Hoàng Niệm Tổ lão cư sĩ lược truyện
02/12/2017
Vô Nhất Ðại Sư Thích Thiền Tâm lược truyện
02/12/2017

Lược truyện Lão Cư Sĩ Hạ Liên Cư (1884-1965)

Lão cư sĩ Hạ Kế Tuyền, tự Phổ Trai, hiệu Cừ Viên; khi tỵ nạn tại Nhật Bản, lấy tên là Hạ Tuyền, khi về nước đổi thành Liên Cư, biệt hiệu là Nhất Ông. Hạ lão cư sĩ là người Vận Thành, tỉnh Sơn Ðông, là con trưởng của quan đề đốc hai tỉnh Vân Nam – Quý Châu triều Thanh là cụ Hạ Tân Dậu, thụy hiệu Tráng Vũ Công. Hạ lão cư sĩ sanh ngày 20 tháng Ba năm 1884 (tức ngày 23 tháng Hai năm Giáp Thân) tại Vu Ðiền, Tân Cương. Về già, cụ sống tại Bắc Kinh; đến ngày 14 tháng 12 năm 1965 (tức ngày 22 tháng 11 năm Ất Tỵ), cụ không bịnh mà mất, trụ thế 82 năm.

Sinh bình, cụ Hạ từng giữ các chức vụ tri châu tỉnh Trực Lệ, tri huyện Tịnh Hải, tri phủ Giang Tô, đoàn luyện phó đại thần tỉnh Sơn Ðông. Sau cách mạng Tân Hợi (1911), cụ Hạ được cử giữ chức hội trưởng hội Liên Hiệp Các Giới tỉnh Sơn Ðông để tuyên cáo tỉnh Sơn Ðông độc lập. Khi chế độ Dân Quốc được thành lập, cụ được mời giữ chức cố vấn tối cao cho phủ Ðề Ðốc tỉnh Sơn Ðông, kiêm nhiệm các chứ bí thư trưởng, tham mưu trưởng v.v… Năm 1916, cụ được mời giữ chức bí thư trưởng phủ Tổng Thống. Năm 1918, được bầu làm nghị viên Quốc Hội, đảm nhiệm chức giám đốc viện bảo tàng Tề Lỗ Kim Thạch Họa Thư Quán, đồng thời làm lâm trưởng của Sơn Ðông Phật Giáo Cư Sĩ Lâm. Năm 1920, cụ giữ chức Giám Vận Sứ tỉnh Sơn Ðông, tận lực bài trừ những tệ đoan lâu đời trong việc đánh thuế muối, được dân chúng khen ngợi khôn cùng. Năm 1921, cụ từ chức để trù bị kế hoạch lập đại học Ðiền Phụ và đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường Ðông Lỗ.

Năm Ất Sửu (1925), đề đốc Trương Tông Xương, lãnh tụ quân phiệt ở Sơn Ðông, vu khống cụ Hạ tội tuyên truyền tư tưởng Cộng Sản rồi ra lệnh tập nã nên cụ phải lánh qua qua Nhật. Trong thời gian ở Nhật, cụ giao du thân thiết với các nhân sĩ thuộc giới nghệ thuật, văn hóa hay tôn giáo như các ông Ðằng Hổ (người tỉnh Hồ Nam), Thủ Dã Hỷ Trực v.v… Lại còn có các ông Cát Xuyên Hạnh Thứ Lang, Thương Thạch Vũ Tứ Lang và ông Kim Cửu Kinh người Triều Tiên đến cầu học với cụ Hạ. Hai năm sau, cụ Hạ trở về nước, dưỡng bệnh ở vùng Thiên Tân – Ðại Cô. Năm 1932, chuyển đến sống ở Bắc Kinh, chuyên tâm nghiên cứu, hoằng dương Phật pháp. Trong thời gian này, ông Hà Tư Nguyên, cũng là người tỉnh Sơn Ðông, được cử làm thị trưởng Bắc Bình, thường đến thảo luận, nghiên cứu Phật pháp với cụ Hạ. Các vị như Hoàng Niệm Tổ (chuyên viên thâu phát sóng thuộc cục phát thanh trung ương Bắc Bình – Thiên Tân, kiêm trưởng đài phát thanh Bắc Bình), Tề Xướng Ðỉnh (phó trưởng đài) v.v… đều đến học Phật với cụ.

Năm 1939, cùng với Hiện Minh trưởng lão, phương trượng chùa Quảng Tế ở Bắc Kinh, cư sĩ Cận Dực Thanh (Vân Bằng) sáng lập Tịnh Tông Học Hội, lấy ngày khánh đản Ðại Thế Chí Bồ Tát làm ngày kỷ niệm sáng lập hội, với tông chỉ: “Nghiên cứu kinh điển Ðại Thừa, phát dương tinh thần Phật giáo. Lấy tín nguyện trì danh để nhập Di Ðà Nguyện Hải”. Tổ chức này không có một cơ cấu quản trị trung ương mà chỉ hoạt động dựa trên tinh thần tự giác cộng tu của các đoàn viên, lấy việc hoằng dương Tịnh Ðộ làm sự nghiệp chính. Hiện thời cố vấn giáo đạo là Hòa Thượng Tịnh Không.

Thoạt đầu, Tịnh Tông Học Hội chỉ tổ chức các khóa Phật thất mỗi năm vài lượt tại các chùa Quảng Tế, Hiền Lương, Niêm Hoa, Cực Lạc Am và trường tiểu học Từ Ðức cũng như cung thỉnh các vị cao tăng đại đức, cư sĩ hữu danh luân phiên diễn giảng. Năm 1945, cụ Hạ cùng các nhân sĩ thuộc Bắc Hải Ðoàn tổ chức pháp hội tiêu tai cầu nguyện hòa bình vào đúng ngày thánh đản Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kéo dài suốt bảy ngày, quy tụ cả vạn người tham dự.

Sau khi Trung Hoa rơi vào tay Mao Trạch Ðông, các tự miếu bị đàn áp, kiểm soát nặng nề, nhưng Tịnh Tông Học Hội vẫn kiên trì duy trì những pháp hội “bỏ túi” dù không còn có cơ hội tổ chức các Phật thất cộng tu như trước năm 1949 nữa. Chính nhờ sự hoằng pháp liên tục âm thầm của Tịnh Tông Học Hội tại Hoa Lục, Phật giáo Trung Hoa vẫn bảo tồn được nguyên khí và có dịp phục hưng sau khi cơn đại hoạn Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt.

Cụ Hạ là người rất ham học, tính tình nghiêm cẩn, thông duệ hơn người, thường hay quên ăn bỏ ngủ đọc sách. Có những lúc dù chính sự bề bộn, cụ vẫn không hề xao nhãng việc học. Lúc trẻ, cụ chú trọng từ chương, thông đạt các học thuyết Tống Nho, Lão Trang, nhưng càng lớn tuổi, cụ càng chuyên tâm nghiên cứu nội điển nhà Phật. Do vậy, sự hiểu biết của cụ về thế học lẫn Phật học rất quảng bác. Trước tác của cụ gồm đủ thể loại, các bài thơ của cụ được các văn đàn khen ngợi nồng nhiệt. Nhà xuất bản Nhân Dân từng dự định ấn hành di cảo Cừ Viên Ngoại Biên Thập Chủng của cụ, nhưng Cách Mạng Văn Hóa nổ ra khiến cho dự án này bị bỏ phế. Cụ Hạ cũng là một nhà nghiên cứu có tiếng về văn hóa, nhất là thư họa, cổ vật, khả năng giám định các cổ vật của cụ được giới nghiên cứu đánh giá rất cao.

Về mặt Phật học, cụ Hạ được đại chúng khâm ngưỡng sâu xa vì trình độ Phật học uyên thâm, đức hạnh nghiêm cẩn, điềm đạm, chuyên chí hoằng dương Phật pháp thật mạnh mẽ, sâu rộng. Phật giáo đồ Hoa Lục thường lưu truyền câu: “Nam Mai, Bắc Hạ”; nghĩa là: trong giới cư sĩ hoằng truyền Phật pháp nổi tiếng nhất thì ở miền Nam là cụ Mai Quang Hy (cậu của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ), miền Bắc là cụ Hạ Liên Cư. Sau khi quy y thọ giới nơi Huệ Minh Pháp Sư ở An Khánh, cụ Hạ không những cầu học với Huệ Minh Trưởng Lão, tự học nội điển, mà còn tham học rộng rãi với các bậc kỳ túc thạc đức trong các tông phái, kể cả những bậc thạc đức Phật giáo Nhật Bản. Cụ Hạ thông hiểu thông suốt ba tông Thiền, Tịnh, Mật, nhưng vẫn quy hướng Tịnh Ðộ, lấy việc hoằng dương Tịnh Tông làm lẽ sống. Dù từng bao lượt thăng pháp tòa dạy pháp cho cả Tăng lẫn tục, bao Tăng Ni nhờ Hạ lão cư sĩ khai ngộ bỏ tục xuất gia, suốt đời cụ Hạ luôn khiêm cung, giữ lễ đệ tử tục gia đối với các bậc tôn túc trong Phật Môn. Những người theo học với cụ thường suốt đời kính mộ, coi cụ Hạ như một bậc Ðại Sĩ tại gia Bồ Tát. Ðề tài diễn giảng của cụ rất rộng, bao gồm phần lớn những kinh luận chủ yếu của Phật Giáo Ðại Thừa, nhưng mỗi bài diễn giảng đều quy dẫn về Tịnh Nghiệp. Rất tiếc, phần lớn những biên thuật, trứ tác của Hạ lão cư sĩ bị hủy mất dưới tay những Hồng Vệ Binh điên cuồng hô hào “bài trừ văn hóa phản động, triệt để đập tan những tư tưởng xét lại, phong kiến, bợ đỡ Tây Phương” trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa tại Hoa Lục.

Cụ Hạ được biết Phật giáo đồ Trung Hoa ở hải ngoại biết đến nhiều nhất nhờ công trình hội tập kinh Vô Lượng Thọ. Trong thời gian yểm quan tuyệt khách tại Thiên Tân khi từ Nhật Bản trở về nước, cụ Hạ chuyên tâm hội tập năm bản dịch Vô Lượng Thọ của các đời Ngô, Ngụy, Hán, Ðường, Tống, trong suốt ba năm chẳng nghỉ, thiên châm vạn chước, soạn thành bản hội tập hoàn chỉnh của kinh Vô Lượng Thọ mang tên Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh, được tứ chúng hải nội, hải ngoại tán dương là bản hội tập công phu xuất sắc nhất. Hiện thời, đa phần các hành giả Tịnh Ðộ Trung Hoa dùng bản hội tập này làm khóa tụng. Tịnh Tông Học Hội của pháp sư Tịnh Không chỉ dùng bản này để tụng niệm mỗi khi cung tụng Vô Lượng Thọ kinh.

Ngoài việc hội tập kinh Vô Lượng Thọ, cụ cũng hội tập hai bản Phật thuyết A Di Ðà Kinh (bản Tần dịch của ngài Cưu Ma La Thập) và kinh Phật Thuyết Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ (bản Ðường dịch của ngài Huyền Trang) với tựa đề A Di Ðà Kinh. Ngoài bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, những tác phẩm Tịnh Tu Tiệp Yếu và Bảo Vương Tam Muội Sám của cụ Hạ cũng được ấn hành, lưu thông rất rộng rãi trong và ngoài nước, được tứ chúng hoan hỷ thọ trì, đánh giá rất cao.

Sau khi hội tập Ðại Kinh xong, theo lời thỉnh của Hiện Minh trưởng lão, phuơng trượng chùa Quảng Tế ở Bắc Kinh, cụ Hạ chuyên giảng kinh Di Ðà. Mỗi buổi giảng, Hiện Minh trưởng lão cùng phương trượng các chùa tại Bắc Kinh thường đến dự thính để làm ảnh hưởng chúng cho pháp tòa. Trong suốt mấy mươi năm ở Bắc Kinh, cụ Hạ tích cực hoằng dương Tịnh Tông, đào tạo được nhiều học trò lỗi lạc về hoằng pháp lẫn biên thuật. Người nổi tiếng nhất trong số này là cụ Hoàng Niệm Tổ. Các vị tôn túc pháp sư đương đại như Ðế Nhàn, Huệ Minh, Tỉnh Minh cũng đều hâm mộ, tán thán nồng nhiệt công hạnh hoằng dương Tịnh Nghiệp, hoằng pháp độ sanh của Hạ đại sĩ.

Công hạnh, kiến giải của cụ Hạ Liên Cư quảng bác, hoằng thâm đến nỗi pháp vương Cống Cát Hoạt Phật của Hồng Bạch Giáo Tây Tạng phải thốt lên: “Người xứng đáng làm kim cang a xà lê trong thế gian này chỉ có cụ Hạ mà thôi!” Ngay đến bậc Thái Sơn Bắc Ðẩu của nhà Thiền là Hư Vân Ðại Lão Hòa Thượng cũng ngậm ngùi bảo: “Chẳng biết bao giờ ta mới có dịp gặp được vị đại thiện tri thức ở phương Bắc này!” Tiếc thay vô thường chợt đến, duyên thị hiện hóa độ của bậc Ðại Sĩ đã tận. Một ngày mùa Ðông năm 1965, cụ Hạ chợt cảm thấy không khỏe. Ngay trong đêm ấy, cụ an tường quy Tây giữa tiếng niệm Phật, trụ thế 82 năm, để lại sự thương tiếc muôn đời cho các môn nhân.

Sau khi Hạ lão cư sĩ quy Tây, Tịnh Tông Học Hội do cụ Hạ đồng sáng lập được đệ tử tâm đắc là cụ Hoàng Niệm Tổ tích cực duy trì, củng cố nên phát dương rộng rãi. Tiếc là sau khi cụ Hoàng quy Tây, ảnh hưởng và hoạt động của học hội này tại Hoa Lục yếu hẳn đi; chỉ còn mạnh mẽ tại Ðài Loan. Nay được hỗ trợ của Tịnh Tông Học Hội Ðài Loan, Tịnh Tông Học Hội Hoa Lục đang có triển vọng phục hưng. Ðiểm lại sự nghiệp của cụ Hạ, ta có thể thấy là sau khi tổ Ấn Quang viên tịch, công cuộc duy trì, hoằng dương Tịnh Ðộ cũng như giữ cho pháp âm của Phật vẫn còn được vang vọng tại Hoa Lục luôn có sự đóng góp rất lớn lao của cụ Hạ Liên Cư. Tuy thị hiện thân tục gia cư sĩ, cụ Hạ đã góp phần đào tạo nên những bậc cư sĩ hữu danh, hữu đức có khả năng biên thuật, diễn giảng lưu loát, góp phần huấn dưỡng đại chúng sống theo chánh tín, tin tưởng sâu xa vào chánh pháp của Phật dưới bao hoàn cảnh khắc nghiệt của xã hội. Những thành viên Tịnh Tông Học Hội tại Ðài Loan đã đem kế thừa chí hướng của cụ, nhân rộng mô thức tổ chức tu tập này trong khắp các cộng đồng người Hoa tại hải ngoại. Nhờ đó, những Phật tử Việt Nam tại hải ngoại cũng có cơ duyên được ân triêm pháp nhũ của các bậc cao tăng, thạc đức trong Tịnh Tông Học Hội như Hòa Thượng Tịnh Không, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ… Ngưỡng mong Hạ Ðại Sĩ lại hồi nhập Sa Bà, phân thân tiếp độ tứ chúng cùng viên nhập Di Ðà Nguyện Hải.

(Viết theo tài liệu Tịnh Tông Học Hội Lục Thập Chu Niên Kỷ Niệm ấn hành năm 1999)

Tâm Kinh Lược Giảng

Chủ giảng: Lão cư sĩ Hạ Liên Cư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Phật giảng A Hàm mười hai năm, rồi giảng Phương Ðẳng tám năm, sau đấy mới giảng Bát Nhã suốt hai mươi năm. Ba trăm chữ của Tâm Kinh bao quát toàn bộ kinh Ðại Bát Nhã. Xét ra, các bản dịch Tâm Kinh từ đời Thanh trở về trước còn lưu truyền bảy bản. Bản thường được đọc nhất là bản do đại sư Huyền Trang phiên dịch. Lúc Huyền Trang Ðại Sư vượt ải Ngọc Môn cầu Pháp, theo chân ngài có hơn trăm ba người. Lúc trở về chỉ còn một, hai người. Sau khi vượt ải Ngọc Môn, ngài Huyền Trang thọ nạn trùng trùng, không cách nào tiến bước, nhờ được một cụ già truyền cho bản kinh này mà khắc phục gian nan, đến được Ấn Ðộ.

Bản dịch Tâm Kinh của ngài Huyền Trang hoàn thiện nhất, văn tự ít nhưng bao hàm nghĩa lý thật nhiều. Hôm nay được giảng thuật kinh này trước mặt pháp hội, thật là một chuyện hy hữu vậy.

Mấy chữ tựa đề Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh đây bao quát cả một Ðại Tạng Giáo. Nếu hiểu rõ được ý nghĩa sẽ hiểu rõ cả Ðại Giáo. Bát Nhã là Thể, Ba La Mật là Dụng. Nếu không có Ba La Mật thì Bát Nhã vô dụng. Bát Nhã có ba loại: Văn Tự Bát Nhã, Quán Chiếu Bát Nhã và Thật Tướng Bát Nhã. Ba La Mật có sáu thứ, tức là Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Ðịnh và Bát Nhã; hoặc cũng có thể chia thành mười loại Ba La Mật.

Chữ Bát Nhã dịch nghĩa là Thắng Diệu Trí Huệ, vốn sẵn có chứ chẳng phải từ bên ngoài mà có. Còn có thể gọi nó là Tự Tánh, Chân Như, Bồ Ðề, Viên Giác, Phương Tiện. Phải nương vào Bát Nhã mới có thể vượt thoát biển sanh tử.

Ba La Mật là Ðáo Bỉ Ngạn (đến bờ bên kia). Bờ này là sanh tử, bờ kia là Niết Bàn, giữa dòng là phiền não. Trái nghịch với Bát Nhã là Vô Minh, Ngu Si. Bát Nhã vốn sẵn có, nhưng sao nay vẫn là vô minh? Ðây chính là do trái nghịch tánh Giác, hiệp cùng trần lao mà thành Vô Minh. Chuyển Thức thành Trí thì chính là Bát Nhã.

Những người có thể tham gia đạo tràng ngày hôm nay đều là do nhân duyên, thiện căn, phước đức nhiều đời. Thiếu một trong những nhân duyên ấy sẽ chẳng tham gia được. Ðạo Tràng này thật là trăm ngàn vạn kiếp khó hội ngộ vậy.

Quán Tự Tại chính là Quán Thế Âm, từ quán, bi quán, trí huệ quán, phạm âm, diệu âm, hải triều âm. Xem bài Quán Thế Âm Tán ắt sẽ hiểu rất rõ. Ðiều cần chú ý nhất [trong bản kinh này] là Bát Nhã. Nên hạ thủ như thế nào? Thật tướng là Thể, văn tự là Tướng, quán chiếu là Dụng. Dùng văn tự để quán chiếu Thật Tướng. Trong Lục Ðộ, tu Ðộ nào cũng đều có thể đạt tới bờ kia, nhưng chẳng thể [tu hành bất cứ Ðộ nào mà lại] rời lìa Bát Nhã. Chẳng hạn như Bố Thí. Bố Thí phải tam luân thể không (không thấy có người thí, không thấy có kẻ thọ thí, không thấy có vật được thí) thì mới đạt đến bờ kia được. Các Ðộ khác lệ theo đây. Làm thế nào để dùng một môn thâm nhập Ðáo Bỉ Ngạn? Không có Bát Nhã là không xong!

Thế nào là Bát Nhã? Chính là Quán Tự Tại. Phật pháp có thể nhờ đôi chút văn tự mà lãnh hội được nhiều nghĩa. Quán Tự Tại: Quán dùng mắt, mà cũng có thể dùng tai. Chữ Quán chỉ từ quán, bi quán, trí huệ quán. Quán điều gì? Xin thưa: Quán tự. Thế nào là Tự? Thân thể là tự ư? Ðó chỉ là giả. Ðiều quan trọng