NHẠC PHÁP ÂM HOẰNG PHÁP
22/11/2017
CHUYỂN NGHIỆP
22/11/2017

NGHIỆP LÀ GÌ?

(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Tất cả chúng ta, thân ai cũng thân mang đầy nghiệp tội nên mới cùng có mặt ở trên Trái Đất này (trừ chư Phật và chư Bồ tát thị hiện). Mỗi một ý nghĩ, hành động, lời nói và ngành nghề kiếm tiền hằng ngày của ta, đều là đang tạo nghiệp ân oán với chúng sanh. Có người thì đang tạo nghiệp nhỏ, có người thì đang tạo nghiệp lớn; có người thì vô tình tạo nghiệp, có người thì cố tình tạo nghiệp. Nhưng dù tạo nghiệp nhỏ hay lớn, vô tình hay cố tình thì tất cả chúng ta đều đang có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Cộng nghiệp, nghĩa là chúng ta cùng bị đầu thai đến đây để chịu mọi đau khổ; biệt nghiệp, nghĩa là mỗi người đều có nghiệp nặng, nhẹ và vay trả khác nhau. Ý nghĩa mang nghiệp tội ở đây, không phải là do Phật, Trời hay là một đấng Thiêng Liêng nào đó bắt tội hay là trừng phạt chúng ta, mà chỉ tự chúng ta tạo nghiệp ân oán với nhau và tự chúng ta đầu thai đến đây để trả nợ ân oán với nhau. Việc này hoàn toàn không có liên quan gì đến Phật, Trời hay là một đấng Thiêng Liêng nào cả. Quý bạn chớ vội hiểu lầm mà cho rằng: “Ta không làm gì trái với lương tâm đạo đức, không hãm hại giết người thì ta không gây oán với ai”. Thật ra, không phải vậy mà mỗi ý nghĩ, hành động, lời nói và ngành nghề kiếm tiền hằng ngày của ta đều đang tạo nghiệp ân oán với chúng sanh. Chẳng qua chúng ta không có đủ trí tuệ nên không thấy đó thôi. Nếu nói đến nghiệp tội của chúng ta, thì cho dù có nói đến vô lượng kiếp cũng không hết. Tại sao? Vì nghiệp tội của chúng ta không có hình tướng, nếu như có hình tướng thì cho dù cái vũ trụ bao la không ngằn mé này, cũng không chứa hết nghiệp tội của mỗi chúng ta.

Giờ chúng ta thử lấy ra một ngành nghề lương thiện nhất ở trong cuộc sống hằng ngày để tìm hiểu. Chỉ cần hiểu được nghiệp tội của nghề lương thiện nhất, thì ta sẽ hiểu được nghiệp tội của nghề bất thiện nhất. Chúng ta xưa nay, thường cho rằng nghề nông là nghề lương thiện nhất, vì những người nông dân thật thà và họ phải đổ mồ hôi, công sức qua nhiều ngày tháng để cày, cấy và gặt hái kết quả. Nhờ họ mà ta mới được ấm no. Trong mắt phàm phu chúng ta thì thấy như vậy, nhưng trong mắt của chư Phật thì thấy họ tạo nghiệp tội cũng không nhỏ. Tại sao? Vì trong lúc họ cày bừa, xới đất, gieo mạ, xịt chất hóa học, gặt hái thì họ cũng giết hại biết bao nhiêu là chúng sanh vô tội như là: Sâu, bọ, giun, dế, đỉa, côn trùng,… Tất cả những chúng sanh đó đều có mạng sống và Phật tánh. Nói như vậy, không có nghĩa là chư Phật cấm không cho chúng ta trồng rau quả, ngũ cốc hay là bắt tội trừng phạt chúng ta. Thật ra không phải vậy, mà chư Phật chỉ muốn nói cho chúng ta biết mỗi ý nghĩ, hành động, lời nói và ngành nghề của ta đang làm hằng ngày, đều có liên quan đến ân oán giữa chúng sanh với chúng sanh. Phật cũng dạy cho chúng ta biết, một khi chúng ta đã tạo nghiệp ân oán với nhau rồi, thì sợi dây ân oán và thù hận đó sẽ theo chúng ta như bóng với hình, không thể tách ra. Nếu chúng ta trồng nhân thiện thì sẽ gặt được quả thiện. Nếu chúng ta trồng nhân ác thì sẽ gặt quả ác, quả báo tơ hào không sai.

Cũng như trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường thấy, những kẻ trộm cướp thì bị bắt vào tù. Những kẻ hãm hại giết người thì bị trừng phạt hay xử tử. Luật vay trả giữa con người với con người thì chúng ta thấy rõ, còn luật nhân quả giữa chúng sanh với chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay thì ta không thấy. Chúng ta không thấy, là vì nhân của nghiệp không có hình tướng, chỉ khi nào nhân thành quả báo ập tới thì chúng ta mới thấy. Người giác ngộ thì thấy, còn người si mê thì không thấy, ngược lại còn trách Trời, Phật là không công bằng.

Ở đời, chúng ta thường thấy nếu ai giết người thì sẽ bị tòa án bắt tội và trừng phạt ngay. Còn khi hành hạ, giết hại và ăn thịt súc sanh, thì chúng ta không thấy chúng bắt tội hay là trừng phạt chúng ta. Chúng ta không thấy chúng bắt tội và trừng phạt, là vì chúng chưa có đủ khả năng để trả thù. Nhưng không phải vì vậy, mà chúng ta vội cho rằng mình đã thoát tội hay là không có ân oán với chúng. Chúng ta xưa nay thường nghĩ rằng: “Thú vật là do ông Trời sanh ra để cho loài người hành hạ và ăn thịt”. Nếu quả thật ông Trời sanh thú vật ra để cho loài người hành hạ và ăn thịt, vậy thì lòng dạ của ông Trời còn ác độc hơn cả loài người nữa ư? Vậy thì làm sao xứng đáng làm ông Trời? Tại sao ở đây tôi không nói là ác hơn loài cầm thú mà tôi lại nói là ác hơn loài người? Là vì tính trong các loài ở trên Trái Đất này, thì loài người là ác độc nhất, nên tôi mới so sánh với loài người. Thật ra, không có ông Trời nào sanh thú vật ra để cho con người hành hạ và ăn thịt cả, chẳng qua chúng ta si mê nên nghĩ vậy thôi. Quý bạn hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: Chúng ta là người phàm mà còn không nhẫn tâm đứng nhìn cảnh con chó hoặc con mèo đang bị người ta đánh đập, thọc huyết, mổ bụng và ăn thịt (trừ những kẻ có tâm ác). Chúng ta là người phàm mà còn không có nhẫn tâm, thì ông Trời làm sao có thể nhẫn tâm sanh thú vật ra để cho loài người hành hạ và ăn thịt? Điều này, chúng ta cần phải dùng lương tâm và lý trí của mình để mà suy xét lại. Tôi biết quý bạn sẽ nói rằng: “Nếu thú vật không phải do ông Trời sanh ra để cho loài người ăn thịt, vậy thì tại sao trên Trái Đất này lại có nhiều thú vật đến thế?”.

Kính thưa quý bạn! Trên Trái Đất này tại sao có nhiều loài súc sanh như vậy? Là vì những chúng sanh này trong nhiều kiếp quá khứ, họ si mê nên đã sát sanh quá nhiều, vì vậy kiếp này họ phải mang thân thú đến đây để trả nợ và chúng ta cũng mang thân người đến đây để trả nợ như họ vậy. Chúng ta chỉ có khác với họ ở chỗ là: Chúng ta thì mang thân người để trả nợ, còn họ thì mang thân thú để trả nợ. Nhưng dù mang thân người hay mang thân thú, thì họ và chúng ta cũng vì nghiệp tội mà đầu thai đến đây để trả nợ ân oán với nhau. Chẳng qua chúng ta ỷ mạnh rồi ăn thịt chúng. Chúng ta ăn thịt chúng lâu đời, rồi tự cho rằng thú vật là do ông Trời sanh ra để cho loài người hành hạ và ăn thịt. Thử hỏi như vậy, có oan ức cho chúng không?

Kính thưa quý bạn! Tất cả súc sanh ở trong vũ trụ này đều có tâm thức (tức Phật tánh) giống như chúng ta không khác. Chúng chỉ khác với chúng ta ở chỗ hình tướng bên ngoài mà thôi. Vì vậy, mỗi khi chúng ta hành hạ, giết hại hay ăn thịt chúng, thì tâm thức của chúng rất là căm hận và sẽ bám sát theo ta để trả thù nhiều đời, nhiều kiếp không tha. Nếu kiếp này, chúng không có khả năng để trả thù, thì kiếp sau chúng nhất định sẽ trả thù. Tại sao? Vì chúng và ta đã có một sợi dây báo oán vô hình trói chặt với nhau, như bóng với hình không thể tách ra. Đây là vạn lần chân thật, xin quý bạn chớ có xem thường. Trong Kinh Phật nói: Tất cả mọi chuyện xảy ra ở trong vũ trụ này đều có liên quan đến nhân quả và báo ứng”. Ý của Phật muốn nói rằng mọi chuyện xảy ra ở trong vũ trụ này, không có chuyện gì là do tai nạn hay là ngẫu nhiên cả, mà tất cả đều có liên quan đến nhân quả và báo ứng. Vì vậy, trong nhà Phật thường có một câu nói rằng: Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”.

Chúng ta si mê thật là đáng thương, từ vô lượng kiếp đến nay cứ mặc tình hãm hại và ăn thịt lẫn nhau: Cha ăn con, vợ ăn chồng, mẹ ăn con, bà ăn cháu, cháu ăn bà,… Thân bằng quyến thuộc cứ như vậy mà ăn thịt lẫn nhau kiếp, kiếp không cùng tận. Điều đáng thương là, chúng ta hành hạ và ăn thịt lẫn nhau đã vô lượng kiếp rồi mà không hề hay biết. Thậm chí, chư Phật và chư Bồ tát thị hiện đến đây khuyên dạy chúng ta không ngừng nghỉ, vậy mà chúng ta cũng không chịu tin, không chịu thức tỉnh. Ngược lại, chúng ta còn nghi ngờ và phỉ báng đạo Phật là đạo mê tín dị đoan. Trong Kinh Phật nói cho chúng ta biết, cái nghiệp đáng sợ nhất của chúng sanh đó là nghiệp sát sanh. Vì nó đã tạo nên những cảnh thâm tình tàn sát, hận thù và ăn nuốt lẫn nhau; nó tạo nên chiến tranh binh đao và chết chóc thảm khóc; nó tạo nên thiên tai, bão lụt, nạn đói, hỏa hoạn, động đất, sóng thần,… Quý bạn chớ vội cho rằng hiện tại mình không có trả thù, không có hành hạ hay là không gây ân oán với ai, là mình không có tội. Thật ra, không phải vậy mà tất cả chúng ta mỗi giây, mỗi phút đều đang trả thù, đang hành hạ và đang gây ân oán với nhau. Chẳng qua chúng ta si mê, điên đảo nên không thấy được chân tướng đó thôi. Trong Kinh Phật nói: Chúng sanh sống mà như chết, có mắt mà như mù và si mê điên đảo thật là đáng thương”. Nếu chúng ta sống mà như sống, có mắt mà như thấy, thì chư Phật và chư Bồ tát không cần khổ nhọc thị hiện đến đây để cứu chúng ta.

Thật ra, tất cả chúng ta đều có trí tuệ để thấy được chân tướng của vạn pháp. Chẳng qua chúng ta si mê, điên đảo nên luôn cho loài người là trên hết, rồi ỷ mạnh ăn hiếp yếu, mà không hiểu được nỗi đau khổ của chúng sanh mọi loài. Nếu chúng ta chịu bỏ cái ta, chịu nhìn cái nhìn bình đẳng và chịu mở tâm từ bi của mình ra để cảm thông với những nỗi đau của chúng sanh, thì chúng ta sẽ thấy mỗi hành động ăn uống và sát sanh của chúng ta quá ư là tàn nhẫn.

Đạo Phật không phải để cho chúng ta ở đây nói huyền nói diệu, mà đạo Phật chứng minh cho chúng ta thấy được chân tướng của nhân quả và báo ứng đang xảy ra hằng ngày, ở ngay trước mắt chúng ta. Đạo Phật là đạo học để mà hiểu, hiểu để mà đi, đi để mà tới, tới để mà thấy tận mắt. Nếu quý bạn có đủ can đảm để học, để đi, để tới và để thấy thì mỗi một chữ trong Kinh Phật dạy, không có chữ nào là hư dối cả.

Kính thưa quý bạn! Giả hay thật, hoang đường hay không, thì đợi đến khi chết quý bạn sẽ thấy rõ thôi. Tại sao? Vì chúng ta ai cũng phải chết. Chỉ e là tới lúc đó, bạn có thấy, có tin thì cũng đã quá muộn rồi. Lúc đó, cho dù ta có khóc than hay kêu van cầu cứu như thế nào, thì cũng không có ai đến cứu. Tại sao? Vì tội của ta đã gieo, giờ phải trả lại cho chúng sanh, đây là quả báo tuần hoàn, không ai có thể thay đổi và cũng không ai có thể thay thế cho ai. Trong Kinh Phật nói: Bồ tát thì sợ nhân, chúng sanh thì sợ quả”. Tại sao? Vì Bồ tát thấy nhân quả theo nhau như bóng với hình, nên quý Ngài không dám tạo thêm nhân ác, mà chỉ lo tu hành để tạo thêm nhân thiện. Còn chúng ta thì si mê, không biết phân biệt đâu là nhân quả, thiện ác nên cứ mặc tình tạo thêm vô số nhân ác. Đến khi quả báo dồn dập kéo đến, thì ta mới biết sợ hãi, khóc than và kêu van cầu cứu. Nhưng cho dù lúc đó, ta có khóc than hay kêu van cầu cứu như thế nào, thì cũng không có ai đến cứu ta, có phải vậy không? Cuối cùng, chúng ta cũng phải bị Quỷ sai đập đầu, thọc huyết, phanh thây, mổ bụng, cắt lưỡi, lóc da, xẻ thịt và bỏ vào chảo dầu, bỏ vào nồi nước sôi, bỏ vào giường lửa và ôm trụ lửa đồng. Thật ra, chúng ta không cần phải đợi đến khi chết thì mới thấy được những cảnh hành hạ đau đớn đó, mà chúng ta có thể thấy ở ngay trong cuộc sống hằng ngày. Quý bạn chỉ cần nhìn cảnh con gà hay con vịt… đang bị người ta giết hại để ăn thịt, thì quý bạn sẽ cảm nhận được sau này mình cũng bị như chúng, chớ có khác gì. Khi con gà bị người ta bắt để làm thịt thì nó run sợ, vùng vẫy và kêu van thảm thiết. Nhưng lúc đó, cho dù nó có kêu van và cầu cứu như thế nào, thì cũng không có ai đến cứu hay là tha cho nó đâu, có phải vậy không? Cuối cùng, nó cũng bị chúng ta đè xuống, cắt cổ, máu của nó phun ra xối xả, nó đau đớn, vùng vẫy và gào thét từng cơn cho đến khi chết. Sau đó, chúng ta còn bỏ chúng vào nồi nước sôi, nhổ lông, chặt đầu, mổ bụng, móc tim, gan, phèo, phổi, lóc da, xẻ thịt và cuối cùng là chúng ta ăn thịt chúng một cách ngon lành, không một chút xót thương. Tại sao chúng nó bị chúng ta hành hạ thảm khốc như vậy? Là vì trong nhiều kiếp quá khứ, chúng đã hành hạ và ăn thịt chúng ta, nên kiếp này chúng bị chúng ta hành hạ và ăn thịt chúng trở lại. Rồi cứ như vậy, mà chúng ta cứ hành hạ, trả thù và ăn thịt lẫn nhau kiếp, kiếp không cùng tận.

Kính thưa quý bạn! Nói về mặt nhân quả giữa con người với con người thì ta nhìn thấy rõ, vì chúng đang diễn biến ở ngay trong cuộc sống hằng ngày, như là: Có những người đang làm cho ta đau khổ hoặc có những người đang đau khổ vì ta. Nhưng những người mà làm cho ta đau khổ nhất, lại chính là những người mà ta thương yêu nhất. Tại sao? Vì những người mà ta thương yêu nhất đó chính là những người đã có ân, oán với ta trong nhiều kiếp quá khứ, nên kiếp này họ và ta mới kết thành thân bằng quyến thuộc để trả nợ ân, oán với nhau. Trong Kinh Phật nói: Không có ân, oán thì sẽ không thành thân bằng quyến thuộc, không thành vợ chồng, con cháu và cha mẹ, anh em”.

Trước kia, lúc chưa hiểu đạo tôi thường thắc mắc rằng: “Không biết 18 tầng địa ngục mà Phật nói trong Kinh, chúng đang ở đâu? Chắc chúng ở xa lắm hoặc là ở dưới lòng đất”. Sau khi chứng đạo, thấy được chân tướng của vạn pháp, tôi thật vô cùng sợ hãi. Thì ra, 18 tầng địa ngục không ở đâu xa mà nó đang ở ngay trước mắt và ở ngay trong cuộc sống hằng ngày chúng ta. Còn nơi phán tội, hành hạ và xử tử tội nhân cũng không ở đâu xa, mà nó đang ở ngay trong nhà bếp của mỗi gia đình và nó đang ở trong các lò giết heo, bò, gà, vịt, chó, dê,… Còn Quỷ sai đầu trâu, mặt ngựa cũng không ai xa lạ mà chính là chúng ta. Hằng ngày, chúng ta đều đang bắt nhốt tội nhân để hành hạ và xử tử họ đủ mọi cực hình, như là: Chặt đầu, thọc huyết, móc mắt, cắt lưỡi, mổ bụng, móc tim, gan, lóc da, xẻ thịt,… Rồi sau đó, chúng ta còn bỏ họ vào chảo dầu (chiên), nhúng vào nước sôi (luộc), nằm giường lửa (nướng), ôm trụ lửa đồng (quay).

Trước kia, tôi thường hay thắc mắc về những lời Phật nói trong Kinh đó là: “Những tội nhân ở trong địa ngục, sau khi bị Quỷ sai hành hạ đủ mọi cực hình cho đến chết và sau khi chết, những tội nhân này sẽ được sống trở lại. Sau khi sống lại, thì những tội nhân này lại bị Quỷ sai hành hạ tiếp tục cho đến chết. Rồi cứ như vậy, mà những tội nhân này hết sống rồi lại chết, hết chết rồi lại sống và chịu mọi đau khổ đến vô lượng kiếp, khó có thể thoát ra”. Lúc đó, tôi nghĩ: “Tại sao vua Diêm la và Quỷ sai ở trong địa ngục họ ác quá vậy?”. Sau đó, tôi còn nghĩ: “Nếu tội nhân đã bị bỏ vào chảo dầu, bỏ vào nước sôi, bỏ vào giường lửa và bị ôm trụ lửa đồng, thì thân xác của họ đã bị tan nát hết rồi, còn thân đâu để mà cho Quỷ sai hành hạ tiếp tục?”. Tóm lại, lúc chưa hiểu đạo tôi thắc mắc rất nhiều về vấn đề 18 tầng địa ngục. Nhưng sau khi chứng đạo, tôi mới hiểu được chân tướng sự thật. Ở đây, tôi xin chia sẻ một chút, để quý bạn hiểu tại sao khi chúng ta bị rơi vào địa ngục, thì sẽ bị đau khổ đến vô lượng kiếp, khó có thể thoát ra.

Nguyên nhân là như vầy, mỗi khi chúng ta giết hại và ăn thịt chúng sanh, thì tâm thức của họ rất là căm hận chúng ta và trong giây phút căm hận đó, thần thức si mê của họ sẽ dẫn họ đầu thai hay hóa sanh thành những loài súc sanh khác. Sau khi đầu thai hoặc hóa sanh thành loài súc sanh khác, thì họ lại bị những loài thú lớn hơn hay bị loài người hành hạ và giết hại để ăn thịt tiếp tục. Rồi mỗi lần họ bị hành hạ và ăn thịt như vậy, thì tâm thức của họ lại càng tăng thêm thù hận. Khi thần thức của họ càng tăng thêm thù hận, thì thần thức của họ lại càng bị si mê. Khi thần thức của họ càng bị si mê, thì họ càng đầu thai hay hóa sanh thành những loài súc sanh thấp hơn. Họ càng làm súc sanh si mê thấp hơn, thì mạng sống của họ càng ngắn ngủi và bị chết thê thảm hơn. Rồi cứ như vậy, mà sự thù hận của họ mỗi ngày càng thêm kiên cố và chính sự thù hận kiên cố của họ, đã dẫn dắt họ vào vòng hết chết rồi lại sống, hết sống rồi lại chết và chịu mọi đau khổ đến vô lượng kiếp, không thể thoát ra.

Trong Kinh Phật nói: Một khi chúng sanh đã bị rơi vào địa ngục rồi thì khó có thể thoát ra”. Tại sao? Vì một khi thần thức của chúng ta thù hận quá sâu dày, thì khó được giác ngộ để tự cứu mình ra khỏi cái vòng vô minh đau khổ đó. Muốn thoát khỏi cái vòng vô minh đau khổ đó, thì chỉ có trí tuệ và lòng từ bi tha thứ của ta mới cứu được ta mà thôi. Còn chư Phật và Bồ tát cho dù có muốn cứu chúng ta cũng cứu không nổi. Tại sao? Vì tâm thù hận của chúng ta đã quá sâu dày.

Trong Kinh Phật nói: Chúng sanh chết đi mà được trở lại làm người ít như đất dính ở kẽ móng tay Phật. Còn số người chết đi bị đọa vào ba đường Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục thì nhiều như cát sông Hằng”. Chúng tôi biết quý bạn sẽ nói rằng: “Nếu Phật nói số người chết đi được trở lại làm người ít như vậy, thì tại sao dân số ở trên Trái Đất này càng lúc lại càng gia tăng, vậy là như thế nào?”.

Kính thưa quý bạn! Lời Phật dạy là vạn lần chân thật, chẳng qua chúng ta si mê nên không thấy được chân tướng đó thôi. Giờ tôi xin phân tích một chút để quý bạn hiểu thêm: Xung quanh Trái Đất chúng ta đang ở, còn có vô lượng Trái Đất chúng sanh khác; khi chúng sanh từ Trái Đất này chết đi, thì sẽ tùy theo nghiệp lực của mình mà đầu thai qua Trái Đất khác; và chúng sanh từ Trái Đất khác chết đi, tùy theo nghiệp lực của mình mà đầu thai qua Trái Đất nọ; rồi cứ như vậy, mà chúng sanh đầu thai tới, lui trong vô lượng thế giới không ngừng nghỉ. Ở đây, chúng ta không bàn đến những chúng sanh ở các thế giới khác đầu thai đến đây, mà chúng ta chỉ bàn đến một loài kiến ở trong Trái Đất này thôi, thì cũng đã đông hơn so với loài người không biết bao nhiêu là vạn lần rồi. Đó là chưa nói đến các loài súc sanh khác. Nếu chúng ta cộng hết những loài chúng sanh trong ba đường Súc sanh, Ngạ quỷ Địa ngục chung lại với nhau để mà so sánh với loài người, thì chúng ta sẽ thấy lời Phật dạy là vạn lần chân thật. Chẳng qua chúng ta không có Phật nhãn để thấy được chân tướng đó thôi. Nếu kiếp này, chúng ta không biết dùng thân người giả tạm này để tu hành giải thoát, thì không biết đến kiếp nào chúng ta mới có lại được thân người để tu hành giải thoát.

Trong Kinh Phật nói: Nhân quả dung thông ba đời. Ý Phật muốn nói rằng: Nếu muốn biết kiếp trước mình đã làm gì, thì hãy nhìn vào kiếp này mình đang đau khổ hay hạnh phúc, vì tất cả đau khổ hay hạnh phúc đều là do ta đã gieo trồng trong quá khứ. Còn muốn biết kiếp sau ta được hạnh phúc hay đau khổ, thì hãy xem kiếp này ta đang trồng nhân thiện hay nhân ác. Nếu trồng nhân ác, thì kiếp sau ta sẽ gặt quả ác. Nếu trồng nhân thiện, thì kiếp sau ta sẽ gặt quả thiện. Tóm lại, hạnh phúc hay đau khổ, làm Phật hay làm chúng sanh đều là do ta tự quyết định, không ai có thể quyết định cho ta.

Kính thưa quý bạn! Xung quanh chúng ta lúc nào cũng có vô lượng ánh sáng thiện, ác đủ màu khác nhau. Sau khi chết, thần thức của ta sẽ tùy theo nghiệp lực của thiện, ác mà dung thông được với những tầng ánh sáng thiện, ác để đi tái sanh. Nghĩa là nếu phút lâm chung, thần thức của ta từ bi thì sẽ dung thông được với tầng ánh sáng của chư Phật, đi làm Phật. Nếu thần thức của ta thánh thiện, thì sẽ dung thông được với tầng ánh sáng của chư Thiên, đi làm chư Thiên. Nếu thần thức của ta thiện, thì sẽ dung thông với tầng ánh sáng của loài người, đi làm người. Nếu thần thức của ta vừa thánh thiện vừa nóng nảy, thì sẽ dung thông với tầng ánh sáng của loài Thần, đi làm Thần. Nếu thần thức của ta si mê, thì sẽ dung thông với tầng ánh sáng của súc sanh, đi làm súc sanh. Nếu thần thức của ta tham lam và ích kỷ, thì sẽ dung thông với tầng ánh sáng của ngạ quỷ, đi làm ngạ quỷ (ngạ quỷ tức là nói những hồn ma đang bị lạnh lẽo và đói khát). Nếu thần thức của ta hận thù và độc ác, thì sẽ dung thông với âm khí của địa ngục, đi làm chúng sanh trong địa ngục. Tóm lại, đi lên hay đi xuống đều là do tâm thức của ta tự quyết định, chớ không có ai ban phước lành hay trừng phạt ta cả. Thật ra, không phải đợi đến khi chết thì chúng ta mới tiếp xúc được với những tầng ánh sáng thiện ác đó, mà ngay trong giây phút hiện tại, chúng ta đều đang tiếp xúc được với vô lượng tầng ánh sáng thiện, ác đó. Chẳng qua chúng ta không có đủ trí tuệ để thấy được chân tướng đó thôi. Nếu quý bạn chịu quán xét mỗi niệm khởi lên trong tâm mình, thì sẽ cảm nhận được ngay.

Kính thưa quý bạn! Đạo Phật không có nói chuyện hoang đường mà đạo Phật nói có bằng chứng rõ ràng. Chẳng qua chúng ta không chịu tin lời Phật dạy, không chịu tu hành để khai mở trí tuệ, nên không thấy được chân tướng đó thôi. Muốn thấy được chân tướng của vạn pháp, thì chỉ có chân tâm và trí tuệ hợp nhất của ta mới thấy được thôi. Tuy bây giờ, chúng ta chưa có đủ trí tuệ để nhìn thấu vạn pháp, nhưng nếu chúng ta chịu bỏ đi cái ta si mê của mình, thì sẽ cảm nhận được phần nào chân tướng của vạn pháp.

Giờ chúng ta thử nhớ lại, những chuyện thiện, ác mà mình đã làm trong quá khứ. Chỉ cần nhớ lại, thì chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào sự khác biệt giữa ánh sáng thiện và ác. Nếu trước kia, ta làm việc bố thí hay giúp người, thì tâm của ta đều cảm thấy an lạc và hạnh phúc không chi sánh bằng, có phải vậy không? Tại sao chúng ta có được những cảm xúc an lạc và hạnh phúc đó? Là vì ngay giây phút ta khởi lên cái tâm từ bi, thì tâm Phật của ta liền được dung thông với tầng ánh sáng của chư Phật, mà ánh sáng của chư Phật thì lúc nào cũng mát rượi như dòng suối cam lồ tuôn chảy vào tâm. Nhờ vậy mà tâm ta mới cảm thọ được sự an lạc và hạnh phúc, không chi sánh bằng. Còn nếu trước kia, ta khởi tâm sân hận hay hãm hại người, thì tâm của ta liền cảm thấy nóng như bị lửa đốt và đau khổ tận cùng, có phải vậy không? Tại sao chúng ta có những cảm xúc đau khổ tận cùng như vậy? Là vì ngay giây phút ta khởi lên cái tâm sân hận, hại người thì tâm ma của ta liền dung thông với tầng ánh sáng của chúng ma, mà ánh sáng của chúng ma thì lúc nào cũng âm u và nóng như lửa đốt, nên ta mới cảm thọ sự đau khổ tận cùng như vậy. Nếu tâm chúng ta hằng ngày thường tiếp xúc được với những tầng ánh sáng từ bi và thánh thiện, thì hình tướng và sắc khí của ta sẽ được tươi sáng và hiền hòa. Còn nếu tâm chúng ta hằng ngày thường tiếp xúc với những tầng ánh sáng xấu, ác thì hình tướng và sắc khí của ta sẽ bị âm u và dữ tợn. Vì vậy, chúng sanh ở trong vũ trụ này đều có hình tướng đẹp xấu và thiện ác khác nhau. Ở ngoài đời, chúng ta thường thấy có những người vừa mới gặp mặt thì ta liền cảm thấy thương mến và mong được gần gũi. Nhưng cũng có những người, chúng ta vừa mới gặp mặt, thì liền cảm thấy lo sợ và không dám đến gần.

Kính thưa quý bạn! Nếu nói về nghiệp tội thì cho dù chúng ta có nói hết kiếp cũng không xong. Ở đây, chúng ta không bàn đến những nghề bất thiện, mà chúng ta chỉ bàn đến việc làm thực phẩm không đủ vệ sinh thôi, thì cũng tạo không biết bao nhiêu là nghiệp tội. Tại sao? Vì nếu chúng ta làm thực phẩm không đúng tiêu chuẩn vệ sinh, thì sẽ hại vô số người và súc sanh sống không được mà chết cũng không xong. Bởi vì bệnh của con người đều là từ nơi ăn uống không đúng vệ sinh mà sanh ra. Ngoài ra, bệnh của con người cũng từ nơi nghiệp lực của mình tạo ra mà có. Nhưng bệnh từ nghiệp lực tạo ra thì ít, mà bệnh từ nơi ăn uống không kiêng cữ và mất vệ sinh thì nhiều. Thời nay, nếu chúng ta muốn được khỏe mạnh và sống lâu hơn, thì phải biết kiêng cữ và giữ vệ sinh thực phẩm. Thêm vào, chúng ta phải biết bao bọc thức ăn và nước uống cho thật là kỹ để tránh bụi dơ bay vào. Chúng ta không thấy bụi nhưng bụi thì lúc nào cũng bám sát theo ta như bóng với hình. Tóm lại, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo vệ ẩm thực. Nhất là mỗi khi đi làm công quả ở các chùa, thì chúng ta không nên đeo nữ trang hay để móng tay dài trong những lúc làm thức ăn. Nếu chúng ta không bảo vệ thức ăn ở trong chùa đúng theo tiêu chuẩn vệ sinh, thì chúng ta sẽ hại vô số chúng sanh. Cuối cùng, phước đâu không thấy mà chỉ thấy nghiệp tội của mình mỗi ngày thêm lớn thì thật là oan uổng. Xin quý bạn hãy thận trọng về vấn đề này.

Thật ra, mỗi một hành động, lời nói và ý nghĩ thiện, ác của ta đang làm hằng ngày đều có chư Phật, Bồ tát, Thiên, Thần và quỷ ma nhìn thấy hết. Nếu chúng ta làm những việc xấu ác, cho dù chư Phật và Bồ tát không trừng phạt chúng ta, thì Thiên, Thần và quỷ ma cũng sẽ không tha cho ta. Thậm chí, tâm của ta cũng không tha cho ta. Tại sao? Vì trong mỗi chúng ta, ai cũng có một kho tàng thức A-lại-da (thức thứ tám). Việc làm của thức A-lại-da là ghi chép và cất giữ tất cả những hành động, ý nghĩ thiện, ác mà ta đã làm (thức A-lại-da còn tinh vi hơn máy điện não cả vạn lần). Đến phút lâm chung, tàng thức A-lại-da của ta sẽ quay lại cho ta thấy tất cả những hình ảnh thiện, ác mà ta đã làm trong quá khứ. Rồi từ những hình ảnh thiện, ác đó sẽ dẫn dắt thần thức của ta đi tái sanh vào đường thiện hay đường ác. Cho nên vua Diêm la cũng chính là ta mà Phật cũng chính là ta. Tóm lại, ta tự làm vua Diêm la để xử tội mình và ta cũng tự làm Phật để cứu mình thoát khỏi luân hồi để thành Phật.

Nếu quý bạn muốn thấy tận mắt và nghe tận tai những tiếng khóc than và kêu van cầu cứu của những chúng sanh đang bị đọa đày ở trong địa ngục, thì xin đến những lò giết heo, bò, gà, vịt, chó, dê,… để xem. Quý bạn cũng có thể tới những ngục tù đang hành hạ tội nhân ở trên thế giới để xem. Còn nếu quý bạn muốn thấy cảnh nghèo đói của ngạ quỷ, thì hãy đi tới những nước nghèo đói như ở châu Phi… Còn nếu quý bạn không có thời gian để tìm hiểu, thì xin vào YouTube… hoặc vào trang www.dieuamdieungo.com của chúng tôi để xem video tài liệu có tên là: Meet your meat(Thấy thịt của bạn). Cuốn phim này do hội bảo vệ thú vật thế giới đã quay lén được ở trong các trại giết heo, bò, gà, vịt ở trên nước Mỹ. Cuốn phim này sẽ trả lời cho quý bạn biết, tại sao thế giới này luôn có đầy rẫy thiên tai, chiến tranh, chết chóc và nạn đói. Sau khi xem xong những tài liệu này, thì quý bạn sẽ thấy tất cả những cảnh khổ đau và tội ác ở trên thế giới này, đều là do lòng dạ ác độc và ích kỷ của con người tạo ra.

Kính thưa quý bạn! Cảnh 18 tầng địa ngục mà Phật nói trong Kinh là vạn lần chân thật, không phải là để hù dọa chúng ta đâu. Nếu quý bạn chịu dùng trí tuệ của mình để quán xét cảnh tiểu địa ngục ở trong nhà, thì sẽ hình dung ra được cảnh đại địa ngục ở mười phương thế giới. Nếu kiếp này chúng ta không mau tu hành để giải thoát, thì 18 tầng địa ngục vẫn còn có chỗ dành cho chúng ta. Quý bạn chỉ cần quán mấy con vật đang bị quý bạn giết hại và ăn thịt hằng ngày là con người, thì quý bạn sẽ thấy cảnh 18 tầng địa ngục ở ngay trước mắt của mình, chớ không ở đâu xa.

THỨC TỈNH

Giàu sang, hạnh phúc nhờ tạo phước
Nào phải Phật, Thần phù hộ ta
Khổ sở, bần cùng tại nghiệp báo
Nào phải Phật, Thần trừng phạt ta.
Phật dạy danh, tiền là tạo tác
Sát sanh là nghiệp báo triền miên
Phật nào dạy tham tiền, hút thuốc
Sao bạn đành đem Phật làm bia?
Bạn ơi! Mau thức tỉnh hồi đầu
Đừng tham đắm, tạo thêm nghiệp oán
Hại bao đời con cháu về sau
Hại thân ta đọa vào đường ác.