CHUYỂN BIẾN KHI KHÔI PHỤC SÁU CĂN
23/01/2018NHỮNG DẤU HIỆU KHI CÓ LỤC THẦN THÔNG THANH TỊNH
23/01/2018GIẢI TOẢ NGHI VẤN GIỮA THIỀN VÀ TỊNH
(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
I. Sự ấn chứng giữa Thiền và Tịnh
Kính thưa quý bạn! Chúng ta xưa nay thường nghĩ người tu hành chứng đắc phải cần có một vị đắc đạo để ấn chứng, nếu không, thì không thể tự cho mình là người chứng đắc. Ý nghĩ của chúng ta xưa nay rất đúng, nhưng chỉ đúng trên các pháp môn tu khác, còn trên pháp môn Tịnh độ thì ý nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Bây giờ chúng tôi xin phân tích từng phần từ cạn tới sâu thì quý bạn dễ hiểu hơn. Ở đây, chúng tôi không bàn đến sự khác nhau của các tông phái khác, mà chúng tôi chỉ bàn đến sự khác nhau giữa Thiền và Tịnh thôi. Chỉ cần hiểu được Thiền và Tịnh khác nhau ở chỗ nào thì ta sẽ không còn bị lẫn lộn.
Thiền: Người tu Thiền là tự lực và sự tu hành của họ là từ cửa Không đi vào, nên khi được chứng đắc họ phải cần có một bậc đắc đạo để ấn chứng cho họ. Tại sao? Vì người tu Thiền là tự lực, mà tự lực thì khó được thành tựu, nhưng dễ bị vấp ngã. Thêm vào, sự tu hành của họ là từ cửa “Không” đi vào nên dễ bị lầm đường lạc bước. Vì vậy, khi được chứng đắc, họ phải cần có một bậc đắc đạo để ấn chứng, nếu không, họ dễ bị rơi vào lầm lạc không chứng, mà tưởng lầm rằng mình đã chứng. Làm như vậy sẽ có hại đến bản thân, hại Phật pháp và hại chúng sanh. Đó là nói đến những vị tu Thiền chứng quả “Tiểu thừa”.
Còn những bậc tu Thiền chứng quả “Đại thừa” hay “Như Lai thừa” thì tự quý Ngài có khả năng để ấn chứng cho mình, không cần phải đi tìm ai để ấn chứng. Tại sao? Vì ngoài Phật ra không ai có thể ấn chứng cho quý Ngài. Huống chi, thời nay là thời “Mạt pháp” không phải là thời “Thượng pháp” hay “Tượng pháp”. Thời nay, muốn tìm một bậc đắc đạo để ấn chứng cho người đắc quả Tiểu thiền tìm cũng không ra, thì nói chi đến tìm bậc ấn chứng cho quả Đại thiền.
Tịnh độ: Người tu Tịnh độ thì có nhị lực: Một, là dùng tự lực của mình; hai, là nương vào tha lực của Phật A Mi Đà và mười phương chư Phật. Thêm vào, sự tu hành của ta là từ cửa Diệu tướng đi vào, nên khi được chứng đắc ta không cần phải đi tìm bậc đắc đạo để ấn chứng. Vì ngoài chư Phật và ta ra, thì không ai có thể ấn chứng cho ta. Tại sao? Vì mỗi một niệm mà ta đang tu niệm đều là trực chỉ khôi phục lại Diệu tâm và trực chỉ thâu nhiếp thần lực của Phật A Mi Đà và mười phương chư Phật. Nên sự tu hành của ta chỉ có thành tựu, không có vấp ngã.
Thêm vào, sự tu hành của ta là từ cửa “Diệu tướng” đi vào, nên không có chuyện đi lầm đường lạc bước được. Huống chi, Tịnh độ là pháp môn “nhân quả đồng thời”, nghĩa là ngay giây phút ta gieo nhân, thì cũng là giây phút ta gặt được quả liền. Nếu vừa gieo nhân vừa gặt được quả liền, thì sự thành tựu của ta đã được phơi bày rõ ràng ngay trước mắt. Nếu kết quả đã được phơi bày ngay trước mắt, thì ta cần gì phải chạy đông, chạy tây để tìm người ấn chứng cho ta. Làm như vậy không phải là uổng công phí sức hay sao? Cũng như ta ăn cơm, ăn no tới đâu tự ta biết rõ tới đó, cần gì phải chạy đi hỏi người khác rằng mình đã ăn no chưa? Làm như vậy có khác gì với người si mê, điên đảo. Thêm vào, pháp môn Tịnh độ chỉ có Phật mới ấn chứng cho ta được thôi. Vì vậy, trong Tịnh độ tông xưa nay, không có chuyện Sư tổ này ấn chứng cho Sư tổ kia, hay là sư phụ này ấn chứng cho đệ tử kia.
Kính thưa quý bạn! Tuy pháp môn Tịnh độ không cần người để ấn chứng, nhưng khi được chứng đắc một cảnh giới nào đó, thì ta có thể tìm những vị chân tu đã chứng đạo cao hơn mình để chia sẻ và học hỏi thêm kinh nghiệm. Tuy pháp môn Tịnh độ chứng tới đâu tự ta hiểu rõ tới đó, nhưng nếu ta có được vị Thầy chân tu đắc đạo chỉ dẫn thêm, thì sự tu hành của ta sẽ mau được thành tựu hơn.
II. Sự chứng đắc giữa Thiền và Tịnh
Ở đây, chúng tôi xin phân tích thêm để quý bạn hiểu tại sao người tu Tịnh độ khi được chứng đắc, không cần phải tìm bậc đắc đạo để ấn chứng. Thứ nhất, vì ngoài ta ra, không ai có thể ấn chứng cho ta. Thứ hai, vì sự tu hành của ta đã có Phật A Mi Đà ấn chứng cho ta rồi. Khi đọc đến đây tôi biết quý bạn sẽ hỏi rằng: “Phật A Mi Đà ấn chứng cho ta ở đâu?”.
Kính thưa quý bạn! Nếu nói trên lý, thì Phật A Mi Đà đang ở ngay trước mặt để ấn chứng cho ta, còn nói trên sự, thì Phật đã ấn chứng cho ta ở ngay trong bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”. Chẳng qua ta chưa khai mở được trí tuệ, nên chưa thấy được Ngài ấn chứng đó thôi. Nếu ta chịu buông xả tham, sân, si và phát tâm niệm Phật để thành Phật, thì ta sẽ thấy được Ngài ấn chứng cho ta, từ khi phát tâm cho đến khi thành Phật. Thật ra, Phật A Mi Đà chưa có nhập diệt và giáo pháp của Ngài cũng chưa hề gián đoạn. Chỉ khi nào trong vũ trụ này không còn một chúng sanh nào, thì Ngài mới nhập diệt và giáo pháp của Ngài mới không còn.
Trong Kinh Phật nói: “Bất luận chúng sanh nào ở trong mười phương thế giới phát được cái tâm niệm Phật để thành Phật, thì đều là bậc Bồ tát sơ phát tâm”. (Sơ, tức là bậc tiểu Bồ tát đang bước vào dòng Phật). Khi đọc đến đây tôi biết quý bạn sẽ không dám tin mình là tiểu Bồ tát, nhưng đây là sự thật. Vì trong Kinh Phật nói rằng: “Chúng sanh nào ngày nay phát được cái tâm niệm Phật để thành Phật, thì chúng sanh đó trong nhiều kiếp quá khứ đã có tu, nên kiếp này nhân duyên làm Phật mới được chín muồi”. Thật ra, quả tiểu Bồ tát mà chúng ta đang có không phải mới được thành tựu đây, mà nó đã được ta vun trồng và tích lũy công đức qua nhiều kiếp tu tập rồi. Chẳng qua kiếp này ta không biết, nên không dám nhận mình là tiểu Bồ tát đó thôi. Nhưng cho dù ta có dám nhận hay không, thì sự thật này cũng không thể thay đổi. Vì vậy, chúng ta hãy can đảm nhận mình là tiểu Bồ tát đi. Nếu không, ta sẽ không có đủ trí tuệ và can đảm để tiến tu đến quả Phật cứu cánh.
Nếu quý bạn chịu quán xét, thì sẽ thấy mỗi giây, mỗi phút thân tâm của ta đều có sự chuyển biến tương tục. Sự chuyển biến tương tục đó, chính là sự chứng đắc từng phần từ cạn đến sâu. Chỉ khi nào ta bỏ tu niệm, thì sự chuyển biến tương tục đó mới tạm ngưng. Tuy sự tu hành của ta mỗi giây, mỗi phút đều có sự chứng đắc tương tục không ngừng, nhưng trong thời gian chuyển biến tương tục đó, có ba giai đoạn chứng đắc đặc biệt mà ta có thể thấy biết rõ ràng, đó là: Sự nhất tâm, Lý nhất tâm và Đà Ra Ni. Bây giờ chúng tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm về ba cảnh giới chứng đắc đặc biệt đó, để quý bạn tìm hiểu thêm.
- Sự nhất tâm tam muội: Khi nào bạn thấy được chân tướng của vạn vật hữu tình và vô tình ở trong thế gian này là giả, không thật, rồi tự nhiên bật khóc và giận ghét mình si mê điên đảo, là bạn đã chứng được Sự nhất tâm rồi đó. Muốn biết mình có chứng được Sự nhất tâm hay không, thật dễ thôi. Nếu bạn vẫn còn tranh chấp danh lợi, bỏn xẻn và hơn thua thì bạn chỉ chứng được sự tưởng tượng thôi. Còn nếu tâm của bạn buông xả được mọi thứ nhẹ nhàng và an lạc, thì bạn đã chứng được Sự nhất tâm tam muội rồi đó.
- Lý nhất tâm tam muội: Khi nào bạn thấy được quang minh của tự tánh, là bạn đã chứng được Lý nhất tâm tam muội rồi đó. Muốn biết mình có thật chứng được Lý nhất tâm tam muội hay không, thật dễ thôi. Có hai căn bản chính để cho bạn đối chiếu, đó là:
- Khi nào bạn thấy được tất cả chúng sanh đều là ông bà, cha mẹ và là Phật sẽ thành, rồi bạn xúc động bật khóc và phát ra đại nguyện từ bi để cứu họ đời đời, kiếp kiếp;
- Khi nào bạn đọc “Kinh Vô Lượng Thọ” mà hiểu được thông suốt thể tánh của Kinh và thấy được mỗi chữ trong Kinh đều tỏa ra hào quang biến hóa vô lượng (tâm thấy không phải mắt thấy). Rồi bạn xúc động bật khóc và chỉ muốn quỳ xuống ôm chân của chư Phật và Bồ tát để sám hối tội lỗi của mình đời đời, kiếp kiếp.
Khi nào bạn có được hai cảnh giới ở trên, là đã chứng được “Lý nhất tâm tam muội” rồi đó.
- Đà Ra Ni tam muội: Khi nào bạn nghe được âm thanh huyền diệu A Mi Đà, từ trong Diệu tâm thanh tịnh của mình lưu xuất ra và hòa nhập vào tâm của mười phương chư Phật và hòa nhập vào tâm của chúng sanh và bao trùm cả vũ trụ là bạn đã chứng được Đà Ra Ni tam muội rồi đó. Đà Ra Ni tam muội tức là Mật Chú đại tổng trì Kim cang tam muội.
Mật: Tức là bí mật ẩn tàng ở trong Diệu tánh;
Chú: Tức là hồng danh A Mi Đà Phật;
Đại: Tức là rộng lớn bao trùm khắp hư không, pháp giới;
Tổng: Tức là tổng hợp chân tâm của chư Phật và chân tâm của chúng sanh;
Trì: Tức là trì niệm tự tánh;
Kim cang: Tức là bất hoại;
Tam muội: Tức là chánh định, thanh tịnh và tịch diệt.
Tóm lại, “Đà Ra Ni” tức là Mật Chú A Mi Đà sẵn có ở trong Diệu tâm (Diệu tánh) chúng ta. Muốn nghe được Mật Chú A Mi Đà ở trong tự tánh, thì ta phải biết quay vào để sống với Diệu tâm của mình. Khi sống được với Diệu tâm, thì ta sẽ nghe được tiếng niệm A Mi Đà Phật từ Diệu tâm của ta, Diệu tâm của chư Phật và Diệu tâm của chúng sanh bao trùm cả vũ trụ. Muốn biết mình có chứng được “Đà Ra Ni tam muội” hay không, thật dễ thôi. Có hai căn bản chính để cho bạn đối chiếu, đó là:
Một: Tâm của ta 24/24 lúc nào cũng phát ra diệu âm A Mi Đà Phật bao trùm cả vũ trụ. Điều đặc biệt là ta muốn nghe nhạc niệm Phật nào cũng được, tùy tâm khởi. Nghĩa là ta muốn nghe nhạc niệm Phật bốn chữ hay sáu chữ, nhanh hay chậm, tiếng Hoa hay tiếng Việt… đều tùy ý. Chúng ta chỉ cần khởi lên một niệm thì nghe bao lâu cũng được. Còn khi ta không khởi ý nghe các loại nhạc niệm Phật khác, thì tâm của ta chỉ phát ra loại niệm Phật nguyên thủy mà thôi (tức là tiếng niệm Phật đầu tiên mà ta có được).
Hai: Chúng ta lúc nào cũng sống trong chánh định (tức sống trong tánh giác của ta). Cho dù ta có đi đứng, nằm ngồi, vui buồn hay tức giận thì sự an định và sáng suốt trong ta sẽ không bao giờ mất. Tại sao? Vì ta đã sống được với Phật tánh của ta rồi. Một khi sống được với Phật tánh, thì sự thanh tịnh trong tâm ta là vĩnh cửu bất hoại.
Khi nào chúng ta có được hai cảnh giới trên là ta đã chứng được “Đà Ra Ni” rồi đó. (Xin bạn chớ nhầm lẫn tiếng niệm Phật thuần thục trong tâm và tiếng niệm Phật bao phủ khắp vũ trụ). Tóm lại, khi nào ta thấy được chân tướng của vạn pháp sanh diệt là chứng được Sự nhất tâm. Khi nào ta thấy được thể tánh của vạn pháp giả và chân là chứng được Lý nhất tâm. Khi nào ta sống được với Diệu tâm của ta là chứng được Đà Ra Ni tam muội.
Giờ chúng tôi xin phân tích thêm, để quý bạn hiểu tam muội và Đà Ra Ni tam muội khác nhau ở chỗ nào. Tam muội thì ví như cái ly đã được nắn thành hình. Tuy đã nắn thành hình nhưng chưa thể dùng, vì nó chưa được nung qua lửa nóng. Còn Đà Ra Ni tam muội, thì ví như cái ly đã được nung qua lửa nóng, nên ta có thể dùng nó để uống nước nóng hay lạnh đều tùy ý. Tóm lại, tam muội thì thấp hơn Đà Ra Ni tam muội, vì nó lúc có lúc không. Tức là khi nào tâm ta định thì nó đến, khi nào tâm ta động thì nó đi. Còn Đà Ra Ni tam muội thì theo ta như bóng với hình, không thể tách rời nhau. Cho dù ta có tức giận, ngủ mê hay là thay hình đổi dạng ra vào trong sáu ngã luân hồi, để cứu độ chúng sanh đời đời, kiếp kiếp thì tánh sáng suốt và tâm thanh tịnh của ta sẽ không bao giờ mất. Nó ví như một cái áo giáp Kim cang vô hình luôn bảo vệ huệ mạng và tâm Bồ đề của ta.
Kính thưa quý bạn! Tam muội cũng có cao thấp khác nhau. Nếu một người tu Thiền và một người tu Tịnh cùng chứng được tam muội, thì tam muội của người tu Thiền thấp hơn của người tu Tịnh. Tại sao? Vì tam muội của người tu Tịnh được thành tựu từ Diệu tánh, còn Tam muội của người tu Thiền được thành tựu từ Định tánh. Diệu tánh thì cao hơn Định tánh nhiều lắm. (Xin lỗi chúng tôi không có đủ thời gian để phân tích, xin quý bạn tìm các Kinh Tịnh độ để tìm hiểu thêm).
Còn nói về mặt chứng đắc, thì có người đắc trước định sau hoặc có người định trước đắc sau. Nghĩa là cho dù công phu tu hành của ta chưa đạt đến định, nhưng tâm của ta buông xả được rốt ráo thì sẽ được đắc đạo. Còn nếu công phu tu niệm của ta đã đạt đến định, mà tâm của ta chưa buông xả được rốt ráo thì không thể đắc đạo. Tóm lại, đắc đạo được hay không, thì phải coi tâm của ta có biết buông xả hay không? Còn định được hay không, thì phải coi công phu tu hành của ta có tinh tấn hay không? Đó là nói về những người tu Thiền và những người tu theo các pháp môn khác. Còn nói về người tu Tịnh độ thì hoàn toàn khác hẳn. Tại sao? Vì ngay trong mỗi niệm mà ta đang tu niệm, đều thành tựu được cả hai mặt định và đắc đi song song. Tuy trong mỗi niệm của ta, đều có được đắc và định đi song song, nhưng sự chứng đắc của mỗi người thì có nhanh chậm khác nhau. Vì vậy, có người chứng được Sự nhất tâm trước, rồi sau đó mới chứng đến Lý nhất tâm. Nhưng cũng có người chứng được một lúc cả Sự và Lý nhất tâm. Thậm chí, có người chứng được một lúc luôn cả Sự, Lý và Đà Ra Ni. Tại sao? Vì chúng ta ai cũng có “túc mạng” khác nhau. (Túc mạng nghĩa là chúng ta ai cũng đều có thiện căn, phước đức, nhân duyên và hạnh nguyện tu hành khác nhau trong vô lượng kiếp). Nên sự thành tựu của chúng ta trong kiếp này, cũng có sự sai biệt cao thấp và nhanh chậm khác nhau. Vì vậy, có người tu cả đời mà thành tựu không được bao nhiêu, còn có người mới tu được vài năm, vài tháng hoặc vài tuần thì liền được đắc đạo. Nếu là đệ tử của Phật, thì ta phải hiểu rõ chân tướng này. Chúng ta không nên chấp rằng: Ta chưa đắc đạo thì không ai có thể đắc đạo, hoặc nghĩ rằng người xuất gia mới có thể đắc đạo, còn người tại gia thì không thể đắc đạo. Nếu quý bạn tu hành mà vẫn còn ôm cái tâm chấp trước và trọng khinh như vậy, thì cho dù tu cả đời cũng chỉ luống công thôi.
III. Sự thành tựu giữa Thiền và Tịnh
Ở đây, chúng tôi xin phân tích thêm về hai cửa Không và Tướng của Thiền và Tịnh khác nhau ở chỗ nào để quý bạn tìm hiểu thêm. Trước khi tìm hiểu vào hai cửa “Không” và “Tướng”, chúng tôi xin phân tích sơ lược về thể tánh của năm bộ Kinh chính mà Phật đã dạy trong 49 năm, đó là: Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Mi Đà. Trong 49 năm, Phật dạy 12 bộ Kinh, nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn đến 5 bộ Kinh chính mà thôi. Vì sự tìm hiểu này rất là quan trọng, nếu chúng ta chưa nắm được bản thể của năm bộ Kinh này, thì sẽ không hiểu được ý nghĩa của hai cửa “Không” và “Tướng” khác nhau ở chỗ nào?
- Kinh Lăng Nghiêm: Ví như tấm bản đồ giúp cho ta đi tìm kho tàng. Nghĩa là nhờ có bộ “Kinh Lăng Nghiêm” mà ta mới biết mình có tâm Phật và có đầy đủ đức tướng như Phật. Có bộ “Kinh Lăng Nghiêm” mà ta mới biết mình là người si mê, điên đảo đã tạo ra sáu ngã luân hồi và cam tâm tình nguyện ở trong cái vòng sanh tử đó, để chịu đau khổ đời đời, kiếp kiếp không thể thoát ra.
- Kinh Bát Nhã: Ví như ngọn đuốc soi đường giúp cho ta đi tìm kho tàng. Nghĩa là nhờ có bộ “Kinh Bát Nhã” mà ta mới khai mở được trí tuệ, để thấy được chân tướng của vạn pháp giả và chân.
- Kinh Hoa Nghiêm: Giúp cho ta có thêm niềm tin để đi tìm kho tàng. Nghĩa là nhờ có bộ “Kinh Hoa Nghiêm” mà ta mới hiểu được trí tuệ, thần thông và cảnh giới thù thắng của mười phương chư Phật và cõi Phật. Nhờ hiểu rõ mà ta mới hạ quyết tâm buông xả thế giới chúng sanh, về thế giới chư Phật để hưởng vô lượng quang và vô lượng thọ.
- Kinh Vô Lượng Thọ: Là phơi bày cho ta thấy được báu vật ở trong kho tàng. Nghĩa là nhờ có bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” mà ta mới biết được mình có vô lượng trí tuệ, vô lượng đức tướng, vô lượng thần thông và vô lượng thọ giống như chư Phật không khác.
- Kinh A Mi Đà: Là chìa khóa giúp cho ta mở cửa kho tàng. Nghĩa là nhờ có bộ “Kinh A Mi Đà” mà ta mới biết thể tánh Diệu tâm của mình là A Mi Đà và câu A Mi Đà Phật chính là Phật Chú giúp cho ta khôi phục lại Diệu tâm để thành Phật.
Kính thưa quý bạn! Qua năm thể tánh của năm bộ Kinh cho thấy, trong mỗi bộ Kinh Phật đều khai thị cho chúng ta một cảnh giới khác nhau. Nếu chúng ta đem năm bộ Kinh này để so sánh cao, thấp với nhau thì thật là khó. Tại sao? Vì cao hay thấp còn tùy vào căn cơ và trí tuệ của mỗi người nhận định và còn tùy vào chúng ta đang tu pháp môn nào. Ở đây, chúng ta không bàn đến sự nhận định cao thấp của các môn, tông, phái khác mà chúng ta chỉ bàn đến sự nhận định cao thấp của hai phái Thiền và Tịnh thôi.
Nếu nói về mặt tu hành, thì người tu Thiền cho hai bộ Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Bát Nhã là cao nhất. Tại sao? Vì hai bộ Kinh này khai triển về mặt “chân không” rất là tường tận, nên đối với người tu Thiền từ cửa Không đi vào rất là có lợi. Nếu không có hai bộ Kinh này, thì người tu Thiền sẽ không cách chi trở về chân tâm của mình được.
Còn nói về người tu Tịnh độ thì cho hai bộ Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Mi Đà là cao nhất. Tại sao? Vì hai bộ Kinh này khai triển về hai mặt “Diệu tánh” và “Diệu tướng” rất là tường tận. Nên đối với người tu Tịnh từ cửa Diệu tướng đi vào rất là có lợi. Nếu không có hai bộ Kinh này, thì người tu Tịnh độ sẽ không thành Phật được.
Còn nói về mặt “trí tuệ” thì tất cả các môn, tông, phái đều cho bộ Kinh Hoa Nghiêm là vua trong các Kinh. Vì bộ Kinh này khai triển được tổng quát về sự thành tựu của cảnh giới: Diệu tướng, Diệu tánh, thần thông, trí tuệ… nhiệm mầu của mười phương chư Phật và cõi Phật.
Kính thưa quý bạn! Ở trên chỉ mới bàn đến sự nhận định cao thấp của chúng ta thôi, còn nếu bàn đến sự nhận định của ba đời mười phương chư Phật, thì quý Ngài cho bộ Kinh A Mi Đà là cao nhất. Tại sao? Vì bốn bộ Kinh kia chỉ là phương tiện, để giúp cho chúng sanh thấy được giá trị bí mật của bộ “Kinh A Mi Đà”. Vì bộ “Kinh A Mi Đà” là chìa khóa Kim cang để mở cửa Diệu tâm của chư Phật và chúng sanh. Quý bạn thử nghĩ xem: Nếu chúng ta có bản đồ, có đuốc, có phương tiện và có niềm tin để đi tới kho tàng, mà không có chìa khóa để vào được kho tàng thì cũng luống công thôi.
Trong Kinh Phật có huyền ký rằng: “Tới cuối thời kỳ Mạt pháp, Kinh Phật đều bị tận diệt, duy chỉ có bộ Kinh A Mi Đà và Kinh Vô Lượng Thọ là còn tồn tại. Rồi sau đó, nhờ oai lực của chư Phật gia hộ mà bộ Kinh A Mi Đà và Kinh Vô Lượng Thọ được tồn tại thêm 100 năm và cuối cùng chỉ còn lại bốn chữ hồng danh A Mi Đà Phật”. Thật ra, lời huyền ký của Phật trong Kinh là nói trên sự không phải nói trên lý. Trên sự, nghĩa là Phật đã thấy trước đến thời kỳ Mạt pháp chúng sanh sẽ có đầy đủ thiện căn, phước đức và nhân duyên để tin sâu pháp môn Tịnh độ, nên không còn tu các pháp môn khác. Vì vậy, những bộ Kinh khác không còn được lưu thông, mà không còn lưu thông thì đồng nghĩa với tận diệt. Còn trên lý, thì Kinh Phật là vĩnh cửu bất hoại. Tại sao? Vì Kinh Phật là nói lên cái chân tướng của vũ trụ, nhân sinh, đạo tâm và giải thoát thì có gì để mà tận diệt hay không tận diệt. Nếu là đệ tử Phật, thì chúng ta phải hiểu rõ thời vận biến hóa của Phật pháp. Chúng ta không nên chấp chặt, để rồi tranh chấp hơn thua trong hàng đệ tử Phật, hại huynh đệ mất đi lục hòa và hại chúng sanh phải bị hoang mang thì không tốt.
Kính thưa quý bạn! Qua sự phân tích ở trên, chúng ta đã hiểu được phần nào căn bản lợi ích của năm bộ Kinh rồi. Bây giờ chúng ta tìm hiểu tóm lược vào cửa “Không” của Thiền và cửa “Diệu tướng” của Tịnh khác nhau ở chỗ nào?
Thiền: Người tu Thiền từ cửa Không đi vào. Nghĩa là ta phải quán tất cả vạn pháp là không để trở về chân tâm (Phật tánh). Vì vậy, ở trong nhà Thiền thường có một câu nói rằng: “Gặp Phật thì giết Phật, gặp ma thì giết ma”. Vì đối với người tu Thiền thì tất cả pháp có hình tướng đều là giả không thật, duy chỉ có chân không vắng lặng, thanh tịnh tịch diệt mới là Niết bàn, nên Thiền tông được gọi là từ cửa Không đi vào.
Tịnh Độ: Người tu Tịnh độ từ cửa Diệu tướng đi vào. Nghĩa là ta phải quán tưởng đến hình tướng để trở về chân tâm (Phật tánh). Quán tưởng hình tướng ở đây không phải là quán tưởng vào hình tướng giả tạm của duyên sanh diệt, mà là quán tưởng vào Diệu tướng không sanh không diệt, sẵn có ở trong Diệu tâm thanh tịnh của ta. Diệu tướng không sanh không diệt, đó là: Tướng hảo của Phật A Mi Đà và cảnh đẹp bảy báu trang nghiêm nhiệm mầu của Tây phương Cực Lạc. Ngay giây phút ta phát nguyện sanh về Cực Lạc của Phật A Mi Đà, thì cũng là giây phút ta phát nguyện trở về với Diệu tánh A Mi Đà của ta. Vì tướng quang minh của Phật A Mi Đà, chính là tướng Phật của ta. Còn cảnh đẹp bảy báu trang nghiêm của Tây phương Cực Lạc, chính là cảnh đẹp bảy báu sẵn có ở trong tâm ta. Vì vậy, khi thành Phật ta mới có thân quang minh như Phật A Mi Đà và có thần thông để biến hóa ra vô lượng Diệu pháp không sanh không diệt như cõi Cực Lạc. Nên Tịnh độ được gọi là từ cửa Diệu tướng đi vào. (Cửa “Diệu tướng” thì cao hơn cửa “Không” rất xa).
Kính thưa quý bạn! Đa số chúng ta vẫn còn hiểu lầm nên cho rằng Thiền tông là pháp môn cao siêu trực chỉ thành Phật, còn Tịnh độ là pháp môn cầu phước hoặc đi vòng. Chúng ta là phàm phu nên mới thấy như vậy, nhưng đối với mười phương chư Phật, thì quý Ngài cho Tịnh độ là pháp môn cao siêu trong cao siêu, là pháp môn trực chỉ thành Phật của chư Phật ba đời. Bây giờ tôi xin phân tích thêm về cách chuyển tâm của người tu Thiền và tu Tịnh khác nhau ở chỗ nào, để quý bạn thấy lời của chư Phật và chư Tổ dạy là vạn lần chân thật. Trước khi phân tích về cách chuyển tâm của hai pháp môn Thiền và Tịnh, chúng tôi xin phân tích tóm gọn về bốn tâm căn bản của chúng ta trước, để quý bạn dễ hiểu hơn.
Tất cả chúng ta ai cũng có bốn tâm làm căn bản, đó là: Tâm Diệu minh, tâm Phật, tâm vô minh và tâm vọng tưởng. Tuy chúng ta ai cũng có bốn tâm làm căn bản, nhưng hiện tại thì chúng ta chỉ có ba tâm mà thôi, đó là: Tâm Phật, tâm vô minh và tâm vọng tưởng. Còn tâm Diệu minh khi nào thành Phật thì ta mới có. Đó là nói với những người tu các môn, tông, phái khác và những người không tu. Còn riêng người tu Tịnh độ, thì tất cả chúng ta ai cũng đang có được một phần tâm Diệu minh rồi. Nếu không, thì ta làm sao mà sanh ra được hoa sen ngàn cánh và báo thân Phật của mình ở trên cõi Cực Lạc. Bây giờ chúng tôi xin phân tích sơ lược từng tâm để quý bạn dễ hiểu.
- Tâm Diệu minh: Là tâm có vô lượng quang và vô lượng thọ của chư Phật. Nhờ có tâm Diệu minh mà quý Ngài mới biến hóa ra được vô lượng Diệu pháp, Diệu trí tuệ, Diệu thần thông,… Tâm này tròn đầy và phát quang viên mãn, ví như trăng rằm của đêm mười lăm (người tu Tịnh độ thì ai cũng đang có được một phần tâm này).
- Tâm Phật: Là tâm sáng suốt, thanh tịnh sẵn có của ta và tâm này có thể sanh ra vạn pháp. Tuy tâm Phật của ta có thể sanh ra vạn pháp, nhưng chưa sanh ra được Diệu pháp như chư Phật. Tại sao? Vì thần thức và chân tâm của ta chưa hợp thành một thể Diệu minh, nên không sanh ra được Diệu pháp. Còn thần thức và chân tâm của chư Phật, thì đã hợp thành một thể Diệu minh, nên quý Ngài mới sanh ra được vô lượng Diệu pháp. Vì vậy, tâm của chư Phật thì được gọi là tâm Diệu minh. Còn tâm chúng ta chỉ gọi là tâm Phật. Thật ra tâm “Phật” và tâm “Diệu minh” vốn là một không hai. Nó chỉ khác ở chỗ nếu tâm Phật của ta phát quang thì ta làm Phật. Nếu tâm Phật của ta chưa phát quang thì ta làm chúng sanh. Tóm lại, tâm Phật của ta tuy là tròn đầy, nhưng nó vẫn còn khiếm khuyết như Mặt Trăng của đêm mười bốn chưa thể phát quang (chúng ta ai cũng có tâm Phật, còn sống được với tâm Phật hay không, thì tùy vào công phu tu hành của mỗi người).
- Tâm vô minh: Là tâm ma, tâm thú trong ta. Tâm này dơ bẩn và đen tối ví như Mặt Trăng của đêm ba mươi (tâm này thì chúng ta ai cũng có và đang sống với nó).
- Tâm vọng tưởng: Là tâm vọng động si mê, điên đảo. Tâm này chạy nhảy như con khỉ chuyền cây không ngừng và lúc nào cũng rối nùi cuồn cuộn, ví như đám mây đen đang che phủ Mặt Trăng (tâm này tất cả chúng ta ai cũng có và đang sống với nó).
Kính thưa quý bạn! Qua sự phân tích tóm lược ở trên, chúng ta đã hiểu được phần nào cảnh giới của bốn tâm rồi. Bây giờ chúng tôi xin phân tích tóm lược, để quý bạn hiểu tại sao người tu Tịnh độ ai cũng đang khôi phục được một phần tâm Diệu minh. Còn những người tu các môn, tông, phái khác thì chưa khôi phục được (ở đây chúng ta chỉ bàn đến Thiền và Tịnh thôi).
Thiền: Người tu Thiền thì phải chuyển tâm từ ngoài vào trong. Nghĩa là trước hết ta phải dùng Thiền định để đoạn tâm vọng. Tâm vọng gồm có hai lớp đó là “Kiến hoặc” và “Tư hoặc”: Kiến hoặc, nghĩa là cái thấy si mê, điên đảo của ta; tư hoặc, nghĩa là tư tưởng si mê, điên đảo của ta. Sau khi đoạn được Kiến hoặc và Tư hoặc, thì tánh biết của sáu căn mới được khai mở. Sáu căn đó là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Khi tánh biết của sáu căn được khai mở, thì ta mới thấy được thần thức của mình đang bị năm ấm vô minh che lấp. Năm ấm vô minh đó là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức.
Sắc ấm: Tức là thân của ta gồm có đất, nước, gió và lửa.
Thọ ấm: Tức là vô lượng cảm giác và cảm thọ của ta.
Tưởng ấm: Tức là vô lượng tư tưởng và ý nghĩ của ta.
Hành ấm: Tức là vô lượng ý chí và hành nghiệp của ta.
Thức ấm: Tức là vô lượng ý nghĩ và hành nghiệp của ta đã được cất giữ ở trong tàng thức.
Khi năm ấm này có đủ nhân duyên thì sẽ tạo thành một thân chúng sanh. Vì vậy, chúng ta ai cũng có năm ấm này và cũng chính năm ấm này đã đưa ta trôi mãi trong sáu ngã luân hồi không thể thoát ra. Sau khi thấy được thần thức của ta đang bị năm ấm vô minh khống chế, thì ta dùng Thiền định và trí tuệ để thâu phục thần thức trở về chân tâm. Muốn rút được thần thức trở về chân tâm, thì trước hết ta phải rút thần thức trở về từ Sắc ấm, rồi sau đó rút về Thọ ấm, Tưởng ấm, Hành ấm và cuối cùng là đi vào Thức ấm.
Khi phá được tới Thức ấm, thì tánh biết của sáu căn liền chuyển thành tánh thấy của sáu căn. Rồi nhờ tánh thấy của sáu căn, mà ta mới đoạn được vô minh của Thức ấm (tức đoạn được A-lại-da thức). Sau khi đoạn sạch được Thức ấm, thì tánh thấy của sáu căn liền chuyển thành Tánh trí (tức tánh A Mi Đà sáng suốt). Sau khi tánh sáng suốt A Mi Đà của ta được khôi phục tròn đầy, thì ta thành Đẳng giác Bồ tát. Sau khi thành Đẳng giác Bồ tát, thì ta mới có đủ sáng suốt để thấy mình vẫn còn một phẩm thân tướng vô minh chưa đoạn. Vì còn một phẩm thân tướng vô minh chưa đoạn, nên tâm Phật của ta chưa phát ra được Diệu quang như Phật A Mi Đà. Lúc đó, ta sẽ phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà. Ngay giây phút ta phát nguyện sanh về Cực Lạc thì ta liền được sanh về Cực Lạc. Ngay lúc đó, ta sẽ gặp được Phật A Mi Đà và hoa sen của ta cũng liền được nở ra và ta thành Phật A Mi Đà.
Tóm lại, người tu Thiền trước hết là phải dùng Thiền định để khôi phục lại tánh biết của sáu căn; sau đó, dùng tánh biết của sáu căn để khôi phục lại tánh thấy của sáu căn; sau đó, dùng tánh thấy của sáu căn để khôi phục lại tánh sáng suốt của sáu căn (tức tánh A Mi Đà sáng suốt); sau đó, dùng tánh sáng suốt của sáu căn để khôi phục lại tánh Diệu minh của sáu căn (tức tánh Diệu minh A Mi Đà). Khi tánh Diệu minh A Mi Đà được khôi phục tròn đầy thì ta thành Phật.
Qua sự phân tích tóm gọn ở trên cho thấy, tu Thiền không phải là chuyện dễ. Vì vậy, người tu Thiền phải cần tu đến ba đại A Tăng kỳ kiếp, thì mới có thể thành Phật (tức là vô lượng kiếp không thể tính đếm). Chúng tôi biết quý bạn sẽ nói rằng: “Nếu tu Thiền lâu được thành Phật như vậy, thì tại sao từ xưa tới nay có nhiều vị tu Thiền được chứng quả và được tôn làm Tổ sư ngay trong một đời”.
Kính thưa quý bạn! Những vị tu Thiền chứng quả và được tôn làm Sư tổ ngay trong một đời đó, đều là những vị đã tích lũy được công đức tu hành trong vô lượng kiếp rồi. Nên kiếp này họ mới có đủ thượng căn và trí tuệ, để tu hành chứng quả và được tôn là Sư tổ. Nhưng thành Sư tổ không có nghĩa là thành Phật liền đâu. Vì sau khi bỏ báo thân này, thì quý Ngài phải tu hành tiếp tục thêm nhiều kiếp nữa thì mới được thành Phật (chỉ trừ chư Phật và đại đại Bồ tát thị hiện).
Quý bạn hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: Ngày nay trong chúng ta có mấy ai có đủ đại thượng căn và đại trí tuệ để tu Thiền đốn ngộ? Chỉ trong Kiến hoặc và Tư hoặc chúng ta đoạn còn không nổi, thì nói chi đến đoạn Vô minh hay Kiến tánh. Nếu quý bạn muốn biết tu Thiền dễ hay khó, thì hãy đi tìm bộ “Kinh Lăng Nghiêm” để tìm hiểu cho kỹ về 52 ngũ ấm ma. Quý bạn cũng có thể tìm sách hay đĩa có tên là “Ma chướng trên đường tu” của Ngài “Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng” để tìm hiểu thêm về chướng ma.
Kính thưa quý bạn! Cho dù chúng ta có tích lũy được công đức tu hành từ vô lượng kiếp đến nay, để tu Như Lai thiền và thành Đẳng giác Bồ tát ngay trong đời này đi chăng nữa, thì chúng ta cũng phải phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà. Tại sao? Vì ngoài cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà ra, thì không còn cõi nào để cho ta thành tựu Phật quả. Nếu có, thì những vị Đẳng giác Bồ tát ở “Hoa Tạng thế giới” như là: Ngài Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền,… không cần phải phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà để thành tựu Phật quả. Nếu quý bạn không tin thì hãy tham cứu kỹ lại bộ Kinh Hoa Nghiêm trong phẩm Hạnh nguyện Phổ Hiền quy hướng Cực Lạc thì sẽ rõ.
Còn về Mật tông, chúng tôi biết quý bạn sẽ nói rằng: “Trong các pháp môn mà Phật dạy cho chúng ta, đâu phải chỉ có pháp môn Tịnh độ mới có tha lực, mà pháp môn Mật tông cũng có tha lực”. Quý bạn nói đúng, không sai. Nhưng tha lực của Mật tông và tha lực của Tịnh độ tông có chỗ khác nhau. Sự khác nhau đó là: Tha lực của Mật tông thì thuộc về Thần lực, còn tha lực của Tịnh độ tông thì thuộc về Diệu thần lực. Thần lực thì thuộc về sức mạnh, còn Diệu thần lực thì thuộc về trí tuệ thanh tịnh. Vì vậy, xưa nay chư Tổ thường nói rằng: “Mật tông là pháp tu rất cao, chỉ có những vị có thượng thượng căn thì mới tu được”. Ý nghĩa cao ở đây là so với tám vạn bốn ngàn pháp môn, không phải là so với pháp môn Tịnh độ. Vì Tịnh độ là pháp môn đặc biệt ở ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn (tức bao trùm hết tám vạn bốn ngàn pháp môn). Còn tại sao người tu Mật tông phải cần có thượng thượng căn? Là vì Mật tông là pháp tu thành Phật rất nhanh, mà bị rơi vào địa ngục cũng rất là nhanh. Nó ví như con dao bén có hai lưỡi. Một lưỡi có thể giúp ta đoạn đi vô minh và vọng tưởng, còn lưỡi khác thì có thể đoạn đi huệ mạng của ta. Nên người tu Mật lúc nào cũng phải giữ định tâm, thì mới thâu nhiếp được tha lực và phải có đủ trí tuệ sáng suốt để soi chiếu nội tâm. Nếu trên đường tu hành mà chúng ta bị sơ hở một chút, thì sẽ bị rơi vào đường tà ngay. Vì vậy, pháp môn Mật tông tuy là có tha lực, nhưng nó vẫn còn nằm trong vòng của tự lực. (Xin lỗi, chúng tôi không có đủ thời gian để giải thích, xin quý bạn hãy đi tìm Kinh sách của Mật tông và Tịnh độ tông để đối chiếu với nhau thì sẽ rõ). Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào người tu Tịnh độ chuyển tâm như thế nào?
Tịnh Độ: Người tu Tịnh độ thì hoàn toàn khác hẳn với người tu Thiền. Tại sao? Vì người tu Thiền trước hết phải chứng được sự rốt ráo rồi mới chứng được đến lý (cho dù Thiền đốn ngộ cũng không ngoại lệ). Còn người tu Tịnh độ thì thành tựu được một lúc cả hai mặt lý và sự đi song song. Nghĩa là mỗi một câu A Mi Đà Phật mà ta đang tu niệm, trong thì trực chỉ khôi phục lại Diệu tánh A Mi Đà (tức thành tựu lý), còn ngoài thì trực chỉ đoạn vô minh và vọng tưởng (tức thành tựu sự). Tóm lại, lý là nói trên mặt thành tựu của lý tánh, còn sự là nói trên sự đoạn vô minh và vọng tưởng.
Kính thưa quý bạn! Đối với người tu Thiền thì đoạn vô minh và vọng tưởng rất là quan trọng. Nhưng đối với người tu Tịnh độ thì không quan trọng. Tại sao? Vì người tu Thiền nếu chưa đoạn sạch vô minh và vọng tưởng, thì sẽ không thoát khỏi luân hồi và không thể thành Phật. Còn người tu Tịnh độ cho dù chưa đoạn được vô minh và vọng tưởng, thì vẫn được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà ngay trong một đời. Tại sao? Vì sự tu hành của ta là dùng ngay Phật tánh A Mi Đà, để khôi phục lại Diệu tánh A Mi Đà. Nếu ta biết dùng ngay Phật tánh để khôi phục lại Diệu tánh, thì vô minh và vọng tưởng của ta làm gì còn tồn tại? Vì vậy, người tu Tịnh độ về mặt đoạn vô minh và vọng tưởng không còn quan trọng, mà khôi phục lại Diệu tánh A Mi Đà mới là quan trọng. Cũng như ta đốn cây mà đốn từ gốc thì cần lo chi đến ngọn.
Giờ chúng tôi xin phân tích thêm, để quý bạn hiểu tại sao khi chúng ta phát tâm niệm Phật để thành Phật, thì liền sanh ra được hoa sen và báo thân Phật của mình ở trên cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà? Ở đây, chúng ta không bàn đến sự thành tựu (tức không bàn đến đoạn vô minh và vọng tưởng), mà chúng ta chỉ bàn đến lý thành tựu thôi (tức bàn đến khôi phục Diệu tâm).
Khi chúng ta phát tâm niệm Phật để thành Phật, thì ngay mỗi niệm A Mi Đà Phật mà ta đang niệm, đều là trực chỉ khôi phục lại từng phần Phật tánh A Mi Đà. Ngay giây phút khôi phục từng phần Phật tánh A Mi Đà, thì cũng là giây phút ta khôi phục từng phần Diệu tánh A Mi Đà. Ngay giây phút khôi phục từng phần Diệu tánh A Mi Đà, thì cũng là giây phút ta thành tựu từng phần hoa sen ngàn cánh. Ngay giây phút thành tựu từng phần hoa sen ngàn cánh, thì cũng là giây phút ta thành tựu từng phần báo thân Phật của ta. Rồi cứ như vậy mà ta thành tựu cho đến khi nào hoa sen được nở ra, thì ta thành Phật A Mi Đà. Khi thành Phật A Mi Đà, thì ta sẽ có vô lượng thần thông và trí tuệ để biến hóa ra vô lượng Diệu pháp bảy báu trang nghiêm theo ý muốn. Tóm lại, mỗi một niệm của ta đang tu niệm, đều là trực chỉ thành Phật từng phần. Vì vậy, Tịnh độ được gọi là pháp môn nhân quả đồng thời.
IV. Sự khôi phục tâm Diệu minh giữa Thiền và Tịnh
Giờ tôi xin dùng Mặt Trăng làm ví dụ, để quý bạn hiểu “tâm Phật” và “tâm Diệu minh” của mình khác nhau ở chỗ nào? Mỗi khi đến ngày rằm, chúng ta thường thấy xung quanh Mặt Trăng có một vòng quang lớn bao quanh. Vòng quang đó là ví cho tâm Diệu minh của ta. Còn Mặt Trăng trong sáng tròn đầy là ví cho tâm Phật của ta. Nếu nhìn trên sự thì ta thấy vòng quang là vòng quang, còn Mặt Trăng là Mặt Trăng. Nhưng nếu nhìn trên lý thì ta thấy vòng quang và Mặt Trăng là một không hai. Vì vòng quang đó có được là nhờ ánh sáng từ Mặt Trăng tỏa ra. Nếu không có ánh sáng từ Mặt Trăng tỏa ra, thì vòng quang đó sẽ không bao giờ có.
Nếu nói trên lý, thì tâm của chư Phật và tâm của chúng ta vốn đồng một thể không hai. Nhưng nếu nói trên sự, thì tâm của chư Phật và tâm của ta có sự khác nhau. Sự khác nhau ở chỗ là phát quang và không phát quang. Tức là nói chư Phật thì biết làm cho tâm Phật của quý Ngài phát ra Diệu quang. Còn chúng ta thì vẫn còn si mê, nên không biết làm cho tâm Phật của mình phát ra Diệu quang. Ngược lại, chúng ta còn làm cho tâm Phật của mình càng thêm u tối. Vì tâm u tố, nên chúng ta chỉ chiêu cảm được thân giả tạm của đất, nước, gió, lửa và tạo ra sáu ngã luân hồi sanh tử.
Bây giờ chúng ta trở lại tìm hiểu thêm tại sao người tu Tịnh độ thì ai cũng đang khôi phục được một phần tâm Diệu minh, còn những người tu theo các pháp môn khác thì chưa khôi phục được. Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến sự khác nhau giữa Thiền và Tịnh thôi. Chỉ cần hiểu được sự khác nhau giữa Thiền và Tịnh, thì ta sẽ hiểu thông được các pháp môn tu khác.
Thiền: Người tu Thiền muốn khôi phục được tâm Diệu minh, thì trước hết phải đoạn sạch vô minh và vọng tưởng, để khôi phục lại tự tánh A Mi Đà. Sau khi khôi phục được tự tánh A Mi Đà tròn đầy rồi, thì lúc đó mới khôi phục được tâm Diệu minh. Tức là khi nào chúng ta thành Đẳng giác Bồ tát, thì lúc đó ta mới có đủ thần lực và trí tuệ để khôi phục lại tâm Diệu Minh của mình để thành Phật.
Tịnh độ: Người tu Tịnh độ thì không cần phải đoạn sạch vô minh và vọng tưởng, không cần phải khôi phục tự tánh A Mi Đà, mà vẫn có thể khôi phục được tâm Diệu minh của mình ngay trong mỗi niệm. Tại sao? Vì mỗi niệm A Mi Đà Phật mà ta đang tu niệm, đều là dùng ngay thể tánh A Mi Đà tròn đầy để khôi phục lại Diệu tánh A Mi Đà. Nếu chúng ta biết dùng ngay thể tánh A Mi Đà tròn đầy của mình, để khôi phục lại Diệu tánh A Mi Đà, thì vấn đề đoạn vô minh, vọng tưởng và khôi phục lại thể tánh A Mi Đà làm gì còn quan trọng? Điều quan trọng của người tu Tịnh độ là phải khôi phục lại tâm Diệu minh của mình càng nhanh càng tốt. Vì chỉ có tâm Diệu minh của ta mới tương ứng được với tâm Diệu minh của chư Phật và chỉ có tâm Diệu minh của ta mới sanh ra được hoa sen ngàn cánh và báo thân Phật của ta.
Giờ chúng tôi xin dùng Mặt Trăng và đám mây đen để làm ví dụ thêm một lần nữa, thì quý bạn dễ hiểu hơn.
- Đám mây đen đang che lấp Mặt Trăng là ví cho tâm vọng tưởng.
- Mặt Trăng tối đen của đêm ba mươi là ví cho tâm vô minh.
- Mặt Trăng sáng tròn đầy của đêm mười bốn là ví cho tâm Phật.
- Mặt Trăng phát quang của đêm mười lăm là ví cho tâm Diệu minh.
Người tu Thiền muốn được thành Phật thì phải cần trải qua bốn giai đoạn: Một, là phải phá tan đám mây đen đang che phủ Mặt Trăng (tức đoạn vọng tưởng); hai, là phải phá tan màng đen ở trong Mặt Trăng (tức đoạn vô minh); ba, là phải khôi phục lại Mặt Trăng sáng tròn đầy của đêm mười bốn (tức khôi phục lại thể tánh A Mi Đà); bốn, là phải khôi phục lại ánh trăng sáng và vòng quang minh của đêm mười lăm (tức viên tròn Diệu tánh A Mi Đà). Nếu chúng ta tu Thiền mà không thành tựu được bốn giai đoạn ở trên, thì không thể thành Phật.
Còn người tu Tịnh độ muốn thành Phật, thì không cần phải trải qua bốn giai đoạn ở trên, mà chỉ cần trải qua một giai đoạn, đó là: Chúng ta chỉ cần dùng thể tánh tròn đầy của Mặt Trăng, để khôi phục lại vòng quang minh của Mặt Trăng là được. Nghĩa là chúng ta dùng ngay thể tánh A Mi Đà sẵn có của mình, để khôi phục lại Diệu tánh A Mi Đà. Tóm lại, chúng ta chỉ cần khôi phục được một phần Diệu tánh A Mi Đà, thì sẽ được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà. Khi về Cực Lạc rồi thì ta sẽ không còn bị rơi vào luân hồi sanh tử nữa, mà chỉ có tiến tu đến quả vị Phật. Mới nghe qua thật là khó tin, nhưng đây là vạn lần chân thật, vì vậy mà mười phương chư Phật đều tán thán rằng: “Tịnh độ là pháp môn cao siêu khó tin và chỉ có Phật mới hiểu được Phật mà thôi”.
Giờ tôi xin dùng thêm một ví dụ khác nữa, để quý bạn dễ hiểu hơn. Ví dụ: Chúng ta cùng nhau đi tìm kho tàng. Khi chưa biết kho tàng ở đâu thì ta phải lo đi tìm bản đồ. Sau khi có bản đồ thì ta phải lo đi tìm phương tiện và ẩm thực. Sau khi có đầy đủ phương tiện và ẩm thực thì ta phải lo đi tìm kho tàng. Sau khi tìm được kho tàng thì ta phải lo đi tìm chìa khóa để mở cửa kho tàng. Như vậy, chúng ta cần phải trải qua bốn giai đoạn thì mới mở được cửa kho tàng. Nhưng nếu ta biết được kho tàng và chìa khóa mà ta đang đi tìm, chúng đang ở ngay trong nhà của mình, thì ta có còn chạy đông, chạy tây để tìm bản đồ, tìm phương tiện, tìm ẩm thực và tìm chìa khóa nữa không? Chắc chắn là không, mà ta chỉ cần dùng ngay chìa khóa để mở cửa kho tàng là được rồi.
Người tu Tịnh độ cũng như vậy đó. Nếu chúng ta biết tâm Diệu minh của mình là kho tàng có vô lượng quang và vô lượng thọ và biết câu A Mi Đà Phật là chìa khóa mở cửa kho tàng Diệu tâm, thì ta chỉ cần niệm A Mi Đà Phật là sẽ khôi phục được Diệu tánh A Mi Đà của mình. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần đoạn vô minh và vọng tưởng để khôi phục lại thể tánh A Mi Đà. Dĩ nhiên là chúng ta phải cần, nhưng đó chỉ là phần phụ. Tại sao? Vì người tu Tịnh độ được vãng sanh thành Phật hay không là phải tính ở chỗ tâm “Diệu minh” của mình có được tương ứng với tâm “Diệu minh” của chư Phật hay không, không phải tính ở chỗ chúng ta có đoạn được vô minh và vọng tưởng hay không?