MUỐN ĐƯỢC NHẤT TÂM KHÔNG TU XEN TẠP
25/04/2018
CHÂN TƯỚNG ĐẠO PHẬT
25/04/2018

NIỆM PHẬT CÁCH NÀO ĐỂ ĐƯỢC NHẤT TÂM?

(Bài này trích ra từ cuốn sách “TỊNH ĐỘ THỰC CHỨNG” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Nếu nói về niệm Phật thì có rất nhiều cách. Ở đây, tôi xin chia sẻ về cách niệm Phật của tôi trước khi được nhất tâm để quý bạn tìm hiểu thêm.

I. Niệm Phật mọi lúc mọi nơi

Trước khi được nhất tâm, tôi là người có cuộc sống luôn bôn ba và bận rộn, nên mỗi tối tôi không có nhiều thời gian để ngồi niệm Phật. Vì vậy, mỗi khi lái xe đi làm hay đi công chuyện tôi đều niệm Nam mô A Mi Đà Phật (niệm ra tiếng hoặc niệm theo tiếng nhạc niệm Phật ở trong xe). Ở bên Mỹ, đường xá rất là rộng và luật lệ giao thông rất là tốt, nên tôi vừa lái xe vừa niệm Phật không có gì là trở ngại, mà ngược lại còn giúp cho tôi lái xe được tập trung hơn. Tại sao? Vì nếu tôi không niệm Phật, thì trong đầu của tôi sẽ có hàng vạn vọng tưởng si mê nổi lên như là tức giận, buồn vui,… Những chuyện tức giận và buồn vui đó sẽ làm cho tôi lái xe không được tập trung. Còn khi niệm Phật thì trong đầu tôi chỉ có một câu Phật hiệu, nhờ vậy mà tôi lái xe được tập trung hơn. Tóm lại, hằng ngày dù lái xe đi làm hay đi công chuyện tôi đều niệm Phật ra tiếng hoặc niệm thầm. Chỉ trừ những lúc giao tiếp hay công việc cần sự tập trung, thì tôi mới bỏ câu Phật hiệu xuống để cho công việc được hoàn thành. Khi niệm Phật, tôi không câu nệ vào hình thức như đi, đứng hay nằm, ngồi. Tóm lại, trước khi được nhất tâm tôi là người niệm Phật thầm và ra tiếng trong mọi hoàn cảnh.

Có một điều quan trọng mà tôi xin chia sẻ, đó là: Trong lúc niệm Phật nếu vọng tưởng kéo đến, thì ta cứ mặc kệ để cho nó đến. Vì nếu ta không để chúng tự nhiên đến thì chúng sẽ không tự nhiên đi. Khi chúng đến ta thương chúng như con và dùng câu Phật hiệu để độ chúng. Nghĩa là ta cứ tập trung niệm Phật, lâu ngày vọng tưởng sẽ tự nhiên biến mất. Biến mất không có nghĩa là diệt sạch, mà là chúng biến mất mỗi khi ta niệm Phật. Duy chỉ có hai điều quan trọng mà ta cần phải biết, đó là: Khi niệm Phật thì ta phải dùng tánh nghe để nghe câu niệm Phật và đưa câu niệm Phật vào tâm. (Khi bạn tập trung nghe tiếng niệm Phật là bạn đã dùng tánh nghe của mình để nghe rồi. Khi bạn thành tâm niệm Phật là bạn đã đưa tiếng niệm Phật vào tâm của mình rồi). Nhưng chúng ta phải niệm một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và uyển chuyển nương theo hơi thở, giống như là mình đang uống nước. Khi niệm Phật thì ta không nên dồn nén câu Phật hiệu lên đầu nhiều. Tóm lại, mỗi người tự tìm cho mình một cách thích hợp, nhẹ nhàng và tự nhiên

Còn cách này rất có hiệu quả, đó là: Mỗi khi ta niệm Phật 6 chữ hay 4 chữ cũng được, miễn sao niệm tới chữ Đà Phật thì tâm của ta nghĩ chữ Đà Phật thành Phật. Nghĩa là miệng của ta niệm A Mi Đà Phật, nhưng trong tâm mỗi câu Đà Phật ta đều nguyện thành Phật. Nếu ta vừa niệm và vừa nguyện như vậy, thì tâm của ta sẽ được tập trung hơn và không bị vọng tưởng phân tâm. Niệm Phật cách này sẽ nhắc mình nhớ niệm Phật là để thành Phật. Khi mới bắt đầu nguyện thì chữ thành Phật trong tâm sẽ còn rời rạc, nhưng nguyện lâu ngày thì chữ thành Phật trong tâm sẽ đóng thành một khối. Khi chữ thành Phật trong tâm được đóng thành một khối, thì cho dù ta có đi, đứng hay nằm, ngồi thì chữ thành Phật trong tâm sẽ không hề thay đổi.

Ngoài chuyên tâm niệm Phật ra, thì ta phải biết buông xả. Điều này thì bạn không nên lo lắng nhiều. Vì khi niệm Phật lâu ngày, tâm của ta sẽ tự nhiên buông xả mà chính mình không hay biết. Nếu bạn muốn niệm Phật mau được nhất tâm, thì chỉ có vào chùa tu niệm Phật thất là hữu hiệu nhất (thất là bảy, nghĩa là vào chùa tu niệm Phật liên tục bảy ngày). Sau bảy ngày niệm Phật, tâm của bạn sẽ thay đổi một cách không ngờ. Qua kinh nghiệm của bản thân tôi hiểu rõ. Chỉ cần quý bạn quyết tâm buông xả và nguyện niệm Phật để thành Phật, thì trong vòng ba năm bạn sẽ niệm được nhất tâm tam muội (buông xả trên tâm không phải buông xả trách nhiệm).

II. Niệm Phật loại trừ vọng tưởng

Trong lúc niệm Phật, nếu vọng tưởng kéo đến dồn dập thì ta nên niệm Phật liên tục. Niệm theo lối Kim cang trì. Kim cang trì nghĩa là cách niệm Phật thầm nhép môi và mỗi câu Phật hiệu phải niệm liên tục nối đuôi nhau, nhưng phải niệm uyển chuyển nương theo hơi thở và sức khỏe của mình. Chúng ta phải niệm nhẹ nhàng và vô tư trong sáng như đứa bé ba tuổi. Điều cấm kỵ của người tu niệm Phật là không nên ém hơi, hoặc dồn nén lên đầu của mình nhiều sẽ không tốt. Tuy chúng ta niệm nhanh, nhưng mỗi chữ phải nghe cho rõ ràng không nên nuốt chữ. Người đời thường cho rằng niệm theo lối Kim cang trì là phải niệm thầm nhép môi. Nhưng chúng ta có thể niệm ra tiếng cũng được, không nhất thiết là phải niệm thầm nhép môi.

Điều quan trọng là ta phải niệm mỗi chữ liên tục nối đuôi nhau, như bức tường thành chặn đứng không cho vọng tưởng xen vào. Miệng ta niệm liên tục và tai ta nghe liên tục, thì vọng tưởng sẽ không có cơ hội xen vào. Khi vọng tưởng kéo đến dồn dập thì ta niệm lớn tiếng. Khi vọng tưởng bớt dần thì ta niệm thầm. Đây là cách đưa vọng tưởng vào Niết bàn, không phải là chống lại vọng tưởng. Nếu trong lúc tu niệm mà ta khởi tâm chống lại vọng tưởng, thì sẽ bị rơi vào phân biệt chấp trước. Còn chấp trước là còn chướng ngại. Tóm lại, khi niệm Phật thân tâm của ta phải biết uyển chuyển và nhẹ nhàng như dòng nước chảy. Có như vậy thì câu Phật hiệu mới dễ thâm nhập vào tâm. Khi bắt đầu tập niệm, bạn không nên lo về vấn đề đưa tiếng niệm vào tâm, mà chỉ niệm tự nhiên là đủ. Vì khi bạn tập trung niệm Phật là bạn đã đưa tiếng niệm Phật vào tâm của mình rồi.

Nhiều năm qua, có nhiều Phật tử hỏi chúng tôi rằng: Thưa cô Diệu Âm Diệu Ngộ! Tại sao tôi niệm Phật đã lâu mà không thấy có kết quả chi cả, ngược lại chỉ thấy mình sao có nhiều vọng tưởng quá!. Mỗi khi có ai hỏi câu này thì tôi đều trả lời với họ rằng: “Thưa bạn! Thật ra, bạn niệm Phật đã có kết quả rồi đấy, nhưng vì không hiểu nên bạn cho rằng mình niệm Phật không có kết quả. Nếu một người niệm Phật không có kết quả, thì sẽ không bao giờ biết được là mình có nhiều vọng tưởng. Chỉ có người nào khai mở được trí tuệ, thì mới biết mình có nhiều vọng tưởng mà thôi”.

Bây giờ, quý bạn hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: Trước kia, lúc chưa tu hành thì bạn có bao giờ biết được vọng tưởng là gì không? Có bao giờ biết vọng tưởng hại mình bị đau khổ như thế nào không? Có bao giờ biết đi hỏi người khác tại sao mình có nhiều vọng tưởng không? Chắc chắn là không. Chỉ sau khi bạn biết tu hành và khai mở được trí tuệ, thì bạn mới biết vọng tưởng là si mê. Vì biết vọng tưởng là si mê nên bạn mới biết lo sợ, mới biết chạy đi tìm Thầy để hỏi tại sao mình có quá nhiều vọng tưởng? Như vậy, cho thấy bạn tu hành đã có kết quả. Chẳng qua vì không hiểu, nên bạn mới sanh ra hiểu lầm và lo lắng đấy thôi.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ, do đó chỉ cần bạn tin sâu và niệm Phật không thoái chuyển, thì bạn sẽ khai mở được trí tuệ. Khi trí tuệ được khai mở, thì bạn sẽ thấy được mỗi vọng niệm thiện ác khởi lên trong tâm mình. Nhờ thấy được chúng mà bạn mới biết loại bỏ những ý tưởng xấu ác, để trở về với tâm thanh tịnh của mình.

Nhiều năm qua, có nhiều Phật tử hỏi chúng tôi rằng: “Thưa cô Diệu Âm Diệu Ngộ! Có cách tu hành nào để giúp cho mình mau đoạn sạch được vọng tưởng không?. Mỗi khi có ai hỏi câu này thì tôi đều trả lời với họ rằng: “Thưa bạn! Chỉ có pháp tu Tịnh độ là đoạn sạch được vọng tưởng và thành Phật nhanh nhất. Nhưng muốn đoạn sạch được vọng tưởng, thì ta phải cần có thời gian để chuyển chúng từ từ. Không phải ta mới tu có vài tháng hoặc vài năm là muốn đoạn sạch vọng tưởng của mình, vì chuyện đó sẽ không bao giờ có”.

Quý bạn nên biết rằng: Chỉ khi nào thành Phật thì ta mới đoạn sạch được vọng tưởng và vô minh của mình 100%. Những bậc “Đẳng giác Bồ tát” mà vẫn còn một phẩm thân tướng vô minh. Chúng ta là phàm phu thì làm sao mà đoạn sạch được vọng tưởng và vô minh của mình ngay trong đời này. Chỉ có điều là tùy vào sự tu niệm của ta mà vọng tưởng được bớt nhiều hay ít. Nhưng dù bớt được nhiều hay ít cũng không quan trọng, mà điều quan trọng là ta cứ bám chặt lấy câu A Mi Đà Phật mà niệm tới cùng. Lâu ngày vọng tưởng sẽ tự nhiên biến mất mà chính mình cũng không hay. Đây là sự nhiệm mầu của pháp môn Tịnh độ.

Nếu trong lúc niệm Phật mà chúng ta cứ lo đuổi vọng tưởng đi, thì sẽ bị vọng tưởng gạt mình đấy. Tại sao? Vì ngay giây phút ta cố tình đuổi vọng tưởng đi, thì cũng là giây phút ta soi sáng chúng. Trong lúc soi sáng chúng, thì cũng là lúc ta bỏ quên câu A Mi Đà Phật mà không hề hay biết. Không những vậy, mà ta còn để cho vọng tưởng dẫn mình đi nam, đi bắc mà không hề hay biết. Cuối cùng, ta không niệm Phật mà chỉ niệm vọng tưởng si mê, điên đảo. Như vậy, có phải là ta đã bị vọng tưởng gạt rồi không?

Nếu chúng ta niệm Phật mà cứ để cho vọng tưởng làm chủ, thì ta sẽ mất đi phần vãng sanh và bị luân hồi tiếp tục. Bạn nên biết rằng vọng tưởng vốn không có, chỉ vì tâm si mê của ta khởi lên mà chúng mới có. Vì vậy, ta không nên lo nhiều về vấn đề vọng tưởng, mà hãy lo tu niệm Phật ngày đêm thì vọng tưởng sẽ tự nhiên được bớt dần. Chỉ cần vọng tưởng được bớt dần thì trí tuệ của ta sẽ được khai mở. Khi trí tuệ được khai mở, thì ta sẽ có đủ công đức để sanh về cõi Phật A Mi Đà.

Còn cách này rất có hiệu quả, đó là: Nếu trong lúc niệm Phật mà vọng tưởng sân, si kéo đến dồn dập thì ta nên niệm thêm câu “quét rác” hay là “xả độc”. Trong lúc niệm câu “quét rác” hay “xả độc” thì ta nên quán tất cả những ý nghĩ thương ghét đang ở trong tâm ta đều là rác và độc. Nếu chúng là rác và độc, thì ta không nên đem chúng vào để làm ô nhiễm thân tâm của ta, mà ta phải quét và xả chúng ra ngoài càng nhanh càng tốt. Ngoài ra, ta phải quán tất cả những lời nói và hành động của những người đang làm cho ta đau khổ cũng đều là rác. Nếu là rác thì ta không nên đem những lời nói của họ vào làm ô nhiễm thân tâm của ta.

Tóm lại, mỗi khi tâm của ta bị bức xúc quá độ không thể khống chế, thì ta có thể dùng thêm câu “quét rác” hay “xả độc” để niệm cả ngày cũng được (nếu bạn tức giận cả ngày), vì hai câu này cũng là pháp tu để thanh lọc thân tâm rất là hữu hiệu. Bạn cứ niệm hai câu này cho tới khi nào bạn cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, thì lúc đó bạn mới niệm Phật để an định lại thân tâm. Vì một khi ta sân giận quá độ thì sẽ không niệm Phật được. Nhưng bạn không nên hiểu lầm cho rằng, nếu mình niệm thêm hai câu này thì sẽ bị tu xen tạp. Thật ra không phải vậy, mà bạn phải hiểu niệm Phật là chánh hạnh, còn hai câu “quét rác” và “xả độc” chỉ là trợ hạnh, giúp nhắc nhở ta không nên đem rác và độc vào trong tâm mình.

III. Niệm Phật bằng tâm

Khi niệm Phật ta không nên câu nệ về vấn đề nhắm mắt hay mở mắt. Chúng ta phải biết uyển chuyển theo thân thể và sức khỏe của mình. Nghĩa là khỏe thì ta mở mắt he hé, còn mệt thì ta nhắm mắt. Niệm Phật là tâm ta niệm không phải mắt và thân ta niệm. Tâm là chính, thân chỉ là phụ, trợ lực cho tâm mà thôi. Điều quan trọng là khi niệm Phật, tâm của ta phải luôn thức tỉnh để giữ câu niệm Phật. Nếu ta câu nệ vào hình thức quá nhiều, vô tình sẽ sanh ra phân biệt chấp trước. Còn phân biệt thì còn chướng ngại, còn chướng ngại thì không đạt đến an lạc, tự tại. Tóm lại, ta càng buông xả thì càng tự tại.

Nếu nói về phương pháp niệm Phật thì có rất nhiều cách, nhưng tùy theo căn tánh và sinh hoạt hằng ngày, mà ta tự lựa chọn cho mình một cách niệm Phật nhẹ nhàng và tự nhiên. Nếu bạn muốn niệm Phật mau được nhất tâm, thì không nên đặt để cho mình phải niệm theo cách này hay cách kia. Nếu bạn tự ép mình vào một cách niệm Phật nào đó thì sẽ khó được nhất tâm. Tại sao? Vì niệm Phật không có cách nào hay hơn cách nào và cũng không có cách nào đúng hơn cách nào, mà tất cả cách niệm Phật và nhạc niệm Phật đều có cái hay riêng của nó. Điều quan trọng là ta có biết dùng chúng đúng tâm trạng của mình trong mọi tình huống hay không?

Kính thưa quý bạn! Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta ai cũng bị chung đụng với nhiều hoàn cảnh khác nhau, như là: Có khi ta cảm thấy rất vui, nhưng có khi ta cảm thấy rất buồn, đau khổ hay tức giận… Nhiều khi chỉ trong một giờ đồng hồ mà tâm của ta tràn ngập những sự vui buồn, thương ghét lẫn lộn. Nếu ta biết lựa chọn cách niệm Phật để phù hợp cho mọi tình huống, thì ta sẽ thành tựu được rất nhanh.

Còn một điều quan trọng mà ta cần phải biết, đó là: Khi niệm Phật thì ta phải biết dùng chân tâm của mình để niệm. Nghĩa là ta phải biết dùng chân tâm để cột ý của mình, như vậy gọi là tâm ý hợp nhất. Chúng ta phải biết tâm là chân, còn ý là vọng. Ý là tâm giả mà ta xưa nay không hề hay biết, ngược lại còn tưởng ý là tâm thật của mình. Vì lầm tưởng ý là tâm thật của mình, nên ta mới để cho ý dẫn dắt mình đi lang thang trong luân hồi sanh tử.

Nếu ý là tâm thật thì Phật không gọi nó là “ý căn” và cũng không xếp nó vào “thức thứ sáu”. Nếu ý là tâm thật thì Phật không cần phải cảnh báo cho chúng ta biết rằng: Ý dẫn đầu các pháp, ý tạo tác”. Nếu ý là tâm thật thì Phật không cần dạy chúng ta rằng: Các con phải dùng chân tâm để niệm Phật, phải dùng chân tâm phát nguyện và phải dùng chân tâm làm chủ ý căn, không nên để cho nó vọng tưởng tham, sân, si”.

Thật ra, trong bài này chúng tôi không muốn giải thích về vấn đề tâm và ý. Vì vấn đề tâm thật và tâm giả, chúng tôi đã giải thích rất rõ trong nhiều bài pháp rồi. Nhưng tại sao ở đây chúng tôi phải giải thích thêm về vấn đề tâm và ý? Bởi vì trong nhiều năm qua, có nhiều Phật tử trong và ngoài nước đã hỏi chúng tôi rằng: “Thưa cô Diệu Âm Diệu Ngộ! Người niệm Phật phải dùng tâm hay dùng ý của mình để niệm Phật?”. Mỗi khi nghe có ai hỏi câu này thì tôi đều trả lời với họ rằng: “Dĩ nhiên là phải dùng tâm của mình để niệm Phật”. Họ lại hỏi tôi rằng: “Nếu vậy thì tại sao gần đây, chúng con nghe có một số Thầy và Phật tử nói rằng người niệm Phật phải dùng ý để niệm thì mới mau được nhất tâm hơn, nên chúng con không biết là mình nên dùng tâm hay dùng ý để niệm?”. Tóm lại, nhiều năm gần đây, có nhiều Phật tử trong và ngoài nước thắc mắc về vấn đề niệm Phật bằng tâm hay bằng ý?

 Ở đây, tôi không có nhiều thời gian để giải thích, mà tôi chỉ lấy cái miệng của chúng ta để phân tích, thì quý bạn dễ hiểu hơn. Khi sanh ra làm người, tất cả chúng ta ai cũng biết mình ăn cơm bằng miệng. Cho dù là đứa bé mới sanh ra, nó cũng biết dùng miệng của nó để bú sữa có phải vậy không? Nếu một đứa bé mới sanh ra mà cũng biết dùng miệng của nó để bú sữa, vậy thì ta có cần phải đi dạy người đời dùng miệng để ăn cơm không? Chắc chắn là không. Tại sao? Vì chuyện chúng ta dùng miệng để ăn, vốn nó đã có từ khi lập địa cho đến nay ai mà không biết. Nếu ai cũng biết, thì ta cần gì phải đi dạy người đời là phải dùng miệng để ăn. Chúng ta làm như vậy không phải là dư thừa hay sao? Bây griờ tôi xin đưa ra hai ví dụ để quý bạn tự suy ngẫm xem chúng có dư thừa hay không?

Ví dụ 1: Có một người tới nói với bạn rằng: “Anh à! Khi ăn cơm anh phải nhớ dùng miệng để ăn nghe chưa”. Sau khi nghe người đó nói như vậy thì bạn sẽ nghĩ sao? Có phải bạn sẽ cười người đó phải không? Tại sao? Vì chuyện ăn cơm bằng miệng xưa nay ai mà không biết.

Ví dụ 2: Có một người tới nói với bạn rằng: “Anh à! Khi niệm Phật anh phải nhớ dùng ý để niệm nghe chưa”. Sau khi nghe người đó nói như vậy thì bạn sẽ nghĩ sao? Có phải bạn cũng sẽ cười người đó phải không? Tại sao? Vì xưa nay ai mà không biết dùng ý của mình để suy nghĩ và hành động. Tóm lại, nếu người nào đến khuyên bạn dùng ý để niệm Phật, thì người đó cũng không khác gì với người đang khuyên bạn ăn cơm bằng miệng.

Kính thưa quý bạn! Qua hai ví dụ ở trên, quý bạn đã hiểu được khi ta phát tâm niệm Phật để thành Phật, thì trong mỗi niệm của ta đều bao gồm luôn cả ý của mình ở trong đó rồi. Cũng như khi ta ăn cơm, thì đã bao gồm luôn cả miệng của mình ở trong đó rồi. Tóm lại, chúng ta phải niệm Phật bằng tâm. Tại sao? Vì ý tự nó không biết phát nguyện và tự nó không biết niệm Phật. Nó biết khởi niệm Phật là do chân tâm của ta làm chủ nó. Cũng như cái miệng của ta tự nó không biết nhai, mà do tâm ý của ta điều khiển nó mới hoạt động. Cũng như con trâu tự nó không biết giữ nó, mà nó phải cần có người chăn trâu hoặc sợi dây cột giữ nó, thì nó mới không chạy lung tung. Khi niệm Phật cũng như vậy, ta phải biết dùng chân tâm (thức thứ tám) để làm chủ ý thức (thức thứ sáu), không để cho nó khởi niệm tham, sân, si.

Tóm lại, khi ta phát tâm niệm Phật thì đã bao gồm luôn cả ý của mình ở trong đó rồi. Nếu mỗi niệm đều bao gồm luôn cả ý, thì bạn cần gì phải đi dạy người đời dùng ý để niệm Phật. Nếu bạn cứ phân biệt ý và tâm như vậy, thì chỉ hại mình và hại Phật tử có thêm chấp trước mà thôi. Đó là chưa nói đến vấn đề có nhiều Phật tử không hiểu, tưởng ý của mình là tâm rồi cứ dồn nén câu Phật hiệu lên đầu. Nếu bạn dồn nén lâu ngày sẽ sanh ra bệnh nhức đầu mà không hay. Vì thấy sự tai hại này mà chúng tôi mới giải thích thêm đoạn ý và tâm, để quý bạn tự suy ngẫm.

IV. Cách niệm Phật trụ vào tâm

Ở đây, tôi xin chia sẻ về cách niệm Phật trụ vào tâm, để quý bạn tìm hiểu thêm. Nếu ta biết cách trụ câu niệm Phật vào tâm, thì sẽ mau được nhất tâm. Nói về tu niệm thì ta có thể tu niệm trong đi, đứng hay nằm, ngồi, nhưng ngồi thì dễ được định tâm và dễ quán xét cái tâm của mình hơn. Cho nên dù hằng ngày cuộc sống có bận rộn đến đâu, thì ta cũng cố gắng dành một ít thời gian để ngồi tu niệm. Khi ngồi niệm Phật ta phải tập trung tư tưởng theo dõi hơi thở ra vào của mình, đừng để ý hơi thở từ lỗ mũi mà phải để ý hơi thở đang hít vào và thở ra. Nghĩa là khi thở ra thì ta biết rõ hơi thở đang lưu xuất ra ngoài, còn khi hít vào thì ta biết rõ hơi thở đang đi vào và trụ ở giữa cuối lồng ngực của mình. Tuy nhiên, phải hít thở bình thường như là mình đang đi, đứng hay nằm, ngồi vậy, không nên ém hơi.

Sau khi quán hơi thở của mình được thuần thục rồi, thì lúc đó ta mới đưa tiếng niệm Phật hòa nhập vào hơi thở. Mỗi hơi thở hít vào và thở ra đều là một câu A Mi Đà Phật. Nghĩa là thở ra là A Mi, hít vào là Đà Phật hoặc hít vào là A Mi, thở ra là Đà Phật. Tùy theo căn tánh của mỗi người mà tự chọn cho mình một cách thích hợp và nhẹ nhàng. Mỗi câu Phật hiệu đều phải trụ vào ở giữa cuối lồng ngực của mình (tức trụ vào tâm). Dù ta niệm ra tiếng hay niệm thầm đều phải trụ câu A Mi Đà Phật vào tâm. Chúng ta cứ xếp câu A Mi Đà Phật vào tâm như vậy, thì câu A Mi Đà sẽ không bị lọt ra ngoài. Ý nghĩa không bị lọt ra ngoài ở đây là nói: “Ta phải niệm Phật nhiếp tâm, không nên để cho câu Phật hiệu bị tán loạn”. Nếu bạn không hiểu, lại đi chấp chặt không cho câu Phật hiệu được dung thông ra ngoài thì thật là tai hại. Cách niệm Phật trụ vào tâm là cách tu niệm rất cao, chỉ có những người có sẵn căn tánh thì mới tu niệm được. Nếu bạn là người mới tập tu niệm thì không nên tu theo cách này. Đợi cho đến khi nào công phu của bạn được thuần thục thì mới tu theo cách này. Điều quan trọng là khi niệm ra tiếng, thì ta phải biết dùng tánh nghe để trụ câu niệm Phật vào tâm. Còn khi niệm thầm thì ta phải dùng tánh biết để trụ câu niệm Phật vào tâm. Nếu ta biết dùng tánh nghe và tánh biết của mình để trụ câu niệm Phật vào tâm trong những lúc đi, đứng hay nằm, ngồi thì sẽ mau được thành khối lắm. Nếu ta cứ hành trì như vậy lâu ngày, thì sẽ thấy được sự thành tựu rất là rõ ràng.

Rồi qua một thời gian, khi câu Phật hiệu trong tâm được đóng thành một khối, thì ta sẽ không bỏ câu Phật hiệu vào theo hơi thở được nữa. Tại sao? Vì câu Phật hiệu trong tâm ta đã được đầy ấp. Khi tu hành được tới đây, thì ta sẽ cảm thấy lồng ngực của mình rắn chắc và hơi mát lúc nào tỏa ra khắp cả người an lạc không thể tả. Đến lúc này ta nên dùng hết lồng ngực của mình làm khoảng không gian, để trụ câu Phật hiệu vào. Nghĩa là thay vì trước kia ta niệm theo hơi thở và trụ câu niệm Phật vào ở giữa cuối lồng ngực. Còn bây giờ ta dùng tánh nghe và tánh biết để trụ câu A Mi Đà Phật vào hết lồng ngực của mình.

Chúng ta cứ tu trì như vậy qua một thời gian, thì tánh nghe và tánh biết của ta sẽ chuyển thành tánh A Mi Đà sáng suốt. Lúc đó, ta sẽ không trụ câu Phật hiệu vào lồng ngực được nữa. Tại sao? Vì tới lúc đó câu Phật hiệu ở trong tâm ta phải lưu xuất ra ngoài để hòa nhập vào hư không. Tức là hòa nhập vào Pháp thân của ta trong, ngoài thông suốt (Pháp thân tức là chân tâm). Lúc đó, ta sẽ cảm thấy thân của mình trong, ngoài trong suốt như khối lưu ly và tỏa mát. Đặc biệt là những lúc tĩnh tọa niệm Phật, ta sẽ quên hết thân tâm, thế giới và quên cả không gian và thời gian. Lúc đó, trong tâm ta chỉ còn lại mỗi câu A Mi Đà Phật là hiện hữu và bao trùm cả vũ trụ. Khi tu được tới đây, thì ta sẽ không còn dính mắc vào vấn đề điều hòa hơi thở hay đi, đứng hoặc lúc nằm, ngồi vì tất cả đều không còn chướng ngại. Tại sao? Vì tánh nghe và tánh biết của ta đã chuyển thành tánh A Mi Đà sáng suốt rồi. Tánh A Mi Đà là bao gồm các tánh như: Tánh nghe, tánh biết, tánh thấy, tánh cảm thọ tánh ý thức. Tóm lại, tánh A Mi Đà là tánh Phật có vô lượng diệu đức sẵn có trong ta.

Kính thưa quý bạn! Nói về cách tu trì thì có nhiều cách khác nhau. Nếu ta bận rộn không có nhiều thời gian để tĩnh tọa hay niệm theo hơi thở trong khi đi, đứng hay nằm, ngồi thì ta có thể dùng bước đi hằng ngày, hay dùng mỗi động tác ở trong ngành nghề để làm thời khóa tu niệm. Nói về bước đi thì bước bên phải là A Mi, bước bên trái là Đà Phật hoặc là ngược lại. Còn nếu ta bước chậm thì mỗi bước là A Mi Đà Phật. Còn nói về ngành nghề hoạt động thì mỗi động tác giơ lên là A Mi, để xuống là Đà Phật. Những cách tu niệm này có hiệu quả rất nhanh. Ngoài ra, ta nên mua những cái máy chip niệm Phật hoặc dùng những loại phone, iPad, laptop,… có thể tải dữ liệu. Sau đó, ta tìm những loại niệm Phật hành trì mà ta ưa thích, rồi tải về phone, iPad, laptop,… và mang theo bên mình để hành trì cũng được, hoặc ta có thể nghe trực tiếp những loại niệm Phật ở trên những website Phật giáo hay trên YouTubeTóm lại, ngày nay chúng ta có rất nhiều phương tiện để hành trì.

V. Cách niệm Phật thù thắng nhất

Nếu quý bạn muốn niệm Phật mau được nhất tâm, thì không có cách hành trì nào có thể so sánh với cách hành trì trợ niệm cho người lâm chung. Tại sao? Vì trong lúc trợ niệm ta sẽ không suy nghĩ đến các việc khác, mà chỉ một lòng muốn cứu thần thức của người hấp hối, nên mỗi niệm của ta đều niệm từ chân tâm. Vì vậy, công đức trợ niệm một tiếng đồng hồ, còn nhiều hơn công đức niệm Phật một tháng, đây là vạn lần chân thật. Nếu bạn không tin thì thử đi trợ niệm một lần thì sẽ rõ. Lúc đó, bạn sẽ được nhất tâm mà chính mình cũng không ngờ.

VI. Phần kết luận

Kính thưa quý bạn! Nói về cách niệm Phật thì rất nhiều, nhưng cách nào mà ta cảm thấy hợp và dễ hành trì, thì cách đó là đúng nhất cho mình. Chúng ta không nên chấp chặt vào một cách niệm nào đó, hay là chạy theo cách niệm của người khác. Vì chưa chắc cách niệm của người khác hợp với căn tánh và hoàn cảnh của mình. Cũng như trong siêu thị có cả trăm ngàn món ăn khác nhau, do đó ta phải biết lựa chọn món ăn nào cho thích hợp với bao tử, thì mới bảo vệ được sức khỏe của mình. Ngoài biết cách lựa chọn những món ăn cho hợp với bao tử, ta còn phải biết lựa chọn món ăn cho thích hợp với ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Có như vậy thì ta mới giữ gìn được sức khỏe.

Khi lựa chọn cách niệm Phật cũng không khác gì với cách lựa chọn thức ăn. Thức ăn là để nuôi dưỡng cho thân thể của ta được khỏe mạnh, còn niệm Phật là để khai mở trí tuệ và nuôi dưỡng tâm từ bi của ta. Nếu hiểu được đạo lý này thì mỗi khi niệm Phật, ta sẽ cảm thấy thoải mái như là mình đang thưởng thức những món ăn ngon vậy. Nếu ta niệm Phật mà thân tâm lúc nào cũng được nhẹ nhàng và thoải mái, thì câu Phật hiệu sẽ dễ thâm nhập vào tâm. Vì vậy, khi niệm Phật ta không nên chấp trước.

Điều quan trọng là ta phải biết lựa chọn cách niệm Phật nào cho hợp với tâm trạng của mình trong mọi tình huống, thì đó mới là người có trí tuệ. Bạn phải biết mấu chốt để được nhất tâm không phải tính ở chỗ cách niệm, mà phải tính ở chỗ tâm của ta có tin sâu và nguyện thiết hay không? Nếu tâm của ta tin được một phần, thì sẽ thâu nhiếp được Phật quang của chư Phật một phần. Nếu tâm của ta tin được 100% thì sẽ thâu nhiếp được Phật quang của chư Phật 100%. Tóm lại, muốn được thành Phật nhanh hay chậm thì phải tính ở chỗ niềm tin của ta có nhiều hay ít. Còn một điều quan trọng mà chúng ta cần phải biết, đó là: Khi niệm Phật thì ta phải quyết tâm thành Phật, nhưng không nên khởi tâm mong cầu mau được nhất tâm. Tại sao? Vì còn mong cầu là còn tâm tham, còn tâm tham là còn chướng ngại. Nhưng quý bạn không nên hiểu lầm hai chữ mong cầu ở đây, vì mong cầu có hai ý nghĩa:

  1. Nếu bạn niệm Phật ít mà lại mong cầu mau được nhất tâm thì đó gọi là tâm tham. Nếu còn tâm tham thì bạn khó được nhất tâm.
  2. Nếu bạn hạ quyết tâm niệm Phật tinh tấn ngày đêm để mau được nhất tâm, thì sự mong cầu đó là chân chính.

Nếu bạn mong cầu chân chính thì sẽ mau được nhất tâm. Trong Kinh Phật nói: Tất cả vạn pháp đều từ tâm tưởng sanh. Từ tâm tưởng sanh nghĩa là hằng ngày tâm ta nghĩ tưởng cái gì thì ta sẽ thành cái nấy. Vì thấy được sự biến hóa vi diệu của tâm thức, nên chư Phật mới khuyên dạy chúng ta tu niệm Phật mỗi ngày. Nếu ta hằng ngày chỉ nghĩ tưởng thành Phật, thì ta nhất định sẽ thành Phật. Điều này là vạn lần chân thật, vì chư Phật không nói lời giả dối. Còn nói về phát Bồ đề tâm thì quý bạn không nên lo lắng nhiều. Vì trong giây phút mà bạn thành tâm niệm Phật để thành Phật, thì cũng là giây phút mà bạn phát tâm Bồ đề.

                             

 

NIỆM PHẬT

Phật ở tự tâm hỏi đâu xa

Hỏi bạn trì danh có một lòng?

Niệm niệm lâu ngày không thoái chuyển

Phật tự tâm bạn trả lời thông.

Niệm Phật đâu ai bắt trả tiền

Ngại gì không niệm mãi hoài nghi

Tới giờ, Thần chết không bỏ sót

Lặn hụp luân hồi kiếp nào ra?

Chi bằng niệm niệm theo ngày tháng

Hiện tiền khỏe mạnh, định, tâm an

Đến ngày nằm xuống nợ trần dứt

Tam Thánh vui mừng, ta vãng sanh.