GIẢI TỎA BA NGHI VẤN SAU KHI ĐƯỢC NHẤT TÂM
25/04/2018
TÂM LÀ GÌ?
25/04/2018

NHỮNG DẤU HIỆU KHI ĐƯỢC NHẤT TÂM

(Bài này trích ra từ cuốn sách “TỊNH ĐỘ THỰC CHỨNG” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Ở đây, tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm về những chuyển biến trước và sau khi tôi chứng được nhất tâm để quý bạn tìm hiểu thêm.

I. Một ngày trước khi được nhất tâm

Hôm đó, tôi cảm thấy tâm của mình nóng hổi và đầu thì cứng như một khối đá đặc khiến cho tôi không thể niệm Phật thầm. Nhưng hôm đó, tôi niệm Phật ra tiếng với các con thì không sao. Cũng hôm đó, lồng ngực của tôi nóng hổi và cứ chảy mồ hôi hoài, dù thời tiết của ngày hôm đó không có nóng. Cả ngày hôm đó, tôi cứ thắc mắc: “Tại sao bao nhiêu năm niệm Phật, mình chưa bao giờ gặp phải tình trạng như thế này?”. Sau đó, tôi dùng hai tay đập vào đầu, mong cho cái đầu của tôi được tỉnh lại, nhưng không sao khởi niệm được.

II. Ngày được nhất tâm

 Cả đêm hôm trước, vì buồn cho cái đầu nên tôi ngủ không được yên. Sáng hôm sau, khi vừa thức dậy thì tôi thử khởi niệm để xem mình có niệm Phật thầm được không? Nhưng không ngờ tôi vừa mới khởi niệm, thì tôi nghe được cả trời niệm Phật. Lúc đó, tôi tưởng con của tôi hay là hàng xóm mở nhạc niệm Phật. Nhưng sau đó, tôi nghĩ: “Không thể nào vì trong nhà mình không có loại nhạc niệm Phật bốn chữ này. Còn hàng xóm toàn là người Mỹ, thì họ đâu có mở nhạc niệm Phật tiếng Việt Nam làm gì”.

Lúc đó, cảm giác của tôi cho biết đây không phải là nhạc niệm Phật bình thường, mà là tiếng niệm của chư Phật và tôi tự hỏi thầm: “Không lẽ mình có duyên nên mới nghe được tiếng niệm của chư Phật ở trên trời?”. Tiếng niệm Phật làm cho lòng tôi thanh thản và an lạc không chi sánh bằng. Lúc đó, tôi cứ nằm im lắng nghe và tự sung sướng mỉm cười mãi. Bỗng nhiên tôi khựng lại và tự nói với mình rằng: “Không được, mình không được tham nghe vì sẽ bị ma mê hoặc”. Sau đó, tôi vội ngồi dậy và chắp tay sám hối. Sau khi sám hối xong thì tôi tự nói với mình rằng: “Phải siêng năng niệm Phật không được tham thần thông, không được mong cầu vì đây là điều cấm kị của người tu hành”. Sau đó, tôi lại khởi tâm niệm Phật để quên đi chuyện trước đó, nhưng lạ thay tôi lại nghe được cả trời niệm Phật.

Sau đó, tôi thử đi vòng hết trong nhà, ngoài sân, hàng xóm và ngoài đường để xem mình có nghe được tiếng niệm Phật hay không? Nhưng hôm đó, cho dù tôi có đi đâu thì tôi cũng nghe được tiếng niệm Phật bao phủ cả trời. Sau đó, tôi nhớ lại quý Thầy thường nói rằng: “Ma vương có thể biến thành Phật để mê hoặc chúng ta, nhưng Ma vương không thể nào giả được câu Phật hiệu A Mi Đà. Vì hễ ai niệm câu A Mi Đà Phật, thì sẽ làm cho chúng ma tránh xa 40 dặm”. Khi nghĩ đến đây thì tôi cảm thấy an tâm. Sau đó, tôi tự hỏi: “Không lẽ mình đã niệm Phật được nhất tâm?”. Sau đó, tôi thử không muốn nghe thì nhạc niệm Phật dừng. Tôi khởi niệm thì nhạc niệm Phật lại trỗi lên. Tôi cứ thử cả ngày như vậy, thật đúng với câu: Nhất tâm chỉ còn một niệm”.

Trước kia, lúc chưa chứng đạo tôi thường hay thắc mắc về hai câu: Nhất tâm chỉ còn một niệm” và “Niệm mà như không niệm, không niệm mà niệm”. Nhưng sau khi được nhất tâm, tôi mới hiểu được chân tướng của hai câu này. Bây giờ tôi xin chia sẻ một chút để quý bạn tìm hiểu thêm.

  1. Nhất tâm chỉ còn một niệm: Nghĩa là lúc đó ta chỉ cần khởi lên một niệm, thì trong đầu và trong tâm của ta giống như có một cái máy tự động niệm Phật mãi cho ta nghe. Nghe cho đến khi nào ta không muốn nghe nữa thì nó mới ngưng.
  2. Niệm mà như không niệm, không niệm mà niệm: Nghĩa là lúc đó ta không cần dùng sức để niệm, mà tâm của ta sẽ tự động niệm Phật mãi cho ta nghe. Việc làm của ta lúc đó, chỉ cần giữ tánh nghe để nghe câu niệm Phật, thì cũng như là ta đang niệm Phật (khi ta tập trung nghe câu niệm Phật là đã giữ tánh nghe của ta rồi).

Sau đó, qua nhiều ngày thử nghiệm thì tôi mới biết là mình đã niệm Phật được “nhất tâm”. Sau khi được nhất tâm, có hai vấn đề làm cho tôi luôn thắc mắc, đó là: Một, tại sao bao nhiêu năm tôi niệm Phật sáu chữ, nhưng khi được nhất tâm thì tôi chỉ nghe được nhạc niệm Phật bốn chữ; hai, nếu tôi niệm Phật được nhất tâm, thì tôi phải nghe được tiếng niệm của tôi mới đúng chứ? Nhưng tại sao tôi lại nghe được nhiều người niệm và có giọng nam, nữ niệm chung, giống như là tôi đang ở trong một đại đạo tràng tu niệm Phật thất vậy?

Tóm lại, hai vấn đề này đã làm cho tôi phải suy nghĩ mãi trong thời gian mới được nhất tâm. Nhưng sau đó thì tôi mới hiểu được chân tướng (phần này tôi sẽ giải thích trong bài kế tiếp). Còn một điều kỳ lạ nữa là tiếng nhạc niệm Phật trong đầu và trong tâm của tôi nó tự động lên xuống và lớn nhỏ tùy theo tiếng động ồn ào ở bên ngoài. Nghĩa là tiếng động ở bên ngoài ồn bao nhiêu, thì tiếng niệm Phật ở trong đầu và trong tâm của tôi lại càng lớn hơn bấy nhiêu. Tôi thích nhất là khi lái xe ở ngoài đường, xe cộ càng ồn ào bao nhiêu thì tôi càng nghe được tiếng nhạc niệm Phật càng lớn hơn bấy nhiêu. Những lúc đó, tôi cảm giác như mình đang được mười phương chư Phật hộ niệm. Tóm lại, mỗi ngày, tôi vừa chạy xe và vừa nghe được tiếng nhạc niệm Phật bao phủ cả trời, làm cho thân tâm của tôi lúc nào cũng cảm thấy mát mẻ và an lạc không thể tả. Ngôn ngữ không đủ để giải thích, chỉ có ai tu nấy hiểu mà thôi. Cũng như mình uống nước nóng hay lạnh chỉ riêng mình hiểu. Tôi chỉ có một câu để kết luận rằng: Pháp môn Tịnh độ cao siêu không thể nghĩ bàn. (Nghĩ, là không thể nghĩ tới; bàn, là không thể bàn luận được)”.

III. Phần lưu ý

Sau khi được nhất tâm, chúng ta chỉ dùng tâm để nghe tiếng nhạc niệm, không nên dùng đầu để nghe. Nghĩa là ta chỉ dùng tánh nghe để nghe tiếng nhạc niệm từ tâm phát ra, không phải dùng tánh nghe để nghe tiếng nhạc niệm Phật ở trong đầu. Nếu chúng ta không hiểu dùng tánh nghe để nghe trong đầu, thì lâu ngày ta sẽ bị nhức đầu và khó chịu. Tại sao? Vì một niệm tam muội này quá lớn, lớn đến mức độ vượt khỏi không gian và thời gian, nên đầu của ta không thể chứa nổi. Chỉ có tâm Phật của ta mới chứa nổi một niệm siêu việt này và niệm này không phải chỉ thoát ra một lần rồi hết, mà nó sẽ phát ra như dòng suối tuôn chảy trong tâm không cùng tận và sẽ theo ta cho tới ngày vãng sanh, nếu ta không thoái chuyển.