Giả dạng doanh nhân để lừa đảo, giả thuê phòng để trộm tài sản
22/01/2018
CON MA HỌC TRÒ HAM HỌC
23/01/2018

GIẢI TOẢ THẮC MẮC VỀ PHẬT PHÁP

(Bài này trích ra từ cuốn “Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP VÀ HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ)

  1. Ý nghĩa không niệm có hai mặt “lý” và “sự”. Trên sự thì không niệm có ba ý nghĩa: Một, là ta không còn bị tâm vọng tưởng tham, sân, si khống chế; hai, là ta không còn dụng công mà tâm ta tự nhiên khởi niệm; ba, là ta không còn bị rơi vào luân hồi sanh tử. Còn trên thì ý nghĩa không niệm tức là có vô lượng niệm. Tại sao? Vì một khi ta buông xả được tâm tham, sân, si thì chân tâm của ta sẽ được khai mở. Khi chân tâm được khai mở, thì ta sẽ có vô lượng niệm từ chân tâm tuôn chảy ra. Nhờ vậy mà ta mới có đủ trí tuệ để thuyết pháp và biện tài vô ngại.
  2. Khi nào bạn lái xe mà trong đầu không có một vọng niệm nào khởi lên, thì bạn hãy lo niệm Phật sẽ làm chướng ngại cho việc lái xe của bạn. Còn nếu bạn lái xe mà trong đầu lúc nào cũng có hàng vạn vọng tưởng nổi lên, thì bạn niệm A Mi Đà Phật sẽ lái xe được an toàn hơn đấy. Tại sao? Vì một niệm A Mi Đà mà có thể diệt hàng vạn niệm si mê, điên đảo của bạn, thì dĩ nhiên bạn lái xe được sáng suốt hơn.
  3. Nếu bạn cho rằng người niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, là những người không có lòng từ bi và không làm tròn đạo hiếu đối với bốn trọng ân, vậy thì bạn không nên làm đệ tử của Phật. Tại sao? Vì ba đời mười phương chư Phật, đều từ niệm Phật mà được thành Phật đấy.
  4. Nếu bạn chịu buông xả tâm phân biệt chấp trước, thì sẽ thấy mỗi chữ và mỗi câu chúng tôi viết ở đây, đều là y Kinh y tâm của bạn. Còn nếu bạn không chịu buông xả chấp trước, thì cho dù tôi có dẫn chứng từng câu từng chữ ở trong Kinh, thì bạn cũng chẳng hiểu được chư Phật nói gì và cũng không hiểu được bạn là ai?
  5. Xin bạn chớ lẫn lộn hai ý nghĩa tâm thanh tịnh và Diệu tâm thanh tịnh. Người tu hành được nhất tâm tam muội, là người làm chủ được tâm thanh tịnh của mình. Rồi từ chỗ làm chủ được tâm thanh tịnh, ta lại tu hành tiếp tục để khôi phục lại Diệu tâm thanh tịnh. Khôi phục cho đến khi nào viên mãn thì ta mới được thành Phật.
  6. Nếu bạn cho rằng những người niệm Phật nghe được tiếng niệm Phật từ tâm phát ra và bao trùm cả vũ trụ là những người bị ma ám, vậy thì mười phương chư Phật đều bị ma ám hết ư? Bạn nên biết rằng: Tất cả vô lượng Diệu pháp ở cõi Cực Lạc, đều là do Diệu tâm của chư Phật biến hóa ra và tất cả những Diệu pháp đó đều phát ra tiếng niệm A Mi Đà Phật (tức niệm Phật, Pháp, Tăng). Nếu chúng ma biết niệm Phật 24/24, từ năm này qua năm nọ để mê hoặc người tu hành, thì chúng ma đó đã thành Phật hết rồi, còn ai để cho bạn gọi là chúng ma.
  7. Nếu bạn cho rằng người tu hành chứng đắc thì phải đợi đến khi chết mới được nói ra. Vậy nếu bạn chứng đạo vào tuổi 30 mà số của bạn phải sống thọ đến 80 tuổi, vậy thì bạn phải giữ im lặng cho đến 80 tuổi mới được nói ra ư? Bạn thì có can đảm chờ được lâu như vậy, còn tôi thì không, cho dù một phút chờ cũng không nổi. Tại sao? Vì mỗi một giây, phút trôi qua là có hàng ngàn ông bà, cha mẹ và con cháu của tôi đang bị đi lầm đường lạc bước, đang lần lượt chết đi và bị đọa. Nếu quả thật có luật lệ bắt người chứng đắc phải đợi đến khi chết mới được nói ra, thì tôi thà tự sát chết đi để được nói ra, còn hơn sống mà không cứu được chúng sanh, vậy sống đâu bằng chết.
  8. Thời nay, ngoài lấy bằng chứng thành tựu của bản thân và bằng chứng nhiệm mầu của Phật pháp ra, không còn cách nào có thể cứu được chúng sanh. Nếu có, thì thời nay không gọi là thời Mạt pháp và những cụm từ như là: Chùa ma, tà sư, tranh chấp kiên cố, huynh đệ tương tàn, loài người đảo điên, đạo đức suy đồi, thiên tai chết chóc, độc tố tràn lan, tận thế,… đều không có.
  9. Niệm Phật không gián đoạn, nghĩa là ta nên đặt ra thời khóa tu niệm cho mình mỗi ngày. Còn niệm ít hay nhiều là tùy vào hoàn cảnh của ta. Khi đặt ra rồi thì ta cứ theo vậy mà giữ công phu tu niệm cho tới ngày vãng sanh, như vậy gọi là không gián đoạn. Nếu ta niệm Phật một ngày mà bỏ cả tháng thì gọi là bị gián đoạn.
  10. Người tu niệm Phật thì phải niệm bằng tâm không, nghĩa là không mong cầu bất cứ điều gì cho mình. Trong tâm chỉ có một niệm vì tất cả chúng sanh. Niệm cho chúng sanh tức là niệm cho chính ta, vì tất cả chúng sanh và ta là một không hai. Nếu niệm Phật được cái tâm không như vậy, thì ta chắc chắn nhập vào được cảnh giới tam muội (chánh định). Muốn vào được tam muội thì ta phải buông xả tất cả, buông xả tất cả là có tất cả (trong câu A Mi Đà đã có đầy đủ mong cầu rồi).
  11. Ý nghĩa “tùy thuận chúng sanh” không phải là nói chúng ta phải tùy thuận theo ý thích của chúng sanh mà là phải tùy thuận theo căn tánh và thời thế để mà độ chúng sanh. Cũng như người làm bác sĩ không thể chiều theo ý thích của bệnh nhân để cho thuốc mà phải thuận theo căn bệnh của bệnh nhân để cho thuốc. Có như vậy thì họ mới cứu được bệnh nhân. Nếu là đệ tử Phật thì ta phải nghe lời Phật dạy, chọn môn tu thích hợp với căn cơ và thời thế để giúp chúng sanh bảo toàn được cả hai cuộc sống đạo và đời. Có như vậy thì chúng ta mới cứu được chúng sanh.
  12. Bạn có tin nhân quả, luân hồi hay không cũng không sao. Vì bạn tin hay không thì nhân quả, luân hồi sanh tử vẫn có. Không phải bạn tin thì chúng mới có, còn bạn không tin thì chúng không có. Chỉ có điều là bạn tin thì bạn tự cứu được mình, còn bạn không tin thì tự đọa đày mình, không liên quan gì đến ai cả.
  13. Bạn có tin cõi Cực Lạc có hay không thì cũng không sao. Vì bạn tin hay không thì cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà vẫn có và tồn tại vĩnh cửu. Không phải bạn tin thì cõi Cực Lạc mới có, còn bạn không tin thì cõi Cực Lạc không có. Chỉ có điều là bạn tin thì bạn đi làm Phật, còn bạn không tin thì bạn đi làm chúng sanh, không liên quan gì đến ai cả.
  14. Bạn có tin ba Đại Tạng Kinh của Phật có hay không thì cũng không sao. Vì bạn tin hay không thì ba Đại Tạng Kinh của Phật vẫn là vạn lần chân thật và tồn tại vĩnh cửu. Không phải bạn tin thì Kinh Phật có thật, còn bạn không tin thì Kinh Phật không thật. Chỉ có điều là bạn tin thì bạn làm chủ được thân tâm của bạn, còn bạn không tin thì bạn làm nô lệ cho thân tâm của bạn, không liên quan gì đến ai cả.
  15. Khi nào bạn dán câu A Mi Đà Phật mà che hết kiếng xe thì bạn hãy lo là không thấy đường lái xe. Còn nếu bạn dán câu A Mi Đà Phật mà chỉ chiếm có 1/10 kiếng xe, thì bạn lái xe sẽ được an toàn và có công đức vô lượng đấy. Tại sao? Vì ở đâu có câu A Mi Đà Phật thì ở đó sẽ có hào quang của chư Phật chiếu đến và có Long thiên, Hộ pháp bảo vệ.
  16. Chúng ta tu hành là để thành Phật, không phải tu để rồi trở thành gỗ đá vô tri, không còn cảm giác. Nếu chúng ta tu hành để rồi không còn cảm giác vui buồn, thương khóc vậy ai còn dám tu? Nếu quý bạn cho rằng người tu hành vẫn còn vui buồn, thương khóc thì chưa phải là người chứng đạo thật sự. Nếu nói như vậy thì lúc Phật còn tại thế, sau khi thành Phật có mấy lần Ngài rơi lệ vì một đống xương khô và rơi lệ vì những lời nói hại chúng sanh của Ma vương, vậy thì Ngài chưa được thành Phật ư? Nếu tu thành Phật rồi mà không còn cảm giác, vậy thì chư Phật và Bồ tát lấy cái gì để mà phát tâm từ bi cứu độ chúng sanh? Xin quý bạn chớ lẫn lộn giữa sự vui buồn, thương khóc của phàm phu với Thánh.
  17. Tu hành là buông xả cái giả ngã để trở về cái chân ngã (tức là buông xả cái ta si mê điên đảo để trở về sống với cái ta chân thật), không phải tu để rồi không còn có cái ta nào. Nếu tu để rồi không còn có cái ta nào, vậy ta làm gỗ đá có phải tốt hơn không? Nếu tu để rồi không còn cái ta nào, vậy thì ba đời mười phương chư Phật và Bồ tát lấy cái gì để mà phát tâm từ bi, lấy cái gì để mà phân thân thuyết pháp, lấy cái gì để mà dẫn dắt chúng sanh và lấy cái gì để mà hưởng vô lượng quang và vô lượng thọ? Xin quý bạn chớ lẫn lộn cái ta giả với cái ta thật.
  18. Ý nghĩa như như bất động là nói tâm chúng ta không còn bị tham, sân, si khống chế. Không phải nói chúng ta tu để rồi trở thành vô tri, vô giác không còn cử động.
  19. Phật dạy chúng ta muốn làm Phật thì trước hết phải tu xong hai đức hạnh là từ bi và bình đẳng. Nhưng tiếc thay đã gần ba ngàn năm rồi mà chúng ta tu vẫn chưa xong. Nếu chúng ta tu xong thì tình trạng trọng Tăng khinh Ni, trọng xuất gia khinh cư sĩ, trọng nam khinh nữ đâu còn đầy rẫy khắp nơi.
  20. Tu hành mục đích là đưa mình và đưa chúng sanh xuất ra khỏi sáu ngã luân hồi sanh tử. Không phải tu để rồi xuất ra căn nhà nhỏ đi tranh giành với nhau căn nhà lớn. Nếu tu như vậy là tu pháp của ma rồi.
  21. Nếu bạn không tin cha ăn mặn con khát nước, cha làm phước con được hưởng thì bạn thử qua nhà hàng xóm mượn tiền rồi không trả, để xem họ có níu áo con bạn để đòi nợ không? (Chuyện làm phước cũng thử như vậy thì sẽ rõ).
  22. Nếu muốn cứu vãn Trái Đất này, thì ngoài tu niệm Phật để chuyển đổi tâm tham, sân, si của chúng ta ra, không còn có cách nào khác. Cho dù chúng ta có dùng khoa học tân tiến để đưa được hết loài người từ Trái Đất này qua Trái Đất khác thì cũng vô dụng thôi. Tại sao? Vì Trái Đất này bị hủy diệt không phải tự nó hủy diệt mà do tâm tham, sân, si của chúng ta hủy diệt nó.
  23. Nếu là Phật tử thì không nên soi mói chuyện quá khứ của người. Quý bạn nên biết rằng dù hôm qua họ có giết người, nhưng hôm nay họ giác ngộ tu hành thì vẫn được thành Phật. Còn cho dù ta có tu hành chân chính nhiều năm, nhưng hôm nay vì danh lợi mà thoái đạo Bồ đề và hãm hại huynh đệ thì vẫn bị đọa như thường.
  24. Nếu bạn cho rằng những người xuất gia là những người làm biếng, thì bạn thử vào chùa ở trọ vài ngày tìm hiểu và quán xét về sự sinh hoạt của họ, để xem họ là người làm biếng hay bạn là người làm biếng. (Tìm hiểu những vị chân tu, không phải tìm hiểu những vị tà sư).
  25. Xin quý bạn chớ lẫn lộn vọng tưởng với suy nghĩ. Vọng tưởng là thuộc về tham, sân, si, còn suy nghĩ là thuộc về trí tuệ quán chiếu và hành sự. Nếu tu hành để trở thành gỗ đá không còn suy nghĩ gì hết, vậy chúng ta lấy cái gì để mà quán chiếu vạn pháp, lấy cái gì để mà tu hành thuyết pháp và độ tha?
  26. Bất luận bạn thuộc chủng tộc hay tôn giáo nào thì bạn vẫn phải bị luân hồi sanh tử. Không phải bạn theo đạo Phật thì mới bị luân hồi sanh tử, còn theo các tôn giáo khác thì bạn không bị luân hồi sanh tử. Bạn nên biết rằng luân hồi sanh tử là do bạn tạo ra, không phải do Phật, Trời hay các đấng Thiêng Liêng khác tạo ra. Phật là người đến đây dạy cho bạn giác ngộ tu hành để chấm dứt luân hồi sanh tử và thành Phật. Khi thành Phật rồi thì bạn sẽ có trí tuệ, thần thông, hạnh phúc và trường thọ vĩnh cửu.
  27. Nếu bạn không muốn bị đọa vào ba đường ác, thì mau tu hành và dừng tạo nghiệp tội. Nếu bạn vẫn còn si mê, điên đảo giết heo, bò, gà, vịt, cá,… để cúng tế thì những vong hồn chúng sanh đó sẽ không tha cho bạn và những vị Thần… mà bạn đang cúng tế đó cũng không tha cho bạn. Nếu bạn không tin thì đợi đến khi chết sẽ biết rõ thôi. Lúc đó, bạn có chạy đường trời cũng không thoát.
  28. Người chứng đạo không có gì là phi thường cả. Họ chỉ khác với người đời ở chỗ là họ chuyển được cái ta si mê điên đảo để trở về sống với cái ta chân thật. Cái ta chân thật đó là họ được giải thoát tự tại. Giải thoát tự tại nghĩa là khi đói thì họ ăn, khi khát thì họ uống, khi mệt thì họ ngủ, khi vui thì họ cười, khi buồn thì họ khóc, khi có việc thì họ làm và khi vãng sanh thì họ đi. Tóm lại, tất cả mọi chuyện họ đều để tùy duyên không phân biệt. Ngoài những sự việc bình thường trong bình thường này ra, họ không có gì để cho ta hiếu kỳ hay tìm hiểu cả.
  29. Về Kinh Phật, nếu ta biết một thì giảng một, biết hai thì giảng hai, biết ba thì giảng ba. Chỗ nào không biết thì ta trả lời rằng là không biết, đó mới là kẻ có trí tuệ. Chúng ta không nên vì cái ta si mê của mình mà rơi vào tội phỉ báng chư Phật và chư Tổ thì không tốt.
  30. Pháp của Phật dù là nhỏ như hạt bụi đều có hai mặt lý, sự dung thông. Nếu bạn thuyết pháp của Phật mà bỏ sót một trong hai mặt lý hoặc sự thì bạn đang thuyết pháp của ma rồi.
  31. Người tu hành thì phải có cái tâm từ bi và bình đẳng. Mình biết mệt thì người khác cũng biết mệt. Mình biết nóng thì người khác cũng biết nóng, không nên đòi hỏi người phải hầu quạt cho mình. Nếu chúng ta bị bệnh hay già yếu đến nổi không thể tự quạt thì không ai chê cười. Nhưng nếu chúng ta vẫn còn khỏe mạnh mà mỗi bước đi phải có người theo bên cạnh để hầu quạt, thì chỉ khiến người chê cười mình thôi, không hay ho gì cả.
  32. Làm ông bà, cha mẹ thì phải đối xử với con cháu của mình bằng cái tâm từ bi và bình đẳng. Không nên nghĩ rằng mình làm ông bà, cha mẹ thì có quyền hành hạ hay ép buộc con cháu. Chúng ta nên biết rằng con cháu của ta cũng là ông bà, cha mẹ của ta trong vô lượng kiếp và cũng là chư Phật sẽ thành.
  33. Nếu bạn muốn thấy được chân tâm Phật tánh của mình, thì trước hết bạn phải loại bỏ hết những thứ học thức và kiến thức mà bạn đã học được của thế gian. Tại sao? Vì những thứ đó chỉ hại bạn trở thành kẻ thế trí biện thông si mê điên đảo. Nếu bạn không mau thức tỉnh thì sẽ làm nô lệ cho chúng đời đời, kiếp kiếp.
  34. Trong các câu Mật Chú mà Phật dạy cho chúng ta trong suốt 49 năm, thì câu Mật Chú A Mi Đà Phật là cao siêu thù thắng nhất. Tại sao? Vì các câu Mật Chú khác chỉ giúp cho ta trừ khử được tâm ma của mình và trừ khử được chúng ma đang hãm hại ta. Còn câu Mật Chú A Mi Đà Phật sẽ giúp cho ta khôi phục lại Diệu tánh A Mi Đà và giúp khôi phục lại Diệu tánh A Mi Đà của chúng sanh. Vì vậy mà ba đời mười phương chư Phật đều tán thán câu Mật Chú “A Mi Đà Phật” là đại tổng trì kim cang tam muội. Tức là loại Mật Chú có thể giúp cho ta và cho tất cả chúng sanh mọi loài được thành Phật đạo.
  35. Bạn càng biết đầu tư thì tâm bạn càng nghèo. Bạn càng đầu tư giỏi thì bạn càng rơi và ngạ quỷ. Bạn càng biết bố thí thì tâm bạn càng giàu. Bạn càng bố thí giỏi thì bạn càng được hạnh phúc và giàu sang.
  36. Nếu bạn muốn chuyển người thân trong gia đình ăn chay, thì không nên đặt ra luật lệ ăn theo ngày tháng. Vì làm như vậy thì người thân sẽ cảm thấy ăn chay là khổ cực. Quý bạn chỉ cần mỗi ngày bớt nấu lại một hay hai món mặn và thay vào đó một hay hai món chay, thì người thân sẽ không biết là họ đang ăn chay. Rồi cứ như vậy mà bạn chuyển đổi họ từ từ thì sẽ có kết quả rất cao. Mục đích chúng ta ăn chay là vì không muốn gây oán với chúng sanh, nuôi dưỡng tâm từ bi và bảo vệ sức khỏe của mình. Chúng ta không nên ăn chay để rồi chia riêng biệt xoong, chảo, chén, đũa,… Nếu chúng ta ăn chay như vậy thì chỉ tạo thêm nghiệp oán với người thân mà thôi.
  37. Nếu muốn độ được người trong thời Mạt pháp này, thì chúng ta không thể nói theo câu châm ngôn của người đời như là: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, mà chúng ta phải nói theo câu châm ngôn ở trong nhà Phật là: Lời nói không mất tiền mua, dùng lời mà nói giúp người tỉnh mau. Tại sao? Vì nếu chúng ta lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, thì chỉ ru người đời ngủ mê thêm trong lục đạo luân hồi mà thôi.
  38. Sau khi chúng tôi đưa ra cuốn sách “Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi, thì có một số huynh đệ trong đó có cả Tu sĩ và Cư sĩ gọi phone đến để hạch hỏi chúng tôi rằng: “Thưa cô Diệu Âm Diệu Ngộ! Cô nói rằng là đã chứng được nhất tâm tam muội, vậy cô có biết được tôi đang suy nghĩ gì không? Có biết quá khứ và tương lai của tôi không? Có biết bên hàng xóm họ đang làm gì không và cô có đi được xuyên tường không?… Tóm lại, họ hạch hỏi tôi đủ điều như là hạch hỏi tội nhân. Những lúc bị hạch hỏi như vậy thật tình mà nói tôi chỉ muốn cúp phone cho khỏe, nhưng vì thương xót họ mà tôi không đành lòng nên tôi hỏi lại họ rằng: “Thưa bạn! Vậy bạn đang tu pháp của Phật hay đang tu pháp của ma?”. Họ trả lời rằng: “Dĩ nhiên là tôi đang tu pháp của Phật”. Tôi hỏi họ rằng: “Vậy trong ba Đại Tạng Kinh của Phật có chữ nào là dạy bạn tu hành để hướng ngoại không?”. Họ trả lời rằng: “Dĩ nhiên là không”. Tôi nói: “Nếu là không, vậy thì tại sao bạn lại đi hỏi tôi những câu hỏi nhảm nhí và buồn cười như vậy?”. Sau khi nghe tôi hỏi ngược lại như vậy, thì những người bạn này liền thay đổi cách nói chuyện và hỏi tôi rằng: “Vậy cô thấy được cái gì mà tự cho mình là chứng được nhất tâm tam muội?”. Tôi hỏi họ rằng: “Vậy một người muốn thành Phật thì trước hết phải thấy được cái gì?”. Họ trả lời rằng: “Phải thấy được chân tâm Phật tánh của mình”. Tôi trả lời rằng: “Đúng rồi! Cái mà tôi thấy được đó là chân tâm Diệu tánh của tôi và thấy được thể tánh của vạn pháp giả và chân. Ngoài thấy được hai sự việc này ra tôi không còn thấy gì nữa cả”. Họ hỏi tiếp: “Vậy ai là người ấn chứng cho cô?”. Tôi trả lời rằng: “Là Phật!”. Họ ngập ngừng hồi lâu rồi hỏi tôi rằng: “Làm sao cô biết là Phật ấn chứng cho cô?”. Tôi trả lời rằng: “Bao giờ bạn chứng đạo thì bạn sẽ rõ!”. Sau khi nghe tôi trả lời đến đây thì họ không còn gì để hỏi thêm và chỉ còn cách là phải chào tạm biệt.

Kính thưa quý bạn! Tôi viết thêm phần này là mong quý bạn không nên dùng những câu hỏi ở trên để đi hạch hỏi những người đang chứng ngộ về pháp môn Tịnh độ. Vì hỏi như vậy chỉ khiến cho những người hiểu đạo cười bạn mà thôi.