43. PHÁT SÁCH Ở BV UNG BƯỚU – SÀI GÒN
24/04/2018
BỒ TÁT NGHỊCH DUYÊN
24/04/2018

NIỆM A MI KHÔNG NÊN LO LẮNG

(Bài này trích ra từ cuốn sách “TỊNH ĐỘ THỰC CHỨNG” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
 

Kính thưa quý bạn! Nhiều năm qua, có nhiều phật tử gửi email hoặc gọi phone tâm sự với chúng tôi rằng: “Thưa cô Diệu Âm Diệu Ngộ! Sau khi chúng con đọc được bài viết của ngài Trí Tịnh nói về sự sai sót giữa chữ Mi và Di và đọc được bài chia sẻ của cô nói về chữ Mi và Di. Sau đó, chúng con đã lên các mạng internet để tìm hiểu về vấn đề này. Sau khi tìm hiểu, chúng con thấy những gì mà ngài Trí Tịnh và cô nói trong sách đều đúng sự thật. Sau khi biết được sự thật, chúng con đã niệm thử A Mi Đà Phật và A Di Đà Phật để so sánh với nhau và chúng con nhận thấy khi niệm A Mi rất là thoải mái, ít bị tổn khí lực và quai hàm của mình không bị mỏi hay bị trẹo cứng như trước kia niệm A Di. Nhờ vậy mà bây giờ mỗi ngày chúng con niệm Phật được nhiều ngàn câu. Nhờ niệm Phật được nhiều ngàn câu mà công phu tu hành của chúng con cũng được tăng lên rất nhanh. Còn trước kia niệm A Di, ngày nào mà niệm khoảng một ngàn câu, thì chúng con đều cảm thấy rất mệt, tổn nhiều khí lực và quai hàm bị trẹo cứng không thể niệm nhiều, vì vậy mà kết quả không được như ý. Sau khi biết được sự thật, chúng con và gia đình đều đã chuyển qua niệm A Mi Đà Phật, nhưng có một điều làm cho chúng con cảm thấy lo lắng, đó là: Hiện tại, chúng con thấy có nhiều Tăng, Ni trong chùa vẫn còn dẫn dắt phật tử tu niệm A Di Đà Phật. Chúng con lo rằng nếu trong gia đình có người hấp hối cần đến ban Hộ niệm, thì chúng con biết đi đâu để tìm Tăng, Ni và Cư sĩ chuyên niệm A Mi Đà Phật để hộ niệm cho chúng con?”.

Kính thưa quý bạn! Điều này thì quý bạn không nên lo lắng nhiều vì đa số Tăng, Ni và phật tử ở trong các chùa và đạo tràng họ đã âm thầm tu niệm A Mi Đà Phật cách đây mấy mươi năm rồi, không phải chỉ mới hơn mười năm nay (nói riêng những chùa và những đạo tràng tu Tịnh độ). Còn tại sao quý Tăng, Ni bên trong thì âm thầm tu niệm A Mi Đà Phật, mà bên ngoài vẫn còn dẫn dắt đại chúng tu niệm A Di Đà Phật? Là vì quý Tăng, Ni thấy đa số người đời vẫn chưa hiểu được chỗ sai của chữ Di, mà nhất là những người ở những miền vùng quê, họ không có đủ điều kiện tiếp cận với internet để tìm hiểu thông tin của thế giới, nên sự hiểu biết của họ vẫn còn hạn hẹp. Vì vậy mà quý Tăng, Ni vẫn còn dùng câu A Di Đà Phật để dẫn dắt họ. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta vội hiểu lầm cho rằng quý Tăng, Ni nghĩ niệm A Mi là sai, nên không dẫn dắt đại chúng tu niệm A Mi Đà Phật. Thêm vào, ở trong giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều Tông phái khác nhau như là: Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, Hoa nghiêm tông… Vì có nhiều Tông phái khác nhau, nên cách tu hành của mỗi Tông cũng có khác nhau. Vì có khác nhau, nên các chùa tu Tịnh độ muốn chuyển Di thành Mi thì phải cần có thời gian để mà chuyển đổi từ từ. Tóm lại, về vấn đề niệm A Mi A Di thì quý bạn không nên lo lắng nhiều. Nếu trong nhà của bạn có người thân đang bị hấp hối, mà người hấp hối này lúc còn sống chuyên niệm A Mi Đà Phật, khi mời ban Hộ niệm của quý Tăng, Ni hay Cư sĩ đến, thì ta nên thỉnh cầu họ niệm A Mi Đà Phật hay Nam mô A Mi Đà Phật để hộ niệm cho người thân của mình. Nếu họ là những người hiểu đạo và tu hành chân chính, thì họ sẽ không từ chối và sẽ hoan hỷ niệm A Mi Đà Phật. Chỉ có những người không hiểu đạo và tu hành không chân chính, thì họ mới từ chối không chịu niệm A Mi Đà Phật. Nếu quý bạn không may gặp những người này, thì tốt nhất là không nên mời ban Hộ niệm của họ, vì chỉ hại người thân của mình mà thôi.

Còn về phần chúng ta, thì phải lo tập niệm A Mi và A Di cho được dung thông với nhau từ bây giờ. Có như vậy thì tới phút lâm chung, ta sẽ không bị chướng ngại. Còn nếu bạn là người thích đến chùa để tu niệm Phật mà những ngôi chùa gần nơi bạn ở không tu niệm A Mi Đà Phật mà chỉ tu niệm A Di Đà Phật, thì bạn vào đó tu niệm với họ cũng chẳng sao. Chỉ có điều là khi vào chùa thì bạn niệm A Di Đà Phật để cho hòa đồng với đại chúng, còn khi về nhà thì bạn niệm A Mi Đà Phật theo ý của mình. Có như vậy thì khi đi hộ niệm cho người hay tới phút lâm chung ta sẽ không bị chướng ngại. Tóm lại, nếu quý bạn niệm Phật dung thông được cả A Mi và A Di, thì trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng không bị chướng ngại.

Nếu nói trên mặt văn tự, thì cách phát âm giữa chữ Mi Di không có chướng ngại nhiều, nhưng nếu nói trên mặt tu hành, thì giữa chữ Mi Di có sự chướng ngại rất lớn đối với những người tu Tịnh độ. Tại sao? Vì người tu Tịnh độ muốn được nhất tâm, thì mỗi ngày phải cần niệm Phật ít nhất là vài ngàn câu, đó là nói với những người tu hành không tinh tấn. Còn những người tu hành tinh tấn, thì mỗi ngày họ niệm Phật lên đến vài chục ngàn câu. Nếu chúng ta niệm A Di Đà Phật mỗi ngày nhiều ngàn câu và niệm từ tháng này qua năm nọ, thì sẽ bị tổn hại đến sức khỏe, tổn hại đến quai hàm và tổn hại đến công phu tu hành của ta. Bây giờ tôi xin phân tích từng phần để quý bạn hiểu những sự tổn hại đó như thế nào?

  1. Tổn hại sức khỏe: Khi niệm chữ Di ta phải dùng sức lực của mình nhiều hơn so với niệm chữ Mi. Nếu ta niệm Phật mỗi ngày từ vài ngàn câu trở lên, mà niệm từ tháng này qua năm nọ, thì sẽ bị tổn hại sức khỏe rất nhiều mà chính mình không hiểu tại sao?
  2. Tổn hại quai hàm: Khi niệm chữ Di, quai hàm của ta phải bị đưa ra đưa vào. Nếu mỗi ngày ta niệm Phật vài ngàn câu, thì quai hàm của ta phải bị đưa ra đưa vào vài ngàn lần. Nếu ta niệm Phật mỗi ngày chỉ có vài chục câu, thì không bị tổn thương đến quai hàm nhiều. Nhưng nếu ta niệm Phật mỗi ngày từ vài ngàn câu trở lên, mà niệm từ tháng này qua năm nọ, thì khi về già quai hàm của ta sẽ bị tổn thương rất nặng, mà chính mình không hiểu tại sao?

Thêm vào, đa số những người tu hành niệm Phật là những người lớn tuổi, mà lớn tuổi thì quai hàm không còn được dẻo dai như những người trẻ tuổi, nên rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, người tu pháp Tịnh độ phải cân nhắc cho thật kỹ. Vì một khi mang căn bệnh sái quai hàm rồi, thì sẽ không có cách chữa khỏi và căn bệnh này sẽ hành hạ ta đau 24/24, mà nhất là khi ta nói chuyện hay ăn uống thì sẽ bị đau hơn. Tôi là người mang căn bệnh sái quai hàm này đã nhiều năm, nên tôi không muốn quý bạn bị đau khổ giống như tôi.

  1. Tổn hại công phu: Người tu Tịnh độ muốn được nhất tâm, thì mỗi ngày phải niệm Phật ít nhất là từ vài ngàn câu trở lên. Nhưng chữ Di là sự chướng ngại lớn nhất cho những người tu Tịnh độ. Tại sao? Vì khi niệm chữ Di ra tiếng thì ta không thể niệm Phật được nhiều, vì lưỡi và quai hàm của ta sẽ bị trẹo cứng. Còn khi niệm thầm thì chữ Di thường hay bị lờ mờ, làm cho tâm của ta nghe không được rõ. Còn khi niệm thầm chữ Mi thì tâm ta nghe được rất rõ ràng. Tóm lại, chúng ta niệm chữ Di thì lâu được nhất tâm hơn là niệm chữ Mi. (Xin quý bạn đọc tiếp bài viết của ngài Trí Tịnh và bài viết của tôi ở phần sau thì sẽ hiểu rõ hơn).

Kính thưa quý bạn! Nếu chữ Di không làm tổn hại đến mặt tu hành và không làm tổn hại đến sức khỏe của những người tu Tịnh độ, thì ngài Trí Tịnh không cần phải hy sinh đứng lên để nói ra sự sai lầm của chữ Di. Khi nói ra sự thật này thì Ngài biết sẽ bị nhiều người chỉ trích, mà nhất là những người tu hành không cùng Tông phái. Nhưng Ngài không lo sợ về những lời chỉ trích của người đời, mà Ngài chỉ lo cho phật tử Việt Nam hiện tại và tương lai không hiểu được chỗ sai lầm của chữ Di. Thêm vào, Ngài thấy chữ Di này đã hại vô số phật tử tu Tịnh độ từ xưa đến nay và bây giờ đến lúc phải cần thay đổi chữ Di thành Mi, để giúp cho phật tử Việt Nam hiện tại và tương lai tu hành mau được thành Phật hơn. Nếu quý bạn là người hiểu đạo thì phải biết mang ơn Ngài còn không hết, có lý nào lại đi chỉ trích Ngài. Xin quý bạn hãy thận trọng về lời nói của mình, vì quả báo của tội khẩu nghiệp rất là đáng sợ.

Kính thưa quý bạn! Tâm nguyện của tôi cũng giống như tâm nguyện của ngài Trí Tịnh. Tôi không lo sợ về vấn đề chỉ trích của người đời, mà tôi chỉ lo cho con cháu của tôi hiện tại và tương lai không hiểu được sự sai lầm của chữ Di. Thêm vào, tôi thấy chữ Di này đã hại vô số phật tử trong quá khứ, hiện tại và tương lai, nên nhiều năm qua tôi không ngừng nghỉ viết sách để nói lên sự thật sai sót này. Tôi thiết nghĩ đến lúc chúng ta phải có trách nhiệm nói lên sự thật, để giúp cho con cháu chúng ta hiện tại và tương lai tu hành mau được thành Phật và không còn bị tổn thương đến sức khỏe.