ kể trên, thì chư Phật sẽ không cứu được. Vì vậy mà chư Phật phải dạy nhiều phương pháp tu hành khác nhau, giúp cho chúng sanh có cơ hội tu bồi công đức, để tương lai có đủ trí tuệ mà tiến lên quả vị Phật.

Cũng như ở ngoài đời, nếu từ Sài Gòn đi ra Hà Nội mà chỉ có một phương tiện đi bằng máy bay, thì sẽ có nhiều người không có đủ điều kiện để đi đến Hà Nội. Vì vậy mà chúng ta mới tạo ra nhiều phương tiện khác nhau như là: Máy bay, xe, tàu thủy, tàu lửa… Nhờ có nhiều phương tiện khác nhau, mà chúng ta ai cũng có cơ hội để đi đến Hà Nội. Tuy chúng ta ai cũng có thể đi đến Hà Nội, nhưng phước đức của mỗi người thì có khác nhau. Nếu người có tiền đi bằng máy bay, thì họ đến Hà Nội được nhanh và nhẹ nhàng. Còn người không có nhiều tiền đi bằng xe, thì họ đến Hà Nội phải mất nhiều thời gian, chịu khổ cực và đôi khi còn gặp nguy hiểm. Còn người không tiền đi bộ, thì sẽ mất rất nhiều thời gian, chịu nhiều khổ cực và gặp nhiều nguy hiểm. Tóm lại, phước đức của mỗi người khác nhau, nên cách đi đến Hà Nội cũng khác nhau. Cũng như mưa rơi xuống thì đồng đều, nhưng cây lớn thì sẽ hút được nhiều nước, còn cây nhỏ thì sẽ hút được ít nước. Pháp của Phật cũng như vậy. Nếu căn tánh của ta thấp thì sẽ hiểu được pháp Tiểu thừa. Nếu căn tánh của ta cao thì sẽ hiểu được pháp Đại thừa. Nếu căn tánh của ta cao hơn nữa thì sẽ hiểu được pháp Phật thừa.

Có một sự thật mà chúng ta cần phải biết, đó là: Đạo Phật vốn không có pháp môn. Pháp môn nghĩa là phương pháp tu hành để cãi sửa. Đạo Phật không có cãi sửa, mà đạo Phật là đạo trực chỉ nhận lại tự tánh để thành Phật, nên đạo Phật được mệnh danh là đạo cao siêu nhiệm mầu. Nhưng nếu chư Phật đến đây chỉ dạy cho chúng ta có một pháp tu trực chỉ thành Phật, thì chúng ta sẽ không có đủ trí tuệ để tin. Tại sao? Vì Tịnh độ là pháp môn cao siêu và khó tin, nên chỉ có chư Phật mới hiểu được chân tướng của pháp môn Tịnh độ mà thôi. Vì chỉ có chư Phật mới hiểu được, nên sau khi Phật Thích Ca thành Phật ở dưới cây Bồ đề, thì Ngài liền than rằng: Khó quá, khó quá!”. Tại sao Phật than khó quá? Là vì Ngài nhìn thấy căn tánh của chúng sanh ở trong thế giới Ta bà này si mê, điên đảo, mà pháp tu trực chỉ thành Phật thì quá cao siêu, vì vậy mà Ngài mới than là khó quá, khó quá. 

Nhưng sau đó vì lòng từ bi muốn cứu hết chúng sanh, nên Phật phải dùng nhiều phương pháp tu hành để dẫn dắt chúng sanh đi từ thấp lên cao. Những pháp phương tiện căn bản mà Phật thuyết đầu tiên, đó là: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Mười hai nhân duyên, Mười tám giới,… Phật giảng những pháp căn bản này là giúp cho chúng sanh hiểu được chân tướng của nhân sinh, đạo tâm luân hồi sanh tử. Rồi qua một thời gian sau, khi Phật nhìn thấy căn tánh của chúng sanh hiểu biết cao hơn, nên Ngài dạy về Bát nhã để giúp cho chúng sanh hiểu được “tánh không” của vạn pháp. Rồi đến giai đoạn sau cùng, khi Phật nhìn thấy nhân duyên làm Phật của chúng sanh đã được chín muồi, nên Ngài dạy về Niết bàn và cuối cùng Ngài khuyên chúng sanh nên phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà để thành tựu Phật quả.

Tóm lại, trong 49 năm thuyết pháp của Phật, chỉ nhằm mục đích là đưa tất cả chúng sanh hướng về tu pháp Tịnh độ. Vì Tịnh độ là pháp tu trực chỉ thành Phật của chư Phật ba đời. Còn những pháp Tiểu thừa và Đại thừa chỉ là những pháp phương tiện giúp cho chúng sanh tu sửa, để tiến hóa lên làm người, làm trời, làm Thánh và làm Bồ tát, nhưng không thể làm Phật. Vì muốn làm Phật thì chúng ta phải phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà để thành tựu Phật quả. Vì vậy mà những vị Đẳng giác Bồ tát ở “Hoa Tạng thế giới” như là: Ngài Quán Thế Âm, Ngài Đại Thế Chí, Ngài Văn Thù, Ngài Phổ Hiền… cuối cùng đều phải phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà để thành tựu Phật quả. Nếu quý bạn không tin thì xin tìm bộ “Kinh Hoa Nghiêm” và tham cứu kỹ trong phẩm “Hạnh nguyện Phổ Hiền” quy hướng Cực Lạc thì sẽ rõ. 

Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào những điều tối quan trọng mà Phật Thích Ca đã huyền ký gần ba ngàn năm trước. Chỉ cần hiểu được những lời huyền ký của Phật dạy ở trong Kinh, thì chúng ta sẽ hiểu được pháp môn Tịnh độ đối với chư Phật và chúng sanh quan trọng như thế nào?

  1. Phật cho biết giáo pháp của Ngài sẽ trụ ở trên thế gian này là 12 ngàn năm. Nhưng trong thời gian 12 ngàn năm đó, sẽ có ba thời kỳ biến đổi khác nhau, đó là: Thượng pháp, Tượng pháp Mạt pháp.
  2. Phật cho biết sau khi Ngài nhập Niết bàn, thì một ngàn năm đầu gọi là thời kỳ Thượng pháp. Qua ngàn năm thứ hai thì gọi là thời kỳ Tượng pháp và qua ngàn năm thứ ba trở về sau thì gọi là thời kỳ Mạt pháp. Như vậy, thời kỳ Mạt pháp có tất cả là 10 ngàn năm.
  3. Phật cho biết thời kỳ Thượng pháp thì Thiền được thành tựu rất đông (tức là một ngàn năm đầu). Qua đến thời kỳ Tượng pháp thì Thiền vẫn còn được thành tựu, nhưng ít hơn (tức là ngàn năm thứ hai). Qua đến thời kỳ Mạt pháp thì Tịnh độ được thành tựu (tức là từ ngàn năm thứ ba trở về sau).

Kính thưa quý bạn! Qua những lời huyền ký của Phật ở trên cho chúng ta thấy Thiền chỉ được thành tựu có hai ngàn năm đầu mà thôi. Còn Tịnh độ thì được thành tựu cho tới hơn 10 ngàn năm về sau. Nếu chúng ta chịu buông bỏ chấp trước, thì sẽ thấy giáo pháp của Phật Thích Ca chỉ trụ ở trên thế gian này có hai ngàn năm đầu mà thôi. Còn 10 ngàn năm về sau là thuộc về giáo pháp của Phật A Mi Đà. Điều này cho chúng ta thấy, mục đích của Phật Thích Ca thị hiện đến đây là để hoằng dương giáo pháp của Phật A Mi Đà. Còn giáo pháp của Ngài chỉ là phương tiện trong thời gian đầu lập đạo mà thôi.

Thật ra, không phải chỉ có Phật Thích Ca thị hiện đến đây để hoằng dương giáo pháp của Phật A Mi Đà, mà tất cả chư Phật và Bồ tát từ vô thỉ kiếp đến nay, đều phải hoằng dương giáo pháp của Phật A Mi Đà. Nghĩa là mỗi một vị Phật ra đời từ xưa cho đến nay, đều giáo hóa giống nhau không khác. Nghĩa là trong thời gian đầu lập đạo, thì quý Ngài phải dùng những pháp tu phương tiện, để làm gương và giúp cho chúng sanh có cơ hội để tu bồi công đức. Nhưng sau khi lập đạo xong, thì quý Ngài phải dẫn dắt chúng sanh hướng về Cực Lạc của Phật A Mi Đà, để thành tựu Phật quả. Mới nghe qua thật là khó tin, nhưng đây là vạn lần chân thật, chẳng qua chúng ta không có đủ trí tuệ để hiểu được chân tướng sự thật đó thôi. Sau này Phật Di Lạc ra đời, Ngài cũng giáo hóa như Phật Thích Ca không khác. Nếu là đệ tử Phật, thì chúng ta phải biết pháp tu nào là phương tiện và pháp tu nào là cứu cánh của đạo Phật.

Kính thưa quý bạn! Nước Việt Nam chúng ta nhờ có phước đức của tổ tiên, ông bà để lại, nên chúng ta ngày nay mới hưởng được đầy đủ Kinh sách của ba thừa. Nghĩa là nước Việt Nam chúng ta hiện tại có đầy đủ Kinh sách của Tiểu thừa, Đại thừa Phật thừa. Vậy mà chúng ta không biết trân quý học hỏi và tu hành, ngược lại, chúng ta còn đứng núi này trông núi kia. Vì không an phận, nên chúng ta tìm đủ cách để được đi du học ở các nước Phật giáo trên thế giới. Nếu chúng ta đi du học ở các nước có Phật giáo Đại thừa và Phật thừa để tìm hiểu thêm thì không sao. Nhưng chúng ta không nên đi du học ở các nước chỉ có Phật giáo Tiểu thừa. Tại sao? Vì nếu chúng ta đi du học ở các nước Phật giáo Tiểu thừa, thì không khác gì chúng ta đang bỏ vàng để lấy đồng và bỏ gốc để lấy ngọn.

Có một điều mà chúng ta cần phải biết, đó là: Nếu tính đến thời điểm này, thì Phật giáo Việt Nam là đứng nhất thế giới rồi. Nghe qua thật là khó tin, nhưng đây là vạn lần chân thật. Tại sao? Vì hiện nay ở trên thế giới này có được bao nhiêu nước có đầy đủ Kinh sách của ba thừa? Thêm vào, cho dù họ có đầy đủ Kinh sách của ba thừa, thì họ cũng chưa có đủ thiện căn phước đức để tu pháp môn Tịnh độ nhiều như nước Việt Nam chúng ta. Nếu tính đến thời điểm này, thì nước Việt Nam đã có tới 80% Phật tử trong và ngoài nước đang tu về pháp môn Tịnh độ (tức Phật thừa). Cái thiện căn, phước đức và nhân duyên này, trên thế giới chưa có nước nào bì kịp. Trong Kinh Phật nói: Người nào tin được pháp môn Tịnh độ, thì người đó không phải là người thường mà là vị Phật sắp thành”. Nếu so sánh về mặt chủng tộc, thì người Hoa có đầy đủ Kinh sách hơn người Việt Nam và họ tu về pháp môn Tịnh độ cũng đông hơn chúng ta. Nhưng nếu so sánh từng nước một, thì tỉ lệ Phật tử Việt Nam tu Tịnh độ nhiều hơn các nước Phật giáo trên thế giới.

Qua sự phân tích ở trên, chúng ta thử tính xem hiện tại người Việt Nam ở trên khắp hoàn cầu, có bao nhiêu vị Phật sắp thành? Con số này thật tình là chúng ta không thể tính đếm. Đó là chưa nói hiện tại nước Việt Nam chúng ta còn có những vị Phật và Bồ tát từ Cực Lạc đã hóa thân đến đây. Nếu không có chư Phật và Bồ tát từ Cực Lạc hóa thân đến đây, thì nước Việt Nam chúng ta làm gì mà hưởng được cái phước đức lớn như vậy. Thật ra, không phải chỉ có nước Việt Nam mới có Phật và Bồ tát từ Cực Lạc hóa thân đến, mà nhiều nước Phật giáo ở trên thế giới cũng đang có Phật và Bồ tát từ Cực Lạc hóa thân đến. Khi đọc đến đây tôi biết quý bạn sẽ hỏi rằng: “Làm sao chúng ta có thể biết được nước nào đang có Phật và Bồ tát từ Cực Lạc hóa thân đến?”. Thật ra, điều này rất dễ biết, không khó. Quý bạn chỉ cần nhìn nước nào đang phát triển mạnh về pháp môn Tịnh độ, thì nước đó chắc chắn đang có Phật và Bồ tát từ Cực Lạc hóa thân đến. Tại sao? Vì chỉ có chư Phật và Bồ tát từ Cực Lạc hóa thân đến, mới hoằng dương nổi pháp môn Tịnh độ.

Thêm vào, thời nay là thời Mạt pháp, là thời pháp môn Tịnh độ được thành tựu, nên chư Phật và Bồ tát phải hóa thân đến đây, để kết tập lại Kinh Tịnh độ và thuyết giảng cho chúng sanh hiểu rõ chân tướng của pháp môn Tịnh độ. Tóm lại, vì nhân duyên làm Phật của chúng sanh ở trong thế giới Ta bà này đã được chín muồi, nên chiêu cảm được chư Phật và Bồ tát từ Cực Lạc hóa thân đến đây để giáo hóa. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, pháp môn Tịnh độ mới được phát triển trên thế giới mỗi ngày thêm mạnh. Điều này cho chúng ta thấy, những gì mà Phật Thích Ca huyền ký trong Kinh gần ba ngàn năm trước, nay đã trở thành hiện thật. 

Có một điều chúng ta phải hết sức thận trọng, đó là: Nếu căn tánh của ta chỉ hiểu được pháp Tiểu thừa, thì chỉ giảng trong phạm vi của pháp Tiểu thừa. Còn nếu căn tánh của ta không hiểu được pháp Đại thừa và Phật thừa, thì tốt nhất là ta nên giữ im lặng. Chúng ta không nên si mê phỉ báng Kinh Phật, vì làm như vậy chỉ hại mình bị đọa địa ngục mà thôi.

Còn nói về vấn đề du học, thì chúng ta nên đi về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà là thù thắng nhất. Vì về đó chúng ta sẽ mau được thành Phật mà không lo bị ai gạt. Còn ở đây nếu chúng ta đi du học không đúng nơi, đúng chỗ thì sẽ bị Ma vương đưa đường dẫn lối. Tại sao chúng tôi dám nói như vậy? Là vì nhiều năm qua, chúng tôi thấy có rất nhiều bạn sau khi đi du học ở các nước Phật giáo về, thì đều bị rơi vào tội phỉ báng Kinh Phật và sanh tâm ngã mạn. Rốt cuộc quý bạn càng đi du học, thì càng rơi vào ma đạo mà chính bản thân mình không hay biết. Thử hỏi như vậy có đáng thương không? Xin quý bạn hãy suy nghĩ lại.

 

               ĐIÊN ĐẢO

Du học các nước Tiểu thừa

Về nhà phỉ báng Phật thừa Như Lai

Du học trí tuệ chẳng khai

Tưởng lầm trí tuệ không ai sánh bằng.

Nghênh ngang thuyết pháp tuyên rằng

Tây phương chẳng có, Phật Đà cũng không

Kinh Vô Lượng Thọ viễn vong

Do Cư sĩ bịa, Phật không truyền thừa.

Cho rằng người xưa nói bừa

Bịa Kinh Địa Tạng truyền thừa ngoài trong

Nghênh ngang khuyên chúng giữ lòng

Không nên tin những Kinh không truyền thừa.

Phật nghe đau xót trong lòng

Buồn cho Tà thuyết lẫn trong Tăng đoàn.

Nghe qua ai cũng bàng hoàng

Vàng thao lẫn lộn, Tăng đoàn nguy nan.

 

                  SI MÊ

Pháp Phật thuyết bốn mươi chín năm

Chỉ bằng nắm lá trong tay Ngài.

Pháp Phật chưa thuyết như rừng lá

Bạn hiểu được hết nắm lá chưa?

Hay bạn chỉ hiểu được vài lá?

Vài lá cho là cứu cánh ư?

Vài lá cho là đạo Phật ư?

Vài lá cho mình trí tuệ ư?