TÌM KINH PHẬT Ở ĐÂU MỚI ĐÚNG
25/04/2018
TỊNH ĐỘ PHẬT THỪA
25/04/2018

ĐẠI NGUYỆN 18 CỦA PHẬT A MI ĐÀ

(Bài này trích ra từ cuốn sách “TỊNH ĐỘ THỰC CHỨNG” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Vì thương chúng sanh nên Phật A Mi Đà đã phát ra 48 đại nguyện (nghĩa là đại thề). Ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra đại nguyện thứ 18 của Phật mà thôi. Vì trong 48 đại nguyện thì đại nguyện thứ 18 là quan trọng nhất. Nếu quý bạn muốn tìm hiểu về 48 đại nguyện của Phật A Mi Đà, thì xin đi tìm cuốn “Kinh Vô Lượng Thọ” để tìm hiểu thêm.

Đây là đại nguyện 18 của Phật A Mi Đà. Ngài nói rằng: Khi tôi thành Phật, nếu chúng sanh ở mười phương hết lòng tin ưa, mong muốn sanh về cõi nước của tôi, xưng danh hiệu tôi cho đến mười niệm, mà chẳng được sanh thời tôi không giữ ngôi Chánh đẳng Chánh giác. Chỉ trừ những kẻ tạo nghiệp tội chê bai chánh pháp.

Kính thưa quý bạn! Đó là đại nguyện thứ 18 của Phật A Mi Đà. Ý của Ngài muốn nói rằng: “Nếu chúng sanh trước khi chết mà niệm được mười niệm liên tục (nghĩa là mười hơi, không cần hơi dài hay ngắn), mà Ngài không đến nơi tiếp dẫn chúng sanh đó về Cực Lạc, thì Ngài thề không làm Phật”. Còn câu cuối Ngài nói: Chỉ trừ những kẻ tạo nghiệp tội chê bai chánh pháp”. Câu này chúng ta không nên hiểu lầm cho rằng Phật không có lòng từ bi hay có tâm phân biệt. Thật ra không phải vậy, mà vì Phật biết những chúng sanh tạo nhiều tội ác này sẽ không chịu sám hối và sẽ không chịu phát nguyện niệm Phật để thành Phật, thì Phật làm sao mà cứu được họ. Vì vậy mà Phật nói chỉ trừ những kẻ tạo nghiệp tội chê bai chánh pháp.

Qua 48 đại nguyện của Phật cho thấy Ngài thương chúng ta vô bờ bến. Cha mẹ của ta còn chưa thề thốt với ta, vậy mà Ngài thề với chúng ta. Điều này cho thấy nỗi khổ tâm và lòng từ bi của Ngài còn lớn hơn trời biển. Chúng ta là phàm phu mà còn xem nặng lời thề và không dám thề bừa bãi. Không lẽ lời thề của Phật A Mi Đà mà chúng ta không dám tin sao? Vì thương chúng sanh si mê không có đủ lòng tin, nên Ngài mới lập lời thề là để giúp chúng ta có vững lòng tin. Ngài đã làm hết sức của Ngài rồi, chẳng qua chúng ta không có đủ thiện căn và phước đức để tin sâu pháp môn Tịnh độ. Có nhiều người nghi ngờ rằng: “Nếu trước khi chết mà người nào niệm mười niệm cũng được vãng sanh về Cực Lạc, vậy thì trên thế gian này sẽ không còn ai”. Tóm lại, chúng ta vẫn còn nghi ngờ đủ điều.

Kính thưa quý bạn! Khi nghe qua mười niệm thì tưởng là dễ, nhưng trên thực tế thì không dễ. Vì có mấy ai trên đời này trước khi chết mà niệm được mười niệm liên tục. Tại sao? Vì một người trước khi sắp chết, thần thức sẽ bị hoảng sợ, mê loạn, thân thể đau đớn, luyến tiếc mạng sống, vợ chồng, con cháu, tiền bạc, danh vọng,… Đó là chưa nói đến trước phút lâm chung, không may bị oan gia (người âm và người sống) kéo đến đòi nợ, làm cho thân thể bị đau đớn, sanh tâm oán hận thì làm sao mà giữ được chánh niệm.

Quý bạn nên biết rằng: Một người trước khi chết mà có thể niệm được mười niệm liên tục, là người này đã có công phu tu niệm Phật nhiều năm. Vì có công phu nhiều năm nên câu Phật hiệu mới được thuần thục in sâu vào tâm thức của họ. Nhờ vậy mà tâm của họ mới được an định, xem nhẹ sống chết và buông xả tất cả. Cho dù trước khi chết, thân thể của họ có bị đau đớn, thì họ cũng không bị phân tâm. Nhờ vậy mà họ mới có đủ sáng suốt và an định để niệm liên tục mười niệm.

Có một điều mà chúng ta nên ghi nhớ, đó là: Cho dù ta niệm Phật đã nhiều năm, nhưng đến phút lâm chung, không may bị chướng duyên làm cho thân thể bị đau đớn, sanh tâm oán hận thì cũng khó được vãng sanh. Điều này ta phải hết sức thận trọng.

Ví dụ: Ta không may bị ai đó đâm chết, thì ngay giây phút cuối đó ta nên quán rằng: Đây là nghiệp tội của ta đã gieo, giờ phải trả lại cho người”. Nếu ta quán được như vậy, thì sẽ không sanh tâm sân hận, mà chỉ giữ định tâm niệm Phật cho đến khi tắt thở, thì sẽ được Phật A Mi Đà và Thánh chúng đến nơi tiếp dẫn ta về Cực Lạc. Còn nếu phút cuối mà ta sanh tâm oán hận, thì sẽ bị chúng ma đến rước ta đi. Tóm lại, thần thức phút cuối rất là quan trọng, làm Phật hay làm ma chỉ cách nhau một niệm mê, giác của ta mà thôi. Vì thấy thần thức phút cuối rất là quan trọng, nên chư Phật luôn khuyên dạy chúng ta khi còn sống thì phải tinh tấn niệm Phật, để phút lâm chung giữ được chánh niệm sanh về Cực Lạc.

Còn lý do tại sao người tu niệm Phật trước khi chết phải cần có thân nhân hay bạn đồng tu giúp trợ niệm? Là vì tuy ta niệm Phật đã nhiều năm, nhưng có mấy ai dám bảo đảm rằng mình sẽ giữ được chánh niệm 100% trước khi chết. Nếu phút lâm chung mà có người hộ niệm, thì người chết sẽ nắm chắc 100% vãng sanh. Vì vậy mà người trợ niệm rất là quan trọng. Không những người trợ niệm có thể giúp người sắp chết giữ được chánh niệm, mà còn giúp xua đuổi đi những oan gia trái chủ đang vây quanh người sắp chết.

Còn nói về cứu độ gia đình, nếu ta khuyên cha mẹ hay chồng con niệm Phật, mà họ không có đủ thiện căn và phước đức để tin sâu tu niệm, thì ta phải niệm Phật tinh tấn hơn. Tại sao? Vì lỡ trong gia đình có người thân sắp chết, thì ta sẽ giữ được bình tĩnh khai thị và trợ niệm để cứu thần thức của người thân. Còn nếu như ta được vãng sanh trước họ, thì sự ra đi của ta sẽ giúp người thân phát tín tâm niệm Phật. Như vậy, cho dù ta có đi trước hay đi sau, thì cũng đều cứu được thân nhân của mình. Đây mới là tình thương chân thật