ĐẠI NGUYỆN 18 CỦA PHẬT A MI ĐÀ
25/04/2018
Ý NGHĨA CÂU NHẤT TÂM BẤT LOẠN
25/04/2018

TỊNH ĐỘ PHẬT THỪA

(Bài này trích ra từ cuốn sách “TỊNH ĐỘ THỰC CHỨNG” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Ngoài phát tâm niệm Phật để thành Phật ra, ta còn phải làm những hạnh nguyện như Phật đã dạy đó là tự độ và độ tha. Tự độ là tự cứu mình, độ tha là cứu người. Chúng ta đang tu Tịnh độ là pháp môn cao siêu thuộc về Phật thừa. Tịnh, là tịnh nghiệp và tịnh tâm; còn độ, là tự độ và độ tha. Phật thừa, là bao la vô cùng tận. Ý nói rằng khi chúng ta tu pháp môn Tịnh độ, thì phải có tấm lòng bao la vô cùng tận như Phật.

Độ người là công đức, không phải là phước đức. Nếu chúng ta có tiền thì nên đem ra bố thí để tạo phước đức. Còn nếu chúng ta nghèo không có tiền thì nên đi khuyên người tu hành niệm Phật. Công đức thì lớn hơn phước đức. Nhưng công đức mà thiếu phước đức thì cũng không được viên mãn. Không phải ta bố thí nhiều tiền thì mới có nhiều phước đức, mà phải tính ở chỗ ta có làm hết sức của mình hay không? Cũng như những người giàu có, họ chỉ biết bố thí tiền bạc nhưng lại không biết tu hành, nên họ không thể thành Phật. Họ chỉ được kiếp sau làm người giàu có mà thôi, nhưng họ vẫn phải bị luân hồi tiếp tục. Thời nay nhiều người chỉ lo tu phước mà không lo tu giải thoát, đây mới thật là đáng thương.

Khi phát tâm niệm Phật để thành Phật, thì chúng ta phải một lòng buông xả và quyết tâm tu hành để lấy được phẩm cao nhất. Quý bạn không nên hiểu lầm cho rằng, nếu mình nghĩ như vậy là cống cao ngã mạn hay là tham. Thật ra không phải vậy, mà đây là dũng khí giúp cho ta đi đến quả vị Phật. Vì nếu không có quyết tâm kiên cố thì ta sẽ bị thoái chuyển. Còn nói về phẩm vị thì trên cõi Cực Lạc có chín phẩm vãng sanh: Ba phẩm Thượng sanh, ba phẩm Trung sanh và ba phẩm Hạ sanh. Nếu chúng ta tu hành được “Thượng thượng phẩm” thì sẽ biết trước được ngày giờ vãng sanh. Tới phút lâm chung, ta sẽ thấy Tam Thánh đem hoa sen ngàn cánh đến để tiếp dẫn ta về cõi Phật. Khi về đến cõi Phật thì hoa sen của ta liền được nở ra và ta sẽ thấy Phật A Mi Đà. Ngay lúc đó, ta sẽ có thân kim sắc to lớn, có 32 tướng tốt, có 80 vẻ đẹp và có 6 loại thiên thần thông biến hóa nhiệm mầu giống y như Phật A Mi Đà.

Còn nếu chúng ta chỉ tự độ mà không có tấm lòng độ tha, không chịu bố thí để tạo phước đức, thì ta chỉ được “hạ hạ sanh”. Chúng ta sẽ không có được nhiều ưu điểm như người chứng quả “thượng thượng sanh”. Tuy nhiên, chúng ta cũng được vãng sanh về cõi Cực Lạc, duy chỉ có điều là chúng ta phải sống ở trong hoa sen của mình một thời gian rất lâu để tu tập. Tuy ở trong hoa sen tu tập, nhưng chúng ta cũng được sung sướng như là ở cõi Trời và ở đó luôn có chư đại Bồ tát ngày đêm chỉ dạy cho ta tu hành. Sau khi tu hành có đủ công đức, thì hoa sen của ta sẽ được nở ra và ta sẽ thấy Phật A Mi Đà. Ngay giây phút thấy Phật A Mi Đà, thì cũng là giây phút ta được thành Phật A Mi Đà.

Ở cõi Cực Lạc không có thai sanh, không có luân hồi sanh tử mà chỉ có hoa sen hóa sanh. Khi hoa sen được nở ra thì cũng là ngày ta thành Phật. Vì vậy, trong Kinh Phật nói: “Bất luận chúng sanh nào phát tâm niệm Phật để thành Phật, thì đều sanh ra được hoa sen ngàn cánh ở trên cõi Cực Lạc của Phật A Mi Đà”. Còn nói về hoa sen của chúng ta ở cõi Cực Lạc được lớn hay nhỏ và được phát quang nhiều hay ít, thì phải xem công phu tu hành và hạnh nguyện của ta. Khi chư Phật nhìn hoa sen thì sẽ biết được công phu tu hành của ta.

Cũng giống như ta trồng một chậu hoa ở trong nhà, nếu ta siêng tưới nước và chăm bón nó hằng ngày thì nó sẽ mọc được tươi tốt. Còn nếu ta bỏ bê thì nó sẽ bị khô héo và chết. Khi ta niệm Phật cũng vậy. Một câu A Mi Đà Phật là một giọt nước thần tưới cho hoa sen của ta thêm tươi tốt. Vì vậy, khi niệm Phật ta phải niệm tinh tấn mỗi ngày, không nên niệm một ngày mà bỏ cả tháng. Nếu chúng ta bỏ nửa chừng thì hoa sen của ta sẽ bị chết và biến mất trong ao báu. Nếu hoa sen bị chết thì công phu tu niệm của ta cũng bị mất theo. Tại sao? Vì công đức khác với phước đức. Phước đức mình tạo bao nhiêu là có bấy nhiêu không bao giờ mất, nhưng công đức mà bỏ nửa chừng thì ta sẽ mất hết tất cả. Mất hết tất cả nghĩa là mất hết công phu tu tập của ta trước kia, nhưng chủng tử A Mi Đà Phật trong ta thì vẫn còn. Chỉ cần ta quyết tâm tu niệm trở lại, thì chủng tử A Mi Đà sẽ nẩy mầm mọc lại. Tuy nói là nói vậy, nhưng thử hỏi mạng sống con người rất là ngắn ngủi. Nếu chúng ta không lo trồng hoa sen của mình từ bây giờ, lỡ mai thân này mất đi thì ta làm sao có được hoa sen để cho chư Phật đem đến tiếp dẫn ta về Cực Lạc. Chúng ta có thể bỏ ăn, bỏ ngủ và bỏ làm, nhưng không thể bỏ câu niệm Phật. Tại sao? Vì đây là tương lai vĩnh cửu của ta, còn cuộc sống hiện tại chỉ là tạm thời, nên ta phải biết phân nặng nhẹ, không nên tham đắm thân giả mà bỏ mất thân Phật, sau này hối tiếc sẽ không kịp.

Kính thưa quý bạn! Phật A Mi Đà thương chúng ta vô bờ bến. Ngài biết chúng ta si mê không có đủ trí tuệ để tự tu giải thoát, nên Ngài mới dạy cho ta pháp môn Tịnh độ để đới nghiệp vãng sanh. Đới nghiệp nghĩa là mang theo nghiệp tội của mình để sanh về cõi Cực Lạc. Chỉ cần được sanh về Cực Lạc thì ta sẽ có đủ trí tuệ để tu thành Phật. Trong Kinh Phật nói rằng: “Tịnh độ là pháp môn cao siêu và khó tin. Nếu ai tin được là người đó đã có tu hành trong vô lượng kiếp, nên kiếp này cơ duyên làm Phật mới được chín muồi, mới có đủ trí tuệ và thiện căn để tin sâu pháp môn Tịnh độ”.

Ngài Tịnh Không cũng nói rằng: “Kiếp này chúng ta gặp được pháp môn Tịnh độ là may mắn còn hơn là trúng số bạc tỷ. Gặp đã là khó mà tin sâu tu niệm thì lại càng khó hơn, quý cũng như mò kim đáy biển ngàn năm một thuở”.  

Phát Bồ đề tâm: Trước kia vì không hiểu đạo, nên tôi chỉ biết niệm Phật để cầu siêu cho ông bà, cha mẹ và chúng sanh. Sau này nhờ có nhân duyên, tôi mới biết đến pháp môn Tịnh độ và hiểu được nếu muốn thành Phật thì ta phải phát Bồ đề tâm. Tuy lúc đó tôi tin Kinh và tin Phật, nhưng tôi lại không tin bản thân và tôi lúc nào cũng nghĩ rằng: “Tội chướng của tôi quá nặng, đường tu kiếp này không được toại nguyện, thì nào dám phát nguyện niệm Phật để thành Phật”. Cũng vì suy nghĩ như vậy mà nhiều năm tôi không dám phát nguyện niệm Phật để thành Phật.

Rồi có một ngày nhân duyên hội đủ, tôi được một người bạn đem đến tặng cho tôi một cuốn sách có tên là “Niệm Phật lưu Xá lợi” của Cư sĩ Tịnh Hải. Khi mở cuốn sách đó ra, tôi xem các hình màu Xá lợi và lòng của tôi sung sướng lạ thường. Sau đó, tôi đọc một câu chuyện nói về một bác Phật tử tại gia. Bác chỉ niệm Phật ở nhà, không có thời gian đến chùa để tụng Kinh hay là tham thiền, vậy mà bác cũng được vãng sanh và để lại nhiều Xá lợi. Sau khi đọc xong câu chuyện của bác Phật tử đó, tôi vô cùng xúc động, không cầm được nước mắt. Tôi khóc, là vì tôi không ngờ niệm Phật mà có thể vãng sanh ngay trong một đời.

Sau khi đọc xong cuốn sách đó, tôi liền phát nguyện niệm Phật để thành Phật. Lúc đó, tôi buông xả hết trần duyên và quyết tâm niệm Phật tinh tấn ngày đêm. Không ngờ sau đó vài tuần thì tôi được nhất tâm. Nếu như tôi không phát tâm dũng mãnh, thì tôi khó được nhất tâm. Qua quá trình của bản thân tôi hiểu rõ, sự tín, nguyện và quyết tâm rất là quan trọng. Trong Kinh Phật nói: “Chúng sanh muốn được thành Phật thì phải có đầy đủ tín, nguyện trì danh. Nếu thiếu một trong ba điều này thì chúng sanh sẽ không thành Phật được”.

Tín: Là tin sâu không một chút hoài nghi (tin Phật A Mi Đà và tin bản thân ta sẽ thành Phật A Mi Đà);

Nguyện: Là nguyện niệm Phật để thành Phật (nguyện với tâm ta, không phải nguyện với chư Phật);

Trì danh: Là niệm danh hiệu A Mi Đà Phật cho tới ngày vãng sanh (trì danh tức là Hạnh, vì khi ta niệm Phật thì đức hạnh của ta sẽ sanh ra).