Hòa Thượng Quảng Khâm
02/12/2017Ấn Quang Ðại Sư – Liên Tông Thập Tam Tổ
02/12/2017Hoằng Nhất Thượng Nhân Lão Pháp Sư lược truyện
Thượng Nhân là người huyện Bình Hồ, tỉnh Chiết Giang, sanh năm 1880. Ngài họ Lý, tên Quảng Hầu, hiệu Thúc Ðồng, còn có tên là Thành Hề, tự Tích Sương. Ðại Sư là bậc chấn hưng Luật học Nam Sơn thời cận đại.
Trước khi xuất gia, sư là một người rất giỏi về thi văn, từ phú, là một tay thư pháp có hạng, nhất về thể chữ Triện. Các tác phẩm của Sư nay được coi là thứ quý hiếm. Sư thông thạo thư pháp thời Lục Triều, từng xuất dương qua Nhật học trường Thượng Dã Mỹ Thuật Chuyên Môn, đồng thời nghiên cứu âm nhạc, sáng lập Xuân Liễu kịch xã, mở phong trào vận động tân kịch nghệ ở Trung Hoa. Sư về nước, dạy tại Thiên Tân Công Nghiệp Học Ðường, rồi đến Thượng Hải làm chủ bút báo Thái Bình Dương, mượn thư họa văn tự để tuyên truyền chống Nhật. Trong thời gian này, Sư cũng dạy về hội họa, âm nhạc ở trường Sư Phạm Chiết Giang.
Qua những lần tiếp xúc với Tổ Ấn Quang, Sư ngưỡng mộ sâu xa phong thái của một vị cao tăng đức hạnh. Ðang là một con người hết sức nghệ sĩ, phóng túng, Sư đã vứt bỏ hết tất cả những phù hoa, danh lợi thế tục, xuất gia đầu Phật vào năm 1918 tại chùa Linh Ẩn (Hàng Châu), được ban pháp danh là Diễn Âm, hiệu Hoằng Nhất. Ngài thường than thở: Sở dĩ tăng sĩ thường bị chê trách vì không giữ giới luật nên phát nguyện trọn đời tinh nghiêm trì giới.
Lúc đầu Sư giữ giới theo truyền thống Hữu Bộ, nhưng sau Sư thề khôi phục truyền thống Nam Sơn Luật. Nam Sơn Luật là truyền thống Luật Tông do Tổ Ðạo Tuyên (1) khai sáng. Truyền thống này đề xướng nghiêm trì giới luật theo đúng bộ luật Tứ Phần. Suốt đời sư ăn mặc đạm bạc, đi dép gai, một mình một túi vân du khắp nơi, giảng kinh hoằng pháp. Năm 1927, khi chính quyền Dân Quốc toan diệt Phật, sư đã gởi thư cực lực phản đối. Năm 1936, Sư bế quan trên đảo Cổ Lãng, rồi ra hải ngoại thỉnh Ðại Tạng Kinh về nước. Sau đó, Sư bế quan ở chùa Phổ Tế, chùa Phước Lâm (Tuyền Châu).
Theo đúng phong cách của tổ Ấn Quang, Sư không thâu đồ chúng, không trụ hẳn ở chùa, am nào, chỉ lấy việc viết chữ kết duyên với người. Tuy hoằng truyền Luật tông, sư luôn mật tu Tịnh nghiệp. Do tích cực hoằng dương Luật Tông, Ðại Sư được xưng tụng là tổ Luật Tông thời hiện đại. Ngài cũng dạy đệ tử dùng Tịnh nghiệp để củng cố giới luật cũng như dùng công đức trì giới làm tư lương vãng sanh. Sư đặc biệt sùng bái Bồ Tát Ðịa Tạng nên đã viết tiểu phẩm Ðịa Tạng Bồ Tát Thánh Ðức Ðại Quan (nhận xét đại khái về thánh đức của Bồ Tát Ðịa Tạng). Sư thị tịch tháng 11 năm 1942 tại viện Dưỡng Lão Ôn Lăng, thọ 63 tuổi, hạ lạp 24.
Di trứ của Ðại Sư gồm: Di Ðà Nghĩa Sớ Hiệt Lục, Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Giới Tướng Biểu Ký, Thanh Lương Ca Tập, Hoa Nghiêm Liên Tập, Giới Bản Yết Ma Tùy Giảng Biệt Lục, Tứ Phần Hàm Chú Giới Bản Giảng Nghĩa, Nam Sơn Ðạo Tổ Lược Phổ v.v… Tất cả được xếp vào Hoằng Nhất Ðại Sư Pháp Tập. []
Chú thích:
(1) Ðạo Tuyên (596-667): Tổ khai sáng Luật Tông Trung Hoa. Ngài sống vào thời Ðường, người Ngô Hưng, tỉnh Chiết Giang. Sư xuất gia năm 16 tuổi, lần lượt theo học ngài Huệ Quân chùa Nhật Nghiêm, ngài Trí Thủ chùa Ðại Thiền Ðịnh. Sau Sư dựng chùa Bách Tuyền ở Phỏng Chưởng Cốc thuộc núi Chung Nam dạy Luật Tứ Phần. Sư từng dạy Luật ở các nơi và là một vị tăng danh tiếng trong đạo tràng dịch kinh của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang.
Năm 568, ngài vâng chỉ làm thượng tọa chùa Tây Minh, Trường An. Năm 662, Ðường Cao Tông hạ chỉ sa môn phải lễ bái vua và cha mẹ; ngài đã cùng pháp sư Huyền Trang dâng chiếu cực lực can gián, mệnh lệnh ấy mới được bãi bỏ. Sư nghiêm trì giới luật và tu tập Thiền Ðịnh, hoằng hóa rất rộng. Giới đàn ở chùa Tịnh Nghiệp do Sư mở vào năm 667 là mẫu mực cho mọi giới đàn về sau.
Sư thị tịch năm 667, thọ 72 tuổi, hạ lạp 52, thụy hiệu là Trừng Chiếu. Sư còn để lại cho đời các tác phẩm sau: Thích Môn Chương Lục Nghi, Thích Môn Quy Kính Nghi, Tứ Phần Luật San Phiền Bổ Khuyết Hành Sự Sao (12 quyển), Yết Ma Sớ (3 quyển), Giới Bản Sớ (6 quyển), Thập Tỳ Ni Nghĩa Sao (6 quyển), Tỳ Kheo Ni Nghĩa Sao (6 quyển), Ðại Ðường Nội Ðiển Mục Lục (10 quyển. Tác phẩm này liệt kê tất cả các kinh điển từ trước cho đến đời Ðường. Ðây là một sử liệu quan trọng về tình hình dịch kinh, trước tác thời Ðường), Cổ Kim Phật Ðạo Luận Hành (4 quyển), Quảng Hoằng Minh Tập (30 quyển), Tục Cao Tăng Truyện (10 quyển), Thích Thị Lược Phổ (đây là một biên khảo về dòng dõi Phật Thích Ca), Thích Ca Phương Chí, Tam Bảo Cảm Thông Lục…